Nguyễn Tiến – Quang Phạm
Bài 1: Tôn giáo dưới sự kiểm soát của nhà nước và tự do tôn giáo ở Việt Nam
Bài 2: Các Chiến Lược Chính Kiểm Soát Tôn Giáo của Việt Nam
Bài 4: Can thiệp vào Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo
(VNTB) – Các thành viên của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thường giữ các chức vụ trong chính quyền hoặc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO BỊ ĐẶT DƯỚI SỰ KIỂM SOÁT CỦA NHÀ NƯỚC
6. ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Phần này đề cập đến sự can thiệp của chính phủ Việt Nam vào việc thực hành tôn giáo của Giáo hội Công giáo La Mã thông qua Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN), một tổ chức tôn giáo giả mạo do nhà nước kiểm soát.
Không giống như các tổ chức tôn giáo khác được đề cập trong phúc trình này, UBĐKCGVN không chính thức hay trực tiếp kiểm soát giáo phái này. Thay vào đó, Uỷ ban hoạt động bằng cách xâm nhập vào hàng ngũ giáo dân và các cấp bậc chức sắc.
Các thành viên của UBĐKCGVN thường giữ các chức vụ trong chính quyền hoặc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Chiến lược xâm nhập bao gồm việc bổ nhiệm các lãnh đạo tôn giáo, đối xử phân biệt đối với các thành viên của Uỷ ban, xuất bản tài liệu tôn giáo, và chiếm giữ và kiểm soát tài sản.
Thông qua UBĐKCGVN, chính phủ còn can thiệp vào việc liên lạc giữa các chức sắc và tín đồ Công giáo, cũng như giữa tín đồ và các tổ chức Công giáo trên toàn thế giới, bao gồm cả Tòa Thánh Vatican. Cuối cùng, chính phủ đàn áp những người Công giáo Việt Nam phản đối hoặc chỉ trích UBĐKCGVN.
Bối cảnh
Theo số liệu của chính phủ, có khoảng 7 triệu tín đồ Công giáo ở Việt Nam.
Từ năm 1954 đến năm 1955, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) kiểm soát cộng đồng Công giáo thông qua tổ chức gọi là “Hội Công giáo Cứu quốc Việt Nam”. Từ năm 1955 đến năm 1983, tổ chức này được đổi tên thành “Ban Liên lạc Công giáo Yêu nước”. Đến năm 1983, tên gọi được đổi thành Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN).
Ban đầu, chính quyền cộng sản tại miền Bắc Việt Nam cố gắng thành lập một giáo phái Công giáo Việt Nam độc lập, không phụ thuộc vào Giáo hội Công giáo La Mã và quyền lực của Giáo Hoàng, nhưng nỗ lực này thất bại khi người Công giáo miền Bắc vẫn trung thành với Vatican dù phải chịu nhiều đàn áp.
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975, ĐCSVN đặt tầm nhắm vào các tín đồ Công giáo miền Nam phản kháng sự can thiệp của nhà nước, bắt giữ các chức sắc Công giáo có ảnh hưởng trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Chính phủ cũng tịch thu các trường học, cô nhi viện, tu viện, bệnh viện và các cơ sở khác do Công giáo điều hành. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) hợp tác với một nhóm linh mục Công giáo ủng hộ đảng Cộng Sản và chính phủ để thúc đẩy “tinh thần yêu nước của người Công giáo” nhằm xâm nhập và kiểm soát Giáo hội.
Theo hiến chương ban đầu của UBĐKCGVN, ngân sách của tổ chức này đến từ hai nguồn: “nguồn lực do các địa phương đóng góp” và “nguồn thu hợp pháp”. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2002-2007, hiến chương của Uỷ ban đã đề cập đến một nguồn thu thứ ba: ngân sách do nhà nước tài trợ. Chính phủ đã công khai công nhận công lao của Uỷ ban và các lãnh đạo của Uỷ ban thông qua các giải thưởng, bao gồm huân chương Độc lập hạng nhất vào năm 1983 và huân chương Hồ Chí Minh vào năm 2005. Nhà nước tài trợ cho 39 uỷ ban cấp tỉnh, mỗi ủy ban cấp này được từ 30 đến 150 triệu đồng Việt Nam (tương đương từ 1.180 đến 5.900 USD) mỗi năm. Tờ báo Công giáo Việt Nam của Uỷ ban nhận được khoảng 600 triệu đồng VN (tương đương 24.000 USD) tài trợ từ chính phủ hàng năm.
Quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam chưa bao giờ được thiết lập chính thức, nhưng vào năm 2023, hai bên đã nâng cấp sự hiện diện của Vatican tại Việt Nam lên cấp độ “Đại diện Thường trú”. Để làm vừa lòng chính phủ Việt Nam, Vatican đã tránh công khai nêu lên các mối lo ngại về việc chính phủ can thiệp vào các công việc của Giáo hội, tịch thu hàng loạt tài sản của Giáo hội Công giáo Việt Nam và việc đàn áp người Công giáo.
Bổ nhiệm các lãnh đạo tôn giáo
Cẩm nang đào tạo năm 2021 của Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) dành cho các quan chức chính phủ đã nhấn mạnh rằng Vatican phải báo cáo việc lựa chọn giám mục hoặc các chức sắc cấp cao để chính phủ phê chuẩn. Vatican đã chấp nhận quy trình này vì quan hệ song phương.
Các linh mục Công giáo thường tránh chỉ trích UBĐKCGVN vì sợ bị chính quyền trả thù.
Năm 1990, giám mục của giáo phận Ban Mê Thuột ở Tây Nguyên đã lên tiếng phản đối tổ chức Công giáo do nhà nước kiểm soát. Sau đó, chính quyền đã ngăn cản ông tham dự một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Công giáo dù ông giữ vai trò lãnh đạo. Chính phủ vẫn tiếp tục đàn áp giáo phận này, quấy rối các linh mục và ngăn cản các buổi lễ tôn giáo. Sau sự kiện này, các báo cáo từ cộng đồng cho thấy hầu hết các giám mục đều ngần ngại không dám chỉ trích hay đối đầu với UBĐKCGVN.
Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam độc lập không công nhận chính thức Uỷ ban này cũng như không cho phép hoạt động của tổ chức này trong Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, Hội đồng này cũng tránh đối đầu công khai với Uỷ ban này do nhà nước kiểm soát.
UBĐKCGVN hoạt động ở hầu hết trong số 24 giáo phận và 3 tổng giáo phận trên khắp Việt Nam, với Tổng giáo phận Huế và Giáo phận Ban Mê Thuột là một số ít trường hợp ngoại lệ.
Các báo cáo từ những người Công giáo Việt Nam cho biết rằng, ngay cả một số linh mục và giám mục không phải là thành viên chính thức của Uỷ ban này vẫn hợp tác chặt chẽ với tổ chức và âm thầm thực hiện các chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng trong Giáo hội.
Năm 2019, UBĐKCGVN báo cáo có 123 linh mục tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 6 được tổ chức vào năm 2013 và có 402 linh mục tham gia vào các chi nhánh của Uỷ ban ở cấp tỉnh và thành phố. Chỉ một phần nhỏ trong số các linh mục này công khai tuyên bố là 149 thành viên của Uỷ ban. Năm 2023, thành viên của Uỷ ban gồm 352 linh mục và 180 tu sĩ. Các quan chức từ BTGCP, Bộ Công an, và MTTQVN vẫn tích cực hiện diện tại các hội nghị và các cuộc họp quan trọng của Uỷ ban. Chủ tịch của Uỷ ban hiện nay cũng là Phó Chủ tịch của MTTQVN.
Một số thành viên của Uỷ ban nắm giữ các vị trí quan trọng trong Giáo hội, chính quyền và Đảng.
Ví dụ, khi giữ chức Tổng Đại diện của Tổng giáo phận Sài Gòn từ năm 1975 đến năm 2014, Cha Huỳnh Công Minh cũng là Phó Chủ tịch của Uỷ ban và là đại biểu Quốc hội từ năm 1976 đến năm 1981. Từ năm 1997 đến năm 2014, Cha Nguyễn Công Danh là Tổng Giám Đốc Tâm Linh của Legio Maria, một phong trào quốc tế của Giáo hội Công giáo; ông cũng là Chủ tịch của Uỷ Ban từ năm 2008 đến năm 2022 và Phó Chủ tịch của cả MTTQVN và Mặt trận Tổ quốc địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như là đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1995 đến năm 2004.
Đối xử phân biệt với các thành viên của UBĐKCGVN
Theo các báo cáo từ người Công giáo ở Việt Nam, chính phủ sử dụng quyền lực của mình để phê duyệt các hoạt động tôn giáo hoặc xây dựng các địa điểm tôn giáo nhằm khuyến khích gia nhập hoặc hợp tác với UBĐKCGVN.
Những người liên kết với UBĐKCGVN được đối xử ưu ái. Ví dụ, chính quyền huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã từ chối phê duyệt việc xây dựng Trung tâm Hành hương Núi Cúi trừ khi các lãnh đạo Công giáo trong giáo phận đồng ý gia nhập hoặc ủng hộ Uỷ ban. Tính đến năm 2018, chính quyền chỉ phê duyệt khoảng 4,43 ha trên tổng số 22 ha được quy hoạch cho dự án này. Giám mục Đỗ Văn Ngân của giáo phận Xuân Lộc đã sử dụng mối quan hệ chặt chẽ của mình với Mặt trận Tổ quốc để kêu gọi sự can thiệp của chủ tịch MTTQVN. Đỗ Văn Chiến, chủ tịch Mặt trận, đã đích thân đến thăm giám mục vào dịp Giáng Sinh và ca ngợi giáo phận Xuân Lộc như một tấm gương hợp tác giữa Giáo hội và chính quyền. Sau đó, chính quyền địa phương đã cho phép hoàn thành toàn bộ dự án xây dựng Trung tâm Hành hương.
Sự đối xử ưu tiên dành cho các lãnh đạo tôn giáo thuộc Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCGVN)
Chính phủ cung cấp các đặc quyền từ nguồn ngân sách công cho các lãnh đạo tôn giáo trong Uỷ ban.
Chủ tịch của Uỷ ban được hưởng các quyền lợi tương đương với các bộ trưởng của chính phủ, bao gồm chăm sóc sức khỏe miễn phí, biển số xe xanh loại 31A (dành cho các quan chức chính phủ từ thủ đô của quốc gia), tài xế riêng, trợ cấp nhiên liệu và kinh phí cho tất cả các chuyến công tác chính thức. Các thành viên của Ủy ban Trung ương của UBĐKCGVN được hưởng quyền đi máy bay miễn phí và được cung cấp ô tô công cùng tài xế trong tối đa một tháng khi thăm quê nhà. Trong trường hợp một thành viên quan trọng của Uỷ ban qua đời, chính phủ sẽ chi trả cho dịch vụ tang lễ tại nhà tang lễ quốc gia – Dinh Thống Nhất.
Trong khi các linh mục có liên hệ với UBĐKCGVN được tự do đi ra nước ngoài, gồm cả việc gây quỹ trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, Bộ Công an áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các linh mục và tín đồ Công giáo lên tiếng phản đối các vấn đề như bất công môi trường, chiếm đất hoặc bảo vệ tự do tôn giáo.
UBĐKCGVN công khai chỉ trích những người Công giáo, bao gồm cả linh mục, phản đối việc chính phủ chiếm đoạt tài sản của Giáo hội, cáo buộc họ là “những người có ý đồ xấu nhằm kích động công chúng”.
Năm 2016, Linh mục Đặng Hữu Nam, một linh mục của Giáo phận Vinh, người công khai phản đối UBĐKCGVN, đã dẫn đầu các cuộc biểu tình chống lại công ty Đài Loan Formosa vì những thiệt hại sinh thái mà công ty này gây ra, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng ngàn gia đình sống trong các làng chài, bao gồm cả cộng đồng tôn giáo của ông.
Đáp lại hoạt động này, chính phủ yêu cầu Giáo phận chuyển ông sang làm công việc bàn giấy tại một văn phòng giáo phận. Hơn nữa, mạng xã hội của UBĐKCGVN đã cáo buộc Linh mục Nam thiếu tôn trọng Linh mục Nguyễn Đăng Điền, Chủ tịch chi nhánh UBĐKCGVN tại Nghệ An. Ngoài ra, chính phủ thường áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các linh mục bị nhắm đến, và không đưa ra lý do gì ngoài lý do “an ninh quốc gia”.
Can thiệp vào việc xuất bản các tài liệu về tôn giáo
Trong khi chính phủ không cho phép Giáo hội Công giáo phân phối ấn phẩm của riêng mình tại Việt Nam, UBĐKCGVN lại điều hành một tờ báo chính thức tại miền Bắc, tên là Người Công giáo, và hai ấn phẩm chính thức tại miền Nam, Báo Công giáo Việt Nam, và tờ Công giáo và Dân Tộc hàng tuần. Kinh phí cho các ấn phẩm này đến trực tiếp từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Mặc dù chưa bao giờ được Giáo hội Công giáo công nhận là cơ quan ngôn luận chính thức của mình, các nhà xuất bản của các tờ báo này vẫn tự mô tả là tiếng nói của Giáo hội Công giáo Việt Nam. UBĐKCGVN sử dụng các ấn phẩm này để tuyên truyền các cách giải thích giáo lý phù hợp với chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
UBĐKCGVN thường trích dẫn và cố tình diễn giải sai thông điệp của các nhà lãnh đạo Giáo hội. Ví dụ, UBĐKCGVN tiếp tục diễn giải sai lá thư mục vụ năm 1980 của Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam để ủng hộ chủ nghĩa xã hội theo kiểu Cộng sản.
Đôi khi, các ấn phẩm của UBĐKCGVN đã chỉ trích cả Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam. Sự đóng góp của các linh mục có liên hệ với UBĐKCGVN như Giám mục Bùi Tuần, Linh mục Thiên Cẩm và Linh mục Nguyễn Hồng Giao vào các ấn phẩm này càng củng cố thêm quan điểm rằng các ấn phẩm này đại diện cho quan điểm và tiếng nói của Giáo hội Công giáo. Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt từng bày tỏ quan điểm của mình trong một cuộc phỏng vấn năm 2008 rằng: “Viết cho tạp chí đó [Công giáo và Dân Tộc] là điều không tốt cho cả cá nhân lẫn danh hiệu Công giáo, đang bị làm giả mạo”.
Vấn đề tài sản
Kể từ năm 1954, chính phủ đã tịch thu và tiếp tục duy trì quyền sở hữu hàng nghìn tài sản từng thuộc về Giáo hội Công giáo, bao gồm các cơ sở từ thiện, y tế và giáo dục, cũng như đất đai.
Chính quyền đã biến nhiều nhà thờ, chủng viện, trường học và các tòa nhà khác bị tịch thu thành các nơi hội họp, hợp tác xã, tòa nhà văn phòng hoặc nơi cư trú cho các quan chức chính phủ. Thực tế này vẫn tiếp tục ngay cả khi chính phủ đã tăng cường quan hệ với Vatican. Năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ không chấp nhận yêu cầu từ Vatican về việc trả lại các tài sản bị tịch thu cho Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Kể từ năm 1976, chính phủ ngày càng xâm phạm đất đai của Đan Viện Thiên An tại tỉnh Thừa Thiên – Huế và hiện đang chiếm khoảng 80% trên tổng số 108 ha của đan viện.
Năm 2010, chính quyền đã tịch thu một khu đất rộng lớn của Giáo xứ Cồn Dầu ở Thành phố Đà Nẵng.
Năm 2015, chính phủ đã lấy đất từ Giáo xứ Đông Yên tại tỉnh Hà Tĩnh lấy danh nghĩa tái định cư.
Năm 2019, chính quyền đã tịch thu toàn bộ vườn rau Lộc Hưng rộng 11 mẫu Anh (acres) thuộc sở hữu của một cộng đồng Công giáo địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1959, chính quyền đã chiếm nơi ở của Khâm sứ Tòa Thánh. Năm 2008, chính phủ đã san bằng khu đất và xây dựng một thư viện công cộng. Đến đầu năm 2024, chính phủ chào đón Khâm sứ thường trú đầu tiên của Tòa Thánh tại Việt Nam sau 65 năm, nhưng vẫn tiếp tục giữ lại quyền sở hữu khu đất mới toà Khâm sứ được xây dựng ban đầu.
KẾT LUẬN
Chính phủ Việt Nam sử dụng 6 tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát được đề cập trong phúc trình này làm công cụ để thể hiện sự tuân thủ của họ với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin. Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức này vi phạm quyền tự do hoạt động tôn giáo độc lập và cản trở những hoạt động khác của các cộng đồng tôn giáo mà họ tự tuyên bố đại diện.
Thông qua các tổ chức thuộc chính quyền như Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như các luật lệ và ba chiến lược thay thế, thỏa hiệp/khuynh loát và xâm nhập, chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát được trình bày và thảo luận trong phúc trình này, tuân theo mục tiêu và ý chí của họ. Điều này tác động tiêu cực đến tự do tôn giáo trên toàn quốc Việt Nam và làm suy yếu các tổ chức tôn giáo độc lập và sự diễn đạt của họ.
(*) Dịch theo Tài liệu của UỶ HỘI TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ HOA KỲ – USCIRF – State-Controlled Religion and Religious Freedom in Vietnam
N.T. – Q.P.
Nguồn: Việt Nam Thời báo