Xin gửi đến Chủ tịch tỉnh và Sở Tài nguyên – Môi trường Thanh Hóa

Thái Hạo

Nguyễn Hữu Vỹ ·

Cắt da xẻo thịt, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên đã gắn liền với lịch sử hình thành các thôn làng qua bao thế hệ nhằm xóa bỏ ký ức, văn hóa, lịch sử, tình yêu quê hương.

Phá hoại môi trường là tội ác.

Từ kẻ khai thác đến kẻ cầm quyền đồng lõa làm ngơ chính là giặc.

Cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu dừng lại!

Truc Nguyen Duy

Mấy dòng cùng tác giả để nói lên tâm trạng một người con xa quê, yêu quê:

Tôi xa quê gần 50 năm. Nhưng tuổi thành niên gắn liền với miền quê này. Với núi Văn Đô-Phú Viên, núi Sắm-Núi Trường Sơn. Hai ngọn núi “cô đơn” giữa đồng bằng xứ Thanh (Đồng bằng bán sơn địa) đẹp đến mê hồn và gắn liền với tuổi thơ thế hệ tôi.

Nay về quê buồn lắm! Núi bị đào nham nhở… nhìn vào như thấy thân mình bị cắt xén, thương tích thật đau.

Thêm nữa.. từ Tĩnh Gia về (theo QL1) từ sân bay về (theo tuyến mới) núi bị đào xới như bị tàn sát không thương tiếc.

Biết rằng để đầu tư, phải khai thác tài nguyên. Nhưng ta có quan tâm tới thiên nhiên, giữa gìn di tích thiên nhiên cho hôm nay, thì mới còn cho con cháu đời sau… Và như tác giả viết, chúng ta đã đánh giá tác động môi trường chưa (bao gồm cả những ý kiến trên…)?

Đăng Hà

Các nhà máy sản xuất gạch Đồng Nai khai thác đất sét, bao nhiêu hố sâu hoắm bỏ đó..k. hông có cơ quan chủ quản nào trông coi, mỗi năm lấy đi không ít sinh mạng.

Rồi Bình Phước cũng thế, dự án xây dựng hồ chứa nước dân sinh, không khảo sát, đến lúc đào khoét đã đời mới phát hiện mực nước tối đa tiệm cận chiều cao an toàn đối với đường dây 500kv… Vậy rồi dừng dự án cũng không bồi đắp trả lại cho trụ điện cao áp, để chỏng chơ móng trụ.

Phú Viên là một quả núi “cô đơn” nằm giữa một cánh đồng lúa mênh mông xanh mướt. Và để múc nó đi, người ta gọi đó là “mỏ đất”. Dưới đỉnh đầu cái “mỏ đất” này là 3 ngôi làng lâu đời, là làng Phú Viên (xã Trường Minh), làng Văn Đô và Bất Nộ (xã Trường Sơn), thuộc Nông Cống, Thanh Hóa.

Hãy nhìn vào hình để thấy nhà cửa của người dân ở xung quanh núi và sát vào chân núi, kéo lên tận triền dốc. Bề rộng của các làng, tính từ chân núi xuống mép ruộng chỉ rộng chừng vài trăm mét, nó tạo thành một cái vòng tròn, dựa hẳn vào núi và không thể tách rời khỏi núi này. Nói cách khác, núi Phú Viên chính là ngôi nhà duy nhất của cả 3 làng này.

Ai đã cấp phép cho các công ty đến phá tan quả núi ấy, tức là tàn phá cuộc sống của hàng ngàn con người? Việc cấp phép này dựa trên quy định nào của Luật Khoáng sản? Điều 53, điểm b quy định về Nguyên tắc và điều kiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản: [Phải] “Có báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường Thanh Hóa công bố bản đánh giá tác động môi trường này; đồng thời công bố các căn cứ và thủ tục pháp lý đã được thực hiện khi cấp phép khai thác đất ở núi Phú Viên.

Một người dân chia sẻ rằng, cách đây vài năm đã có một học sinh lớp 10 chết đuối trong cái hồ do đất bị múc sâu thành vực dưới chân núi. Mùa mưa thì bùn đất chảy ra, mùa nắng thì bụi bặm bao phủ làng. Ngay trong thời điểm hiện tại, hàng chục xe ben và máy cuốc vẫn đang rầm rộ đào bới ngay trên đầu người dân, tiếng máy không khi nào lặng.

Tôi hỏi người dân trong làng, rằng tại sao không phản đối một dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế đối với an toàn và cuộc sống của chính mình. Họ trả lời, phản đối rồi, nhưng vô ích. Một cụ già chỉ tay lên trời và nói bằng giọng cười nhạt: “Không có trời”.

Từ năm 2015, Báo Tài nguyên & Môi trường – cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường – đã lên tiếng trước sự nhức nhối này ở núi Phú Viên: “Mặc dù đã hết hạn khai thác, thế nhưng tại mỏ đất núi Phú Viên, thôn Phú Viên, xã Trường Minh, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) của Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Thương mại và Du lịch Anh Dũng vẫn hoạt động một cách ngang nhiên mà không hề gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía cơ quan chức năng và chính quyền địa phương”.

Đến năm 2019, hàng loạt tờ báo lớn của nhà nước đồng loạt lên tiếng về vụ hàng chục tên côn đồ đến đập phá cổng làng Phú Viên. Báo Người Lao động viết: “Nhóm côn đồ xăm trổ đi xe Lexus 570 tới đập phá cổng làng Phú Viên ở Thanh Hóa có liên quan đến việc khai thác mỏ đất trên địa bàn. Đây là mỏ đất mà người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc”.

Tiếc một quần thể làng xinh đẹp, thanh bình và đang phát triển đầy triển vọng. Những ngôi nhà to đẹp khang trang tựa lưng vào núi bên những hàng dừa cổ thụ, những giếng làng xanh biếc nước trong nhìn thấy đáy, những ao sen lặng lẽ bên đường đi, và đồng lúa, đồng lúa xanh mênh mông trải ra bát ngát… Trong những vật đổi sao dời của thời buổi “công nghiệp hóa” này, không dễ để còn tìm thấy những nơi sinh sống bình yên và đẹp đẽ đến thế nữa cho con người. Nó cần được giữ gìn như giữ lấy chính trái tim của quê hương đất nước này.

Nhưng hôm nay, xe ben, máy cuốc vẫn đang ung dung đào bới, múc đất và đào thành vực sâu hun hút ngay trên đầu người dân. Và tất cả những người dân mà tôi vừa gặp đều bức xúc, phẫn nộ nhưng ngao ngán và bất lực như muốn buông xuôi, vì “kêu trời không thấu”.

Không thể bất chấp luật pháp mà đánh đổi tính mạng và cuộc sống của hàng trăm hộ dân để mang về lợi ích cho một vài cá nhân. Luật đã có và làng còn đây trong ngổn ngang đá cát nham nhở đầy đe dọa. Xin gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nỗi lo lắng và bức xúc này của người dân. Muộn còn hơn không, đề nghị ông cho kiểm tra căn cứ pháp lý của việc khai thác này, và phải buộc dừng ngay nếu có vi phạm.

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cần rà soát lại trên toàn tỉnh về tình trạng khai thác đất đá làm vật liêu san lấp. Dường như có một sự tự phát, tùy tiện, buông lỏng và lợi ích nhóm đang diễn ra khắp nơi, khiến núi đồi bị xẻ thịt ngay trên đầu, trên lưng và bên hông người dân. Cần có một quy hoạch bài bản và quản lý chặt chẽ việc khai thác khoảng sản này, để phát triển bền vững, giữ gìn non sông gấm vóc mà làm hồi môn cho con cháu muôn đời sau. Đừng để đời cha ăn mặn đời con khát nước. Càng không thể “sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi”.

 

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Môi trường sinh thái, Thái Hạo. Bookmark the permalink.