Cái giá của việc thay thế rừng bằng cây độc canh: Từ lợi ích ngắn hạn đến hậu quả dài lâu

Tô Văn Trường 

4/10/2024

Trong nhiều năm qua, tình trạng phá rừng tự nhiên đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối trong việc phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều vùng đất xanh bị xóa sổ để nhường chỗ cho những “đồn điền” năng suất cao, và mục đích phát triển kinh tế, nhưng ít ai nhận ra rằng sự thay thế này không chỉ đơn thuần là chuyển đổi mô hình sản xuất. Đấy là chưa kể những vụ phá rừng tự nhiên, do di dân tự phát.

Hậu quả của siêu bão Yagi, đặc biệt là lũ, lở đất gây nên cái chết rất thương tâm của nhiều người dân, đặc biệt ở Làng Nủ làm chết 43 người và 52 người mất tích đã được các nhà khoa học công bố đánh giá trong hội thảo khoa học “Thảm hoạ Làng Nủ, nguyên nhân và giải pháp phòng tránh” diễn ra ngày 2/10/2024, do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Theo mô phỏng, tính toán của các nhà khoa học, khối lượng đất đá và nước khổng lồ lên tới 1,6 triệu m3 đã ập xuống ngôi làng nhỏ với 37 hộ dân. Qua sử dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh để tính toán, nhóm nghiên cứu xác định, dòng lũ chỉ mất khoảng 5-6 phút để từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng.

Tại hội thảo, GS TS Đỗ Minh Đức và nhóm nghiên cứu bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cho biết, ở các tỉnh miền núi Việt Nam, những khu vực có điều kiện địa hình, địa chất và đặc điểm phân bố dân cư tương tự như Làng Nủ là không ít.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất về quy trình xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, thủy điện, hệ thống quan trắc chuyên sâu, cảnh báo sớm… trong vùng có rủi ro trượt lở.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, theo thiển nghĩ của tôi, cần nhấn mạnh nguyên nhân quan trọng là hậu quả phá rừng tự nhiên ở nước ta và cần xem xét lại việc trồng cây kinh tế độc canh trên diện tích rừng cũ mà vẫn gọi đó là “phục hồi rừng” và gộp vào thống kê diện tích rừng.

Việc phá rừng tự nhiên để trồng các cây như keo, cà phê, hay các loại cây khác thường được gọi là “phủ xanh đất đồi trọc”, nhưng những loại cây này không thể thay thế hoàn toàn chức năng của rừng tự nhiên trong việc phòng chống lũ lụt và lở đất vì một số lý do sau:

Độ đa dạng sinh học: Rừng tự nhiên có đa dạng sinh học rất cao, cung cấp môi trường sống cho nhiều loài động, thực vật. Điều này giúp duy trì hệ sinh thái ổn định và khả năng phục hồi sau thiên tai. Trong khi đó, các loại cây trồng đơn canh như keo hay cà phê… không cung cấp được tính đa dạng này.

Cấu trúc rễ: Rễ của các cây rừng tự nhiên thường sâu và phân nhánh hơn, giúp giữ đất chặt chẽ hơn, ngăn chặn xói mòn và lở đất. Rễ của các cây keo hay cà phê do bị thúc sinh trưởng nhanh trong thời gian ngắn nên cấu trúc rễ không đủ chằng chịt để giữ đất trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Khả năng giữ nước: Rừng tự nhiên có khả năng giữ nước và điều hòa dòng chảy rất tốt. Các cây rừng với tán lá rộng giúp hấp thụ mưa và giảm tốc độ dòng chảy của nước, từ đó giảm thiểu nguy cơ lũ lụt. Các loại cây trồng thương mại không có khả năng này tương tự.

Khả năng làm thoát nước: Rừng tự nhiên có khả năng làm thoát nước hiệu quả, giúp hạn chế tình trạng ngập úng. Cây trồng thương mại thường không đạt được mức độ này.

Tác động đến khí hậu và đất đai: Rừng tự nhiên góp phần điều hòa khí hậu khu vực và cải thiện chất lượng đất. Việc chuyển đổi sang trồng cây thương mại, do chú trọng đến năng suất cao nên sử dụng nhiều phân hoá học, dẫn đến tình trạng thoái hóa đất và thay đổi khí hậu địa phương.

Như vậy, mặc dù trồng cây có thể giúp che phủ diện tích rừng, nhưng những cây này không thể thay thế các chức năng thiết yếu mà rừng tự nhiên cung cấp trong việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu thiên tai.

Các nhà nghiên cứu ở hai đại học Vương quốc Anh là Edinburgh và Leeds từng tuyên bố, việc coi trồng độc canh thương mại rộng lớn là phục hồi rừng chỉ là “một vụ bê bối của thế kỷ 21”. Nói cách khác, sửa chữa hệ sinh thái bằng đồn điền là sai lầm tệ hại!

Trong hệ thống độc canh này, mặt đất được phát quang rồi trồng duy nhất một loại cây mà không còn cây leo, cây bụi, cây cộng sinh và các sinh vật ký sinh, không còn động vật rừng… Cứ như thể một người dọn dẹp chuyên nghiệp đã được đưa vào khu rừng nhiệt đới. Tiếng chim hót và tiếng ếch nhái vắng lặng, những mái vòm cây lá lộn xộn được dọn sạch bong. Nơi từng là những đám dây leo và cây non hỗn độn nằm chen chúc dưới những dưới tán cây râm mát, giờ được thay thế bằng những cây có cùng chiều cao đứng ngăn nắp và xếp thành từng hàng ngay ngắn. Nước mưa cứ thế mà chảy thẳng tuột từ trên xuống dưới chứ không còn được ngăn chặn, thẩm thấu như khi còn có rừng thiên nhiên với nhiều tầng tán, lớp sinh vật khác nhau sinh sống.

Sau một thời gian ngắn khi lớp đất mặt chưa kịp tái sinh, cây trồng được đốn hàng loạt để thu hoạch, rồi mặt đất được phát quang và trồng lại duy nhất một loại cây. Chu kỳ cứ thế mà tiếp diễn, hệ sinh thái không duy trì được lâu dài như rừng thiên nhiên. Đó là cách làm đồn điền chỉ để cho lợi nhuận cao nhất, không phải là “phục hồi rừng”.

Các nhà nghiên cứu về các cam kết phục hồi của chính phủ tiết lộ rằng: gần một nửa số rừng mới được hứa hẹn sẽ là rừng, thật ra lại được trồng độc canh các loại cây phát triển nhanh và cho lợi ích kinh tế trước mắt thay vì bắt đầu phục hồi các hệ sinh thái. Chẳng chóng thì chầy, thảm họa sạt lở sẽ lại xảy ra.

Một ví dụ cụ thể: sạt lở trên đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) nằm trọn ở khoảnh đồi trồng cây sầu riêng. Vụ sạt lở làm vùi lấp 1 trụ sở trạm cảnh sát giao thông nằm giữa đèo Bảo Lộc, vùi lấp 4 người (gồm 3 chiến sỹ công an và 1 người dân), hư hỏng 3 xe ô tô; chia cắt hoàn toàn giao thông qua đèo Bảo Lộc. Sự việc đau buồn này lại thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tác dụng quan trọng của rừng tự nhiên đối với việc ngăn chặn thiên tai như sạt lở đất, lũ quét…

Toàn cảnh vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc nhìn từ trên cao. Khu vực sạt lở không có cây rừng mà chỉ được trồng sầu riêng. Ảnh: Hải Long/Dân trí.

Một ví dụ khác là cơn đại hồng thủy sông Chảy “nuốt chửng” nhiều nhà dân thôn Kho Vàng. Đoạn đường chính đi vào thôn cũng bị nước lũ và sạt lở đất phá hủy, nhiều ngôi nhà bị cuốn hoàn toàn. Có thể nhận ra, thảm thực vật là thuần một loại cây được trồng theo hàng lối, chứ cây không cao thấp lộn xộn và đa dạng như trong rừng thiên nhiên. Từng thảm thực vật mênh mông không còn, hình ảnh rừng thiên nhiên biến mất, thay vào đó chỉ là cây trồng thuần. Đó là quả bom nổ chậm, và bây giờ đã phát nổ.

Ở những nơi khác, người thường khó nhận ra sự tương quan giữa cây độc canh và thảm họa sạt lở, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn có thể tìm thấy mối tương quan nguyên nhân – hậu quả.

Đoạn đường chính đi vào thôn Kho Vàng cũng bị nước lũ và sạt lở đất phá hủy, nhiều ngôi nhà bị cuốn hoàn toàn. ẢnhTuấn Minh.

Theo một nghiên cứu về rừng và sạt lở đất ở châu Á được đăng trên Tạp chí Recoftc, cây rừng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ sạt lở đất thông qua các cơ chế khác nhau. Cụ thể, rễ cây củng cố các lớp đất, neo đất vào đá gốc, tạo thành các trụ, chống lại sự dịch chuyển của đất. Cây xanh cũng làm giảm nguy cơ sạt lở đất bằng cách ngăn chặn, hạ thấp độ ẩm của đất; thoát hơi nước nhanh giúp giảm xói mòn và đóng vai trò như một rào cản hiệu quả chống lại đá, mảnh vụn và đất trượt.

Nhưng với chu kỳ trồng hàng loạt rồi đốn hàng loạt cây độc canh, những vai trò hữu ích nêu trên không còn được duy trì. Các nhà nghiên cứu từng vạch rõ quá trình chuyển đổi từ cây rừng sang cây trồng đã làm giảm vĩnh viễn độ sâu và sức mạnh của rễ, do đó làm tăng nguy cơ sạt lở. Cây độc canh tạo lợi ích kinh tế ngắn hạn nhưng gây thảm họa lâu dài cho tính mạng con người và tài sản tích cóp từ cả đời làm lụng.

Bên cạnh đó, Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á phải đối mặt với biến đổi khí hậu cực đoan, trong đó cường độ bão nhiệt đới tăng 10-20%. Một nghiên cứu của The center for People and Forests cho thấy, lượng mưa dự kiến sẽ tăng trên hầu hết các khu vực châu Á, đặc biệt là trong mùa đông ở bán cầu bắc. GS.TS Sinh học Thomas Höfer, Đại học Heidelberg (Đức) cảnh báo, sự gia tăng các hiện tượng mưa cực đoan sẽ làm tăng tần suất sạt lở đất ở các khu vực dốc, trong khi lốc xoáy hoặc bão có thể gây ra sạt lở đất bằng cách làm đổ cây cối khiến lộ khoảng đất trống, lượng nước xâm nhập vào đất làm sụt dốc gây sạt lở.

Chúng ta từng nêu khẩu hiệu “phát triển bền vững” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Rừng độc canh là cách làm ăn xổi ở thì chứ không phải bền vững. Dù nó tạo lợi ích kinh tế trước mắt cho nhiều người nhưng cũng bỏ lại phía sau một số người phải chịu thiên tai chồng nhân tai bằng mạng sống và cả nhà cửa. Đối với thảm họa như thế thì không lợi ích kinh tế nào bù đắp được.

Các nhà khoa học lâm nghiệp khuyến khích nên tập trung trồng cây gỗ và cây bụi ở những nơi có độ dốc cao để giảm thiểu rủi ro. Trồng trọt trên sườn dốc nơi địa chất không ổn định gây mất an toàn, phải xây dựng thêm các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm sạt lở đất như đào rãnh thoát nước, trồng xen canh các cây có độ bám rễ tốt, độ phủ cao nhằm tăng tính ổn định của đất. Và cần thiết phải duy trì hệ sinh thái mới này được bền vững chứ không phải đi qua chu kỳ trồng hàng loạt, chặt hàng loạt rồi lại trồng hàng loạt.

Nói tóm lại: Cần rà soát toàn diện và cải thiện việc phục hồi rừng cho phát triển bền vững so với việc trồng cây độc canh cho lợi ích kinh tế trước mắt. Điều này không có nghĩa phải xóa bỏ hoàn toàn diện tích cây độc canh, nhưng phải duy trì hài hòa giữa lợi ích cho thế hệ này và cho những thế hệ mai sau và phải hiểu giá trị của rừng tự nhiên đối với đời sống của con người và bảo vệ môi trường. Điều đó thì ngoài cây rừng, không loại cây trồng nào khác có thể thay thế được.

T.V.T.

Nguồn: Nongnghiep.vn

 

 

This entry was posted in Bảo vệ rừng, Nongnghiep.vn, Phát triển bền vững, Tô Văn Trường. Bookmark the permalink.