Cuộc bầu cử ở Mỹ có ý nghĩa gì đối với Ukraine

Trump thắng cử sẽ gây khủng hoảng cho Kyiv – nhưng không chắc Kyiv bại trận. 

Alexander Vindman, Foreign Affairs 25.9.2024

Đỗ Kim Thêm dịch

Bắn về phía lực lượng Nga ở tiền tuyến gần Pokrovsk, vùng Donetsk, Ukraine, tháng 9 năm 2024. Ảnh:  Serhii Nuzhnenko / Radio Free Europe / Reuters.

Có một chiến lược – một lý thuyết về chiến thắng – là điều chủ yếu để thắng cuộc. Vào năm 2022, kế hoạch tiên khởi của Nga nhằm chiếm đóng Kyiv và chặt đầu giới lãnh đạo Ukraine đã thất bại, và phương cách hiện nay của họ là làm suy yếu sức sự kháng cự của Ukraine  qua cách chiến tranh gây tiêu hao cũng khó có thể thành công. Trong khi đó, Ukraine đã triển khai khéo léo các chiến thuật phòng thủ để trục xuất quân đội Nga ra khỏi các khu vực Kyiv và Kharkiv cũng như phần lớn Kherson, vào năm 2022. Nhưng cuộc tấn công năm 2023 của Ukraine lại thiếu quân, nguồn lực và chiến thuật cần thiết để giành chiến thắng quyết định trên chiến trường trước Nga, và mặc dù cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga vào mùa hè này đã khiến lực lượng của Moscow rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhưng điều đó sẽ không đưa Kyiv đến chiến thắng. 

Chiến thuật không phải là chiến lược, và binh pháp phòng thủ tốt nhất là một con đường chậm chạp đưa đến mức trừng phạt để giành chiến thắng. Để sớm kết thúc chiến tranh và theo các điều khoản có lợi cho Kyiv, Ukraine sẽ cần phải tấn công một lần nữa vào năm 2025. Sau khi thất bại trong cuộc tấn công vào năm 2023, Ukraine sẽ cần thuyết phục những người ủng hộ ở phương Tây đang miễn cưỡng tăng cường hỗ trợ vật chất bằng cách cho họ thấy một chiến lược quân sự thực tế – nó bao gồm các mục tiêu rõ ràng, các hành động hỗ trợ cho các mục tiêu đó và một sự hiểu biết về các nguồn lực cần thiết. Để ngăn chặn viễn cảnh chiến thắng cuối cùng của Nga thông qua tình trạng tiêu hao, chiến lược của Ukraine nên nhằm mục đích duy trì phòng thủ, gây ra tổn thất liên tục trên chiến trường và mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ. Nếu thực hiện thành công, một chiến dịch như vậy có thể buộc Moscow phải đàm phán vào cuối mùa hè năm 2025.

Để bất kỳ điều nào trong số này có thể xảy ra, Ukraine cần sự hỗ trợ từ phương Tây. Và khả năng cũng như thiện chí giúp đỡ của phương Tây sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11. Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris thắng cử, chính quyền của bà ít nhất sẽ duy trì sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với Ukraine, vì lợi ích quan trọng về vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong khi thấy Nga bị đánh bại và ngăn chặn việc Nga xâm lược thêm nữa đối với châu Âu. Trong kịch bản này, Washington và một khối NATO ngày càng hùng mạnh sẽ ủng hộ một cuộc tấn công mới của Ukraine vào năm 2025. Trong hai năm rưỡi qua, Hoa Kỳ đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực quốc phòng. Châu Âu cũng đã tăng cường: 23 trong số 32 quốc gia thành viên của khối NATO đã cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng và lục địa này đã mở rộng việc sản xuất vũ khí. Đánh giá tình hình chiến tranh sau ba năm, một chính quyền mới của Harris có thể xác định rằng cần phải hỗ trợ đầy đủ hơn cho nỗ lực quân sự của Ukraine để gây áp lực đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đưa cuộc xung đột đi vào hồi kết cuộc. Để đảm bảo sự hỗ trợ đó, Kyiv sẽ cần đạt được những chiến thắng nhỏ nhưng có ý nghĩa với các nguồn lực hiện có, cung cấp bằng chứng cho một chiến lược vào năm 2025.

Một kết quả khác trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2024 sẽ là cực kỳ nguy hiểm đối với Ukraine. Cựu Tổng thống Donald Trump và Thượng nghị sĩ Ohio J. D. Vance, người bạn cùng tranh cử, sẽ lãnh đạo một chính quyền theo chủ thuyết biệt lập và chấm dứt mọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine, tách ra khỏi vấn đề an ninh châu Âu và mở cửa thân thiện với Nga và các quốc gia độc tài khác trong khi thể hiện thái độ thù địch với khối NATO và các đồng minh truyền thống khác. Trong hoàn cảnh này, các đối tác còn lại của Kyiv sẽ có thể cung cấp đủ hỗ trợ để duy trì khả năng phòng thủ của đất nước, hạn chế lực lượng Nga đạt được những thắng lợi chậm chạp và tuần tự. Trong tình huống xấu nhất, việc Hoa Kỳ tách ra khỏi Ukraine và châu Âu có thể khiến cuộc chiến trở thành rộng lớn hơn. Kyiv và các đối tác châu Âu phải bắt đầu thiết lập kế hoạch ngay bây giờ cho sự tăng cường cần thiết về hợp tác an ninh nếu Hoa Kỳ rút lui. Mặc dù triển vọng của Ukraine trong việc giành thắng lợi mang tính định đoạt về mặt quân sự sẽ giảm đi trong bất kỳ tình huống bất trắc nào do Trump gây ra, nhưng những biện pháp mà Brussels và Kyiv thực hiện hiện nay có thể làm giảm bớt tác động.

Lý thuyết về chiến thắng

Ukraine sẽ may mắn nếu Harris thắng cử vào tháng 11. Nhưng chỉ riêng kết quả này thì khó có thể mà đảm bảo cho việc chiến thắng. Để tăng cơ hội thành công, Kyiv cần áp dụng một chiến lược cho việc chiến thắng. Trong vài tháng tới, Ukraine phải tập trung vào việc làm chậm các cuộc tấn công của Nga, trong khi xây dựng năng lực quân sự cho một cuộc tấn công vào năm 2025. Phương cách “giữ vững, xây dựng và tấn công” này sẽ đòi hỏi sự gia tăng nhanh chóng sự hỗ trợ của phương Tây để thành công – và ngay bây giờ Ukraine sẽ cần các nguồn lực cho một chiến dịch mới trong vòng chưa đầy một năm. 

Ukraine đã thực hiện một số biện pháp để xây dựng năng lực cho một cuộc tấn công. Kyiv đã đầu tư mạnh vào việc sản xuất máy bay không người lái, mà nó đã chứng minh được khả năng định hình kết quả quân sự khi chúng tấn công vào các cơ sở của Nga. Các máy bay không người lái của hải quân Ukraine đã khiến một phần Hạm đội của Nga tại Biển Đen ngừng hoạt động và mở lại hoạt động thương mại hàng hải ở Biển Đen. Tấn công bằng máy bay không người lái do trong nước sản xuất đã trừng phạt các lực lượng tiền tuyến của Nga và tấn công tầm xa bằng máy bay không người lái đã phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và hỗ trợ của Nga. Kyiv hiện nay cần mở rộng hơn nữa các năng lực của binh pháp bằng máy bay không người lái và thúc đẩy sản xuất ở trong nước về các loại tên lửa, pháo binh, thiết giáp và các thiết bị quân sự khác. Với sự hỗ trợ tài chính đầy đủ từ phương Tây, Ukraine sẽ có thể huy động đúng mức cho cơ sở công nghiệp quân sự cho chiến tranh. 

Việc huy động thêm quân cũng quan trọng như việc đảm bảo viện trợ vật chất. Ukraine hoàn toàn có thể tuyển mộ khoảng 300.000 thanh niên trong độ tuổi quân ngũ mà không làm cho nền kinh tế của đất nước suy thoái nghiêm trọng. Tân binh sẽ là cần thiết không chỉ cho việc lấp đầy các đơn vị bị suy yếu do tổn thất trên chiến trường mà còn để thành lập các đơn vị mới, điều này cũng sẽ cho phép những binh sĩ mệt mỏi luân chuyển ra khỏi tiền tuyến. Nếu Ukraine bắt đầu chiến dịch tuyển quân ngay bây giờ, các lực lượng mới sẽ được huấn luyện đầy đủ để thay thế các đơn vị đang ở tiền tuyến trong sáu tháng. Một số đơn vị mới của Ukraine sẽ cần sáu đến chín tháng huấn luyện bổ sung và một số kinh nghiệm trên chiến trường để chuẩn bị phục vụ như lực lượng xung kích và tấn công cho năm 2025. Với thời gian eo hẹp, các nỗ lực tuyển quân phải bắt đầu ngay.

Ukraine sẽ cần phải tấn công một lần nữa vào năm 2025

Các nước phương Tây cũng đóng một vai trò quan trọng. Chính quyền Biden và nhóm cộng sự về an ninh quốc gia của Harris phải cam kết hỗ trợ cho chiến lược quân sự của Ukraine trong năm 2025 và bắt đầu khai triển chính sách cũng như phối hợp các nỗ lực để đảm bảo cho tính cách liên tục trong suốt giai đoạn chuyển tiếp trong trường hợp Harris thắng cử. Đồng thời, Ukraine nên chứng tỏ việc cam kết về việc phát động một cuộc tấn công khác vào mùa hè năm 2025 bằng cách huy động nhân lực và cơ sở công nghiệp. Nếu Ukraine làm như vậy, việc hỗ trợ vật chất bổ sung có thể gây được nhiều thu hút chính trị dễ dàng hơn ở Hoa Kỳ. 

Để thực hiện chiến lược của Kyiv, sự hỗ trợ của phương Tây phải mở rộng về quy mô và phạm vi. Ngoài việc cung cấp đầy đủ nguồn tiếp tế đạn dược, pháo binh và tên lửa, chiến dịch của Ukraine sẽ đòi hỏi một đợt tăng cường xe tăng, xe thiết giáp, hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật, hệ thống pháo binh, hệ thống tên lửa phóng hàng loạt, hệ thống phòng không và hệ thống tác chiến điện tử của phương Tây để trang bị cho ít nhất 12 lữ đoàn mới (khoảng 60.000 quân). Một chương trình thuê bao của Hoa Kỳ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao thiết bị. Một số nguồn lực có thể được lấy từ kho dự trữ của Hoa Kỳ tại Châu Âu, hoặc thậm chí trực tiếp từ các đơn vị đang hoạt động ở nước ngoài. Các kho dự trữ sẽ cần được bổ sung trong vài năm tới. Mặc dù việc rút bớt nguồn cung cấp của Hoa Kỳ là một rủi ro được tính toán, nhưng đây là rủi ro đáng để chấp nhận – cung cấp cho Ukraine các nguồn lực mà họ cần để thắng cuộc là tốt hơn là giữ lại các thiết bị quan trọng nhằm dự phòng cho trường hợp bất trắc. 

Một phần của giải pháp là sửa chữa các thiết bị của phương Tây mà Ukraine đã nhận được. Ukraine cần có khả năng sửa chữa ở trong nước cho các thiết bị do phương Tây sản xuất bị hư hỏng, thay vì dựa vào các cơ sở sửa chữa ở Châu Âu. Phần lớn các thiết bị chỉ cần các dịch vụ cơ bản và phụ tùng thay thế, nhưng Washington vẫn cực lực phản đối việc ký hợp đồng với các doanh nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ để tiến hành các việc sửa chữa bên trong Ukraine. Điều này một phần là do có lo ngại rằng chính phủ Nga sẽ coi sự hiện diện của nhân viên Hoa Kỳ tại Ukraine là một tình trạng leo thang, và một phần là do lo ngại về sự an toàn cho cá nhân  trong khu vực có xung đột. Lệnh cấm của Washington phải chấm dứt ngay. Hiện tại, ước tính có khoảng 30 đến 40% thiết bị của Ukraine đang vận hành. Nếu Hoa Kỳ giải toả các hạn chế, tỷ lệ đó có thể tăng lên 90%, tăng gấp ba lần số thiết bị có sẵn cho chiến dịch tiếp theo của Ukraine. 

Trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump, bất kỳ chiến lược nào giúp cho Ukraine  chiến thắng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. 

Các lực lượng của Ukraine cũng cần được huấn luyện về binh pháp hỗn hợp để có thể thành công trong một cuộc tấn công mới. Một chương trình như vậy có thể được tổ chức tại Ukraine với các cựu quân nhân đến từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các quốc gia khác thuộc khối NATO để hướng dẫn cho quân đội Ukraine về các tiến trình thiết lập kế hoạch quân sự của phương Tây. Các quân nhân Ukraine có thể đồng hành với các giảng viên nước ngoài và cuối cùng họ học được cách tự chỉ đạo các chương trình huấn luyện. Nhờ thế mà họ đảm bảo rằng nội dung chương trình huấn luyện có thể mở rộng đến toàn bộ quân đội Ukraine. 

Mục đích của khóa huấn luyện không phải là dạy cho binh sĩ Ukraine về cách chiến đấu với quân Nga; họ đã làm như vậy trong hai năm rưỡi qua. Thay vào đó, trọng tâm của khóa huấn luyện sẽ là lập kế hoạch cho một cuộc tấn công mới và quan trọng. Lực lượng Ukraine phải được huấn luyện về chiến thuật tốt hơn, bao gồm cả chiến đấu ban đêm, cũng như các cựu quân nhân của khối NATO sẽ huấn luyện về cách phối hợp nhịp nhàng trong các hành quân tấn công phức tạp, đặc biệt là cách phá vỡ các tuyến phòng thủ kiên cố. Nhiều lữ đoàn cần phải làm việc liên tục và thống nhất để ứng phó hiệu quả với những thay đổi không thể tránh khỏi trên chiến trường. 

Một lữ đoàn với đầy đủ quân số, từ giới lãnh đạo cho đến các cấp trung đội, có thể hoàn thành khóa huấn luyện này trong vòng tám tuần. Nhiều lữ đoàn có thể được huấn luyện cùng lúc khi chương trình mở rộng, với nhiều huấn luyện viên đang hoạt động và các đơn vị mới khả dụng để luân chuyển lực lượng ra khỏi tuyến đầu. Trong chín tháng, hàng chục lữ đoàn có thể sẵn sàng cho một cuộc tấn công chủ yếu. Không có khoản đầu tư đơn thuần nào vào vũ khí hoặc công nghệ là định đoạt cho việc thành công của Ukraine bằng việc huấn luyện hoàn hảo và tiến trình này phải bắt đầu ngay. 

Chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky nên thúc đẩy Washington ưu tiên sáng kiến ​​huấn luyện này. Việc huấn luyện kết hợp vũ khí cho nhân viên Ukraine trên quy mô lớn đã thiếu sót trong suốt cuộc chiến. Kyiv nên bắt đầu trình bày vấn đề này với chính quyền Biden ngay lúc này, nhưng cũng nên cân nhắc đến việc định hình cho sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các giai đoạn sau của chương trình huấn luyện mở rộng quy mô như một điều mà chính quyền Harris sắp tới có thể cho đó là chính sách đặc trưng.

Chuẩn bị cho tình huống tệ hại nhất

Việc khởi xướng các kế hoạch cho cuộc tấn công trong năm 2025 ngay bây giờ có thể giảm bớt một số mối đe dọa mà chiến thắng còn tiềm ẩn của Trump vào tháng 11 gây ra cho Ukraine, nhưng Kyiv chỉ có thể làm được đến mức để phòng ngừa khả năng đó. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, chính quyền của ông đã dao động giữa năng lực điềm tĩnh của “những người có phong cách già dặn và trách nhiệm”, đó là những người đã ban hành chính sách an ninh quốc gia bảo thủ truyền thống và sự hỗn loạn của Trump khi tìm kiếm lợi ích tối đa từ các giao dịch với chính phủ nước ngoài trong khi không hiểu được hậu quả nguy hiểm trong hành động của mình. Trong trường hợp của Ukraine, phong cách thất thường của Trump đã chuyển thành một nỗ lực vào năm 2019 nhằm bắt chẹt Zelensky phải tiến hành một cuộc điều tra bịa đặt về Biden, đối thủ chính của Trump trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020. Tôi đã báo cáo và vạch trần âm mưu đó mà nó trở thành cơ sở cho cuộc đàn hạch đầu tiên về Trump, trong khi tôi phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Sau đó, Trump đã làm suy yếu Kyiv bằng cách lặp lại các điểm nói chuyện của Nga về Ukraine và gia đình Biden trong suốt chiến dịch năm 2020. Ông đã thúc đẩy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014, ví dụ, bằng cách đề xuất rằng Nga nên được tái gia nhập vào khối các nước thuộc G7. Cựu tổng thống Hoa Kỳ vẫn duy trì lập trường ủng hộ Moscow vì có thiện cảm với những kẻ mạnh và mong muốn chống lại giới chính trị lâu đời tại Hoa Kỳ, và trong khi đó, ông đã nảy sinh mối thù với Kyiv sau khi Zelensky không khuất phục trước những nỗ lực bắt chẹt của ông. Trump thậm chí còn gọi Putin là “thiên tài” trong những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga. Những lời nói của Trump đã khuyến khích các chính trị gia khác thuộc Đảng Cộng hòa áp dụng giọng điệu ủng hộ Nga, khuyến khích Putin tin rằng cuộc tấn công vào Ukraine sẽ không phải đắt giá.

Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ đi theo một mô hình tương tự như trong nhiệm kỳ đầu. Một lần nữa, các quyết định của Trump sẽ được điều chỉnh theo hướng tự phục vụ cho lợi ích riêng, cảm giác bất bình đối với những người mà ông cảm thấy bị coi thường và tập trung một cách thiển cận vào lợi ích ngắn hạn hơn là nghĩ đến hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, lần này, Trump sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại với niềm tin mãnh liệt hơn vào khả năng tự giải trừ trách nhiệm giải trình. Nhóm cộng sự của ông sẽ không bao gồm các cố vấn độc lập, giàu kinh nghiệm mà là những người có lòng trung thành mù quáng, nhiều người trong số họ đã tận tụy thực hiện các kế hoạch trong Dự án 2025 nhằm xoá tan cấu trúc bộ máy an ninh quốc gia, bao gồm cả quân đội, để đảm bảo sự tùng phục tuyệt đối của họ đối với nhà lãnh đạo hành pháp. 

Các việc chuẩn bị mà Kyiv và các đối tác phải thực hiện trong vài tháng tới là rõ ràng

Nói cách khác, sẽ không còn ai để phản đối các lựa chọn chính sách sai lầm của Trump. Đối với Ukraine, đây là một viễn cảnh đáng lo ngại. Trump đã tỏ dấu hiệu rằng sẽ chấm dứt viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine và gây sức ép buộc Kyiv phải nhượng bộ cho Moscow để chấm dứt chiến tranh. Cả hai lời tuyên bố gần đây của Vance và một bài báo trên The Hill của Donald Trump Jr. và Robert F. Kennedy Jr. (hiện là thành viên trong nhóm chuyển tiếp của Trump) đều cho rằng, với tư cách là tổng thống, Trump sẽ tán thành một kế hoạch hòa bình, mà theo đó Ukraine sẽ nhượng lại khu vực Donbas cho Nga và từ bỏ triển vọng trở thành thành viên của Liên Âu và khối NATO để đổi lấy lệnh ngừng bắn và một “cam kết an ninh” mơ hồ, mà Kyiv có thể coi là vô nghĩa sau khi những cam kết tương tự đã không duy trì được việc vẹn toàn lãnh thổ của Ukraine vào năm 2014. Do đó, một chính quyền Trump – Vance có thể tìm cách hợp pháp hóa cuộc chinh phục của Nga trong khi không mang lại cho Ukraine điều gì hơn là sự hồi sinh của lập trường không liên kết đã từng không có hiệu quả gì trong quá khứ. Ngay cả khi Trump thực hiện chủ trương bất can thiệp nhiều hơn bằng cách đơn giản là thi hành lời đe dọa cắt giảm quân viện cho Ukraine và rút Hoa Kỳ ra khỏi khối NATO, thì chiến dịch của phương Tây nhằm hỗ trợ Ukraine và gây sức ép đối với Nga sẽ bị suy yếu đáng kể.

Bất kỳ chiến lược nào nhằm giúp cho Ukraine chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản thỏa đáng sẽ khó khăn hơn đáng kể trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Một khả năng là Ukraine sẽ bị thiếu trang bị và không thể tiến lên, nhưng không đủ yếu để nhượng bộ, dẫn đến việc Nga dần dà giành được đất. Tệ hơn nữa, nếu Trump thực hiện một bước ngoặt cứng rắn tách rời khỏi Ukraine và hướng về phía Nga, cuộc chiến có thể mở rộng sang các chiến trường khác ở châu Âu. Putin có thể quyết định hành động theo lời mời của Trump để cho Nga làm “bất cứ điều gì họ muốn” đối với các nước thành viên của khối NATO, khi họ không đáp ứng các mục tiêu trong việc chi tiêu quốc phòng của liên minh. Lời nói của Trump được giải thích như một tín hiệu là chính quyền của ông sẽ từ chối đáp trả hành động xâm lược tiếp theo của Nga đối với châu Âu. 

Trong kịch bản này, số phận của Kyiv sẽ phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào các đối tác châu Âu. Sau khi mất đi sự bảo vệ của Hoa Kỳ, giới lãnh đạo châu Âu có thể quyết định mở rộng hỗ trợ vật chất và triển khai quân đội tới Ukraine, họ tính toán rằng nếu chiến đấu chống Nga trên lãnh thổ Ukraine sẽ tốt hơn là ở Ba Lan, Romania hoặc các quốc gia vùng Baltic. Họ có thể mong đợi một bước đi như vậy sẽ kích hoạt việc Nga trả đũa, nhưng theo quan điểm của giới lãnh đạo châu Âu, sự vắng mặt của Hoa Kỳ sẽ mời gọi Nga xâm lược, bằng mọi cách làm xói mòn khả năng phòng thủ tập thể của khối NATO. Vào năm 2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai thổ lộ về viễn cảnh của quân đội châu Âu đang hành quân ở Ukraine, cho thấy một số nhà lãnh đạo châu Âu đã suy nghĩ theo đường hướng này. Liệu các quốc gia châu Âu có thể tự mình kiểm soát được Nga hay không là vấn đề khác; Putin có thể coi giai đoạn mà Hoa Kỳ vắng mặt là cơ hội để cuối cùng Nga phá vỡ được liên minh của khối NATO.

Khi thiết lập kế hoạch với các đối tác châu Âu, Kyiv đang kêu gọi lợi ích của châu Âu và coi chiến thắng của Ukraine là cách chắc chắn nhất để đảm bảo hòa bình lâu dài trên lục địa. Nhưng họ cũng cần có một kế hoạch để giải quyết hậu quả nếu những nỗ lực hỗ trợ cho Ukraine trở thành điểm bất đổng giữa Brussels và Washington dưới thời chính quyền Trump. Giới hoạch định chính sách của Ukraine nên bắt đầu bằng cách cam kết trong các điều khoản song phương với các thành viên ở sườn phía đông của khối NATO, nhằm mục đích tạo ra một liên minh các đối tác sẵn sàng hỗ trợ mà bất kể đến lập trường của Hoa Kỳ. 

Giai đoạn kế tiếp 

Chờ đợi kết quả bầu cử ở Hoa Kỳ không phải là một sự lựa chọn. Nếu Ukraine có bất kỳ cơ hội nào để tiến hành một cuộc tấn công vào năm 2025, Hoa Kỳ và các đối tác khác của Kyiv cần bắt đầu thực hiện một chiến lược mới ngay bây giờ. Việc tăng cường cung cấp nguồn lực và huấn luyện cần thiết có thể làm giảm bớt tác động của chiến thắng của Trump bằng cách làm cho khối NATO có thời gian để điều chỉnh. Liên minh đã thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho thảm họa còn tiềm tàng, bao gồm thông báo vào mùa hè về một bộ chỉ huy quân sự mới ở Đức để giám sát việc cung cấp thiết bị và huấn luyện cho Ukraine mà nó có thể hoạt động trong trường hợp Hoa Kỳ rút khỏi khối NATO dưới thời chính quyền Trump.

Ngay cả khi Trump thắng cử và cắt đứt viện trợ của Hoa Kỳ trước khi cuộc tấn công có thể bắt đầu, thì việc tiếp tục phát triển cơ sở công nghiệp và sản xuất máy bay không người lái của Ukraine, cải thiện khả năng bảo trì vũ khí và thiết bị do phương Tây cung cấp, cũng như huấn luyện và trang bị cho lực lượng Ukraine để thực hiện chiến tranh kết hợp vũ trang hiệu quả trong những tháng tới sẽ giúp cho Ukraine làm suy yếu chiến lược quân sự của Nga. Các thành viên khác thuộc khối NATO có khả năng duy trì hỗ trợ cho Ukraine trong nhiều năm và khi cùng nhau hợp tác, họ có sức mạnh kinh tế, nếu chưa  là ý chí, để vượt qua sản xuất quốc phòng của Nga. Kyiv vẫn cần phải tiến hành một cuộc tấn công khiêm tốn vào năm 2025, bằng cách sử dụng một kho thiết bị nhỏ hơn ở châu Âu và tận dụng tối đa vật liệu sản xuất trong nước. Để ngăn chặn xung đột lan rộng ra ngoài chiến trường hiện tại, châu Âu có thể sẽ cần phải điều quân đến Ukraine để giữ cho lực lượng Nga tham gia vào khu vực phía đông của đất nước. Kyiv và các đối tác châu Âu cũng sẽ cần phải phối hợp các nỗ lực rộng lớn hơn để ngăn chặn một nước Nga đang trở nên táo bạo hơn. 

Trong trường hợp có nhiệm kỳ thứ hai của Trump và Hoa Kỳ chuyển sang chủ thuyết biệt lập, các biện pháp mà Kyiv thực hiện ngay bây giờ để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa hè, ít nhất điều đó có thể định vị quân đội Ukraine để duy trì khả năng phòng thủ và tiếp tục làm suy yếu Nga trong năm tới. Nhưng nếu Harris thắng cử và duy trì hoặc thậm chí còn mở rộng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Ukraine có thể đặt mục tiêu đạt được những thành tựu quân sự đáng kể vào cuối năm 2025. 

Những việc chuẩn bị mà Kyiv và các đối tác phải thực hiện trong vài tháng tới là rõ ràng. Liệu giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch quân sự của Ukraine có dẫn đến một vị thế mạnh mẽ tại bàn đàm phán với Putin hay một cuộc chiến bị kẹt trong tình trạng hao mòn liên tục – hoặc thậm chí là leo thang nguy hiểm – cuối cùng có thể phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri Hoa Kỳ vào tháng 11.

A. V.

*

Alexander Vindman là Trung tá hồi hưu của Quân đội Hoa Kỳ, cựu Giám đốc các vấn đề châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia, có bằng tiến sĩ về các vấn đề quốc tế và là Giám đốc Institute for Informed American Leadership at the VetVoice Foundation.

Dịch giả gửi BVN

 

 

This entry was posted in Alexander Vindman, Bầu cử Mỹ 2024, Đỗ Kim Thêm, Foreign Affairs, Nga xâm lược Ukraine, Quan hệ Mỹ - Ukraine. Bookmark the permalink.