Qua bài học Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia
Nguyễn Quang A
Ngày 3-8-2024, Chủ tịch nước Tô Lâm được suy tôn làm Tổng Bí thư ĐCSVN, đúng 10 ngày sau ông nói về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam [1]. Và từ đó đến nay “kỷ nguyên mới” là một từ khóa thường xuyên xuất hiện trên báo chí Việt Nam, và quan trọng nhất trong thông báo Hội nghị TW-10 từ 18-20/9/2024 nói về “kỷ nguyên phát triển mới vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” [2]. Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ông Tô Lâm cũng nhắc đến kỷ nguyên này. Người đọc và người nghe chưa thật rõ nội hàm của kỷ nguyên mới này là gì. Chúng tôi cho rằng nó phải là kỷ nguyên dân chủ cho Việt Nam, thì mới có ý nghĩa vì nếu không sẽ rất có khả năng chỉ là một mỹ từ, một sáo ngữ.
Dựa vào kinh nghiệm chuyển đổi dân chủ thành công của nhiều nước trên khắp thế giới và nhất là của Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, chúng tôi lý giải vì sao kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ như một trong nhiều ý kiến góp phần cho một cuộc thảo luận rộng hơn.
I. BÀI HỌC THÀNH CÔNG CỦA HÀN QUỐC
Hàn Quốc có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như văn hóa thể thao và kể cả chính trị, vì Hàn Quốc là một trong không nhiều đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ 2022. Chính vì thế cũng nên xem xét các bài học dân chủ hóa của Hàn Quốc có thể giúp gì cho kỷ nguyên cất cánh của dân tộc Việt Nam.
1. 1. Dân chủ hóa từ sự yếu kém thất bại
Triều Tiên bị Nhật chiếm làm thuộc địa từ 1910 đến 1945 và đã phát triển công nghiệp ở miền Bắc, còn miền Nam vẫn là vùng nông thôn lạc hậu. Nhật thất bại trong Chiến tranh Thế giới II và Triều Tiên bị chia làm đôi, theo kiểu như nước Đức, Liên Xô kiểm soát miền Bắc, từ 1945 đến 1948 Mỹ kiểm soát miền Nam (sau đây được gọi là Hàn Quốc). Mỹ đã muốn áp đặt nền dân chủ lên Hàn Quốc, như đã thành công ở Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II. Năm 1948 dân Hàn quốc đã bầu Quốc hội và tổng thống đầu tiên Lý Thừa Vãn. Quốc hội đã thông qua hiến pháp dân chủ, nhưng đáng tiếc Lý đã lợi dụng các kẽ hở hiến pháp để củng cố chế độ độc đoán của mình, nhất là sau khi ban hành Luật An ninh Quốc gia và trong bối cảnh chiến tranh Triều Tiên (nổ ra 1950 và kết thúc 1953 với một hiệp định đình chiến). Tổng thống Lý là tổng thống yếu và Đảng Tự do của ông cũng vậy; nền kinh tế cực kỳ kém phát triển (GDP/đầu người 1953 là 67 USD [~ 1.317$ PPP 2011 không cao hơn mấy mức 1.135$ của Việt Nam] chỉ lên 79 USD [1.548 $ PPP 2011] vào 1960. [3, Ch.5].
Dân chúng, nhất là sinh viên, biểu tình đòi thay đổi chế độ, trong bầu cử Quốc hội 1960 đảng của Lý chỉ giành được 2/233 ghế quốc hội. Lý phải từ chức. Chang Myon và Đảng Dân chủ đối lập của ông thắng lớn và lên nắm quyển, Hiến pháp 1948 được sửa đổi. Tuy nhiên cả thủ tướng Chang và Đảng Dân chủ đã yếu. Tình hình bất ổn định và dân chủ hóa qua thế yếu đã không kéo dài. Tướng Park Chung-hee đảo chính 16-5-1961.
1. 2. Thời kỳ kiến tạo-phát triển và chuyển đổi dân chủ (1961-1987)
Park và Đảng Dân chủ Cộng hòa (DRP) của ông được quân đội hậu thuẫn bắt đầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhà nước đã đầu tư mạnh vào sự phát triển vốn con người, đáng chú ý nhất vào giáo dục; áp dụng các chính sách công nghiệp chiến lược và sự can thiệp nhà nước để tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng công nghiệp và sự phát triển kinh tế. Các Chaebol hình thành và phát triển dưới sự bảo trợ của nhà nước. Giữa 1961 và 1970 GDP/đầu người đã tăng ba lần, tốc độ tăng GDP trung bình gần 8,5%/năm trong 1961-1965 và 1965-1970 trung bình 10,4%/năm. Tăng trưởng kinh tế đã sản sinh ra tầng lớp trung lưu đòi hỏi ngày càng khắt khe, tức là gieo mầm đối lập. Đảng Dân chủ Mới đối lập đã tăng sức mạnh của nó trong các cuộc bầu cử 1971. Đảng của Park vẫn thắng dễ dàng, nhưng Park sợ và đưa vào Hiến pháp Yushin hết sức đàn áp trong 1972 để củng cố quyền lực độc đoán của mình. Trong bầu cử lập pháp 1973 DRP chỉ được 39% phiếu phổ thông nhưng chiếm 67% ghế quốc hội!
Nền kinh tế Hàn quốc phát triển với một nhịp độ chóng mặt, tăng trưởng trung bình 9,6%/năm giữa 1970 và 1979; GDP/đầu người tăng từ khoảng US$240 lên gần $1,600 trong cùng thời kỳ, gần bảy lần trong một thập niên.
Các nhà bất đồng nổi tiếng Kim Young-sam và Kim Dae-jung đã kêu gọi sự chấm dứt chế độ độc đoán. Mùa thu 1979, các sinh viên Đại học Busan phản đối chế độ tàn bạo và Hiến pháp Yushin ngột ngạt của nó, và đã kéo theo hàng ngàn người biểu tình khắp đất nước. Đó là một tín hiệu mạnh mẽ rằng chế độ Park đã vượt qua đỉnh cao quyền lực của nó.
Lẽ ra Hàn Quốc đã có thể chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh lúc đó, nhưng Park bị ám sát. Chính phủ lâm thời đã nới lỏng sự kiểm soát, thả các tù nhân chính trị và đó là “mùa Xuân Seoul” đầy hy vọng. Nhưng tướng Chun Doo-hwan lập Đảng Công lý Dân chủ (DJP) được đa số lãnh đạo DRP ủng hộ, đã dẹp chính phủ lâm thời và tăng cường đàn áp, thiết quân luật.
Dân chúng phẫn uất, gần một trăm ngàn người tham gia cuộc nổi dậy Kwangju và Chun đã phái tướng Roh Tae-woo và binh lính đến đàn áp, rồi nổ súng giết hàng trăm người biểu tình trong “vụ thảm sát Kwangju” 1980.
Hiến pháp 1980 quy định tổng thống chỉ được làm một nhiệm kỳ 7 năm. 1981 Chun được bầu làm tổng thống và DJP chiếm đa số lớn ở quốc hội trong bầu cử lập pháp 1981 và 1985. Đến 1987 sắp hết nhiệm kỳ duy nhất, Chun đề cử Roh làm người kế vị của mình cả trong DJP cũng như tổng thống càng làm cho đối lập điên tiết. Và đối lập đã huy động khoảng 250 ngàn người xuống đường khắp Hàn Quốc. Ngày 19-6-1987 Chun ra lệnh cho quân đội sẵn sàng đàn áp. Tình hình cực kỳ căng thẳng! DJP và Chun đứng trước hai lựa chọn: tiếp tục đàn áp đối lập hay tự do hóa chính trị và chuyển đổi dân chủ. Chun và Roh đã tính toán thiệt hơn, chắc có lẽ có thể được minh họa với hình sau:
Hình 1. Minh họa lý thuyết chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh của Slatter và Wong [3]
· Vào 1987, sức mạnh của chế độ (đảng cầm quyền, bộ máy nhà nước, quân đội, an ninh…) đã vượt quá đỉnh cao (B) của nó nhưng vẫn trong cửa sổ cơ hội. Các tín hiệu bầu cử đã rất rõ ràng; các tín hiệu lôi thôi (biểu tình dân chúng) đã rất mạnh; các tín hiệu địa chính trị thuận lợi cho chuyển dổi dân chủ;
· Do chế độ vẫn đủ mạnh, kinh tế vẫn phát triển tốt, Chun và Roh đã có sự tự tin chiến thắng và sự tự tin ổn định trong việc thừa nhận nền dân chủ.
· Ngược lại với sự tiếp tục đàn áp, bám lấy quyền lực độc đoán sẽ có cái giá không thể chịu nổi và sẽ đưa Hàn Quốc ra ngoài cửa sổ cơ hội và chế độ sẽ đối mặt với trung sách hay thậm chí hạ sách bất lợi hơn nhiều.
Dưới sự dàn dựng của Chun và Roh và với tính toán chắc đại thể như nêu ở trên, ngày 29-6-1987 Roh đã “bất ngờ”đưa ra Tuyên bố về Dân chủ hóa và Cải cách, một bản kế hoạch dân chủ cho cải cách chính trị, kể cả các cam kết hiến định cho các quyền con người, quyền tự do báo chí, phóng thích các tù nhân chính trị và các nhà bất đồng chính kiến, các cơ chế pháp lý mới để chống tham nhũng, và sự trao quyền lực cho các nhà chức trách địa phương. Bản kế hoạch cải cách đề xuất để ra các luật mới để kiềm chế quyền lực của tổng thống và để thể chế hóa các kiểm soát và đối trọng (checks and balances) lên nhánh hành pháp, kể cả việc trao thẩm quyền cho quốc hội được bầu để buộc tội và xét xử (impeach) tổng thống. Roh cũng công bố các cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp sẽ được tổ chức trong tháng Mười Hai 1987, tiếp sau là các cuộc bầu cử quốc hội trong tháng Ba năm sau [3, ch.5].
Đúng như tính toán và dự đoán của họ, Roh đã thắng trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc năm 1987 với 36% phiếu phổ thông còn Kim Young-sam chỉ được 28%, và Kim Dae-jung với 27%. Trong cuộc bầu cử quốc hội 1988, DJP được 34% tổng số phiếu với 125 ghế quốc hội, còn đảng của Kim Dae-jung giành được 71 ghế, đảng của Kim Young-sam được 59 ghế, và đảng khác được 35 ghế. DJP tuy không được đa số trong quốc hội, nó vẫn là đảng lớn nhất trong nền dân chủ. Và quan trọng nhất, DJP đã củng cố quyền lực của nó sau 1987 bằng các phương tiện dân chủ hơn là quay lại các chiến thuật độc đoán. DJP sau đó đã hợp nhất với đảng của Kim Young-sam và một đảng đối lập khác để hình thành Đảng Dân chủ Tự do (LDP) một đảng thống trị (dominant).
Kim Dae-jung đã củng cố liên minh dân chủ của ông để hình thành một đảng lớn khác.
Kim Young-sam của LDP đã thắng cuộc bầu cử tổng thống 1992 và Kim Dae-jung thắng cuộc bầu cử tổng thống 1997. Nền dân chủ Hàn quốc được củng cố và vững mạnh cho đến ngày nay [3.ch.5].
Xã hội Hàn quốc tiếp tục ổn định và nền kinh tế phát triển cực kỳ ngoạn mục (tốc độ tăng trưởng GDP chẳng hạn, 1987:12,7%; 1988: 12%; 1995: 9,6%; 1999: 11,5%) đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế thế giới.
1.3 . Bài học Hàn Quốc
· Trước chuyển đổi dân chủ chế độ độc tài ở Hàn Quốc gồm nhiều chế độ độc tài của các nhà cai trị khác nhau (dân sự, quân sự) với các đảng cầm quyền khác nhau (khác với Việt Nam từ 1975 chỉ có một đảng), tuy nhiên có bầu cử dù bị bóp méo thiên vị cho đảng cầm quyền (Việt Nam cũng có bầu cử nhưng thiên vị cho đảng cầm quyền đến mức cùng cực nên giới nghiên cứu coi như Việt Nam không có bầu cử, dù sao vẫn hơn Trung Quốc, nơi các cuộc bầu cử toàn quốc hình thức cũng chẳng có). Đó là những sự khác biệt nên để ý trước khi tham khảo các bài học chính.
· Chuyển đổi dân chủ diễn ra trong khi nền kinh tế phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP rất cao, chứ không phải trong lúc khủng hoảng.
· Các nhà lãnh đạo độc tài Hàn quốc đã có sự tự tin chiến thắng và ổn định, đánh giá đúng tình hình và đã chọn để chủ động lãnh đạo quá trình chuyển đổi dân chủ đưa Hàn Quốc vào kỷ nguyên phát triển mới.
· ĐCSVN có thể học kinh nghiệm Hàn quốc cũng như Đài Loan và Indonesia để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới nhưng không cần sao chép bất kể nước nào!
II. BÀI HỌC DÂN CHỦ THÀNH CÔNG CỦA INDONESIA
Indonesia là nước lớn nhất trong Asean, một láng giềng cũng như một đối tác chiến lược (sẽ là chiến lược toàn diện) của Việt Nam. Tuy rất khác Việt Nam về tôn giáo, truyền thống và lịch sử thuộc địa gần đây, bài học dân chủ hóa thành công ở Indonesia có thể rất hữu ích cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
2.1 . Từ độc lập đến nền dân chủ mạ vàng (1945-1965)
Indonesia là thuộc địa của Hà Lan và bị Nhật chiếm đóng từ tháng 3-1942 đến tháng 9-1945. Sukarno – lãnh tụ Đảng Dân tộc Indonesia là một trong các lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng bị Hà Lan bỏ tù và được quân Nhật giải thoát. Chiến tranh Thế giới II kết thúc với việc Nhật đầu hàng, nhân cơ hội đó ngày 17 tháng Tám 1945 Sukarno và các bạn hữu đã tuyên bố độc lập và sự ra đời của Cộng hòa Indonesia. Hà Lan đã quay lại nhưng phải trao lại độc lập cho Indonesia trong 1949 dưới áp lực quốc tế. Sukarno là tổng thống đầu tiên của cộng hòa Indonesia được nhân dân yêu mến, nhưng ông bất tài trong quản lý kinh tế trong “nền dân chủ mạ vàng” của ông dẫn đến bất ổn định kinh tế và chính trị. Nền kinh tế rất kém phát triển, không có công nghiệp hóa, thậm chí sự tự túc về gạo cũng chẳng đạt được. Trước tình hình đó diễn biến tiếp theo là không ngạc nhiên.
2.2 . Từ độc tài quân sự kiến tạo-phát triển đến chuyển đổi dân chủ (1965-1998)
Tướng Suharto đã làm đảo chính và thực sự nắm quyền từ 1965, tiến hành một cuộc thanh trừng chống cộng cực kỳ dã man và đã ép Sukarno từ chức trong 1967 và trở thành tổng thống thứ hai của Indonesia.
2.2.1 Phát triển kinh tế
Chính sách phát triển kinh tế của Suharto khá giống của Park Chung-hee: kiến tạo-phát triển ở mức độ thấp hơn và tham nhũng cao hơn nhiều. Tận dụng được sự viện trợ nước ngoài, tài nguyên thiên nhiên nhất là dầu mỏ, với chính sách kiến tạo-phát triển nền kinh tế Indonesia đã phát triển ngoạn mục từ giữa các năm 1970: GDP/đầu người của Indonesia đã vượt US$2.000 vào cuối các năm 1990. Các đô thị phát triển với tầng lớp-trung lưu có giáo dục, oán giận sự tham nhũng kinh dị của chế độ Suharto, bị khổ sở dưới sự kiểm soát độc đoán ngột ngạt của nó. Chính hiện đại hóa kinh tế dù không tự động nuôi dưỡng “các giá trị dân chủ”, nhưng chắc chắn đã nuôi dưỡng sự đòi hỏi khắt khe hơn của nhân dân về mặt chính trị.
2.2.2 Xây dựng thể chế
Cùng với sự phát triển kinh tế, chế độ đã phát triển các thể chế độc đoán của mình (đảng Golkar, bộ máy nhà nước, quân đội…) biến nó thành một chế độ độc đoán mạnh dưới Trật Tự Mới của Suharto cho sự cai trị của chính ông, với hệ quả không lường trước là các định chế mạnh ấy giúp một cách hiệu quả sự chuyển đổi dân chủ. Xây dựng Trật Tự Mới chính là quá trình xây dựng quốc gia, rất quan trọng ở Indonesia trong hơn 30 năm cầm quyền của Suharto: xây dựng bộ máy nhà nước, hệ thống đảng, quân đội…
Thứ nhất, sức mạnh chế độ trước tiên là sức mạnh của bộ máy nhà nước. Suharto đã xây dựng một bộ máy nhà nước hoàn toàn có năng lực quản trị một cách ổn định. Đó một trong những sản phẩm quan trọng nhất của chế độ Suharto và sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi dân chủ.
Thứ hai là hệ thống đảng chính trị. Suharto nhanh chóng ủng hộ việc xây dựng một đảng chính trị ủng hộ chế độ gọi là Golkar sau khi chiếm quyền. Golkar thực ra không phải là một đảng theo nghĩa thông thường mà là một tổ chức bình phong với cái tên tiết lộ cả nguồn gốc và mục đích quản trị của nó. Golkar là viết tắt của golongan karya (các nhóm chức năng) là một phương tiện chính trị được xây dựng từ các tổ chức chính trị bảo thủ đa dạng nổi lên để chống sự huy động quần chúng cánh tả cực đoan của Sukarno và ĐCS Indonesia trong đầu đến giữ các năm 1960. Hầu như tất cả các công chức đều là thành viên Golkar, đảng duy nhất có các chi nhánh địa phương mà các đảng chính trị khác được chế độ chấp nhận như PPP (Đảng Phát triển Thống nhất) Islamic và PDI (Đảng Dân chủ Indonesia), dân tộc chủ nghĩa không có. Hãy liên tưởng đến ĐCSVN và các Đảng Dân chủ và Xã hội Việt Nam trước khi chúng “hoàn thành sứ mệnh” và “tự nguyện” giải thể trong năm 1988.
Golkar “cạnh tranh” với PPP và PDI trong các cuộc bầu cử và tất nhiên luôn luôn thắng nhờ hệ thống bầu cử thiên vị cho Golkar. Dù sao đi nữa các quan chức dân sự cũng được làm quen ở mức nào đó với “cạnh tranh bầu cử.” Từ 1971, năm thành lập Trật Tự Mới cho đến tận 1987, Golkar không bao giờ dưới 62% phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử. Golkar có vai trò rất lớn trong chuyển đổi dân chủ do sự tự tin chiến thắng của nó trong các cuộc bầu cử dân chủ.
Quân đội Indonesia đã có vai trò to lớn trong chế độ độc đoán. Các sĩ quan quân đội thường được trao các vị trí lãnh đạo khác nhau trong các bộ chính phủ, nhưng chủ yếu để đảm bảo sự trung thành chính trị của bộ máy quan liêu hơn là để đặt sự quản trị quân sự. Các quan chức được giao phó và được trao quyền để quản trị, trong các lĩnh vực dân sự riêng của mình, làm tăng năng lực kỹ trị của họ. Vì các quan chức, đều là thành viên của Golkar, ủng hộ Trật tự Mới một cách áp đảo, Suharto không phải lo việc dùng quân đội để giám sát việc thực hiện mệnh lệnh của chế độ của ông.
2.2.3 Chuyển đổi dân chủ
Sự phát triển kinh tế ngoạn mục, sự ổn định chính trị đã làm tăng tính chính danh thành tích của chế độ Suharto. Chính quá trình hiện đại hóa này đã tạo ra các công dân ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chính trị, tức là tăng cầu dân chủ. Và sự cai trị ngột ngạt đầy tham nhũng của Suharto cho thấy cung dân chủ đã thấp hơn cầu rất nhiều. Sự vênh cung cầu dân chủ này là nguyên nhân chính và chỉ đợi thời cơ bùng lên và khủng hoảng tài chính Á châu giáng mạnh xuống Indonesia đã tạo ra cái thời cơ đó. Lẽ ra Indonesia đã có thể chuyển đổi trước, như Hình 1 cho thấy vào lúc khủng hoảng tài chính Á châu nó đã quá xa đỉnh điểm (B), nhưng vẫn còn trong cửa sổ cơ hội. Đồng tiền Indonesia rơi tự do từ 2.250 Rp/USD xuống khoảng 17.000 Rp/USD trong vài tháng. Sự bất bình của dân chúng tăng lên và các cuộc biểu tình nổ ra. Suy thoái kinh tế nhanh chóng biến thành hoảng loạn chính trị. Đấy là những tín hiệu báo cho chế độ rằng nó phải mau cải cách kẻo tuột khỏi cửa sổ cơ hội.
Indonesia bắt đầu chuyển đổi dân chủ vào tháng Năm 1998, khi Suharto bị ép phải từ chức. Tuy nhiên, sự sụp đổ của một nhà độc tài không tương đương với chuyển đổi dân chủ. Chuyển đổi dân chủ không phải là việc lật đổ một kẻ chuyên quyền, mà là việc đưa vào những cải cách chính trị khó khăn để làm cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng là có thể.
Những cải cách chính trị này được B. J. Habibie – Phó tổng thống dân sự và người kế vị tổng thống và lãnh tụ Golkar của Suharto đưa vào.
Golkar đã mạnh còn tổng thống thì yếu. Khủng hoảng đã đánh ngã Suharto để lại làm Golkar bị yếu đi nhưng không bị tiêu diệt. Golkar là đảng chính trị duy nhất có cơ sở địa phương. Các thủ tục bầu cử được thiết lập đã là nền tảng của sự ổn định hơn cho Golkar.
Golkar yếu hơn QDĐ Đài Loan đáng kể, nhưng đã đủ mạnh để trao sự tự tin chiến thắng đáng kể cho những người kế vị Suharto. Vì thế Habibie đã công bố ngay các cuộc bầu cử được đẩy nhanh trong 1999 (lẽ ra vào 2002) và tự do hóa đầy kịch tính các luật hạn chế của Indonesia về các đảng chính trị và báo chí với sự tự tin tương đối về các triển vọng của Golkar. Habibie tập hợp bất cứ quyền lực nào ông và Golkar có được để dân chủ hóa qua sức mạnh.
Việc truyền tính chính danh dân chủ mới vào là chiến lược hứa hẹn nhất cho Habibie để chế ngự các cuộc biểu tình đô thị và củng cố vị trí tổng thống của ông.
Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 6-1999, Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P) của bà Megawati Sukarnoputri đứng đầu với 33,74 % phiếu bầu, còn Golkar đứng thứ hai với 22,44%; tương ứng với 153 và 120 ghế trong số 462 ghế quốc hội được bầu; quân đội được chỉ định 38 ghế, như thế quốc hội có tổng cộng 500 ghế. Như vậy hai định chế có thế lực của chế độ cũ – Golkar và quân đội – chiếm gần 34% ghế quốc hội, vượt PDI-P 5 ghế. Với kết quả bầu cử như thế, bài phát biểu “trách nhiệm giải trình” của Habibie đã bị quốc hội bác bỏ, nên ông phải từ chức. Nhưng Golkar đã cản quốc hội bầu bà Megawati làm tổng thống, và đưa Abdurrahman Wahid lên. Rồi lại luận tội Wahid khi ông đuổi các thành viên Golkar và PDI-P ra khỏi nội các của ông và phó tổng thống Megawati trở thành tổng thống (2001-2004) với 5 vị trí nội các của Golkar.
Cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo trong năm 2004, quân đội đã tự tin từ bỏ các ghế được phân cho nó, và Golkar đứng đầu. Còn trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên, lãnh đạo Golkar liên danh với Susilo Bambang Yudhoyono (SBY) đứng đầu Đảng Dân chủ (DP) mới. SBY thắng và DP đã liên minh với Golkar như một đối tác cấp dưới. Rồi đến cuộc bầu cử 2009, Golkar về thứ hai sau DP và SBY tái đắc cử và chỉ trao cho Golkar 3 ghế nội các, 6 ghế cho DP. Trước bầu cử tổng thống 2009, Golkar luôn chiếm đa số ghế nội các và các vị trí hành pháp địa phương nhiều nhất. Golkar tiếp tục kiểm soát các chức vụ tỉnh và vẫn chỉ huy các mạng lưới chính trị ở Jakarta, Golkar đã duy trì tính trung tâm chính trị của nó dưới nền dân chủ. Không chỉ Golkar đã tránh được sự lỗi thời dưới nền dân chủ, nó đã tránh ngay cả việc trở thành đối lập, hơn hẳn cả QDĐ Đài Loan. Tuy trong cuộc bầu cử 2014, Golkar đứng thứ hai với chỉ 14,75% nhưng số phiếu cho 5 đảng của các elite liên quan đến chế độ Suharto chiếm đến 48,7%. Trong cuộc bầu cử quốc hội đầu năm 2024 Golkar vẫn đứng thứ hai với 15,29% sau đảng DPI-P được 16,72% và cựu đại tướng về hưu Prabowo Subianto, con rể trước kia của Suharto, đã đắc cử tổng thống và sẽ nhậm chức vào 20-10-2024.
Nền dân chủ Indonesia đã khá vững mạnh trong một phần tư thế kỷ qua và nền kinh tế của nó cũng phát triển tốt.
2.3 Vài bài học
· Ngoài một số bài học giống Hàn Quốc, Indonesia còn có vài điểm đáng lưu ý;
· Dù Suharto bị mất chức, đảng Golkar của ông đã vẫn là đảng chính trị hàng đầu của Indonesia, và sự lựa chọn thông minh của nó để dân chủ hóa qua sức mạnh là một đóng góp to lớn cho nền dân chủ Indonesia;
· Những bài học về vai trò của quân đội, các đảng, sự chung sống hòa bình giữa các lực lượng chính trị Indonesia là rất quý giá.
III. BÀI HỌC DÂN CHỦ THÀNH CÔNG CỦA ĐÀI LOAN
Dân chủ hóa Đài loan là dân chủ hóa qua sức mạnh mẫu mực.
Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản từ 1895 đến 1945. Nhật đã hiện đại hóa Đài Loan và dân Đài quen với văn hóa Nhật. Sau khi Nhật đầu hàng năm 1945, quân Tưởng từ đại lục sang tiếp quản Đài Loan thì người Đài Loan thấy họ tham nhũng, hống hách hơn những người Nhật rất nhiều, nên họ không coi quân Tưởng là những người giải phóng mà như như những kẻ thực dân mới khác mà thôi. Trước 1949 đã có nhiều vụ làm cho người sống ở Đài Loan ghét quân Tưởng từ Hoa lục sang, vụ quân Tưởng giết một phụ nữ Đài Loan bán thuốc lá châm ngòi cho những cuộc nổi loạn củadân chúng và bị đàn áp dã man, vụ này được ghi lại như vụ thảm sát 228 (ngày 28-2-1947) càng làm cho người Đài Loan nghĩ mình là với khác người đại lục, tức là hình thành bản sắc Đài Loan riêng. Và vào năm 1949 khi Tưởng Giới Thạch đưa chính phủ ROC và QDĐ sang Đài Loan, thái độ thù nghịch đó của dân Đài Loan đối với họ vẫn thế.
3.1. Xây dựng sức mạnh thể chế
Quốc Dân Đảng (QDĐ) của Tưởng Giới Thạch, đảng lập ra ROC, đã là một đảng rất yếu, thối nát, bị bè phái chia rẽ từ bên trong, không có cơ sở ủng hộ ở địa phương khi nó bị ĐCSTQ đánh bại và phải chạy trốn sang Đài Loan. Công việc quan trọng nhất là phải xây dựng lại đảng, xây dựng lại nhà nước, tức là sự xây dựng thể chế của chế độ độc tài QDĐ. Tưởng đã biến một QDĐ rệu rã thành một QDĐ theo mô hình đảng Leninist (nhưng không Marxist-Leninist), bằng các nguyên tắc tập trung, thanh lọc Ban Chấp hành Trung ương đảng, giữ lại những người trung thành nhất, lập ra Ban (tái) Tổ chức Trung ương để giám sát việc tổ chức lại đảng, xây dựng các chi bộ và các đảng bộ trong mọi cơ quan ở mọi cấp cũng như địa phương; “Đài Loan hóa” QDĐ bằng việc kết nạp những người sinh ở Đài Loan vào đảng; đảng kiểm soát chặt chẽ quân đội, ví dụ bằng việc thiết lập lại chế độ chính ủy; xây dựng cơ sở đảng trong xã hội Đài Loan, v.v. mà chắc không cần nói thêm cho bạn đọc Việt Nam do đã quá quen thuộc. Chỉ nêu một con số minh họa, vào cuối chiến dịch tái tổ chức, tỷ lệ nhân viên trong chính phủ trung ương là 5 đảng viên 1 ngoài đảng, trong quân đội 2/3 binh lính là đảng viên.
3.2. Phát triển kinh tế xã hội
Đảng – nhà nước QDĐ bắt đầu các chính sách kiến tạo – phát triển để đẩy mạnh nền kinh tế: cải cách ruộng đất, phát triển công nghiệp đầu tiên trong các khu vực thâm dụng lao động, doanh nghiệp (đặc biệt các SME là nét độc đáo Đài Loan), chính sách thay thế hàng nhập khẩu được chính sách định hướng xuất khẩu thay thế dần. Sau 1960, sự tăng trưởng xuất khẩu khoảng 25%/năm.
Cuối các năm 1960, Đài Loan trở thành một nền kinh tế thương mại lớn trên các thị trường toàn cầu.
Trong các năm 1970, Đài Loan khởi động “Mười Dự án Lớn” để nâng kỹ năng lao động và chuyển lên các nấc cao hơn của chuỗi giá trị (xây dựng hạ tầng, năng lượng, sắt thép, công nghiệp nặng khác) dù có bị chậm do khủng hoảng giá dầu 1973-74. Năm 1973 chính phủ thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITTRI) ở Hsinchu – nơi trở thành trung tâm thương mại hóa khoa học và công nghệ của Đài Loan.
Sự đầu tư của nhà nước trong nghiên cứu và triển khai (R&D) đã vô cùng quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao của Đài Loan ngày nay từ bán dẫn (TSMC), đến máy tính (Acer), đến công nghệ sinh học.
Hiện đại hóa ở phương Tây đã tốn vài thế kỷ, tại Đài Loan chỉ vài thập kỷ! Kinh tế Đài Loan không chỉ đã phát triển thần kỳ, chính sách của QDĐ cũng đảm bảo sự bình đẳng! Mức bình đẳng ở Đài Loan ngang với ở các nước Bắc Âu.
Với thành tích phát triển kinh tế thần kỳ (GDP/đầu người ngang sức mua đã tăng gần 10 lần từ 1950 đến 1987 cũng như hơn 36 lần vào 2022) [4, chương 4] và sự ổn định xã hội như vậy thì không lạ là QDĐ đạt được tính chính danh cao.
Sức mạnh chế độ đạt đỉnh điểm trong các năm 1980 như có thể hình dung trên Hình 1. Chính sự hiện đại hóa, sự phát triển kinh tế ngoạn mục đã tạo ra các nguồn lực hành động (các nguồn lực vật chất, trí tuệ, kết nối) cho xã hội, nâng cao khát vọng tự do (dân khí) của nhân dân, gieo các hạt giống đối lập. Bất chấp sự phát triển kinh tế ngoạn mục và sự ổn định của chế độ, sự cất lên tiến nói của nhân dân qua các cuộc đình công, biểu tình bắt đầu lên cao.
Phong trào Ngoài Đảng (Đảng Ngoại Tangwai) của các trí thức bất đồng chính kiến và chính trị gia địa phương bắt đầu xuất hiện từ giữa các năm 1970 và các năm 1980. Tangwai đã không phải là một đảng quần chúng, nhưng nó là tiền thân cho Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP).
3.3. Mở cửa dân chủ
Đảng chính trị mới, DPP, tuyên bố thành lập năm 1986, khi Đài Loan vẫn dưới quân luật. DPP như thế được thành lập một cách bất hợp pháp và bất chấp chế độ độc đoán. Hầu hết mọi người nghĩ QDĐ sẽ nghiền nát đảng đối lập mới.
Thay vào đó, điều bất ngờ đã xảy ra. Tổng thống Tưởng Kinh Quốc, lãnh tụ của QDĐ, đã quyết định cho phép sự hình thành đảng đối lập. Một năm sau, trong 1987, chế độ bãi bỏ quân luật, bắt đầu mở vũ đài chính trị cho nhiều sự huy động đối lập hơn, và thu nhỏ hầu hết các bộ phận đàn áp của nhà nước độc đoán. Các ứng viên đối lập được tranh đua một số hạn chế ghế lập pháp trong 1989. Ba năm sau Đài Loan tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp hoàn toàn tự do đầu tiên trong 1992, và nó tổ chức cuộc bầu cử tổng thống cạnh tranh đầu tiên trong 1996 trong đó có các ứng viên từ QDĐ và DPP. Chuỗi thừa nhận chính trị, bắt đầu với quyết định ban đầu của Tưởng không trấn áp DPP trong 1986, khởi đầu một chuỗi sự kiện chính trị rốt cuộc đã dẫn đến chuyển đổi dân chủ của Đài Loan.
Như đã thấy ở trên, QDĐ, khi nó khởi đầu quá trình dân chủ hóa, đã vẫn là một đảng chính trị rất mạnh. Nó đã không phải là một đảng bị khủng hoảng trong 1986, Đài Loan cũng đã chẳng trên bờ vực sụp đổ về mặt kinh tế hay chính trị. Thế vì sao nó đã thừa nhận nền dân chủ, và vì sao lúc đó Slater và Wong [3, chương 4] cho rằng “QDĐ thừa nhận để lao vào con đường dân chủ một phần bởi vì nó vẫn là một đảng chính trị mạnh, tự tin đến mức các sức mạnh đương nhiệm và các cơ sở của sự ủng hộ chính trị lúc đó sẽ hầu như bảo đảm sự thống trị của nó trong ngắn hạn và sự sống sót của đảng trong nền dân chủ trong dài hạn”. Và “nó đã không thừa nhận nền dân chủ để ra đi hay để từ bỏ quyền lực, mà đúng hơn để phục hồi sự nắm giữ quyền lực của nó bằng phương tiện dân chủ – mà nó đã làm khá dễ dàng suốt các năm 1990”.
Và QDĐ đã đúng! Trong cuộc bầu cử tổng thống tự do, dân chủ đầu tiên, Lý Đăng Huy – lãnh tụ QDĐ đã đánh bại ứng viên của DPP để trở thành tổng thống được dân bầu đầu tiên của Đài Loan. QDĐ vẫn tiếp tục chi phối Viện Lập pháp (Quốc hội) trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên 1992 (được 63, 25% ghế), 1996 (51,82% ghế), 2001 nó đứng thứ hai sau DPP (với 68/87 ghế); đứng thứ hai trong cuộc bầu cử quốc hội 2004; rồi lại đứng thứ nhất với 71,7% trong cuộc bầu cử 2008, rồi cũng đứng đầu trong bầu cử 2012 (56,63%); đứng thứ 2 sau DPP trong bầu cử 2016 và đến 2024 (với 54 ghế và 51 ghế của DPP và 8 ghế của đảng TPP). Trong bầu cử tổng thống dân chủ: các tổng thống QDĐ đã là Lý Đăng Huy (đến 2000), Mã Anh Cửu (2008-2016) còn của DPP là Trần Thủy Biển (2000-2008), Thái Anh Văn (2016-2024) và Lại Thanh Đức (2024-đương nhiệm).
Có thể thấy QDĐ vẫn là một đảng lớn có vai trò quan trọng trong nền chính trị Đài Loan và quan trọng nhất Đài Loan đã là một nền dân chủ vững mạnh với một nền kinh tế tiên tiến cực kỳ phát triển (GDP/đầu người tăng gần 4,5 lần từ 1986 đến 2022 và thậm chí đã vượt mức của Nhật Bản).
3.4. Bài học Đài Loan
Ngoài những bài học chung như của Hàn Quốc và Indonesia ra, cần nhấn mạnh thêm:
· Khác với Hàn Quốc và Indonesia – nơi chế độ độc đoán gồm các chế độ của các nhà độc tài khác nhau có thể với các đảng khác nhau. Chế độ độc tài ở Đài Loan là chế độ độc tài của một đảng duy nhất QDĐ. Đó là chế độc tài – độc đảng rất giống với Việt Nam.
· Đảng và nhà nước Đài loan đã chủ động chọn con đường dân chủ hóa qua sức mạnh cực kỳ thành công: QDĐ từ một đảng độc tài biến thành một đảng dân chủ và tiếp tục chi phối nền chính trị và kinh tế Đài Loan bằng các phương tiện dân chủ.
· QDĐ trước dân chủ hóa đã là một đảng Leninist mạnh, rất giống ĐCSVN về mặt tổ chức và hoạt động, đã biến thành một đảng hoạt động trong một chế độ dân chủ vững mạnh. Có rất nhiều bài học khác mà Việt Nam có thể học được từ Đài Loan.
IV. VÌ SAO KỶ NGUYÊN MỚI Ở VIỆT NAM PHẢI LÀ KỶ NGUYÊN DÂN CHỦ
Từ đầu những năm 1990 Việt Nam bắt đầu con đường kiến tạo – phát triển của mình, tức là nhà nước chủ động hiện đại hóa đất nước.
4. 1. Các điều kiện kinh tế – xã hội và giá trị nền cho chuyển đổi dân chủ.
Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục. Nguồn lực hoạt động của xã hội đã tăng, khát vọng tự do (dân khí) cũng tăng. Đó là kết quả của chính quá trình hiện đại hóa mà không ai có thể cản được.
Chúng tôi sẽ so sánh tình hình hiện nay (2024) của Việt Nam trong khoảng thời gian nào đó tương ứng trước chuyển đổi dân chủ của Hàn Quốc và Đài Loan (1987) hay Indonesia (1998) sao cho thời điểm chuyển đổi của chúng tương ứng với hiện tại của Việt Nam. Thí dụ: trên Hình 2 là GDP/đầu người của Việt Nam trong giai đoạn 1998-2004 so sánh với của Hàn Quốc, Đài Loan (và cả Phillippines) trong giai đoạn 1962 đến 1987 của chúng, giai đoạn trước chuyển đổi dân chủ của chúng cũng như giai đoạn 1972-1998 của Indonnesia. Vì Việt Nam vẫn chưa chuyển đổi dân chủ nên sự so sánh như vậy có ý nghĩa: liệu xem Việt Nam đã chín muồi hay chưa cho chuyển đổi dân chủ khi so với các nước đó.
Hình 2. Nguồn lực vật chất (GDP/đầu người)
Có thể nói nguồn lực vật chất của Việt Nam trong giai đoạn này đã luôn vượt giai đoạn tương ứng của Indonesia, thậm chí vượt Hàn Quốc trong giai đoạn trước 1983 (t=23 trên hình) của nó, cũng như vượt của Philippines trong giai đoạn 1983-1987 của nó và trong giai đoạn này kém Hàn Quốc và Đài Loan. Có thể khẳng định nguồn lực vật chất, sự phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay đã chín muồi cho chuyển đổi dân chủ nếu xét về tiêu chí này so với các nước được nêu. Cũng cần lưu ý thêm là vào đầu thời kỳ chủ động hiện đại hóa (t=1, tức là trong 1961 cả hai đường của Hàn Quốc và Đài Loan đều dưới đường Việt Nam vào lúc 1998) và nhưng từ 1970 trở đi (t=10) thì đường TWN bứt lên rất nhanh, còn đường của Hàn Quốc (KOR) vẫn dưới đường VNM cho đến 1983 (t=23) và trong bốn năm sau nó tăng rất nhanh. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng của Việt Nam gần đây vẫn kém họ lúc đó thế nào.
Cũng tương tự có thể xét về các nguồn lực trí tuệ và kết nối giữa Việt Nam trong giai đoạn 1998-2004 so với của các nước được nêu trong các giai đoạn tương ứng trước chuyển đổi dân chủ của họ.
Thế khát vọng tự do, cầu dân chủ hay dân khí của Việt Nam hiện nay so với của các nước đó lúc chuyển đổi thì sao?
Số đo này được đo tốt nhất bằng chỉ số các giá trị giải phóng (0 ≤ EVI ≤ 1) của Christian Welzel [5]. Và so sánh giữa các nước đó như trong bảng sau:
Năm đo |
VNM |
PHL (1986) |
TWN (1987) |
KOR (1987) |
IND (1998) |
1982 |
|
|
|
0.41 |
|
1990 |
|
0.41 |
|
|
|
1995 |
|
0.37 |
|
0.37 |
|
1998 |
|
|
0.34 |
|
|
2001 |
0.34 |
0.36 |
0.41 |
0.45 |
0.33 |
2005 |
|
|
|
0.44 |
0.37 |
2006 |
0.36 |
|
|
|
|
2010 |
|
|
|
0.44 |
|
2012 |
|
0.4 |
0.46 |
|
|
2018 |
|
|
|
0.45 |
0.33 |
2019 |
|
0.39 |
0.45 |
|
|
2020 |
0.41 |
|
|
|
|
Bảng 1: So ánh khát vọng tự do, dân khí, EVI của các nước liên quan (PHL, TWN, KOR chuyển đổi dân chủ 1986-1987; IND chuyển đổi dân chủ 1998 với các giá trị EVI gần thời gian chuyển đổi nhất được tô đỏ in chữ đậm để dễ so sánh. (Nguồn: WVS)
Có thể thấy dễ dàng dân khí của Việt Nam hiện nay cũng chẳng kém nếu không nói là hơn của các nước được so sánh vào thời điểm chuyển đổi của chúng.
Độ dài của khoảng thời gian từ khởi đầu chính sách kiến tạo – phát triển đến thời điểm chuyển đổi dân chủ của các nước này cũng cho chúng ta thông tin lý thú. Hàn Quốc bắt đầu với Park Chung hee 1961 và Roh Tae-woo chuyển đổi dân chủ năm 1987. Đài Loan cũng cỡ như thế (26 năm). Tại Indonesia, Suharto lên nắm quyền chính thức từ 1967 nhưng chính sách kiến tạo – phát triển chỉ bắt đầu từ đầu các năm 1970, có thể lấy năm 1971 là năm khởi đầu của Trật Tự Mới và 1998 là năm chuyển đổi và độ dài quá trình này là 27 năm. Nói cách khác, các nước này sau khi bắt đầu chính sách kiến tạo – phát triển khoảng một phần tư thế kỷ thì bắt đầu chuyển đổi dân chủ thành công. Việt Nam đổi mới từ 1986, nhưng trên thực tế nó chỉ bắt đầu chủ động hiện đại hóa từ đầu những năm 1990. Hãy cứ tính từ 1991 thì đến nay 2024 vẫn chưa có chuyển đổi dân chủ nhưng độ dài của khoảng thời gian này đã là 33 năm!
4.2. Sức mạnh thể chế
Trong thời kỳ đổi mới, ĐCSVN đã tăng cường sức mạnh thể chế của mình qua công tác tổ chức đảng, củng cố sự lãnh đạo tập thể, cải cách tổ chức chính phủ, quốc hội khiến hoạt động của quốc hội có vẻ cởi mở hơn.
Chế độ cũng đã có phản ứng nhanh nhạy hơn với các tín hiệu từ dân chúng. Chỉ nêu vài thí dụ: 1988 có đến 80% trong số 400 bí thư quận huyện bị thay thế; hay sau sự cố Thái Bình 1997 với 43 ngàn nông dân tham gia [6.tr. 10], thì ĐCSVN đã thanh lọc hơn 1.000 quan chức [3, Chương 9]; hoặc ngay lập tức sau cuộc biểu tình của khoảng 90 ngàn công nhân biểu tình phản đối một điều khoản của Luật Bảo hiểm xã hội [6, p.10] thì Quốc hội và Chính phủ đã có phản ứng; hoặc các cuộc biểu tính chống Dự luật Đặc khu kinh tế và Luật An ninh Mạng kéo dài chín ngày liền từ 9 đến 17 tháng 6-2018 ở nhiều nơi với hàng ngàn người tham gia ở mỗi nơi khiến Quốc hội phải dừng thông qua luật này [6, tr. 11-12].
Theo Slater và Wong: “các định chế cai trị của Việt Nam được cho là đã vượt của Trung Quốc” và “Việt Nam như thế có một mảng các sức mạnh thể chế cả cho quản lý các xung đột elite và cho việc duy trì sự kết nối quần chúng mà hầu hết các chế độ độc đoán hết sức thiếu, thậm chí kể cả ĐCSTQ ở Trung Quốc. Chắc chắn, chẳng cái nào trong các định chế này có thể thay thế các cuộc bầu cử đa đảng đều đặn trong việc đo chính xác sự ủng hộ dân chúng, giải mã các đòi hỏi công chúng, và tạo ra sự tự tin chiến thắng”. Họ cũng cho rằng “ĐCSVN có tiềm năng ở trong một vị trí mạnh để thừa nhận các cải cách dân chủ hơn ĐCSTQ, và để kỳ vọng một sự chuyển đổi ít gập ghềnh hơn” [3, chương 9]. Các tác giả cũng cho rằng ở Việt Nam tín hiệu bầu cử không rõ ràng (một điều dễ hiểu, vì làm gì có các cuộc bầu cử dù độc đoán như ở Hàn Quốc, Đài Loan hay Indonesia), tín hiệu lôi thôi (về sự phản đối của dân chúng) không mạnh khiến các nhà lãnh đạo không biết mình đã qua đỉnh điểm sức mạnh (điểm B trên Hình 1) hay vẫn còn lạc quan nghĩ mình vẫn ở bên đi lên của đường cong sức mạnh thể chế, tức là vẫn ở bên trái điểm đó, nên chần chừ dân chủ hóa (nhưng chúng tôi cho rằng tín hiệu này cũng không quá yếu); tuy nhiên họ cho rằng các tín hiệu địa chính trị là quan trọng và thuận lợi cho ĐCSVN để chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh.
Như dấu hiệu phát triển ở trên, ĐCSVN vẫn ở trong cửa sổ cơ hội để chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh ở cửa sổ cơ hội đó nhưng các tác giả này cảnh báo nếu ĐCSVN “đợi quá lâu và lãng phí cửa sổ cơ hội” như “Malaysia, Cambodia đã bỏ lỡ” ([3] tr.9), thì lựa chọn thượng sách thành công không còn nữa (xem Hình 1).
“Dân chủ qua sức mạnh luôn luôn là một sự lựa chọn. Cụ thể hơn, nó luôn là một lựa chọn chiến lược được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo độc đoán đương nhiệm” [3, tr. 13]. Vậy lựa chọn của các lãnh đạo ĐCSVN thế nào?
4.3. Có chủ động chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh hay không?
Như phân tích ở trên cho thấy rất rõ ràng, sức mạnh chế độ đương nhiệm của Việt Nam đã vượt quá đỉnh điểm của nó (điểm B trên Hình 1) và đang ở trong cửa sổ cơ hội để chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh. ĐCSVN đứng trước hai lựa chọn:
4.3.1. Chủ động chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh. Tức là ĐCSVN chủ động chuyển đổi dân chủ để giữ quyền lực của mình, để có thể trở thành một đảng dân chủ mạnh (sau khi có thể lấy lại tên Đảng Lao động Việt Nam) chứ không phải là đảng độc đoán trong một chế độ dân chủ (như bài học của QDĐ của Đài Loan, hay nhất là của Golkar cho thấy); để đảm bảo ổn định chính trị liên tục; để tiếp tục phát triển kinh tế đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, có nền kinh tế thực sự hiện đại và đó là cách hay nhất để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Kịch bản này cũng rất phù hợp với ước nguyện của các bậc sáng lập ra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [6].
4.3.2. Tiếp tục chính sách đàn áp và không chuyển đổi dân chủ. Như Hình 1 cho thấy, lúc đó Việt Nam sẽ sớm tuột khỏi cửa sổ cơ hội và sẽ đối mặt với trung sách hay hạ sách xấu hơn nhiều [6].
Tôi hy vọng bài viết này sẽ góp phần vào cuộc thảo luận cởi mở, công khai cho sự xây dựng và phát triển đất nước.
*
Tài liệu tham khảo
[1]. Tuổi trẻ 13-8-2024
[2] Báo điện tử Chính phủ 21-9-2024
[3] D. Slater and J. Wong, From Development to Democracy, Princeton University Press, 2022
[4] Maddison Project
[5] Christian Welzel, Tự do đang lên, 2013
[6] Nguyễn Quang A, Dân chủ hóa và Xã hội Dân sự ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 21. Tạp chí Dân Trí, 2024.
N.Q.A
Tác giả gửi BVN