Con thú vẫn chưa gầm ở Biển Đông

Zack Cooper & Gregory Poling War On The Rocks ngày 18 tháng 6 năm 2024

Biên dịch: Lê Bá Nhật Thắng Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Việt Nam đang thực hiện nhiều động thái trong thời gian qua. Trong những tháng gần đây, Việt Nam đã mở rộng quy mô theo cấp số nhân một số thực thể mà họ kiểm soát ở Quần đảo Trường Sa, bao gồm Bãi Thuyền Chài, Đảo Nam Yết, Đảo Phan Vinh và Đá Lớn. Trung Quốc dường như đã cho phép những nỗ lực mở rộng này diễn ra mà không cản trở. Ở một diễn biến khác, ở những nơi khác trong quần đảo Trường Sa tại Bãi Cỏ Mây, Bắc Kinh đang ngăn cản Philippines cung cấp thực phẩm, nước uống và vật tư xây dựng một cách hạn chế cho một số ít nhân viên Philippines trên Sierra Madre, một tàu Hải quân Philippines neo đậu tại bãi cạn này vào năm 1999. Phải chăng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chọn cách cứng rắn chống lại các nỗ lực tiếp tế của Philippines trong khi vẫn cho phép Việt Nam xây dựng đảo quy mô lớn ở nhiều thực thể lân cận?

Có ít nhất bốn cách giải thích hợp lý cho hành vi của Trung Quốc. Thứ nhất, chính quyền Trung Quốc có thể cảm thấy rằng họ đang xung đột với Philippines ở Biển Đông và đồng thời muốn tránh một cuộc xung đột lớn khác trong cùng một thời điểm. Đã từng có tiền lệ cho hành vi này. Trong quá khứ, Trung Quốc đôi lúc tránh tham gia vào việc ép buộc nhiều nước láng giềng cùng một lúc. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng từng xảy ra – chẳng hạn, việc Trung Quốc đẩy mạnh các tranh chấp ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và dãy Himalaya cùng một lúc trong những năm đầu cầm quyền của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trước những vấn đề đáng lo ngại trong và ngoài nước, có lẽ Bắc Kinh muốn tránh sự chỉ trích thêm của công chúng về việc sử dụng vũ lực cùng lúc với nhiều bên tranh chấp. Theo nghĩa này, Việt Nam có thể đã chọn thời điểm hoàn hảo để thực hiện hoạt động của mình, khi Trung Quốc đang bận rộn quanh Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough và do đó hy vọng Trung Quốc sẽ tránh những vấn đề khác ở những nơi khác trong quần đảo Trường Sa. Lời giải thích này có thể hợp lý, nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu Trung Quốc cũng tin rằng việc ép buộc thêm Việt Nam sẽ gây tổn hại về mặt ngoại giao và khó có thể thành công.

Ý tưởng trên dẫn đến khả năng thứ hai: Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể tin rằng Việt Nam có nhiều khả năng leo thang hơn Philippines nếu bị Trung Quốc phản đối hành động, tạo ra một cuộc khủng hoảng mà các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không mong muốn. Các cuộc trò chuyện riêng với các quan chức và chuyên gia Trung Quốc cho thấy nhiều người tin rằng Philippines sẽ khuất phục nếu Bắc Kinh gây đủ áp lực. Họ trích dẫn sự thống trị leo thang của Trung Quốc và lịch sử Philippines chấp nhận áp lực của Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời chính quyền tiền nhiệm của Rodrigo Duterte. Các luận điểm của Trung Quốc cũng liên tục coi Philippines là thiếu quyền lực trong các tranh chấp, coi nước này chỉ là một con rối của Hoa Kỳ được điều động để đối đầu với Bắc Kinh. Do đó, chính phủ hiện tại ở Manila phải chứng minh rằng họ sẽ không khuất phục trước áp lực và chính họ là người ra quyết định chứ không phải người Hoa Kỳ. Mặt khác, Hà Nội không cần chứng minh với bất cứ ai do từng có những tranh chấp đáng kể với Bắc Kinh trong lịch sử.

Ví dụ, Việt Nam đã gây áp lực lên Trung Quốc trong cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng về giàn khoan dầu của Trung Quốc vào năm 2014 – kể cả sau khi một tàu đánh cá Việt Nam bị chìm. Trước đó rất lâu, Việt Nam đã đối đầu với những động thái đầu tiên của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa vào năm 1988 bằng cách chiếm đóng hơn chục bãi đá và rặng san hô để giữ chúng khỏi tay Bắc Kinh. Điều đó cuối cùng đã dẫn đến một trận chiến ngắn và đẫm máu đối với Việt Nam – tại Đá Gạc Ma. Và ngoài Biển Đông, còn có cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt năm 1979, trong đó sự kháng cự ngoan cố bất ngờ và thương vong cao của Việt Nam đã buộc quân đội Trung Quốc phải rút lui sớm. Sự thù địch xuyên biên giới tiếp tục diễn ra trong suốt thập kỷ tiếp theo. Một số ít tướng lĩnh phục vụ trong quân đội Trung Quốc ngày nay đã từng có kinh nghiệm chiến đấu với quân đội Việt Nam như các thành viên Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp và Lưu Chấn Lập. Vì vậy, Bắc Kinh có thể biết rằng nếu Hà Nội quyết định việc xây dựng này là cần thiết về mặt quân sự, họ sẽ không lùi bước trong vùng xám và sẽ chấp nhận rủi ro leo thang đáng kể. Điều đó có thể là lý do khiến Trung Quốc đang chùn bước giai đoạn này.

Thứ ba, nếu chiếu theo một yếu tố liên quan khác, Trung Quốc có thể đối xử với Việt Nam khác với Philippines do nước này có hiệp ước liên minh chính thức với Hoa Kỳ. Logic của việc liên minh với một quốc gia mạnh hơn là làm như vậy sẽ răn đe tốt hơn những thách thức từ đối thủ. Nhưng trong trường hợp này, Việt Nam có thể được hưởng lợi một cách ngược lại khi không phải là đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ. Nói ngắn gọn, các lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm thấy rằng việc Việt Nam cải tạo đảo ít gây đe dọa hơn so với ngay cả những hành động nhỏ hơn của Philippines vì khó có khả năng lực lượng Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chúng. Mặc dù khó có khả năng tiền đồn nhỏ của Philippines tại Bãi Cỏ Mây sẽ hữu ích về mặt quân sự cho lực lượng Hoa Kỳ, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể lo lắng hơn về hành động của Manila do liên minh của quốc gia này. Nếu điều này là đúng thì sự không liên kết của Hà Nội có thể là một hình mẫu hiệu quả cho các quốc gia khác đang tìm cách bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.

Thứ tư, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể ứng xử khác với những người đồng cấp Việt Nam do mối quan hệ hợp tác lâu đời giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Mối liên hệ giữa hai đảng cộng sản vẫn bền chặt, mặc dù có nhiều sự nghi ngờ từ những thế lực bên ngoài (do lịch sử xung đột). Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc có thể không thoải mái khi gây ra một cuộc khủng hoảng với Việt Nam vào thời điểm nước này phải đối mặt với quá nhiều áp lực từ các nền dân chủ tự do trên thế giới. Trong quá khứ, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không thoải mái khi thực hiện kiểu chiến dịch tuyên bố công khai và bôi nhọ đối phương mà Philippines sử dụng. Hà Nội thích giao tiếp một cách lặng lẽ hơn với Bắc Kinh trong khi để các nước bên ngoài (thường có sự khuyến khích thầm lặng của Việt Nam) gây áp lực cho dư luận công khai. Điều này dẫn đến suy đoán rằng Trung Quốc đang phản ứng gay gắt hơn với các hoạt động của Philippines so với Việt Nam vì tức giận trước nỗ lực của Manila nhằm công khai hành vi xấu của Trung Quốc. Điều đó có thể đúng, nhưng nó dường như là một yếu tố bổ sung hơn là lời giải thích đầy đủ về hành vi của Bắc Kinh.

Còn rất nhiều câu hỏi khác xung quanh hành động của Việt Nam. Điều gì đã thúc đẩy Việt Nam mở rộng đáng kể việc xây dựng đảo vào thời điểm này? Hà Nội có lý do để tin Bắc Kinh sẽ kiềm chế các phản ứng? Và các quan chức Hoa Kỳ và khu vực sẽ phản ứng thế nào trước hành động của Việt Nam? Cho đến nay, hầu hết đều chưa có phản ứng, người phát ngôn của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines nói rằng Manila không phản đối việc Việt Nam mở rộng đảo vì, không giống như Trung Quốc, những hòn đảo này không được sử dụng để gây áp lực lên các quốc gia khác. Đây đều là những câu hỏi quan trọng, nhưng hiểu được logic đằng sau sự phản ứng yếu ớt của Trung Quốc là đặc biệt quan trọng vì nó có thể giúp giải mã phản ứng của Bắc Kinh đối với các hoạt động trong tương lai.

Trong những tháng gần đây, một số chuyên gia Hoa Kỳ và Trung Quốc khẳng định nguy cơ leo thang ở Biển Đông thậm chí còn cao hơn cả ở Eo biển Đài Loan. Thực tế, nếu Bắc Kinh đang chuẩn bị phản ứng quân sự đối với việc cải tạo đảo của Hà Nội thì điều này có thể gây ra một cuộc xung đột đẫm máu giống như đã xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa 50 năm trước. Ngược lại, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc bằng lòng cho phép Việt Nam cải tạo đất quy mô lớn ở Biển Đông thì có lẽ họ đang thổi phổng tình hình ở Bãi Cỏ Mây và các nhà lãnh đạo Philippines chỉ cần thể hiện rõ ràng sự sẵn sàng leo thang của họ. Những kết luận hoàn toàn trái ngược nhau này đều có thể phù hợp bởi hoàn cảnh hiện tại, vì chúng ta không biết điều gì đã thúc đẩy phản ứng im lặng của Trung Quốc đối với việc Việt Nam xây dựng ở Trường Sa. Do đó, việc giải mã logic của Bắc Kinh phải là ưu tiên hàng đầu của cả quan chức chính phủ và các nhà nghiên cứu ở ngoài, vì nó sẽ cung cấp những bài học quý giá về khả năng xảy ra xung đột trong những tháng và năm tới.

Hoạt động cải tạo đất của Việt Nam tại Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef)  (nguồn CSIS AMTI và Maxar 2024)

Hoạt động cải tạo đất của Việt Nam tại Đảo Trường Sa Đông (Central Reef) (nguồn CSIS AMTI và Maxar 2024)

Hoạt động cải tạo đất của Việt Nam tại Đảo Nam Yết (Namyit Island) (nguồn CSIS AMTI và Maxar 2024)

Hoạt động cải tạo đất của Việt Nam tại Đá Nam (South Reef) (nguồn CSIS AMTI và Maxar 2024)

Z.C. & G.P. 

Zack Cooper là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ và là người đồng chủ trì podcast Net Assessment cho War on the Rocks. 

Greg Poling là Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là tác giả cuốn sách On Dangerous Ground: America’s Century in the South China Sea. 

Lê Bá Nhật Thắng là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 

Nguồn bản dịch: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

 

This entry was posted in Biển Đông, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, Gregory Poling, Lê Bá Nhật Thắng, War On The Rocks, Zack Cooper. Bookmark the permalink.