C. Raja Mohan, “Asian Powers Set Their Strategic Sights on Europe”, Foreign Policy, 10/07/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Sau 500 năm, tình thế đã đảo ngược, với một châu Âu rời rạc trở thành mục tiêu cho tham vọng địa chính trị ngày càng gia tăng của châu Á.
Điều thường được mô tả như “sự trỗi dậy của phần còn lại” – sự trỗi dậy tương đối của các cường quốc ngoài phương Tây – đã được cảm nhận rõ nét ở châu Á. Khi nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Vasco da Gama đến bờ biển Kerala ở tây nam Ấn Độ vào năm 1498, nó đánh dấu sự khởi đầu của 500 năm thống trị của châu Âu (và sau này là của Mỹ) đối với châu Á – với cả hàm ý thuộc địa, đế quốc và địa chính trị. Thời kỳ phi thực dân hóa từ giữa thế kỷ 20 trở đi đã không thay đổi nhiều sự thống trị của phương Tây, cũng không chấm dứt sự lệ thuộc của châu Á vào châu Âu.
Cho đến nay, điều này đang đảo ngược. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế châu Á và sự phân phối lại quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho phương Đông báo trước một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa châu Âu và châu Á. Điều bắt đầu như một sự thay đổi trong sức mạnh kinh tế hiện đang mở rộng sang lĩnh vực địa chính trị, quân sự và công nghệ.
Châu Âu đã trở thành một vũ đài quân sự cho các chủ thể châu Á. Việc cung cấp drone, đạn dược và linh kiện vũ khí quy mô lớn từ Iran, Triều Tiên và Trung Quốc đang giúp Nga chống lại các lực lượng Ukraine và gây ra cái chết cho dân thường ở các thành phố Ukraine. Các cố vấn quân sự Iran đã được báo cáo xuất hiện trên thực địa ở các vùng bị chiếm đóng của Ukraine, mặc dù chính phủ Iran phủ nhận sự hiện diện của họ ở đó. Trung Quốc cũng là bên ủng hộ chính cho nỗ lực chiến tranh của Moscow—về mặt kinh tế, nhưng cũng thông qua việc cung cấp các linh kiện vũ khí, ngay cả khi Bắc Kinh đã cẩn thận cho đến nay để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Và chỉ tuần trước, binh lính Trung Quốc đã đến miền tây Belarus, chỉ cách biên giới Ba Lan(một quốc gia thành viên NATO) vài dặm trong 11 ngày tập trận chung có tên Eagle Assault 2024. Trung Quốc và Nga đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên của riêng họ tại Biển Địa Trung Hải vào năm ngoái; các cuộc tập trận chung giữa hai nước đã diễn ra ở Biển Baltic từ năm 2017. Chậm nhưng chắc chắn, Bắc Kinh đang nói rõ rằng họ có tham vọng quân sự ở châu Âu.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở châu Âu hiện có thể vẫn còn khiêm tốn, nhưng nó sẽ tăng lên theo thời gian. Việc quân đội Trung Quốc lần đầu tiên tham gia các cuộc tập trận chỉ cách biên giới phía đông của NATO vài dặm nhấn mạnh mức độ mà châu Âu và châu Á đang thay đổi vị trí cho nhau – với châu Âu đang trở thành mục tiêu chiến lược của châu Á. Khi Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Á đang trỗi dậy khác trở nên mạnh mẽ hơn, họ ngày càng coi châu Âu là nơi thể hiện tham vọng địa chính trị của mình.
Với việc EU bị chia rẽ bởi các rạn nứt nội bộ và không hành động như một tác nhân chiến lược mạch lạc khi đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh và xung đột trong khu vực, tình thế đã thay đổi. Trong khi các cường quốc châu Á từng yếu ớt và là mục tiêu trong các tính toán chiến lược của châu Âu, thì giờ đây sẽ là ngược lại.
Tầm ảnh hưởng càng phát triển của châu Á ở châu Âu cũng được chứng minh khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu – những người đã thất bại trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược Ukraine của Nga – hướng về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với hy vọng rằng ông sẽ thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh. Tập Cận Bình, người đã được đón tiếp nồng nhiệt ở Paris, Belgrade và Budapest vào đầu năm nay, đang miệt mài với khả năng bắt cá hai tay đối với cuộc chiến ở châu Âu. Nhưng điều mà nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ là việc giúp Moscow thành công ở Ukraine và những nơi khác ở châu Âu sẽ giúp Bắc Kinh dễ dàng đảm bảo vị trí hàng đầu ở châu Á hơn. Bắc Kinh tính toán, nếu phương Tây bị ràng buộc bởi mối đe dọa của Nga ở châu Âu, khả năng phương Tây chống lại thách thức của Trung Quốc ở châu Á chắc chắn sẽ giảm sút. Theo nghĩa này, cuộc xung đột lớn nhất và nguy hiểm nhất của châu Âu kể từ năm 1945 là cuộc chiến ủy nhiệm lớn đầu tiên của Trung Quốc chống lại Mỹ.
Châu Âu cũng tha thiết muốn được Ấn Độ giúp đỡ về ngoại giao hòa bình ở Ukraine, quốc gia đã không lên án cuộc xâm lược của Nga. Thay vì đứng về phía phương Tây về vấn đề Ukraine, New Delhi đã mắng mỏ châu Âu vì thiếu hiểu biết về những lo ngại của Ấn Độ. New Delhi tiếp tục mua và chế biến một lượng lớn dầu của Nga (và bán lại một phần cho châu Âu) đồng thời thúc đẩy sự can dự của mình với Moscow.
Nhưng mối quan tâm của Ấn Độ đối với châu Âu khác với Trung Quốc. New Delhi coi châu Âu là đối tác tương lai cho hợp tác kinh tế và chiến lược – và không muốn thấy châu Âu tách khỏi Washington hoặc làm suy yếu cả hai. Ấn Độ cần cả hai cường quốc để cân bằng Trung Quốc ở châu Á. Vị thế của châu Âu đã tăng đều đặn trong tính toán địa chính trị của Ấn Độ trong những năm gần đây. Đồng thời, New Delhi từ lâu đã coi Moscow là một yếu tố quan trọng trong thế cân bằng địa chính trị của châu Á. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Moscow vào đầu tháng 7 để tăng cường quan hệ song phương; Modi cũng hy vọng rằng Moscow vẫn có thể bị thuyết phục không trở thành đối tác cấp dưới của Bắc Kinh.
“Chia để trị” là phương châm cũ của các cường quốc thực dân châu Âu để giành quyền kiểm soát châu Á. Ngày nay, các cường quốc châu Á đang học hỏi nghệ thuật thăm dò các đứt gãy của châu Âu, cho dù đó là Nga tìm cách ve vãn Tổng thống Hungary Viktor Orban hay Trung Quốc ủng hộ những nhà lãnh đạo châu Âu tìm cách bất chấp Mỹ để theo đuổi mục tiêu “tự chủ chiến lược” của EU hoặc lợi ích thương mại mở rộng của các quốc gia của họ ở Trung Quốc. Đương nhiên, một châu Âu tự chủ hơn sẽ là kết quả lý tưởng cho Bắc Kinh. Bên cạnh việc khai thác sự chia rẽ xuyên Đại Tây Dương về địa chính trị, Moscow và Bắc Kinh còn có quá nhiều dư địa để đối phó với chủ nghĩa bài Mỹ ở cả cánh tả và cánh hữu trong quang phổ chính trị châu Âu.
Các cường quốc châu Á cũng ngày càng tham gia ủng hộ Ukraine. Hàn Quốc, quốc gia đã nổi lên như một nhà sản xuất vũ khí lớn, đã bán vũ khí cho NATO, và có thể tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để đáp lại sự tham gia ngày càng tăng của Triều Tiên về phía Nga. Nhật Bản đã nổi lên như một người ủng hộ chính trị và ngoại giao lớn của Kyiv và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết Ukraine khi quá trình này bắt đầu.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 7 tại Washington cũng cho thấy mức độ mà nền quốc phòng châu Âu đã trở thành mối quan tâm của các cường quốc châu Á và Thái Bình Dương như thế nào. Chính quyền Biden đã thuyết phục bốn đồng minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình (Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc) trở thành một phần của diễn ngôn an ninh châu Âu. Các nhà lãnh đạo của bốn quốc gia, gọi là AP-4, đã trở thành những người tham gia thường xuyên tại các hội nghị thượng đỉnh NATO.
Vai trò của châu Á ở châu Âu là mặt trái của lập luận của Tổng thống Joe Biden rằng châu Âu nên làm nhiều hơn nữa để bảo vệ châu Á chống lại Trung Quốc. Không rõ liệu người châu Âu có đủ năng lực và sự gắn kết chiến lược để đóng góp cho an ninh châu Á hay không, nhưng các nhà lãnh đạo châu Á nhận ra lợi ích của họ ở châu Âu.
Không phải tất cả sự can dự của châu Á vào châu Âu đều mới. Mặc dù ngày nay hầu như không được thừa nhận, nhưng người châu Á đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột ở châu Âu từ cuối thế kỷ 18. Ví dụ, hãy xem xét thực tế là Ấn Độ thuộc Anh đã đóng góp gần 1 triệu binh sĩ cho quân Đồng minh trong Thế chiến thứ nhất và 2 triệu binh sĩ cho quân Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Nếu không có những đội quân Ấn Độ đó, bản đồ châu Âu ngày nay có thể trông rất khác.
Không giống như trước đây, châu Á sẽ không còn là một phần phụ thụ động trong các cuộc chiến tranh của châu Âu. Thật vậy, cuộc chiến Nga-Ukraine cho thấy các cường quốc châu Á – với những lợi ích chiến lược của riêng mình – sẽ là những người tham gia trực tiếp trong tương lai. Thực tế là châu Âu đang phải vật lộn để đối phó với sự suy giảm dân số, quân đội thu hẹp và ý chí giảm sút khiến các quốc gia châu Á tham gia vào an ninh châu Âu càng trở nên khả dĩ hơn.
Tham vọng địa chính trị của châu Á ở trong và xung quanh châu Âu vượt xa Ukraine. Iran, Qatar, Ả Rập Xê-út và UAE đang đóng một vai trò ngày càng mở rộng ở Nam Caucasus, Đông Địa Trung Hải và Sừng châu Phi. Vốn đầu tư của Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư – cũng như lính đánh thuê Nga – đang nhanh chóng đẩy người Pháp và các nước châu Âu khác ra khỏi các thành trì thuộc địa cũ của họ ở châu Phi. Với việc châu Âu không thể bảo đảm an ninh cho khu vực vòng cung bất ổn từ Đông sang Nam Địa Trung Hải, chính các cường quốc bên ngoài sẽ sớm kiểm soát những cánh cổng dẫn đến châu Âu.
Châu Âu có truyền thống lâu đời đánh giá thấp châu Á. Trong cuốn sách năm 1968 tên Bi kịch châu Á: Cuộc điều tra về nghèo đói của các quốc gia, học giả người Thụy Điển Gunnar Myrdal lập luận rằng châu Á không thể phát triển kinh tế trong bối cảnh nhiều hạn chế về cấu trúc. Chưa đầy hai thập kỷ sau, sự trỗi dậy kinh tế của châu Á đã trở thành một trong những xu hướng toàn cầu quan trọng nhất.
Về mặt kinh tế, châu Âu hiện nay cũng phải chấp nhận thực tế là sự tăng trưởng của châu Á không còn phụ thuộc vào lao động giá rẻ sản xuất hàng hóa đơn giản. Đông Á dẫn đầu trong sản xuất chất bán dẫn và xe điện. Châu Âu vẫn có những khả năng thích hợp và vẫn là một cường quốc khoa học, nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng lục địa này đã tụt hậu về đổi mới và tụt hậu so với châu Á trong việc sản xuất một số hàng hóa công nghệ tiên tiến nhất định. Trong khi đó, Ấn Độ đã tạo dựng được chỗ đứng cho mình với tư cách là nhà cung cấp tài năng công nghệ cho các ngành công nghiệp mới ở phương Tây.
Khi các cường quốc châu Á hướng về châu Âu, nguồn lo lắng lớn nhất đối với người châu Âu phải là thực tế là họ không còn là trung tâm của các ưu tiên chiến lược của Mỹ. Trong hơn một thế kỷ, châu Âu là chiến trường bên ngoài chính của lợi ích chiến lược Mỹ. Sau Thế chiến 2, Mỹ sẵn sàng ưu tiên lợi ích của châu Âu hơn lợi ích ở châu Á. Ngày nay, sự chú ý về quân sự và chiến lược của Mỹ ngày càng tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Á. Mặc dù Mỹ khó có thể từ bỏ hoàn toàn châu Âu – ngay cả khi cựu Tổng thống Donald Trump giành được một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11– nhưng mức độ ưu tiên của nó sẽ thấp hơn châu Á.
Tất cả những điều này không có nghĩa là châu Âu không có lựa chọn nào trong việc đối phó với một thế giới mà châu Á trở nên quan trọng. Nếu có thể từ bỏ thái độ coi thường, hạ thấp của mình đối với phương Đông, châu Âu có thể tìm ra những cách làm việc mới và cùng có lợi với các cường quốc châu Á. Trước hết, châu Âu phải nhận ra rằng châu Á không thống nhất. Chia rẽ và đối đầu hoàn toàn tồn tại – bao gồm cả giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam, và Ấn Độ và Trung Quốc.
Châu Âu có truyền thống lâu đời trong việc tương tác với châu Á, không chỉ thông qua sự hiện diện thuộc địa trong quá khứ của mình. Nhưng châu Âu ngày nay đã có một quảng nghỉ dài, tách rời khỏi địa chính trị châu Á dựa trên những ảo tưởng về sự trỗi dậy của một thế giới hậu xung đột; dựa trên sự thay thế chính sách đối ngoại bằng chủ nghĩa trọng thương; quá trình thuê ngoài về an ninh – và thậm chí cả tư duy chiến lược – dựa vào Mỹ; và sự tự lừa dối về việc trở thành một đế chế của các chuẩn mực không dựa vào thứ gì khác ngoài sức mạnh của hình mẫu.
Một châu Âu tích cực tham gia vào địa chính trị châu Á cũng như thể hiện sự tôn trọng đúng mức đối với sự trỗi dậy và tầm ảnh hưởng của các cường quốc châu Á sẽ có thể nâng cấp quan hệ với châu Á – ngay cả khi châu Âu hiện đại hóa mối quan hệ với Mỹ. Bằng cách chia sẻ gánh nặng của Washington ở phương Đông và coi châu Á là một đối tác bình đẳng về địa chính trị, châu Âu có thể lấy lại vị trí của mình trên bàn cờ toàn cầu.
C.R.M.
—
C. Raja Mohan là biên tập viên tại Foreign Policy và là cựu thành viên Ban Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ.
Nguồn bản dịch: Nghiên cứu Quốc tế