Ngày 20 tháng Bảy 1944

Nguyễn Xuân Thọ

Người Việt chỉ biết hôm nay 20.7. là ngày ký kết hiệp định Geneve 70 năm trước. Hiệp định này chấm dứt cuộc chiến tranh 9 năm với Pháp, nhưng lại chia đôi nước Việt Nam thành hai chế độ và khởi đầu cho một cuộc chiến tranh khác, đẫm máu hơn.

Người Đức thì hàng năm kỷ niệm ngày 20.7.1944 là ngày vụ mưu sát Hitler bất thành của nhóm kháng chiến tập hợp xung quanh Đại tá, Bá tước Claus Schenk von Stauffenberg. Năm nay là đúng 80 năm.

Vụ mưu sát và đảo chính bất thành, von Stauffenberg và khoảng 200 sỹ quan, tướng tá và quan chức của chế độ Quốc xã bị hành quyết. Những người nổi tiếng như Thống chế Rommel thì bị bức tử.

Đây là cuộc nổi dậy có quy mô lớn nhất trong thời Quốc xã. Mặc dù phong trào này bao gồm nhiều tướng lĩnh cao cấp như Friedrich Olbricht hay von Stülpnagel, nhưng Đại tá von Stauffenberg vẫn được coi là linh hồn của nó.

Nhiều người tham gia trong phong trào 20.7.1944 vì thấy tình thế tuyệt vọng của quân đội Quốc xã. Nhưng von Stauffenberg thì đã nhìn ra những tội ác của đảng Quốc xã từ năm 1939 và kiên quyết tìm cách xóa bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa Quốc gia, lập lại nhà nước pháp quyền như trước 1933 ở Đức.

Bá tước von Stauffenberg sinh năm 1907 trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Đức, vợ ông cũng xuất thân từ thành phần này. Ông là một người lính chuyên nghiệp từ năm 19 tuổi với lời thề trung thành với Tổ quốc. Năm 1943 ông bị thương ở Bắc Phi, khi đang phục vụ trong Binh đoàn Châu Phi của Thống thế Rommel. Ông mất một mắt và tay phải cũng như hai ngón tay trái. Tuy nhiên ông trở lại quân đội và với chức vụ Đại tá tư lệnh quân dự bị trong bộ Tổng tư lệnh quân Đức ở Berlin.

Ở cương vị này ông cùng một số sỹ quan yêu nước khác quyết định lật đổ chế độ Quốc xã để cứu nước Đức trước một thảm họa.

Nhiệm vụ trung tâm của kế hoạch này là ám sát Hitler. Sau đó các đơn vị đảo chính sẽ chiếm các cơ quan then chốt, bắt và xử lý những tay chân thân cận của Hitler, lập ra một chính phủ dân sự để tiến hành thương thuyết với „Đồng minh chống Hitler“.

Von Stauffenberg nhận nhiệm vụ ám sát Hitler, vì với tư cách tư lệnh quân dự bị ông được tham gia cuộc họp chiến thuật định kỳ của Hitler ở trung tâm hành quân tiền phương Wolfschanzen (nay thuộc Ba-Lan).

Đúng kế hoạch, Stauffenberg đến nơi, vào phòng thay quần áo. Thượng úy Werner von Haeften cần vụ của ông gác ngoài cửa. Ông dùng kìm bóp ngòi nổ quả mìn. Nhưng vì chỉ còn 3 ngón tay nên ông lóng ngóng chỉ bóp được 1 ngòi nổ. Về sau này con trai ông nói là giá như ngày đó ông cụ cứ để quả mìn không bóp ngòi nổ trong cùng cái cặp đó thì sức công phá sẽ khác. Hơn thế nữa Hitler lại thay đổi kế hoạch, không họp trong boong ke bê tông mà vào một căn nhà gỗ nên sức ép của trái mìn bị giảm tác dụng.

Trước khi bom nổ, Stauffenberg kịp lên máy bay, bay về Berlin để tiếp tục lãnh đạo cuộc đảo chính mang tên „Chiến dịch Walküre“. Walküre là tên bản nhạc trong nhạc kịch cùng tên của Wagner. Những người đảo chính sẽ phát bản nhạc này trên đài phát thanh Đức để toàn quốc nổi dậy.

Xuống đến sân bay Berlin ông mới biết là Hitler thoát chết. Tuy cuộc đảo chính nổ ra nhưng Hitler không chết đã tập hợp được các lực lượng trung thành đè bẹp cuộc nổi dậy. Von Stauffenberg bị bắt và bị xử bắn ngay tại sân sau của Bộ tổng tham mưu cùng một số tướng lãnh chiều tối 20.07.1944. Có một chi tiết đáng kể là khi bị xếp hàng đứng trước đội xử án, viên Thượng úy cần vụ Werner von Haeften đã đứng ra che đạn cho Claus von Stauffenberg. Tất nhiên cả hai viên võ quan quý tộc này đều bị hành quyết lần lượt.

Ngay hôm sau bà phu nhân Nina Schenk von Stauffenberg bị Gestapo bắt mang về Berlin, còn 4 người con bị đưa đi nơi khác, giao cho các gia đình đảng viên NSDAP [1] trung kiên nuôi. GESTAPO muốn qua bà để tìm thêm những ai nằm trong phong trào kháng chiến chống Hitler. Tất nhiên bà chỉ nói là không hề biết những việc chồng làm. Do vậy bà và các con sống sót tại các trại tập trung. Năm 2006 bà qua đời.

Theo các hồi ký của bà và con gái sau này thì bà biết rất rõ việc làm của ông, kể cả những chuyển biến tư tưởng của ông từ 1939.

Hồi đó những người chống lại chế độ Quốc xã không bị coi là „bất đồng chính kiến“ mà là „Phản bội Tổ quốc“.

Ngày nay tên tuổi của Stauffenberg được đặt cho nhiều đường phố, trường học và doanh trại quân đội.

[1] NSDAP = viết tắt của National Sozialistische Deutsche Arbeiterpartei (Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức), còn được gọi là đảng Quốc xã. Đây là đảng chính trị duy nhất được phép độc quyền tồn tại và lãnh đạo nước Đức từ 1933-1945.

N.X.T.

Nguồn: FB Tho Nguyen

This entry was posted in Hitler, Nguyễn Xuân Thọ, Quốc xã. Bookmark the permalink.