Thấy thằng Cả thương quá

Mạc Văn Trang

.

Chàng con nuôi Cu Đồng trở thành “rễ thối” trong CCRĐ thật là một phúc lớn. Thế mà nhà văn Đào Vũ (người từng đi thực tế đến nhà anh MVT hậu CCRĐ, lấy ông cụ thân sinh MVT làm nhân vật chính Lão Am cho sách của mình), đã không đề cập gì đến tấm gương nhân ái vượt tầm thước của người mẫu Lão Am (và cả Cu Đồng) trong Cái sân gạch Vụ lúa chiêm; chỉ chăm chăm viết về cái mà Lão Am đã kiên quyết bảo lưu vì lão có cái nhìn sáng suốt để hoài nghi hiện tượng HTX, và quả thực lâu về sau cái đúng của lão đã sáng tỏ. Chê bai Lão Am là trung nông bảo thủ hóa ra lão là một con người kiên định so với thời đại. Chứng tỏ sức phát hiện của nhà văn miền Bắc trước đổi mới nói chung đều nằm dưới tầm nhân vật. Có lẽ vì họ bị cái gì đó “kéo màng” trong mắt, hoặc đúng hơn là do thời buổi ấy ai ai cầm bút cũng phải “tự nguyện” nhận lấy một chiếc kính “chiếu yêu” do công nghệ XHCN kém cỏi sản xuất nên nhìn cái gì trắng cũng hóa đen, tốt đẹp đều biến thành xấu xí; ngược với mụ Hoàng hậu yêu tinh trong Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Schneeweißchen / Schneewittchen) của anh em Grimm có bảo vật là chiếc gương thần trong tay nên vẻ đẹp thiên thần của nàng Bạch Tuyết dù chạy vào rừng sâu vẫn luôn luôn bị mụ ta phát hiện.

Nguyễn Huệ Chi 

.

Hôm mùng 10 tháng Hai, Giáp Thìn, 2024, vợ chồng tôi về quê Giỗ Họ. Trước khi vào “đám Giỗ”, chúng tôi bảo lái xe vào ngôi nhà cũ ngày xưa, nơi Ông Bà, Bố Mẹ anh chị em chúng tôi từng ở đó, để thắp hương Bàn thờ Tổ tiên và vợ chồng anh chị Trân – An mới mất.

Trời mưa dầm dề. Xuống xe, qua cổng vào đến sân, thấy một người đang mải miết quét lá từ hai cây nhãn gần trăm tuổi rụng kín mặt sân.

Tôi hỏi: Thằng Hiếu hả?

Người kia lắc đầu, không nói. Ra nó vừa quét lá vừa khóc.

Tôi đến gần: Thằng Cả hả?

Nó oà lên khóc!

Tôi hỏi: Thế có cháu nào ở nhà không?

Nó lắc đầu: Cửa nhà khóa rồi! Nó vẫn vừa khóc vừa cặm cụi quét lá.

Tôi bảo: Cháu lên xe với bác, vào “đám giỗ” đi.

Nó lắc đầu.

Tôi hỏi: Cháu vào “đám Giỗ” rồi chứ? Nó gật.

Nhìn nó Giống chú Đồng quá, càng thương…

Kim Chi giục tôi vào xe kẻo ướt hết. Lòng tôi buồn thương bồi hồi. Lên xe đi rồi tiếc mãi không chụp tấm hình thằng Cả vừa quét lá trên sân vừa khóc.

Thằng Cả là con chú Đồng. Chú Đồng con nuôi của Bố tôi.

Thời kỳ 1949 – 1954 Bố làm thợ rèn ở Chợ Con, thị xã Hải Dương. Tôi vẫn nhớ một buổi sáng sớm Chủ nhật mùa Đông 1951, khi bố con tôi bước vào quán lò rèn, thấy một cái bao tải buộc túm đầu, có con gì đó ngọ nguậy bên trong. Cứ nghĩ, ai đó để con lợn hay con chó ở đây. Rồi giật mình thấy tiếng khóc thút thít.

Bố mở bao ra, thấy thằng bé quần áo rách rưới, đầu tóc bờm xờm, mắt sưng húp… Tôi hoảng hồn. Bố hỏi. Cậu bé vừa khóc tấm tức vừa nói: Anh ấy đánh cháu, bỏ cháu vào bao…

– Anh nào? Sao anh ấy lại đánh cháu?

– Tại cháu bảo bà bán hàng, anh ấy lấy cắp…

– Nhà cháu ở đâu? Bố mẹ cháu đâu?

Thằng bé chỉ lắc đầu. Khóc…

Sau hỏi ra mới biết, nó tên là Đồng, 10 tuổi mà bé như 7-8 tuổi, bố mẹ mất cả, còn người anh. Đồng bỏ nhà quê đi lang thang rồi không biết đường về, sống bụi đời ở thị xã Hải Dương.

Bố tôi mua cho Đồng gói xôi. Nhóm lò đun nồi nước nóng tắm gội cho nó. Mua quần áo cho mặc rồi đi cắt tóc.

Bố nhìn nó hồi lâu rồi bảo: Con ở với ta chứ? Nó gật đầu. Bố bảo tôi hướng dẫn em quay bễ xem được không. Nó quay rất ngon lành và thích thú.

Tôi đi học buổi sáng, chiều vẫn ra quay bễ. Anh Trân làm Phó nhỏ. Nay có thêm cu Đồng càng vui.

Bốn bố con nằm trên cái giường được cơi nới rộng ra, dưới cái lán một mái, lợp tôn, gá vào đầu nhà của gia binh. Nhưng điện nước ở đây rất tốt, dùng ké không mất tiền. Mọi người rất quý trọng Bố, vì ông có vài bài thuốc gia truyền, giúp cho vợ con lính mấy bận rất hiệu quả. Ông còn bày cho họ cách cúng khấn…

Tối nào anh Trân cũng dạy Đồng học. Đồng rất sáng dạ và chịu khó. Chỉ dăm bảy tháng là Đồng biết đọc, biết viết, làm được 4 phép tính đơn giản. Đồng lớn nhanh, khỏe, rồi trở thành Phó nhỏ, được Bố rất tin cậy.

Tháng 7 năm 1954 hòa bình lập lại. Đồng về Vũ La, làm rèn với Bố ở chợ Mét. Anh Trân đi Thanh niên xung phong. Tôi vẫn đi học.

1956 CCRĐ, Bố từng làm Lý trưởng 1941-1945, nên bị quy là “cường hào”. Cu Đồng được Đội triệu tập đi bồi dưỡng cốt cán, “ôn nghèo, gợi khổ, nhớ thù xưa” để đấu tố Bố nuôi. Gần chục ngày thấy nó về, bơ phờ, hai mắt sưng húp, người như ngây, như dại. Trường hợp “bồi dưỡng” không thành, Đội coi là “rễ thối”! Về nhà, hỏi gì nó cũng lắc đầu, khóc.

Cả làng không ai đấu tố gì Bố. Thật phúc lớn. Có lẽ Ông nội làm thuốc giúp được dân làng; Bố sống tình nghĩa, không làm gì hại ai, và 1945 đã đứng ra quyên góp cứu đói cho dân làng…

Cuối năm 1958, Bố bảo Đồng, con lớn rồi, cố nhớ xem quê ở đâu, Bố đưa con tìm lại quê. Đồng còn nhớ, nhà ở bên Chùa, có cây gạo rất to. Khi đi ra thị xã Hải Dương có đi qua Cầu Cất. Vậy là Bố đưa Đồng lần mò tìm được về quê. Thì ra ở huyện Gia Lộc, xã Gia Xuyên, thôn Đồng Bào. Đồng gặp lại anh trai, họ hàng xiết bao mừng vui.

Bố về hiến tất cả đồ nghề thợ rèn cho xưởng cơ khí của HTX do anh Trân phụ trách…

Đồng về quê mấy năm rồi làm nhà, lấy vợ, sinh được 5 con. Thằng Cả là con trai lớn. Chú ta mất năm 1992, mới 51 tuổi.

Lúc còn sống, khi Bố, Mẹ nuôi mất, rồi những ngày Giỗ, Tết chú Đồng luôn đưa vợ con ra, thương lắm.

Nay nhìn thằng Cả, bao nhiêu kỷ niệm xưa hiện về… Thương quá!

Có thể là hình ảnh về 1 người và đền thờ

Ảnh Kim Chi chụp bác Trang và cháu Cả trong đám giỗ Họ, chiều tối mùng 10 tháng 2 Giáp Thìn, 2024.

19/7/2024

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đào Vũ, Mạc Văn Trang, Văn nghệ phục vụ chính trị. Bookmark the permalink.