Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
Năm nay, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo về ba mối đe dọa cho sự ổn định đang nổi lên: “Các công đoàn bí mật, nông dân chống đối và và các cựu chiến binh bất mãn. Tất nhiên, nông dân, công nhân và binh sĩ đã hình thành nền tảng của cuộc cách mạng cộng sản Trung Quốc. Hiện nay, các quan chức nói rằng những người biểu tình trong các giới này phải được dập tắt“.
Chưa hết!
Hiện tượng các tầng lớp xã hội “thượng lưu” (élite!), đánh hơi thấy quả bong bóng kinh tế bắt đầu nứt rạn, bắt đầu bán đất đai, nhà cửa và gia sản “di dân” sang Hoa Kỳ, Canada, Úc châu, Tân Tây Lan… ngày càng rộ lên như một phong trào, khiến báo chí chính thức của TQ cũng đang phản ảnh một cách lo ngại!
Trông người lại nghĩ về ta, một anh học trò kém, chỉ biết học vẹt “học thuyết” của ông anh láng giềng “16 chữ vàng – 4 tốt”, rồi đem nhân dân và đất nước, rừng biển VN ra… thử nghiệm để làm sao nhanh chóng giàu phất!
GSTS Nguyễn Thu
Trung Quốc đã bắt tay vào một chương trình đầy tham vọng, cắt giảm nhân lực và cả tiến công nghệ để chỉnh đốn quân đội của mình.Nhưng một số binh sĩ xuất ngũ phải chịu tổn thương đã tràn xuống các đường phố để phản đối sự thiếu công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi khác. Đó là một khía cạnh ít khi được nhìn thấy trong công cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang khiến Chính phủ Trung Quốc lo lắng.
Người ta nhìn thấy môt số binh sĩ xuất ngũ loay hoay quanh một văn phòng khiếu nại quân đội ở trung tâm Bắc Kinh. Một số mặc binh phục và đeo các huy chương. Họ chủ yếu là các cựu chiến binh từ cuộc nội chiến của Trung Quốc, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh biên giới năm 1979 của Trung Quốc đối với Việt Nam. Một nhóm bao gồm các thành viên của đon vị 8.023, một đội quân bí mật về thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Trung Quốc , một số người bị ảnh hưởng do tiếp xúc với bức xạ.
Những cựu chiến binh không được chăm sóc
Vào một buổi sáng gần đây ở trung tâm khiếu nại, những người biểu tình khác đang thận trọng và im lặng, ngoại trừ một người đàn ông tròn với một bộ râu chàng, một cựu chiến binh thất nghiệp và vô gia cư tên là Wu Wei. Ông nói rằng Chính phủ của ông không màng chi đến lời cầu khẩn giúp đỡ của mình.
“Tôi xem Đảng Cộng sản như cha mẹ mình”, Wu kêu rống lên “nhưng họ làm cho tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ mồ côi. Không ai muốn lắng nghe nguyên nhân… Những người tại văn phòng khiếu nại nói: “Cứ đi khiếu nại với bất kỳ ai mà anh muốn”.
Yang Junqi, một cựu chiến binh được nhiều huân chương cũng kêu gào tương tự như thế. Trong cuộc chiến tranh biên giới của Trung Quốc chống lại Việt Nam, ông đã giết chết ba địch quân, làm bị thương bảy, bắt giữ một và cứu được tám đồng chí của mình. Ông bị thương ba lần và vẫn còn bị chấn thương. Ông nói rằng nếu đồng chí của ông không kéo ông ra khỏi một khe mương để đưa anh ta đi cứu thương, chắc chắn ông đã phải chết tại Việt Nam.
Sau chiến tranh, Yang nói rằng ông có được một công việc tại cơ quan thuế địa phương, nhưng sau đó ông bị gửi trả về nhà. Khi yêu cầu một lời giải thích, ông được cho biết rằng mình đã được cho nghỉ hưu sớm vì bệnh tật. Yang nói ông không có bất kỳ bệnh tật gì và ông đã không nộp đơn xin nghỉ hưu.
“Bạn bè của tôi nói với tôi rằng người chủ đã lừa tôi”, Yang nói. “Họ nói rằng chủ tôi giả mạo trường hợp nghỉ hưu của tôi để cung cấp công việc của tôi cho một trong các bạn bè của mình”.
Yang đã phản đối với lối cư xử dành cho mình trong 10 năm qua, đi tới Bắc Kinh với một xạ thủ súng máy cũ từ quê hương của mình, người đã từng phục vụ với anh ta tại Việt Nam. Ông nói rằng các quan chức địa phương trong tỉnh Hà Nam đã làm ngơ các chỉ thị từ Bắc Kinh để khôi phục lại công việc và quyền lợi cho ông.
“Cựu chiến binh tàn tật giống như những người công nhân bị sa thải”, Yang cay đắng nhận xét. “Họ là một nhóm thất thế. Chính phủ đã ban hành các quy định để bảo vệ họ. Nhưng những quy định này bị các cấp địa phương lờ đi. Chẳng những không được bảo vệ, họ còn bị áp bức nữa”.
Các cuộc biểu tình đa phần bị che giấu, không được tường thuật
Bất chấp những nỗ lực nhằm tạo nên một quân đội nhẹ nhàng hơn nhưng được trang bị tốt hơn, Trung Quốc vẫn còn có 2,3 triệu nan nữ đang hiện dịch và nhiều hơn nữa đã được xuất ngũ. Chẳng phải là cảnh ngộ của họ là nhất thiết tồi tệ hơn so với các cựu chiến binh ở các nước khác.
Nhưng cuộc bạo động thường xuyên và các cuộc biểu tình phản đối của họ chủ yếu là bị che giấu và không thể được tường thuật qua các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo năm ngoái, tướng Shi Chujing, của Tổng cục Chính trị quân đội, đã tuyên bố rằng Chính phủ đang làm việc về vấn đề này.
“Trung Quốc rất coi trọng việc xuất ngũ của các sĩ quan và quân nhân” ông nói với các phóng viên. “Chúng tôi đã đưa ra một số chính sách ưu đãi và các biện pháp, và các sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ hài lòng với các chăm sóc”.
Shi cho rằng chính kích thước của lực lượng vũ trang của Trung Quốc và quy mô của cuộc cải cách khiến sẽ phải có những bất bình ta thán.
“Các hoàn cảnh cá nhân là những trường hợp bình thường trong quá trình cải cách và mở cửa”, Shi nói. “Chúng tôi là một nước đông dân, và với chiều sâu của sự cải cách và mở cửa, các loại vấn đề này sẽ được giải quyết”.
Nỗi lo sợ rằng “Quân đội sẽ đoàn kết và tổ chức lại”
Nhưng Yao Huiquan, một người lính già vui vẻ trong một chiếc áo choàng màu ô liu, không đồng ý rằng vấn đề này là một việc không quan trọng. Ông nói rằng những gì các quan chức lo ngại nhất về các cựu chiến binh phản kháng là tinh thần kỷ luật của họ. Yao đã theo dõi các cựu chiến binh trong hành động.
“Họ tổ chức theo cấp bậc: tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn”, ông Yao, một người thường xuyên có mặt tại văn phòng khiếu nại quân sự cho biết như thế. “Sau đó họ cứ ngồi lì trước Ủy ban quân sự trung ương”.
Yao biết các quan chức quân sự đã tìm cách trừng phạt ông vì công trình tổ chức của ông.
“Tôi đã hai lần bị đánh đập bởi các đại diện của Ủy ban quân sự trung ương”, Yao cho biết, vẫn tươi cười. “Họ sợ rằng chiến sĩ chúng tôi sẽ đoàn kết và tổ chức lại. Chúng tôi có đến 10 triệu người. Và đó không phải là con số nhỏ, phải không?”.
Năm nay, các quan chức Đảng Cộng sản đã cảnh báo về ba mối đe dọa cho sự ổn định đang nổi lên: các công đoàn bí mật, nông dân chống đối và và các cựu chiến binh bất mãn. Tất nhiên, nông dân, công nhân và binh sĩ đã hình thành nền tảng của cuộc cách mạng cộng sản Trung Quốc. Hiện nay, các quan chức nói rằng những người biểu tình trong các giới này phải được dập tắt.
Nguồn: http://www.x-cafevn.org/node/755
Di cư, tầng lớp tinh hoa mới của Trung Quốc rời bỏ đất nước.
Kristin Kupfer/Zeit Online
bums, X-Cafe chuyển ngữ
Hệ thống pháp luật và xã hội đối với họ không đảm bảo: tầng lớp trung lưu có trình độ của Trung Quốc đã ra đi. Họ nhắm đến Hoa Kỳ và Canada.
“Đã thế thì đi ngay ra nước ngoài sống” – mới một vài năm trước đây, có thể bà He Bing (tên đã được thay đổi), một người làm nghề quản lý văn phòng ở Bắc Kinh, đã cười khi nghe câu nói như vậy. Mặc dù bà ta khi đó cũng đã có những lo lắng cho kết quả học tập của đứa con trai hiếu động của mình vì sợ rằng nó sẽ không kham nổi hệ thống thi cử cứng nhắc. Nhưng bà He đã có một công việc mà bà ưa thích, chồng của bà cũng đang bận rộn lập công ty e-learning riêng của anh ta cơ mà. Tại sao sau đó lại nghĩ đến chuyện di cư, và đặc biệt là, đi như thế nào?
Tuy nhiên gần đây bà ta ngày càng nghe thấy từ nhiều người quen luôn chỉ có một điều giống nhau: Chúng tôi muốn đầu tư vào Mỹ hoặc Canada, muốn có được một giấy phép cư trú dài hạn tại các quốc gia này và sau đó đem các cháu sang học phổ thông hoặc đại học tại đó. “Bạn bè, quảng cáo, truyền thông dường như đột nhiên tất cả đều xoay quanh chuyện di cư”, người đàn bà 44 tuổi nói, “và bây giờ chúng tôi cũng muốn bỏ thời gian để tìm hiểu chuyện này”.
Có nhiều ngưòi có bằng cấp, có đời sống phong lưu ở nước Cộng hòa nhân dân này cũng đã nghĩ như bà He. Theo thống kê chính thức, năm ngoái đã có tới 650.000 người Trung Quốc được phép thường trú tại Hoa Kỳ – bằng cỡ khoảng một phần năm số người Trung Quốc đang sống tại Hoa Kỳ. Tình hình cũng tương tự như vậy ở Canada: năm ngoái đã có thêm 250.000 người Trung Quốc mới nhập cư nhập vào con số 1300.000 người Canada gốc Trung Quốc đang sống ở đây. Phần đông trong số đó thuộc vào tầng lớp ưu tú nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng “chảy máu chất xám” và “tiền chảy ra nước ngoài”. “Liệu có phải đó là dấu hiệu về sự khủng hoảng của một quốc gia bị phá sản?”, thậm chí tờ báo của Chính phủ Guoji Xianqu Daobao (International Herald Leader) cũng đã phải đặt ra một câu hỏi như vậy.
Joe Dong (tên đã được thay đổi), người tư vấn của bà Bing thuộc văn phòng Henry Global Consulting Group của Canada tại Bắc Kinh không nhận thấy tình hình ở mức độ trầm trọng như vậy. Cho dù ông ta không phải là không nhận ra được động cơ của những người di cư tiềm năng như là một cảm giác khủng hoảng. “Nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ đó là hệ thống giáo dục ở đây quá cứng nhắc và những lợi ích xã hội họ nhận được quá thấp”, ông Ding nói, “Những nhà kinh doanh đang lo lắng cho tính bất ổn của pháp lý và giá bất động sản cao”. Chỉ riêng viêc được cấp một giấy phép thường trú để có thể dễ dàng đi du lịch qua Mỹ, Canada hay Úc theo Dong cũng đã có một vai trò rất lớn.
Đặc biệt những ai được đào tạo tốt và có trình độ nhưng không có cơ hội thì họ thử tìm vận may trong cái gọi là “nhập cư kiểu đầu tư”. Năm ngoái, số lượng đơn xin đầu tư vào Mỹ đã tăng lên 1000, gấp đôi so với năm 2008. Để làm như vậy họ phải chi $500,000 vào một dự án được chỉ định hoặc vào một công ty mới thành lập. Canada năm qua đã có kế hoạch tạo 2055 địa điểm nhập cư đầu tư. Một nửa trong số đó theo số liệu thống kê của Canada do người Trung Quốc tham gia. Cuối tháng Sáu, Chính phủ ở Ottawa đã nâng giới hạn tổng tài sản và giới hạn đầu tư lên thêm 50% nghĩa là lên đến 1.200.000USD hay 600.000 đô la Canada.
Mặc dù có làn sóng di cư nhưng hiện nay việc quyết định ra đi vẫn phải xem xét kỹ càng, ông Dong nói. Ngày xưa phần đông những người nhập cư có tay nghề thấp, chủ yếu là trong thập niên tám mươi và chín mươi, do sự kỳ vọng quá cao vào “miền đất hứa”, họ đã leo lên một con tàu hoặc một xe tải nào đó để thực hiện một cuộc hành trình gian khổ đến Mỹ hoặc châu Âu. Ngày nay bên cạnh thông tin trên Internet nhiều khách hàng của ông ta cũng đã từng ra nước ngoài và có người thân hay có các mối liên hệ kinh doanh. Trong khi tư vấn Dong cũng chỉ ra cho khách hàng của mình thấy những khó khăn về mặt ngôn ngữ hay văn hóa. “Không phải đối với ai việc di cư cũng là một sự lựa chọn đúng”, ông nói.
Tuy nhiên, đặc biệt là nhiều thành viên của tầng lớp trung lưu họ cảm thấy, họ không có sự lựa chọn nào khác, nhà triết học Xu Youyu đã nói như vậy. Hệ thống luật pháp lỏng lẻo của Trung Quốc không thể đảm bảo cho tài sản của họ, không thể tạo cho họ một cuộc sống bình yên, Xu viết trong một bài tiểu luận gần đây, “một xã hội công bằng có thể đảo ngược dòng chảy của sự di cư”. Ở Trung Quốc người ta quá bị phụ thuộc vào việc hối lộ và các mối quan hệ. “Công lý là cội nguồn của niềm tin”, nhà tư tưởng cảnh báo, “chỉ có một xã hội công bằng, người ta mới có cảm giác gắn bó”.
Nhà xã hội học Yu Jianrong, cùng làm việc với Xu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng có cái nhìn tương tự. Ông cũng cho rằng việc tìm kiếm thẻ xanh gần đây (Green Card)là lối thoát hiểm khi cần thiết đối rất nhiều người. “Xã hội Trung Quốc không có luật pháp”, ông Yu nói, “và vì vậy nhiều người cảm thấy không an toàn, họ lo sợ cho tương lai”. Người ta không thể nào biết được cái gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Điều này, mỉa mai thay cũng đúng cho tầng lớp quyền lực của Trung Quốc. Những cán bộ đã vơ vét tích lũy được một đống tài sản thông qua việc lạm dụng quyền lực, họ lo lắng rằng một ngày nào đó họ sẽ phải bị quy trách nhiệm. “Do đó, tốt nhất họ chuyển tiền của họ ra nước ngoài và cho con cái của họ ra nước ngoài định cư”, ông Yu nói.
Chính ngay cả ông Dong cũng đã không bác bỏ nhận xét này. Nhưng đó chỉ là một số ít, ông ta nói. Số đông hầu hết vẫn còn tiếp tục quan tâm đến việc gìn giữ hoặc gia tăng các nguồn thu nhập hợp pháp của họ. Ý nghĩa của thẻ xanh, vì vậy về trung hạn sẽ không còn lớn đối với nhiều người. Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa và do đó hệ thống giáo dục và pháp luật sẽ tiếp tục được cải tạo về cơ bản, Dong quả quyết. Kiểu gì thì di cư cũng không bao giờ là con đường một chiều: “Ngay cả khi ở nước ngoài, người Trung Quốc vẫn luôn luôn gắn bó với Trung Quốc lục địa, và như vậy kiến thức và vốn sẽ chảy quay trở lại”.
Nguồn: http://www.x-cafevn.org/node/748?page=2