Hôm 23 tháng 7 vừa qua, tại Hà Nội, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa ra quan điểm của Mỹ về việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Ngay sau đó, các giới chức Trung Quốc, cũng như các cơ quan truyền thông của nước này đã đồng loạt đưa ra các lời bình luận cũng như các bài báo nhắm vào Hoa Kỳ và các nước trong khu vực.
Giới chức Trung Quốc cũng như truyền thông nước này đã nói những gì? Và các diễn biến mới nhất về vấn đề tranh chấp Biển Đông ra sao? Mời quý vị cùng Ngọc Trân điểm qua các tin tức có liên quan.
Tuyên bố của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, tại Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội hôm 23 tháng 7, về vấn đề Biển Đông, được cho là cứng rắn nhất trong thời gian qua, khi bà nói rằng: “Hoa Kỳ, cũng như các nước khác, có lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại, tự do đi vào vùng biển chung ở châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông… Hoa Kỳ hỗ trợ quá trình cộng tác ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp, để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ khác nhau mà không cần cưỡng chế. Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ nước nào đang tranh chấp”.
Bà Lý Hồng Mai – Nhân dân Nhật báo
Phát biểu của bà Clinton đưa ra vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi hai nước đang ngưng các quan hệ quân sự song phương kể từ đầu năm nay, cũng như việc Trung Quốc phản đối kế hoạch tập trận chung giữa Mỹ và Nam Hàn trong vài tháng qua.
Vừa đấm, vừa xoa
Ngay sau tuyên bố của bà Clinton, ông Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã lên tiếng phản đối. Ông Dương cảnh báo Hoa Kỳ rằng, tuyên bố của bà Clinton làm cho tình hình trong khu vực căng thẳng thêm. Ông nói: “Hậu quả sẽ là gì nếu vấn đề này chuyển sang đa phương hay quốc tế hóa? Nó chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn và việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn hơn. Thông lệ quốc tế cho thấy rằng, cách tốt nhất để giải quyết loại tranh chấp này là các cuộc đàm phán song phương trực tiếp giữa các nước có liên quan”.
Ngoài việc lên tiếng phản đối Hoa Kỳ, ông Dương Khiết Trì còn dùng những lời lẽ êm dịu để vuốt ve các nước đang tranh chấp. Ông nói: “Các nước châu Á có thể đối xử với nhau bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, và chúng tôi có thể giải quyết mối quan tâm của nhau đúng cách… Sự đồng thuận là, các tranh chấp này được giải quyết một cách hòa bình thông qua các cuộc thảo luận thân thiện, vì lợi ích hòa bình và ổn định trên Biển Đông và quan hệ láng giềng tốt”.
Cùng lên tiếng với ông Dương Khiết Trì, truyền thông Trung Quốc đã không tiếc lời chỉ trích bà Clinton, cho rằng phát biểu của bà là “một cuộc tấn công” vào Trung Quốc, nhằm mục đích ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này.
Trong một bài viết đăng trên Tân Hoa xã với tựa đề, “Đã đến lúc chống lại các thủ đoạn của Hoa Kỳ”, ông Li Bing, Chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, đã phản đối việc quốc tế hóa Biển Đông. Ông Li viết: “Cố gắng quốc tế hóa vấn đề Nam Hải (tức Biển Đông), Mỹ muốn hoãn lại việc giải quyết để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Washington tăng cường hợp tác quân sự trong khu vực, lén lút xúi giục và hỗ trợ một số nước xung quanh để tranh giành quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa), và đã cử tàu hải quân đến vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc để tiến hành các cuộc khảo sát bất hợp pháp”.
Cũng như ông Dương Khiết Trì, bà Lý Hồng Mai, là bình luận gia của tờ Nhân dân nhật báo, trong một bài viết hôm 30 tháng 7 vừa qua, bà vừa lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ, vừa đe dọa các nước trong khu vực. Bà viết như sau:
“Bà Clinton đã làm cho người dân Trung Quốc tức giận do những lời nhận xét không thích hợp của bà về các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông, điều mà đa số người Trung Quốc xem như một hành vi ngang nhiên can thiệp vào công việc ‘sân sau’ của Trung Quốc. Phải thừa nhận rằng, một số nước Đông Nam Á có ý định mượn tay chú Sam để cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực”.
Bà Lý Hồng Mai còn lên tiếng đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp như sau: “Hoa Kỳ đã chõ mũi vào Đông Nam Á đúng lúc. Giấu ngọn mác trong tay áo mình, Mỹ đang cố gắng ép buộc các nước ASEAN để hành động như một nhóm trong việc đối đầu với Trung Quốc và cố gắng gây sức ép lên sự hiện diện của Trung Quốc, ra khỏi khu vực.
Một số nước đã từng là láng giềng anh em, bắt đầu nghi ngờ Trung Quốc, cho là những lời kêu gọi của Trung Quốc gạt bỏ tranh chấp là không có gì, chỉ là chiến thuật trì hoãn, và làm như thế Trung Quốc sẽ có cơ hội để giải quyết các tranh chấp tất cả một lần, bằng lực lượng quân sự”.
Đe dọa bằng tập trận
Ngoài việc vuốt ve, song song với đe dọa, Trung Quốc còn hành động thông qua các cuộc tập trận trên biển. Theo tin từ các cơ quan truyền thông Trung Quốc cho biết, hôm 26 tháng 7 vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã thực hiện cuộc tập trận có bắn đạn thật, với quy mô lớn trên Biển Đông.
Tin từ Tân Hoa xã cho biết, tham gia cuộc tập trận này gồm nhiều nhóm tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, thuộc Hạm đội Nam Hải. Tin tức cũng cho biết, Tướng Trần Bính Đức, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc là người chỉ huy cuộc tập trận này, thế nhưng tin tức không cho biết có bao nhiêu tàu chiến và máy bay tham gia, và cũng không tiết lộ địa điểm chính xác cuộc tập trận.
Các chuyên gia cho rằng, qua cuộc tập trận này, ngoài việc công khai phản đối tuyên bố của Hoa Kỳ, Trung Quốc còn muốn biểu dương sức mạnh quân sự trên Biển Đông, với mục đích răn đe Việt Nam và các nước Đông Nam Á, trong việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo với Trung Quốc.
Khi được hỏi về mục đích cuộc tập trận, một viên chức quân đội cho biết : “Ông Trần Bính Đức nhấn mạnh rằng, quân đội nên theo dõi chặt chẽ các diễn biến trong khu vực và chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc đụng độ quân sự”.
Ông Cảnh Nhạn Sinh – Bộ Quốc phòng TQ
Ngoài việc tập trận để phô trương sức mạnh, Bắc Kinh còn tái khẳng định rằng, Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” trên Biển Đông. Theo tin từ báo Washington Post cho biết, ông Cảnh Nhạn Sinh, Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã phát biểu tại một cuộc họp báo cuối tuần qua rằng, Trung Quốc phản đối việc quốc tế hóa Biển Đông, và rằng tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề riêng của Trung Quốc, và vấn đề này chỉ nên giải quyết với từng nước tranh chấp, trên cơ sở song phương.
Ông Cảnh đã nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông, và Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý. Chúng tôi phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”.
Ông Cảnh cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi sẽ, theo đúng yêu cầu của luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do đi lại của tàu bè hoặc máy bay từ các nước có liên quan”.
Qua tuyên bố trên của ông Cảnh, chúng ta có thể thấy, rõ ràng là Trung Quốc đã tự mâu thuẫn với chính mình. Trong khi vấn đề tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc không muốn áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết, thế nhưng mặt khác, Trung Quốc lại đưa luật pháp quốc tế áp dụng vào việc tàu bè và máy bay của các nước khác đi lại trên vùng biển này.
Nguồn: RFA, 02-8-2010