Gideon Rachman, “Russia’s nuclear threats are losing their power,” Financial Times, 03/06/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Liên minh phương Tây đang tăng cường hỗ trợ Ukraine theo cách không thể tưởng tượng được khi chiến tranh bắt đầu.
Nga một lần nữa lại đem vũ khí hạt nhân của mình ra để đe dọa người khác. Tuần trước, Vladimir Putin đã cảnh báo các nước NATO không được cho phép Ukraine sử dụng đạn dược của phương Tây để tấn công Nga. Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” và nói rằng các đồng minh của Ukraine nên nhớ đến “lãnh thổ nhỏ bé” và “dân số dày đặc” của nhiều nước châu Âu.
Nếu ngôn từ của Putin có phần mơ hồ, thì Dmitry Medvedev đã đưa ra một lời đe dọa thậm chí còn kinh hoàng hơn. Cựu Tổng thống Nga dẫn lời Putin và nói thêm: “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể bị tính toán sai lầm. Đây sẽ là một sai lầm chết người.”
Medvedev nổi tiếng là người thường nói những lời gay gắt. Tuy nhiên, Moscow gần đây đã có những hành động để nhấn mạnh thái độ đe dọa của mình, với việc quân đội Nga tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân gần biên giới với Ukraine.
Những động thái này đã không ngăn cản một số quốc gia NATO, bao gồm cả Mỹ, thực hiện bước leo thang mới nhất, bằng cách cho phép sử dụng vũ khí của họ bên trong biên giới nước Nga.
Động thái mới nhất này của các quốc gia NATO phản ánh sự tự tin xen lẫn chút lo lắng. Từ góc nhìn tích cực, Mỹ và các đồng minh châu Âu giờ đây ít lo ngại về khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân hơn so với 18 tháng trước.
Nhưng về mặt tiêu cực, họ cũng ngày càng bất an trước tình hình trên chiến trường. Việc sẵn sàng cho phép Ukraine tấn công đáp trả nhắm vào các căn cứ pháo binh và tên lửa của đối phương – ngay cả khi chúng nằm trong lãnh thổ Nga – phản ánh quan ngại rằng Ukraine đang dần thua cuộc trong cuộc chiến. Kết quả là, những người ủng hộ Kyiv ở phương Tây cảm thấy buộc phải chấp nhận mức độ rủi ro lớn hơn để giữ Ukraine tiếp tục chiến đấu.
Việc phương Tây sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro này thể hiện một thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của họ kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022. Khi đó, các nước NATO đã rất lo lắng về việc cung cấp cho Ukraine bất kỳ loại vũ khí tấn công nào.
Việc cung cấp mỗi khả năng quan trọng mới cho Kyiv – tên lửa tầm xa, xe tăng, máy bay chiến đấu – đều đi kèm với các cuộc tranh luận kéo dài, đôi khi gay gắt ở phương Tây, và với những lời đe dọa hạt nhân từ Nga. Nhưng mỗi lần các nước NATO vượt qua một ngưỡng mới, Điện Kremlin lại không hiện thực hóa lời đe dọa hạt nhân của mình. Và điều đó đã giúp liên minh phương Tây thực hiện bước đi tiếp theo dễ dàng hơn.
Nhưng việc Mỹ và các đồng minh không còn quá lo lắng về quan điểm hạt nhân của Nga không có nghĩa là họ hoàn toàn bác bỏ mối đe dọa này. Quả thực, có một số quan chức phương Tây vẫn cực kỳ lo lắng về khả năng leo thang liên quan đến việc cho phép sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Họ lo rằng Nga sẽ xem bước đi mới nhất này là sự leo thang của một cuộc chiến ủy nhiệm với phương Tây, và theo đó có thể thực hiện điều mà họ coi là một phản ứng tương xứng – liên quan đến các cuộc phản công vào lãnh thổ NATO. Điều đó có thể đưa Nga và NATO tiến rất gần đến cuộc xung đột trực tiếp mà các nhà lãnh đạo phương Tây luôn tìm cách tránh. Học thuyết quân sự của Nga được cho là đã giả định Moscow không thể chiếm ưu thế trong một cuộc chiến tranh thông thường với phương Tây, nên sẽ dự tính việc sử dụng vũ khí hạt nhân từ sớm.
Bất chấp những phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai quân đội Pháp trên đất Ukraine, liên minh phương Tây vẫn đang cố gắng duy trì một lằn ranh đỏ rõ ràng trước việc can dự trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga.
Gần đây, khi Iran phóng một loạt tên lửa vào Israel, Mỹ và các đồng minh đã trực tiếp tham gia bắn hạ chúng. Nhưng Ukraine đã không nhận được sự hỗ trợ như vậy khi bị người Nga dùng tên lửa tấn công vào các thành phố và cơ sở hạ tầng – một phần vì nguy cơ lực lượng không quân phương Tây có thể bắn thẳng vào lực lượng Nga.
Hiện tại, Mỹ vẫn đặt ra những hạn chế đáng kể về việc Ukraine có thể tiến xa đến mức nào trong việc tấn công đáp trả lực lượng Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp. Theo chính sách mới, Ukraine được tự do tấn công vào các lực lượng Nga đang bắn vào Ukraine từ ngay bên kia biên giới. Tuy nhiên, việc tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga vẫn chưa được chấp thuận.
Bất chấp những lo ngại về phản ứng tiềm tàng của Nga trước động thái mới nhất này, những người ra quyết định ở Mỹ vẫn cho rằng các tình huống có thể kích động phản ứng hạt nhân của Nga là khá xa vời. Hai tình huống được nhắc đến nhiều nhất là khi quân Nga sắp bị đánh tan tác trên chiến trường, hoặc nếu lực lượng mặt đất của Ukraine đe dọa Crimea, nơi bị Nga chính thức sáp nhập vào năm 2014.
Cho đến nay, lần gần nhất mà thế giới tiến tới một cuộc khủng hoảng hạt nhân thực sự ở Ukraine là vào tháng 10/2022 – khi Nga phải hứng chịu một loạt thất bại thảm khốc trong cuộc chiến, bao gồm cả việc để mất Kherson. Đã từng có một khoảng thời gian cuối tuần khi các quan chức phương Tây lo ngại sâu sắc rằng Nga đã cận kề việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhưng cuộc khủng hoảng đó cũng tạo ra một cuốn cẩm nang mới về cách đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Nga khi chúng trở nên thực sự nghiêm trọng. Bước một là trò chuyện với những người đồng cấp Nga, và đe dọa rằng phương Tây sẽ tham gia trực tiếp và sâu rộng vào cuộc xung đột. Bước hai là nói chuyện với các cường quốc khác – đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ – và khiến họ lên tiếng cảnh báo Nga, tốt nhất là ở nơi công cộng.
Hiện tại, cuốn cẩm nang này vẫn nằm yên trong ngăn kéo. Nhưng nó có thể sẽ được dùng đến một lần nữa trước khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc – bằng cách này hay cách khác.
Nguồn: nghiencuuquocte.org