Các kho hàng Trung Quốc dồn dập thành lập để bán hàng sang Việt Nam

Đông Đô

30.03.2024 

(VNTB) – Tốc độ giao hàng đặt mua từ Trung Quốc về Việt Nam ngày càng nhanh, cước vận chuyển còn thấp hơn đơn hàng trong nước.

Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), cách thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ một con sông, đang đẩy mạnh phát triển Khu thương mại biên giới Đông Hưng thành khu thương mại biên giới lớn nhất Quảng Tây. Thành phố Đông Hưng bắt đầu thành lập khu thương mại điện tử hồi tháng 7-2022. Và tính đến hạ tuần tháng 3-2024, hiện có hơn 20 công ty thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trong thành phố Đông Hưng; trong đó, có hơn 200 mặt hàng như đồ thủ công mỹ nghệ và sản phẩm mây, mỗi tháng có khoảng 500.000 sản phẩm bán ra.

Huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa đất nước tỷ dân và Việt Nam. Tại khu vực này, Trung Quốc chuẩn bị xây dựng khu tích hợp kho bãi, chế biến xuất nhập khẩu, hậu cần hiện đại, thương mại điện tử xuyên biên giới. Sau khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp dự kiến có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, trọng lượng khoảng 800 tấn, khối lượng giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD).

Tại Quảng Châu (Trung Quốc) cũng đang gấp rút xây dựng Trung tâm thương mại tích hợp thương mại điện tử với tổng diện tích xây dựng khoảng 44.000 m2.

Việc ngày càng nhiều kho hàng, trung tâm thương mại điện tử mọc lên sát biên giới Trung Quốc với Việt Nam, được giải thích là do doanh nghiệp nước này đang nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ cơ quan quản lý. Và tại Trung Quốc, không chỉ chính phủ mà các địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Một lô hàng đi từ Trung Quốc, nhất là có kho tập kết ở các tỉnh biên giới vào sâu nội địa Việt Nam chỉ 2 đến 3 ngày, cộng với mẫu mã đa dạng, phí vận chuyển thấp… Các chuyên gia đánh giá đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đi theo sự yếu thế này còn là việc tiêu thụ các sản phẩm Việt, công ăn việc làm, đời sống của người nông dân, các hợp tác xã và các doanh nghiệp Việt.

Với các kho hàng sát biên giới, thời gian giao hàng các địa phương miền Bắc Việt Nam chỉ còn 1-2 ngày. Và điều này cho thấy dự báo doanh thu Tik Tok Shop Việt Nam năm 2024 lên đến trên 200 ngàn tỷ đồng là có cơ sở.

Ngoài ra một lý do khác được biết đến là trước tình hình khó khăn trong xuất khẩu hàng hoá đi các nước Đông Âu, Mỹ… khi tình hình địa chính trị thế giới nhiều biến động phức tạp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí cao, hàng tồn kho trong nước do sản xuất khôi phục trở lại đã tăng lên, Trung Quốc buộc phải tìm cách tiêu thụ sang các nước khác, trong đó có các nước Đông Nam Á mà thị trường thuận tiện nhất là Việt Nam.

Với lợi thế về các chính sách trợ giá, thuế xuất khẩu, vận chuyển, hệ thống vận chuyển logistics chuyên nghiệp, hiện đại hơn Việt Nam, năng lực cạnh tranh của hàng Trung Quốc về giá, chi phí vận chuyển là khá lớn. Với Trung Quốc, họ còn có thế mạnh về hàng điện tử, hàng thời trang cầu kỳ, làm kỹ về kiểu mốt, chất liệu cao cấp… trong khi Việt Nam chỉ có thế mạnh về hàng may mặc phổ thông, thực phẩm bản địa, mỹ phẩm từ thiên nhiên.

Thông thường, việc vận chuyển hàng hóa từ nội địa Trung Quốc đến cửa khẩu là quá trình tiêu tốn nhiều thời gian nhất, thường mất 1-3 ngày. Với cung đường dài 1.000 km xuất phát từ Thâm Quyến, thời gian còn có thể bị kéo dài do đơn hàng phải đi qua 1-2 kho trung chuyển. Sau khi đến cửa khẩu, hàng hóa sẽ được truyền tải, làm thủ tục hải quan và đưa qua biên giới Việt Nam. Khâu vận chuyển còn lại đến tay người mua hàng sẽ do các công ty giao vận trong nước điều phối.

Hàng hóa Trung Quốc được rao bán trên các sàn thương mại điện tử như Taobao, Shopee, Lazada, hay Tiktok đã không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều công ty chuyên nhận đặt hàng và chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam thừa nhận, ngoài việc giá rẻ hơn so với hàng hóa trong nước hoặc những nơi khác, một ưu điểm nổi trội của việc mua hàng Trung Quốc qua sàn thương mại điện tử là thời gian từ đặt đến giao nhận hàng rất nhanh.

Đ.Đ.

VNTB gửi BVN

  

This entry was posted in Quan hệ Việt - Trung, Quản lý kinh tế. Bookmark the permalink.