Việt Nam có đi đúng hướng khi thực hiện “ước mơ bán dẫn”?

RFA

2024.03.25

Mỹ Trung cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn (Ảnh minh họa)Reuters

Đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn đang trở thành một phong trào ở Việt Nam. Hôm 23/3/2024, GS. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN, viết trên tờ Giáo dục rằng trường này “có đủ chương trình đào tạo định hướng bán dẫn và vi mạch từ bậc đại học, thạc sĩ cho đến tiến sĩ”. Một đại diện của Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết “trường có 2 chuyên ngành chính và 7 ngành liên quan đến thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm định, cũng như ứng dụng chip bán dẫn” trong một bài viết quảng bá tuyển sinh của trường này. Tờ Nhân dân hôm 21/3 cho biết FPT cũng tham gia phong trào đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Không chỉ các trường đại học công và tư, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thúc đẩy chương trình này. Trong bối cảnh đó, có tin hôm 20/3 cho hay Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đại diện tập đoàn Lam Research (Hoa Kỳ) và yêu cầu họ làm việc với các cơ quan Việt Nam để tiến hành đầu tư ngành bán dẫn ở Việt Nam theo đúng quy định. Đã Nẵng và Cần Thơ cũng tham gia thúc đẩy đào tạo nhân lực ngành bán dẫn cho địa phương mình. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành bán dẫn, cách tiếp cận về đào tạo nhân lực cho ngành này đã đi sai hướng. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang chú tâm vào số lượng, điều mà nước này dễ làm nhất. Trong khi đó, ngành bán dẫn cần nhất là chất lượng của nguồn nhân lực. 

Nhân lực ngành bán dẫn: chất lượng hay số lượng? 

Đầu tháng 3, 2024, Chính phủ Việt Nam đề nghị Samsung hỗ trợ cho mục tiêu đào tạo 50 ngàn kỹ sư cho ngành bán dẫn đến năm 2030. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sắp trình chính phủ đề án đào tạo nói trên đến năm 2030 đinh hướng đến năm 2045. 

Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Trọng Tống, một chuyên gia cấp cao tại trụ sở của Intel ở bang Oregon, Hoa Kỳ, nhận xét:  

“Như vậy tính ra mỗi năm Việt Nam lên kế hoạch đào tạo khoảng hơn 8000 kỹ sư. Theo lý thuyết thì mục tiêu đó thực hiện được. Lấy ví dụ Đại học Bách khoa Hà Nội là trường kỹ thuật lớn nhất, nếu chúng ta cộng con số kỹ sư tốt nghiệp các ngành liên quan lại với nhau thì sẽ biết được Việt Nam có đạo được số lượng đó hay không. 

Tuy nhiên, đối với Intel và cá nhân tôi, số lượng kỹ sư và ngành học của người lao động không quan trọng bằng phẩm chất của họ. Như tôi đã nói, ứng viên có thể học bất kỳ ngành gì miễn là thuộc ngành kỹ thuật thì chúng tôi đều tuyển hết miễn là người đó có khả năng.

Xin lấy ví dụ về sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, là trường kỹ thuật lớn nhất Việt Nam, chúng tôi có tuyển không? Điều đó không nói được. Không phải cứ tốt nghiệp Bách Khoa là chúng tôi nhận, ngay cả sinh viên tốt nghiệp đúng ngành bán dẫn. Điều kiện trước hết vẫn là phải giỏi, chứ không phải học làng nhàng là có thể vào làm được. Điều tôi muốn nhấn mạnh là chất lượng của sinh viên chứ số lượng thì không nói được”.

Tiến sỹ Trọng Tống giới thiệu kinh nghiệm cá nhân để cho thấy chất lượng nguồn nhân lực quan trọng như thế nào đối với ngành bán dẫn. Ông cho biết bản thân mình đã làm việc tại Intel 8 năm, ở mảng phần mềm, xây dựng hệ thống máy móc dùng cho bán dẫn. Phạm vi bao quát của ông được coi là rộng, nhưng trong chuỗi đó có khoảng 20 bước thì ông cũng chỉ bao quát một đến hai bước trong toàn bộ quy trình. Mỗi bước như vậy luôn bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm để điều khiển máy. Khi những cái máy và phần mềm đó được đưa vào nhà máy để vận hành thì cần thêm một số lượng người rất lớn để hoạt động. Ông nhấn mạnh rằng thường thì kỹ sư Việt Nam mới ra trường sau vài năm thì cũng chỉ đứng hoạt động máy, nếu đủ năng lực. Ông nói tiếp:

“Nói tất cả những điều này để thấy rằng Việt Nam mình muốn tự chủ thì tôi bảo đảm rằng sẽ không thể nhanh được. Mười năm là quãng thời gian dài (với đời người) nhưng đối với Semiconductor (ngành bán dẫn) thì nó không phải là dài đâu. 

Anh có thể rút ngắn thời gian bằng cách mua, nhưng mua cũng không giải quyết được vấn đề gì cả. Bởi vì nó vẫn cần những kỹ sư có bề dày kinh nghiệm. Nó cần có thời gian để tích lũy cả kiến thức và kinh nghiệm. Đó là một thực tế, do nó quá phức tạp. Nó không đơn giản như chúng ta làm phần mềm”.  

Chương trình đào tạo nhân lực số lượng lớn (50 ngàn kỹ sư cho đến 2030) sẽ phải tính tới khả năng và cơ hội việc làm. Báo Tuổi Trẻ hôm 8/3/2024 có bài đặt vấn đề “Chạy đua đào tạo, kỹ sư vi mạch ra trường sẽ đi đâu?”. RFA đặt câu hỏi với Tiến sỹ Trọng Tống về nguyên tắc tuyển dụng trong ngành bán dẫn. Ông giải thích: 

“Để tuyển tiến sỹ hoặc các cấp khác vào làm thì họ không nhất thiết tuyển đúng ngành bán dẫn. 

Bạn có thể là tiến sỹ về khoa học vật liệu, tiến sỹ vật lý, hóa học, tiến sỹ về điện tử, cơ khí, khoa học máy tính. Miễn bạn có chuyên môn cao trong một lĩnh vực khoa học công nghệ là có thể được tuyển dụng. Nếu ứng viên có chuyên môn ngành bán dẫn thì tốt hơn một tí nhưng về cơ bản thì vẫn phải được huấn luyện lại từ đầu. 

Tại Intel, chúng tôi không quan tâm lắm ứng viên học cái gì. Điện tử, vật liệu hay hóa học đều được. Miễn là khi chúng tôi phỏng vấn, ứng viên thể được khả năng làm việc. Đương nhiên chúng tôi mặc định rằng ứng viên đã tốt nghiệp ngành kỹ thuật thì sẽ phải biết cơ bản về toán, vật lý, hóa học, tư duy logic tốt, thỏa mãn yêu cầu của công ty thì chúng tôi sẽ tuyển”.

Do đó, theo TS. Trọng Tống, việc đặt ra mục tiêu về số lượng (50 ngàn kỹ sư bán dẫn đến năm 2030) là cách đặt vấn đề không đúng hướng. Xét về số lượng thì Việt Nam sẽ làm được điều đó, ngay cả khi không có chương trình đào tạo riêng biệt nào. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của nguồn nhân lực đó. Để nhân lực đào tạo ra đạt được yêu cầu của ngành bán dẫn thì đó mới là việc khó, là điều mà Việt Nam cần tập chú ý để phát triển.  

Từ đào tạo đến sản xuất 

Hôm 21/3/2024, tin cho hay FPT ra mắt chương trình đào tạo thiết kế vi mạch. Những năm gần đây, FPT công bố đã thiết kế thành công một số dòng chip. Tuy nhiên, theo TS. Trọng Tống, từ thiết kế chip đến sản xuất chip là một cách rất xa. Ông nói thiết kế chip bây giờ không khó, chỉ cần dùng phần mềm là làm được. Nhưng thiết kế xong rồi, đem đi sản xuất nó mới là vấn đề khó. Việt Nam muốn tham gia vào sân chơi này thì phải đi đến giai đoạn làm được số lượng lớn. Nếu không thể làm được số lượng lớn với chất lượng tương đương nhau thì không thể hạ giá thành sản phẩm. Làm 10 con chip thì 8 con phải đạt chất lượng. Cho nên thiết kế chip rồi đem khoe thì không khó. Đó mới là bước khởi đầu. Ông nói tiếp:  

“Có thể Việt Nam muốn làm chip theo kiểu của ông Phạm Nhật Vượng làm xe điện, là mua một hệ thống máy móc về làm. Tất nhiên mình không biết ông Vượng có làm hay vẫn đặt bên ngoài gia công cho. Nhưng với ngành bán dẫn thì không thể đơn giản làm vậy được. Người ta không thể mua một hệ thống về lắp vào. Tại vì người ta không bán cho Việt Nam, hoặc chỉ bán những thế hệ cũ, đã bị loại bỏ. Nhưng ngay cả khi Việt Nam mua được hệ thống cũ đó thì bản thân việc vận hành nó đã là một vấn đề lớn rồi”. 

Nguyễn Quốc Trí, một nhà nghiên cứu, nhà báo độc lập ở Tp. HCM, trao đổi với RFA rằng cả lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp lẫn một bộ phận người dân Việt Nam đều đang phấn khởi, lạc quan rằng Việt Nam sẽ trở thành một thế lực đáng gờm trong ngành bán dẫn. Theo ông, đó là một niềm tin rất thiếu cơ sở. Ông nói: 

“Tại Việt Nam, các mục tiêu phát triển thường bị chính trị hóa, như ô-tô, 5G và bây giờ là bán dẫn, gây ra những cơn “lên đồng tập thể” (nhiều lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp thi nhau phát ngôn theo kiểu VN sắp trở thành một thế lực công nghệ đáng gờm tới nơi). Nhưng vấn đề là VN lại rất thiếu nền tảng (vốn, nhân lực, công nghệ nguồn, cơ sở hạ tầng, …), nên để “vuốt ve” nhau thì họ đã lựa chọn cách “đốt cháy giai đoạn”, “ăn xổi ở thì””. 

Để phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam cần phát triển đồng bộ về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng chính sách, hạ tầng năng lượng, tính minh bạch của bộ máy hành chính. Đó là điều Việt Nam đang thiếu và điều này vượt ngoài tầm tay của từng doanh nghiệp cụ thể. 

Tiến sỹ Tống Trọng nhắc lại sự việc năm 2023 Intel vốn dự định mở rộng sản xuất ở Việt Nam nhưng rồi phải bỏ kế hoạch và chuyển sang Malaysia. Lý do là Malaysia hơn Việt Nam về cơ sở hạ tầng và nhân lực cho ngành bán dẫn. 

Hầu như không thể tìm thấy các phát ngôn đao to búa lớn về một “đại kế hoạch” nào của lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Malaysia. Tuy nhiên theo Financial Times, quốc gia Đông Nam Á này lại là “bên thắng cuộc một cách kinh ngạc” (surprise winner) trong cuộc cạnh tranh chip điện tử giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bang Penang, cách thủ đô Kuala Lumpur hơn ba trăm cây số về phía bắc, được coi là “Thung lũng Silicon của phương Đông”.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Ngành bán dẫn, Nguồn nhân lực. Bookmark the permalink.