Đài Loan và Biển Đông vẫn là hai thùng thuốc súng

Nguyễn Quang Dy

Những ngày cuối năm Quý Mão, bầu trời Hà Nội dày đặc sương mù ảm đạm. Nhưng trong mấy ngày Tết năm Giáp Thìn, Hà Nội bỗng đột nhiên “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Phải chăng đó là một “điềm lành” cho năm mới 2024? Nói cách khác, Hà Nội đã có một cái Tết khá đẹp và bình an, tuy sức mua của người dân suy giảm đáng kể. Màn trình diễn ánh sáng bằng drones trên bầu trời đêm giao thừa tuy đẹp nhưng quá tốn kém.  

Nhân dịp đầu năm mới, tôi muốn rà soát lại phân tích và đánh giá của các chuyên gia hàng đầu về bức tranh địa chính trị hiện nay. Hy vọng các nhà hoạch định chính sách không sa vào các màn trình diễn tốn kém và các khẩu hiệu tự sướng mà quên mất các nguy cơ. 

“Bị động chiến lược” có thể dẫn đến thảm họa quốc gia. Ngành đào tạo không cung cấp đủ kỹ sư thực hành cho công nghệ cao đúng lúc có cơ hội phát triển là một cảnh báo.  

Theo WHO, đại dịch Covid-19 đã làm chết 15 triệu người. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy và kinh tế thế giới suy thoái. Nhưng loài người vẫn chưa tỉnh ngộ để cùng nhau đối phó với dịch bệnh và thiên tai. Chiến tranh Ukraine vẫn chưa kết thúc thì chiến tranh Trung Đông lại nổ ra, làm thế giới càng bất an. Tuy có vài nỗ lực ngoại giao để giảm căng thẳng, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn còn. Đài Loan và Biển Đông vẫn là hai thùng thuốc súng.    

Đài Loan vẫn bất an 

Theo các chuyên gia nghiên cứu chiến lược, câu hỏi quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế hiện nay là “Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh đến mức nào?”. Gần đây, tuy đã có những động thái ngoại giao cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm vẫn còn đó. “Rủi ro xung đột đang ở mức báo động đỏ”. (How Primed for War Is China? Michael Beckley & Hal BrandsForeign Policy, Feb 4, 2024). 

Theo các chuyên gia nói trên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng Trung Quốc “phải chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất và cực đoan nhất”, để sẵn sàng chống chọi với “gió lớn, biển động, và thậm chí cả bão tố nguy hiểm”. Gần đây, Trung Quốc đã gia tăng phô diễn “khả năng tấn công, phong tỏa, và xâm lược Đài Loan”. Theo Giám đốc CIA William Burns, “Tập Cận Bình đang tìm kiếm khả năng xâm lược Đài Loan vào năm 2027”.  

Một số người khác cho rằng một quốc gia chưa phát động một cuộc chiến tranh lớn nào trong bốn thập niên qua, sẽ khó có thể tiến hành chiến tranh trong bối cảnh hiện nay. Nhưng theo các tác giả nói trên thì “niềm tin đó đã bị đặt sai chỗ một cách nguy hiểm”. Họ lập luận rằng hiện nay Trung Quốc đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, làm “mọi thứ có thể thay đổi” một cách đáng kể. Theo họ, có bốn yếu tố quan trọng cần lưu ý. 

Thứ nhất, các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc ngày càng khó thỏa hiệp, khiến chính sách đối ngoại trở thành một trò chơi “có tổng bằng không”. Thứ hai, cán cân quân sự ở châu Á đang thay đổi, khiến Bắc Kinh lạc quan đến mức nguy hiểm về kết quả chiến tranh. Thứ ba, tuy triển vọng quân sự ngắn hạn của Trung Quốc được cải thiện, nhưng triển vọng kinh tế và chiến lược dài hạn ảm đạm hơn trước, nên chủ nghĩa xét lại trở nên bạo lực hơn. Thứ tư, Tập Cận Bình củng cố chế độ độc tài cá nhân, dễ tính toán sai lầm tai hại. 

Giống như dự báo động đất, không thể dự đoán chính xác khi nào xảy ra xung đột. Lúc này, các chỉ số rủi ro của Trung Quốc “đang nhấp nháy báo động đỏ”. Trung Quốc tuy không có chiến tranh trong bốn thập kỷ qua, nhưng không có nghĩa là họ không xâm lược. Bắc Kinh đã mở rộng quyền kiểm soát của họ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, và xung đột đẫm máu với Ấn Độ. Đây không phải là lần đầu tiên một cường quốc “trỗi dậy hòa bình” lại bất ngờ thay đổi, bất chấp tất cả để phát động chiến tranh vì “mọi thứ đang thay đổi”. 

Bốn yếu tố dẫn đến chiến tranh là: biên giới bất ổn, cán cân quân sự thay đổi, kỳ vọng tiêu cực, chế độ độc tài cá nhân. Thứ nhất, 85% các cuộc xung đột từ 1945 đều xoay quanh các yêu sách lãnh thổ. Thứ hai, thay đổi cán cân quân sự thường dẫn đến chiến tranh do đánh giá thấp đối thủ.  Thứ ba, các cường quốc hiếu chiến hơn khi đối mặt với trì trệ kinh tế, bao vây chiến lược, sợ suy tàn nên phải vội gây chiến. Thứ tư, độc tài cá nhân có nguy cơ phát động chiến tranh cao gấp đôi. Gần 100% các nhà lãnh đạo khi thua trận đều bị phế truất. 

Trong thế chiến thứ hai (1937-1945), ít nhất 14 triệu người Trung Quốc đã thiệt mạng, và trong nội chiến (1945-1949), ít nhất 2 triệu người nữa thiệt mạng. Trải qua năm cuộc chiến, Trung Quốc nay bộc lộ cả bốn yếu tố có nguy cơ dẫn đến chiến tranh, và trở thành kẻ thù chính của cả hai siêu cường. Dưới thời Tập, Trung Quốc không còn “ẩn mình chờ thời”. Họ liên tục diễn tập tấn công vào các mục tiêu ở Đài Loan và Mỹ. Họ thường xuyên xua đuổi tàu thuyền các nước láng giềng ra khỏi khu vực Biển Đông nơi họ áp đặt chủ quyền. 

Tại Đài Loan, 49% dân số muốn độc lập, 27% muốn giữ nguyên trạng, 12% muốn thống nhất với đại lục. Trong khi đó, Tổng thống Biden đã tuyên bố ít nhất bốn lần rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Tại Biển Đông, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể sự có mặt về quân sự, trong khi vị thế ngoại giao của họ bị xói mòn. Trong nước, triển vọng địa chính trị của Trung Quốc trở nên ảm đạm, kinh tế Trung Quốc trì trệ và suy thoái, nợ nần ngày càng nhiều, hơn 20% thanh niên thất nghiệp, hàng loạt người Trung Quốc giàu có đang chạy ra nước ngoài. Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ mất 70 triệu người, và thêm 130 triệu người cao tuổi.

Khi tranh chấp lãnh thổ ngày càng gia tăng thì Trung Quốc có động cơ gây chiến lớn hơn. Từ năm 1990 đến năm 2020, ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng gấp 10 lần. Trung Quốc có lực lượng tên lửa đạn đạo và hải quân lớn nhất thế giới. Nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với một môi trường chiến lược ngày càng thù địch. Các quốc gia giàu có nhất thế giới đang hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao như chất bán dẫn tiên tiến là huyết mạch của đổi mới kinh tế và quốc phòng. Họ đồng thời áp đặt các hạn chế thương mại và đầu tư mới, tăng cường các hiệp ước đối phó với Trung Quốc như QUAD và AUKUS. 

Hiện nay, Trung Quốc được lãnh đạo bởi nhà độc tài Tập Cận Bình. Ông muốn Trung Quốc trở thành siêu cường, với tham vọng vượt Mỹ. Ông yêu cầu quân đội sẵn sàng cho chiến tranh và yêu cầu người dân chuẩn bị cho “các tình huống cực đoan nhất”. Khi Tập đến thăm Moscow (3/2023), ông đã nói với Putin: “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi đó”. Trung Quốc đã chuẩn bị cho cuộc chiến với Đài Loan suốt hàng chục năm qua và tuyên bố rằng “thống nhất là trọng tâm trong sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. 

Tuy ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 10 lần trong ba thập kỷ, nhưng ngân sách quốc phòng của Mỹ nay vẫn lớn hơn ngân sách quốc phòng của Trung Quốc bốn lần (US$ 905,5 tỷ so với US$ 219,5 tỷ). Để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ không chỉ cần ngân sách lớn hơn. Trung Quốc chơi cờ vây thì Mỹ không thể cứ chơi cờ vua. Tàu sân bay Mỹ khó đấu với dân quân biển Trung Quốc. (The US Is Playing the Wrong Game in the Competition with China, Christopher Preble, William Hartung, National Interest, Feb 22, 2024).

Tuy chúng ta không biết Tập Cận Bình thực sự nghĩ gì, nhưng sẽ nguy hiểm nếu cho rằng ông ta đang học những bài học mà người Mỹ muốn ông học. Chúng ta không thể dự đoán chắc chắn khi nào hoặc liệu Bắc Kinh có sử dụng vũ lực hay không, vì quyết định đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Nhưng có nhiều dấu hiệu “Trung Quốc đang trong tình trạng dễ sử dụng bạo lực”. Mỹ không thể giải quyết khủng hoảng dân số của Trung Quốc, vấn đề cơ cấu kinh tế của họ, hoặc ngăn chặn Tập củng cố chế độ độc tài. 

Nhưng Mỹ cần hành động thận trọng với Đài Loan, “kết hợp răn đe với trấn an”. Mỹ và đồng minh đang theo đuổi nhiều sáng kiến theo hướng đó, nhưng tốc độ, nguồn lực và tính cấp bách chưa đủ vượt qua đe dọa quân sự của Trung Quốc đang gia tăng. Trung Quốc mạnh nhưng đầy rắc rối và đang trượt theo hướng xấu. Mỹ tăng cường liên minh làm giảm lạc quan về quân sự của Trung Quốc, nhưng làm tăng cảm giác lo sợ về những điều có thể xảy ra. Chính sách của Trung Quốc bị chi phối bởi chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ. 

Theo các chuyên gia chiến lược, vị trí địa lý của Đài Loan giống như “một tàu sân bay không bao giờ chìm”. Vì vậy, kinh tế Đài Loan rất quan trọng đối với thế giới, đặc biệt là vai trò dẫn đầu trong công nghệ bán dẫn tiên tiến (advanced microchips). Việc Trung Quốc chiếm Đài Loan có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa các nước trong khu vực, nếu Mỹ không đảm bảo được an ninh cho họ. (The Taiwan Catastrophe, Andrew Erickson, Gabriel Collins, and Matt PottingerForeign Affairs, Feb 16, 2024).  

Nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan, ngành công nghệ bán dẫn sẽ suy sụp. Đó là xương sống của tất cả các ngành công nghiệp có ý nghĩa chiến lược, và là huyết quản của “thế giới dữ liệu lớn”. Hàng năm, thế giới sản xuất khoảng US$ 600 tỷ chip bán dẫn tại hai địa điểm chính là Đài Loan (TSMC) và Hàn Quốc (Samsung). Riêng Đài Loan chiếm hơn một nửa sản lượng chip bán dẫn toàn cầu, và 90% bán dẫn tiên tiến nhất (most advanced chips). Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, công nghệ máy tính toàn cầu, và sức mạnh của các đại công ty công nghệ của Mỹ như Apple, Google, Microsoft, Nvidia, chắc chắn sẽ bị đóng băng rất lâu. 

Theo chuyên gia tài chính Ken Griffin (hedge fund manager), nếu mất nguồn cung cấp bán dẫn của Đài Loan, Mỹ sẽ mất khoảng 5% đến 10% GDP, sẽ gây ra “Đại khủng hoảng ngay lập tức” (an immediate Great Depression). Đó là một tổn thất lớn cho kinh tế và chính trị của Mỹ. Bắc Kinh sẽ kiểm soát hầu như toàn bộ nguồn cung cấp bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới. Trung Quốc sẽ trở thành nước cung cấp bán dẫn lớn nhất thế giới. Đó là một triển vọng đầy hấp dẫn đáng để Trung Quốc tiến hành một cuộc phiêu lưu quân sự. 

Nếu Trung Quốc kiểm soát Đài Loan thì Nhật khó bảo vệ được lãnh thổ của mình. Nếu mất Đài Loan thì Philippines và các nước Đông Nam Á khác cũng gặp nguy hiểm. Bắc Kinh có sức mạnh để ngăn chặn Mỹ tiếp cận Đông Á, Đông Nam Á, Ấn Độ Dương. Trung Quốc muốn đứng đầu thế giới, triển khai sức mạnh khắp lục địa Châu Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đã tuyên bố “sáng kiến an ninh toàn cầu” (global security initiative), “sáng kiến phát triển toàn cầu” (global development initiative) và “sáng kiến văn minh toàn cầu” (global civilization initiative). Trung Quốc muốn thâu tóm Đài Loan, đẩy Mỹ ra khỏi Châu Á, làm vô hiệu hóa sức mạnh kinh tế và chủ quyền quốc gia của các nước mạnh nhất.

Vì vậy, triển vọng Trung Quốc thâu tóm Đài Loan có thể thúc đẩy lãnh đạo các nước Châu Á chạy đua vũ trang hạt nhân. Tháng 2/2022, Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt vấn đề Nhật “chia sẻ hạt nhân” (nuclear sharing). Nhưng thật ra Nhật Bản có thể đi xa hơn để phát triển năng lực hạt nhân độc lập của mình. Nước Nhật có “tiềm năng phát triển hạt nhân thực sự và nhanh chóng” để có kho vũ khí hạt nhân trong trường hợp “môi trường an ninh của Nhật bị suy giảm nhanh”. Trong khi đó, lãnh đạo Hàn Quốc cũng công khai tranh luận về vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân. Với tiềm lực khoa học và công nghiệp hàng đầu (world-class), Hàn Quốc có thể bắt tay phát triển năng lực hạt nhân trong vòng vài năm nếu họ muốn. 

Nếu Ấn Độ tăng cường tàng trữ vũ khí hạt nhân thì Pakistan chắc chắn sẽ làm tương tự, nhằm “cân bằng chiến lược”. Chạy đua vũ trang hạt nhân tại Châu Á có thể lan sang Trung Đông, nơi Iran đang tiến tới điểm công khai năng lực hạt nhân. Nếu Iran trang bị vũ khí hạt nhân thì Saudi Arabia chắc cũng sẽ làm như vậy. Nói cách khác, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân sẽ diễn ra khi Trung Quốc thâu tóm Đài Loan. Điều đó làm cho kho vũ khí hạt nhân tại khu vực cũng như trên toàn cầu sẽ có thêm hàng trăm đầu đạn hạt nhân mới. 

Điều đó còn có nghĩa là Mỹ sẽ không còn tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng của chín đối tác thương mại lớn nhất Châu Á, ngoài Trung Quốc. Thương mại hai chiều của Mỹ với nhóm nước này là gần US$ 940 tỷ (năm 2023). Đặc biệt là tại Đông Nam Á, Mỹ có nguồn lực đầu tư lớn nhất. Nhưng điều đó tiềm ẩn rủi ro nếu Đài Loan bị Trung Quốc thâu tóm bằng vũ lực. Các nước khu vực không muốn chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc.

Từ lâu, Tổng thống Dwight Eisenhower đã hình dung “phản ứng dây chuyền nguy hiểm” một khi Đài Loan bị Trung Quốc chiếm. “Tương lai an ninh của Nhật Bản, Philippines, Thailand, Việt Nam, và Okinawa sẽ gặp nguy hiểm và lợi ích sống còn của Mỹ sẽ bị tổn thất nghiêm trọng”. Người ta đang dọn sân khấu cho một cuộc chiến tranh trong tương lai. Nói cách khác, Đài Loan hiện nay gần giống Berlin thời chiến tranh lạnh. 

Theo các chuyên gia, nguy cơ Trung Quốc chiếm Đài Loan “để thống nhất” đang gia tăng. Vấn đề chỉ là khi nào, và “thời điểm đó đang tới gần”. Tập Cận Bình đã thấy “cánh cửa cơ hội” (window of opportunity). Theo một khảo sát của CSIS, 2/3 chuyên gia Mỹ tin rằng cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan “có thể xảy ra vào năm nay”. Theo cảnh báo của Hội đồng Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (US-China Economic and Security Review Commission) Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh với Đài Loan, nhưng Biden “không muốn xung đột”. (China’s Taiwan Strategy, Brahma Chellaney, Asia Link, 08 Feb 2024). 

Lập trường “Mù mờ chiến lược” là một nghịck lý. Biden đã dùng cụm từ “cuộc tấn công chưa từng có” (unprecedented attack), chính là điều mà Tập muốn tránh. Bắc Kinh muốn chiếm Đài Loan một cách lặng lẽ và từng bước. Chiến lược bành trướng từng bước vận dụng “chiến tranh lồng ghép” (hybrid warfare) để bóp nghẹt Đài Loan, như con trăn nuốt con mồi. Thực ra, Trung Quốc muốn khuất phục Đài Loan bằng cách tạo ra lợi ích hấp dẫn để người Đài Loan thay đổi thái độ với Bắc Kinh. Họ không muốn để Mỹ và đồng minh phản ứng đồng loạt (a concerted US-led response) trước khi quá muộn. Trong khi đó, hầu hết người Đài Loan tin rằng nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan thì Mỹ sẽ bỏ rơi họ như năm 1979. 

Cũng giống như quan điểm của Mỹ và Nhật, cả ba ứng cử viên tổng thống Đài Loan đều thừa nhận rằng Trung Quốc có thể chiếm Đài Loan. Hầu hết cử tri Đài Loan cho rằng Bắc Kinh có thể dùng vũ lực. Nếu Lại Thanh Đức (Đảng Dân Tiến) thắng cử, Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan vào năm 2027. Nhưng người Đài Loan bầu cho Lại Thanh Đức vì họ “không thể tin vào Tập”. Họ muốn tiếp tục các chính sách của bà Thái Anh Văn là duy trì hiện trạng hai bờ eo biển Đài Loan, trong khi giữ khoảng cách với Trung Quốc. (In Taiwan, distrust of Xi Jinping’s China is real, Katsụi Nakazawa, Nikkei, Jan 18, 2024).  

Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức tập trận gần Đài Loan, Trung Quốc đã thất bại trong việc đưa ra các lựa chọn hấp dẫn hơn về tương lai của Đài Loan. Điều đó càng làm cho Bắc Kinh thêm đáng sợ hơn là đáng tin. Tuy nhiên, cả ba bên đều thiếu nỗ lực cần thiết để thuyết phục nhau rằng chuẩn bị chiến tranh không nhằm thay đổi nguyên trạng. Đáng tiếc là các quan chức của ba bên đã mở rộng khuôn khổ các “biện pháp chính đáng” để tỏ quyết tâm đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn, làm gia tăng vòng xoáy nguy hiểm.  

Theo các chuyên gia, Mỹ cần hỗ trợ Đài Loan tăng cường phòng thủ bằng “chiến lược con nhím” (porcupine strategy). Mỹ có thể giúp quân đội Đài Loan tích trữ quân trang và quân dụng (stockpile), huấn luyện các lực lượng phòng thủ bờ biển và bầu trời, tổ chức một lực lượng dân quân mạnh, và tăng cường dự trữ chiến lược (strategic reserves) gồm những hàng hóa thiết yếu như lương thực và nhiên liệu, để răn đe và nếu cần thiết để đánh bại một cuộc đổ bộ hay phong tỏa Đài Loan. (Taiwan and the True Sources of Deterrence, Bonnie Glaser, Jessica Chen Weiss, Thomas  Christensen, Foreign Affairs, January/February 2024). 

Biển Đông vẫn bất ổn 

Sau ba năm, chính sách đối ngoại của chính quyền Biden tuy có điểm sáng nhưng vẫn còn thiếu một chiến lược rõ ràng, nên kết quả hạn chế. Tuy chiến lược Indo-Pacific nhằm cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực có hiệu quả, đặc biệt là tại Đông Nam Á, nhưng vẫn còn thiếu một kế hoạch kinh tế tổng quát cho khu vực. Vì vậy, Mỹ cần tích cực kiến tạo sức mạnh của khu vực, không chỉ về an ninh mà còn về kinh tế và ngoại giao. (The Good and the Bad for Biden in Southeast Asia, Derek Grossman, Foreign Policy, Feb 5, 2024).  

Đối với Philippines, Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (Enhanced Defense Cooperation Agreement) cho phép Mỹ sử dụng 9 căn cứ, thay vì 5 căn cứ như vào năm 2022. Trong đó có 3 căn cứ mới tại Bắc đảo Luzon, chỉ cách Đài Loan 160 dặm. Vì vậy, gần đây Trung Quốc đã gia tăng sức ép đối với đảo Second Thomas Shoal và Scarborough Shoal.  

Đối với Việt Nam, Tổng thống Joe Biden đã đến thăm (9/2023). Hai bên đã nâng cấp quan hệ từ đối tác “toàn diện” lên “chiến lược toàn diện”. Tuy động thái đó là “tượng trưng” (symbolic), nhưng có ý nghĩa “lịch sử” (historic). Việt Nam ngày càng lo ngại về các hành động và ý đồ của Trung Quốc, không chỉ tại Biển Đông mà còn tại sông Mekong. Tuy Hà Nội đón Chủ tịch Tập Cận Bình (12/2023) với mục đích xoa dịu Trung Quốc với nhiều thỏa thuận, nhưng quan hệ Việt – Mỹ đã đạt được tầm cao nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam. 

Với Indonesia, Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác “chiến lược toàn diện” (11/2023). Hai nước đã ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng, hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh trên nhiều lĩnh vực để đối phó với Trung Quốc. Với Singapore, Mỹ tiếp tục sử dụng căn cứ hải quân Changi tại Malacca, có vị trí chiến lược xung yếu tại khu vực. Ngoài ra, Singapore tham gia tập trận với quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác, đồng thời hỗ trợ các sáng kiến an ninh khu vực của Mỹ như QUAD (với Nhật, Úc, Ấn Độ), và AUKUS (với Anh và Úc).

Nhưng ngoài bốn nước nói trên, chính sách của Biden còn mờ nhạt (lackluster). Với Thailand, sau khi ký Thông cáo Chung (2022) về “đồng minh và đối tác chiến lược” thì Mỹ đã “mất tích” (missing in action). Mỹ và Thailand có quan điểm khác nhau về cách ứng xử với Trung Quốc. Trong khi Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa thì Thailand thân thiện với Trung Quốc. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đến Bangkok gặp Thủ tướng Srettha Thavisin, nhưng mục đích chính là để gặp Ngoại trưởng Vương Nghị. Năm 2023, không có có tiến bộ nào trong quan hệ Mỹ-Thái. Biden cũng không dự Cấp cao Mỹ-ASEAN và Đông Á.

Chính quyền Biden cũng phớt lờ Brunei, Cambodia, Lào, và Malaysia, tuy lý do khác nhau. Đối với Cambodia và Lào, các quan chức Mỹ cho rằng cố gắng cũng vô ích vì hai nước đã nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc. Đó là một sai lầm. Cần thách thức Trung Quốc ngay tại sân sau của họ, vì điều đó có ý nghĩa tích cực đối với cả khu vực Indo-Pacific. Hợp tác với Cambodia và Lào có thể tăng cường quan hệ với Việt Nam và Thailand, vì cả bốn nước cùng lo ngại Trung Quốc xây đập trên sông Mekong, tác động đến kinh tế bốn nước. 

Đối với Myanmar, trừng phạt kinh tế của Mỹ càng làm cho Yangon xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Ví dụ, Myanmar đang giúp Trung Quốc xây dựng đài quan sát trên đảo Greater Coco, có khả năng thám sát các hoạt động quân sự tại vùng biển Andaman và đảo Nicobar. Chính quyền Biden có thể để Ấn Độ và Thailand là hai nước láng giềng của Myanmar về phía Tây và phía Đông, tiến hành các hoạt động ngoại giao liên quan đến Myanmar.  

Ngoài việc thúc đẩy quan hệ với một số đối tác nói trên, Chính quyền Biden có bước thụt lùi trong quan hệ với khu vực. Năm 2022, Biden chủ trì Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN đặc biệt tại Nhà Trắng, và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN hàng năm tại Cambodia. Nhưng năm 2023, Biden không tổ chức Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN lần thứ hai, và cử Phó Tổng thống Kamala Harris đến dự họp cấp cao ASEAN tại Indonesia. Trong khi đó, lãnh đạo ASEAN coi sự có mặt của Tổng thống Mỹ là dấu hiệu cam kết của Mỹ với khu vực.  

Nhưng hệ trọng hơn cả là Chính quyền Biden thiếu một chiến lược kinh tế để giúp Mỹ đối phó hiệu quả với hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc tại khu vực quan trọng này. Sau khi Trump rút khỏi Hiệp định TPP (2017), Mỹ dưới thời Biden vẫn chưa trở lại tham gia CPTPP như khu vực mong đợi. Hơn nữa, Mỹ còn đứng ngoài hiệp định thương mại đa phương lớn nhất là RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) do ASEAN dẫn đầu, với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Úc, và Tân Tây Lan. 

Thay vào đó, Chính quyền Biden đề xuất “Khuôn khổ Kinh tế Indo-Pacific Thịnh vượng” IPEF (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity), cam kết hợp tác với một số nước nhằm tăng cường phát triển kinh tế bền vững, cạnh tranh, công bằng (advancing sustainable, competitive, and fair economic growth). Tuy có 7 nước ASEAN tham gia IPEF, nhưng đó chỉ là hiệp định để đàm phán chứ không phải là hiệp định để thực hiện. IPEF không tạo điều kiện cho các nước khu vực tăng cường thương mại với Mỹ, điều mà các nước này muốn. 

Vì vậy, dù dưới chính quyền Biden hay chính quyền nào khác, Mỹ phải có một chiến lược kinh tế khả tín tại Đông Nam Á. Hiện nay, Trung Quốc chứ không phải Mỹ, là đối tác kinh tế chủ yếu của ASEAN. Mối quan hệ kinh tế này là nguồn lực chủ yếu để Trung Quốc gây ảnh hưởng tại  khu vực. Mỹ phải tìm cách tăng cường và mở rộng “Đối tác Chiến lược Toàn diện” Mỹ-ASEAN đã ký năm 2022. Thực tế là hầu hết các nước ASEAN đều có chính sách duy trì trung lập giữa các nước lớn tại khu vực. Chỉ có Philippines tỏ ra không nhất quán với lập trường đó. Vì vậy, rất khó hình dung làm sao chính sách của Mỹ có thể giúp ASEAN.

Muốn tránh xung đột với Trung Quốc, Mỹ cần một chiến lược rõ ràng hơn. Trung Quốc thường đe dọa dùng vũ lực với Đài Loan, nên Mỹ đã tập trung đối phó với nguy cơ tại Đài Loan, trong khi nguy cơ khủng hoảng, đối đầu, thậm chí chiến tranh tại Biển Đông lớn không kém. Bắc Kinh đã xây dựng các căn cứ quân sự trên một loạt đảo họ chiếm đóng, và quấy rối vùng biển các nước khu vực có chủ quyền. Gần đây, Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột bằng cách chặn đường tàu thuyền và máy bay của Mỹ và đồng minh. (The Looming Crisis in the South China Sea, Michael Mazarr, Foreing Affairs, Feb 9, 2024).

Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippines khi họ đối đầu tại Second Thomas Shoal. Mỹ đã nhiều lần cam kết bảo vệ Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ chung (Mutual Defense Treaty 1951). Nếu Trung Quốc trực tiếp tấn công tàu thuyền Philippines thì Mỹ buộc phải đáp trả. Tuy trước mắt khả năng đối đầu quân sự dường như khó xảy ra, nhưng ngày càng có nhiều sự cố và khiêu khích tại Biển Đông, sớm muộn cũng dẫn đến khủng hoảng. Trung Quốc muốn trở thành cường quốc đứng đầu Châu Á, dùng vũ lực phủ quyết chủ quyền của các nước láng giềng tại Biển Đông như Philippines, Indonesia, Việt Nam. 

Tập Cận Bình tuy có thể kiềm chế sự hiếu chiến của Trung Quốc vào lúc này vì tăng trưởng đang chậm lại, bất động sản đang khủng hoảng, chứng khoán đang lao dốc, lòng tin của người tiêu dùng giảm sút, và chiến dịch chống tham nhũng gia tăng chứng tỏ có nhiều bê bối chính trị. Vì vậy, Trung Quốc có lý do để bớt hung hăng vào lúc này. 

Nhưng tranh chấp có hệ thống ở Biển Đông như tại Second Thomas Shoal, cũng như về đánh cá và khai thác dầu khí, buộc Mỹ phải tăng cường tuần tra trên biển. Điều đó sẽ làm gia tăng khả năng xung đột ở Biển Đông. Muốn hay không, tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông đo lường quyết tâm của Mỹ. Một cuộc khủng hoảng mới ở Biển Đông có thể xy ra dưới nhiều hình thức, đòi hỏi Mỹ phải có cách ứng phó thích hợp. 

Mỹ có thể triển khai lực lượng tới địa điểm tranh chấp để bảo vệ đồng minh và đối tác, xúc tiến tuyên truyền gồm tin tức tình báo chọn lọc để nhấn mạnh sự hung hăng của Trung Quốc. Mỹ cần tăng cường sự có mặt tại khu vực, tập trận tại vùng biển có tranh chấp, viện trợ quân sự và bán vũ khí cho các đối tác khu vực, thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc phòng mới như triển khai thêm nhiều drones với giá rẻ hơn. Mỹ có thể đảm bảo an ninh có chọn lọc như coi hành động hung hăng chống Việt Nam là đe dọa an ninh quốc tế.  

Công thức chiến lược mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc do Ngoại trưởng Antony Blinken chủ trương bao gồm “đầu tư, thu xếp, cạnh tranh” (invest, align, compete), không gồm cột trụ công khai (explicit pillar) nhằm xây dựng tiền đề cho việc chung sống hòa bình. Cách đề cập đó của Washington cho rằng “kiểm soát tham vọng của Trung Quốc là đủ để tạo ra sự ổn định” và khi căng thẳng gia tăng thì đối thoại song phương có thể xoa dịu được mối quan hệ. Nhưng đó chỉ là cách điều phối sự tranh chấp một cách tạm thời và đầy rủi ro. 

Khác với Liên Xô đã mỏi mệt của thập niên 1970, Trung Quốc nay vẫn còn mạnh, không nhận thấy sự cần thiết phải theo đuổi hòa hoãn với đối thủ chính. Lo ngại về khủng hoảng lớn mà Biển Đông có thể tạo ra là cơ hội tốt để thúc đẩy một khuôn khổ mới cho khu vực. Quan điểm của Mỹ về một sáng kiến ngoại giao như vậy có thể dựa vào một số nền tảng bao gồm Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) năm 2016 về tranh chấp khu vực và ASEAN. Những yếu tố đó là cần nhưng chưa đủ.  

Địa chính trị bấp bênh

Chắc nhiều người đã quên mất Thế chiến II bắt đầu bằng mấy tranh chấp nhằm giành vị trí đứng đầu tại các khu vực nhạy cảm. “Một thế giới rủi ro có thể trở thành một thế giới có chiến tranh” (A world at risk could become a world at war). Nay Đông Á tuy không có chiến tranh nhưng không hẳn có hòa bình. Trung Quốc đang bắt nạt các nước láng giềng và tập trung sức mạnh quân sự với tốc độ chưa từng có. Trong khi chiến tranh tại Châu Âu và Trung Đông đang diễn ra thì chỉ cần một đụng độ nhỏ tại Tây Thái Bình dương đang bị tranh chấp là có thể châm ngòi cho một cuộc chiến lớn. Bài học quá khứ rất giống hiện tại.  

Tuy Nga phải chuyển sang một cuộc chiến tranh lâu dài tại Ukraine, nhưng Trung Quốc vẫn bắt nạt các nước láng giềng mà chưa khởi động chiến tranh. Do cán cân lực lượng thay đổi tại các nơi nhạy cảm như eo biển Đài Loan và Biển Đông, Bắc Kinh đang có nhiều lựa chọn tốt hơn và bị cám dỗ lớn hơn để gây chiến. Hiện nay, quan hệ giữa các nước xét lại đang tốt hơn, nên xung đột tại vùng Á-Âu (Eurasia) cũng gắn chặt hơn. Tại Trung Đông, Hamas đang đánh nhau với Israel với vũ khí của Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Triều Tiên.  

Cách đây khoảng 10 năm, Mỹ đã điều chỉnh chiến lược quốc phòng nhằm đánh bại hai đối thủ tiềm tàng cùng một lúc thành chiến lược nhằm đánh bại một nước lớn trong một cuộc chiến cam go hơn. Năm 2023, khi các quan chức Mỹ coi Trung Đông là một khu vực yên tĩnh hơn mọi lúc trong thế kỷ này, thì một cuộc xung đột tại khu vực này bất ngờ nổ ra làm đảo lộn bức tranh địa chính trị. Cạnh tranh nước lớn và cân bằng chiến lược thay đổi là rất nguy hiểm. Các thảm họa thường là “không tưởng” (unthinkable) cho đến khi nó xy ra. 

Giáo sư Joe Nye (Harvard) cho rằng nếu Donald Trump thắng cử vào tháng 11 thì năm 2024 có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực Mỹ. Lâu nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc được trích dẫn như “bằng chứng về sự suy tàn của Mỹ”. Nhưng nếu Mỹ chịu thua trước sự “trỗi dậy của Trung Quốc” hay an bài về “đỉnh cao của nó”, thì Mỹ sẽ là bên chơi bài tồi. Vứt bỏ các lá bài có giá trị cao như đồng minh và ảnh hưởng tại các tổ chức quốc tế là một sai lầm. Người Mỹ cần lo lắng về sự trỗi dậy của “chủ nghĩa dân tộc dân túy” hơn là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bỏ rơi Ukraine hay rút khỏi NATO có hại cho quyền lực mềm của Mỹ. (American Greatness and Decline, Joe Nye, Project Syndicate, Feb 1, 2024). 

Căng thẳng tại nhiều địa điểm then chốt của vùng Á-Âu đang làm cho nguồn lực của Mỹ bị dàn mỏng vì phải đối phó đồng thời với nhiều vấn đề. Trung Quốc xâm lược Đài Loan có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh với Mỹ. Wahington tập hợp các nước dân chủ chống Trung Quốc trong khi Bắc Kinh bị xô đẩy vào vòng tay Nga và các nước độc tài khác. Thế giới chỉ cách một cuộc xung đột lớn tại khu vực Á-Âu bằng một cuộc khủng hoảng nhỏ không được kiểm soát. (The Next Global War, Hal Brand, Foreign Affairs, Jan 26, 2024). 

Trong nhiều thập kỷ, chính sách thương mại chỉ tập trung vào tối ưu giá cả, năng lực, và lãi doanh nghiệpCuốn “Không có thương mại miễn phí” (No Trade Is Free, Robert Lighthizer, HarperCollins, 2023) đã đề xuất tầm nhìn cho thương mại của Mỹ và cách tiến hành nếu Trump thắng cử. Cuốn sách đã cảnh báo về mối đe dọa của Trung Quốc, nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. (After Free Trade: Trump’s Legacy and the Future of the Global Economy, Robert Lighthizer; Gordon Hanson, Foreign Affairs, Feb 13, 2024). 

Lighthizer có ảnh hưởng lớn về các vấn đề thương mại và công nghiệp. Ông cho rằng mối đe dọa về kinh tế của Trung Quốc chưa được giới nghiên cứu đánh giá đúng. Theo Lighthizer, bao cấp và miễn thuế đã biến TSMC thành nhà cung cấp bán dẫn đứng đầu thế giới. Nhưng Gordon Hanson cho rằng nguyên nhân chính là do Đài Loan đầu tư lớn vào giáo dục đại học và đào tạo kỹ sư. Điều đó đã thúc đẩy tiến bộ công nghệ nói chung của Đài Loan theo hướng ưu tiên ngành điện tử (electronics), và TSMC là “thành công ngẫu nhiên”. 

Lãnh đạo các nước bắt đầu nhận ra rằng chỉ một năm nữa, cựu Tổng thống Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng. Một số chính phủ nước ngoài đang tính toán lại quan hệ của họ với Mỹ dựa trên cái gọi là “quyền bán theo Trump” (Trump put). Ngược lại, các nước khác bắt đầu tìm kiếm cái gọi là “phòng bị Trump” (Trump hedge). Giáo sư Graham Allison xem xét các đồng minh và đối thủ của Mỹ phản ứng thế nào trước triển vọng Trump trở lại. (Trump Is Already Reshaping Geopolitics, Graham Allison, Foreign Affairs, Jan 16, 2024). 

Donald Trump có thể đưa ra các điều kiện có lợi hơn nhiều cho Nga so với bất cứ điều gì mà Joe Biden đề xuất hay Zelensky chịu chấp nhận ở thời điểm hiện tại, nên Putin sẽ chờ đợi. Ngược lại, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu phải xem đây là “phòng bị Trump”. Nhưng khi kết quả thăm dò dư luận cho thấy Trump đang vượt trước Biden, mối lo ngày một lớn dần. Người Đức một lần nữa nhớ lại kết luận của cựu thủ tướng Angela Merkel sau cuộc gặp của bà với Trump, “Chúng ta phải tự mình chiến đấu vì tương lai của mình”. 

Trong một cuộc họp năm 2019, Trump nói “Tôi không quan tâm đến NATO”, và công khai đề cập đến việc rút hẳn khỏi tổ chức đó. Hiện nay trong khi tranh cử, Trump kêu gọi “đánh giá lại mục đích và sứ mệnh của NATO.” Nhiệm kỳ thứ hai của Trump hứa hẹn một “trật tự thương mại thế giới mới” (hay “hỗn loạn mới”). Ngày đầu nhậm chức (năm 2017), Trump đã rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Lighthizer, nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump còn táo bạo hơn nhiều. Ông coi Trung Quốc là “đối thủ nguy hiểm” và sẽ trở thành mục tiêu chính của các biện pháp bảo hộ thương mại mới của Mỹ, như hủy bỏ quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” mà Trung Quốc được hưởng từ năm 2000, trước khi vào WTO. Mục tiêu của Trump là phải “loại bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực quan trọng”. 

Trong quá trình vận động tranh cử, Trump đã công bố kế hoạch truy bắt hàng triệu “người ngoại quốc bất hợp pháp” trong một chiến dịch trục xuất “lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.” Biden và các cố vấn đối ngoại nhận thấy rằng họ đang ở thế bất lợi khi các nước khác cân nhắc những lời hứa hoặc đe dọa của Mỹ trước khả năng họ phải đối phó với một chính phủ rất khác trong gần một năm nữa. Năm 2024 hứa hẹn nhiều nguy hiểm, khi các quốc gia trên thế giới theo dõi nền chính trị Mỹ với sự hoài nghi và mê hoặc, hy vọng và kinh hoàng.

Lời cuối

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên hai bậc thành “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP), ngang hàng với Trung Quốc và Nga. Điều đáng nói là quyết định đó không làm cho Bắc Kinh và Moscow quá tức giận. Nói cách khác, đó là một thành công lớn đúng lúc để “biến nguy thành cơ”, tạo tiền đề cho bước ngoặt mới. Nhưng bước ngoặt đó có giúp Việt Nam cất cánh được không còn phụ thuộc vào hành động tiếp theo.  

Năm Giáp Thìn bắt đầu bằng mấy ngày đẹp trời như “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Vận may đã đến, nhưng Việt Nam có nắm bắt được cơ hội để cất cánh như một con rồng hay không còn phụ thuộc vào con người và thể chế. Tóm lại, Việt Nam phải đào tạo được mấy vạn kỹ sư công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu “đổi mới và sáng tạo”; Việt Nam phải tháo gỡ được những nút thắt về thể chế để mở đường cho “đổi mới và sáng tạo”.   

26/02/2024

N.Q.D.

Tham khảo

1Taiwan and the True Sources of Deterrence, Bonnie Glaser, Jessica Chen Weiss, Thomas  Christensen, Foreign Affairs, January/February 2024

2. Trump Is Already Reshaping Geopolitics, Graham Allison, Foreign Affairs, Jan 16, 2024 

3. In Taiwan, distrust of Xi Jinping’s China is real, Katsụi Nakazawa, Nikkei, Jan 18, 2024  

4. The Next Global War, Hal Brand, Foreign Affairs, Jan 26, 2024 

5. American Greatness and Decline, Joe Nye, Project Syndicate, Feb 1, 2024 

6. How Primed for War Is China? Michael Beckley, Hal BrandsForeign Policy, Feb 4, 2024 

7. The Good and the Bad for Biden in Southeast Asia, Derek Grossman, Foreign Policy, Feb 5, 2024

8. China’s Taiwan Strategy, Brahma Chellaney, Asia Link, 08 Feb 2024

9. The Looming Crisis in the South China Sea, Michael Mazarr, Foreing Affairs, Feb 9, 2024 

10. After Free Trade: Trump’s Legacy and the Future of the Global Economy, Robert Lighthizer; Gordon Hanson, Foreign Affairs, Feb 13, 2024

11. The Taiwan Catastrophe, Andrew Erickson, Gabriel Collins, and Matt Pottinger, Foreign Affairs, Feb 16, 2024

12. The US Is Playing the Wrong Game in the Competition with China, Christopher Preble, William Hartung, National Interest, Feb 22, 2024 

 

Tác giả gửi BVN 

 

This entry was posted in An ninh thế giới, Biển Đông, Đài Loan, Quan hệ Mỹ - Trung, Quan hệ quốc tế. Bookmark the permalink.