Chuyện đời sống Hà Nội 1980 (Kỳ II)

(Nhật ký hậu chiến)

Vương Trí Nhàn

Lời dẫn

Mấy năm 1979-1982 quả là đặc biệt trong đời sống xã hội, nên mặc dù chỉ quen ghi chép về các sinh hoạt trong giới văn học, trong năm ấy, đôi lúc – nghĩa là tùy hứng – tôi cũng thường “vào sổ” các sự kiện hàng ngày được nghe được biết trong sổ tay.

Tôi ghi một cách thật gọn và không kèm theo bình luận. Còn chính xác đến đâu thì quả thật không biết và đến nay lại càng không biết.

Lọc lại một số đoạn ghi năm ấy như bạn đọc sẽ đọc dưới đây, tôi hiểu mình thực ra vẫn chỉ làm việc theo hướng suy nghĩ lâu nay, — mong từ cái nhỏ hiểu ra cái lớn và lấy quá khứ để giải thích hiện tại.

16/6

Phổ biến một nghị quyết mới, có các nhận định

– Người ăn lương đã đến mức không thể chịu được nữa.

– Chống tiêu cực, không chống nổi.

– Ta đầu tư vào xây dựng cơ bản quá nhiều. Nhiều công trình đắp chiếu nằm đấy, khi xong cũng đã lạc hậu.

– Sẽ gần như không chiêu sinh đại học thời gian tới. Học sinh hết lớp 10 chuyển về nông thôn, vào vùng B2 cũ, đi xuất khẩu lao động.

Trích từ Cuộc chiến đấu của tôi (Mein Kampf ) của Hitler:

“Phải làm sao để cho tất cả những cái được in ra, từ vần vỡ lòng cho trẻ em tập đọc đến tờ báo hàng ngày, làm sao để cho tất cả sân khấu, điện ảnh cho đến một cột áp phích — đều phải phục vụ cho cái sứ mệnh duy nhất và cao cả là lay chuyển những bộ óc sống động của dân tộc chúng ta, cho đến khi lời cầu nguyện nhát sợ mà các Hội những người yêu nước của chúng ta hướng lên trời “Lạy chúa, xin cho chúng con được tự do” trong đầu óc mỗi đứa trò nhỏ nhất, sẽ biến thành lời cầu nguyện chân thành này: “Lạy chúa hãy ban phước lành cho cuộc chiến đấu của chúng con””.

Ông Nguyễn Kiên: Nhà tôi ăn cơm chỉ có tương và cà. Tương có thêm thìa đường.

Một ông chú của Quân ở quê ra:

– Văn nghệ các anh bây giờ toàn trừu tượng.

Báo Nhân dân ngày 17-6 trong mục “Bạn đọc viết”, nêu 3 việc:

1. Nhiều người khai man về lương thực

2. Một xe lửa ra khỏi Vinh 2 km thì… đỗ lại để cho con buôn vứt hàng lên tàu. (Hôm nọ, đã có chuyện: nhân viên nhà ga, mang xăng lên tàu, để xăng cạnh bếp, xăng bốc cháy, cả một toa tàu đi đời).

3. Công ty san nền chở thuê cho xí nghiệp Chùa Bộc một số than. Không có tiền lót tay cho lái xe họ không chịu chở. Bàn đưa tiền này cho công ty san nền biến thành tiền thưởng. Công ty này làm một thời gian, lại không chịu, xui lái xe đòi tiền tiếp.

Chị M. hàng xóm kể: Một bà ở cơ quan có một đứa con gái, Chủ nhật nào cháu cũng dậy sớm, khăn áo chỉnh tề, vào thăm Lăng. Dậy sớm, mệt, bụng đói. Nhưng cố đi để tha bằng được một cái bánh mỳ về nhà gặm ăn, và sung sướng vì đã kiếm ra tiền.

Nhiều nhà, trẻ con rất hay xếp hàng thăm Lăng (phải ăn mặc rất đẹp) cũng là cốt để mua bánh mì rẻ. Ba hào một cái.

Oanh kể: Nhiều người bán máu ở các bệnh viện. Nay máu họ kém quá, bệnh viện không mua nữa, họ cứ ngồi đấy, bắt mua. Vì họ quen tiêu rộng rồi.

Các nghề ở mỏ đều sớm hủy hoại con người. 30 tuổi không lái xe nổi nữa. Người yếu, mắt kém. Năng suất không lên được. Bữa cơm công nghiệp của công nhân nhà nước cho 5 hào. Mua được 5 củ khoai tây luộc.

Hiền con ông Thảo kể lớp nó phá hết bàn ghế rồi. Mang dao bầu đến phá. Phi dao găm cho nứt bảng ra. Khênh bục đi. Bây giờ tất cả lấy dép ra ngồi đất học, thầy phải kiễng lên mới viết nổi lên bảng. Mà có lần học trò vẫn dùng gạch ném lên cửa kính, choang lên một tiếng, mảnh vụn bắn cả vào người thầy.

Tôi kể Hiền nghe chuyện ông Kháng đã kể cho tôi mấy hôm trước. Thầy gọi một cậu đọc bài, nó đứng đực ra rồi hạ một câu xanh rờn:

– Thôi ông cho điểm 1 đi, tôi về.

– Lớp cháu cũng thế, Hiền nói.

– Rồi lúc thầy quay ra viết bảng thì ném phấn lên đầu thầy.

– Lớp cháu cũng thế.

– Rồi, sau khi thầy xỉ vả cho một hồi, lại viết tiếp thì một tiếng huýt sáo vang lên. Ngoảnh lại hỏi, không ai biết.

– Lớp cháu cũng thế.

Yến kể: có những bọn học sinh bỏ sang Lào. Hoặc bỏ lên biên giới (y như hồi trước 1945), sau lại về. Nhà trường không dám đuổi.

Tôi hỏi Hiền:

– Lớp có kính trọng một thầy nào không?

– Có. Có một thầy mới dạy hộ một vài giờ, nhưng chúng nó rất quý, vì khi dạy, thầy bảo: Tôi sẽ dạy các em những điều người ta viết trong sách. Tôi phải làm thế. Còn thực tế ngoài đời như thế nào, các em đã biết.

Nguyễn Minh Châu: Người đời bây giờ, có cái đặc tính là gian manh. Có người càng giàu càng gian manh, có người càng nghèo càng gian manh. Càng lên to càng gian manh, càng bị chèn ép cũng gian manh. Càng trẻ càng gian manh, càng già càng gian manh.

8/7

Ông Nguyên Ngọc (Bí thư Đảng Đoàn Hội) phổ biến một số ý của ông Lê Đức Thọ.

Ta không ngờ khả năng quản lý của ta lại kém đến vậy. Kế hoạch lung tung. Có 7000 công nhân máy kéo. Mà đi nhập một lúc 70.000 máy (ở các nước, 3 công nhân một máy kéo). Nhà máy đường Vạn Điểm năng suất 20 vạn tấn/năm, thực chất chỉ làm được có vài vạn tấn. Vì không có mía.

Giá thu mua mía 6 xu 2/1kg, rẻ quá người ta không làm. Nhà máy đường trình quy hoạch lên trên 10 năm nay chưa được thông qua. Thuế nông nghiệp thất thu 50%. Giáo trình của trường tài chính 20 năm nay không đổi. Cán bộ (cả trung cao cấp) mệt mỏi, hưởng lạc. Thông thường, hiện nay, cán bộ dưới giỏi hơn cán bộ trên.

Ông Châu ghé tai tôi: Làng tôi, buôn cả đô la. Bọn con gái chỉ huy được cả lái tàu, bắt đỗ đâu, phải đỗ đấy.

Về chiến tranh ở Cămpuchia hiện nay (vẫn lời ông Thọ) ta không thể chủ động như trong chiến tranh giải phóng. Thương vong trên mặt trận Cămpuchia một ngày tính bằng con số hàng ngàn (?).

Sao con người mà tôi biết được trong sách vở phương Tây ghê gớm thế, mà con người trong cuộc sống của tôi bây giờ vớ vẩn thế.

18-7

– Cơ quan Hội Liên hiệp VHNT không có thuốc phát cho anh em.

– Xà phòng mậu dịch từ 0,7 lên đến 3,5 đ.

Bà Hoàng Thị Đậu theo thuyền vượt biên không thoát, bị bắt về Hà Nội. Người ta báo cho cơ quan cũ đến thăm, không ai dám đến. Ông Phong Lê, bà Vân Thanh, bà Chu Nga xin thế vào suất ấy. Ông Phạm Huy Thông (Tiếng địch sông Ô) và ông Hoàng Trung Thông (Mà vẫn mênh mông bát ngát tình) đều lớn tiếng phê bình: sao lại nhân đạo chung chung thế. Nhỡ bà Đậu là gián điệp thì sao?

26/7

Mưa bão. Nhiều cây đổ trên các ngả đường. Dân ra cắt ngay, Cty công viên khỏi phải dọn.

Mất điện 3 ngày liền. Mất luôn cả nước, trong khi đó mưa vẫn to. Có nhà đục ống máng ra, lấy nước. Có lẽ nhà ấy nuôi lợn.

Sau bão, có thông báo: các khu phố cứ một ngày có điện, lại một ngày mất điện (không kể hàng ngày cả thành phố cắt từ 5h sáng đến 6 giờ chiều). Thư viện Quốc gia vắng teo, vì không có điện. Ngày hè mà 5h30 chiều thư viện đã đóng cửa.

6/8

Những ngày cả nước “rồ” vì Phạm Tuân:

– Cho Phạm Tuân huân chương Hồ Chí Minh hạng nhất (tướng Giáp chỉ được hạng ba).

– Sẽ làm cho cả nhà cửa.

– Một cô phóng viên bảo Phạm Tuân, anh có thấy không, trong 35 năm từ sau cách mạng tới nay, tám ngày vừa qua là tám ngày vẻ vang nhất của dân tộc.

Tính kể đi tàu từ Sài gòn đến Vĩnh Linh, lúc nào cũng có người mời gọi mua hàng, tiền trong túi cứ chực nhảy ra thôi. Còn từ Vĩnh Linh ra đây, không có gì để mua, không có ai mời mua, có tiền đi tìm mua cũng không nổi.

Tính bảo muốn biết nước mình ra sao, hãy đi tàu Thống Nhất một chuyến.

Ông Hạnh đi Liên xô về:

– Chưa bao giờ tình hữu nghị Việt xô gắn bó như hiện nay. Nhưng cũng chưa bao giờ giá trị người Việt Nam ở Liên xô hạ thấp như hiện nay.

Ông Phương Lựu: Ta đi với Liên xô phải thôi. Nhưng vì quá muộn, nên như đi ăn xin. Giá biết mà đi sớm hơn, cái tư thế sẽ đỡ hèn hơn.

Tất cả các điều được ghi trong hiệp ước Việt Xô không được thực hiện. Tại Liên xô chăng? Không, tại ta. Ta không chuyển gì về tổ chức cả.

Quốc (Viện Sử): Chúng ta bây giờ già nhanh vì 3 lý do:

1/ Ăn uống kém.

2/ Không có thông tin. Trong xã hội ta, kẻ có kiến thức không phải là kẻ mở đường cho cuộc sống.

3/ Không biết đối thoại (không thể giao tiếp với thế hệ trẻ).

Quân: cứ đà này, 5 năm nữa sẽ ra sao?

Đi hội thảo quốc tế về thanh niên. Trong khi ta còn nói nhiều về lẽ sống thì các nước khác nói nhiều về lối sống, ăn uống xe cộ quần bò áo phông…

Đại biểu Mỹ bảo: Những người quần loe, tóc dài bên tôi phần lớn tham gia chống chiến tranh ở Việt Nam. Đám đi lính lại cắt tóc ngắn.

Khủng hoảng của xã hội Thuỵ Điển là không có mơ ước.

Đăng:

– Lính ăn 5,2 lạng một ngày. Chỉ được hơn 2 lưng, có thằng kêu 2 lưng không làm gì được nữa. Không đủ sức đẩy pháo ra khỏi nhà. Cán bộ cũng cáo ốm. Có mấy chục con lợn, lính giết cả. Để, lấy gì mà nuôi. Nó lại ăn tranh của người mất.

Ngô Thảo đi tàu chợ từ Vinh ra Hà Nội 3 ngày 3 đêm. Vì không có dầu máy. Không ai chịu trách nhiệm hết.

Trên tàu, 70% dân Quỳnh Lưu đi buôn; có một cụ già cũng đi.

– Cụ ở nhà, còn đi làm gì nữa.

– Chủ nhiệm cũ đây. Giờ con làm chủ nhiệm, mẹ đi buôn.

Ở Vĩnh Linh, có phong trào dời làng ra bãi cát, để lấy đất trồng trọt. Gia đình thương binh liệt sĩ ở thấp nhất; gia đình trung bình ở giữa; cán bộ đảng viên ở trên cùng.

Một ông xây hẳn nhà gạch lên.

Bây giờ, đói, dân bỏ về. Chỉ còn trơ cái xác nhà ông đảng viên kia. Vợ con ông cũng bỏ về nốt (chung quanh không có cây cối nước non gì hết). Ba ngày vợ bới cơm cho ăn một lần.

Cơm ở Vĩnh Linh, tức là khoai.

Chi đoàn không giới thiệu con một đảng viên lên Đảng, vì: 1/ bố nó là thằng tham ô; 2/ là phản động (đề ra nhiều chủ trương sai lầm làm cho dân khổ).

Cả xã Vĩnh Thái (?) bảo nhau vào Minh Hải, Thanh Hải gì đấy làm ăn.

Công trường cầu Thăng Long cứ bỏ đấy, không làm nốt được. Vì không có cán bộ để làm. Cả công trường không có lấy một chỗ uống nước cho công nhân. Chỉ có một vài quán phe phẩy. Công nhân không có gì ăn. Chỉ có ăn cắp. Ăn cắp 10 kg xi măng trở lên mới bị bắt. Mà ăn cắp 5 kg mới đủ sống.

Vừa rồi Ty Công an đã cho bắt mười mấy người. Đại loại, một tay chuyên môn mua quang sọt cho công trường, ăn cắp khoảng 20 vạn.

Ông Hoàng Thế Dũng ở báo Quân đội hồi 63 bị bắt ra sao? Đang làm Phó tổng biên tập thì bị xe chắn ngang đường. Bắt đi tù, sau đó 4 năm cho về cạo rỉ ở nhà máy xe đạp, được 4 năm nữa cho về nông thôn.

Gần đây, có người đến bảo ông không làm sao cả. Tự do. 6 tháng mới được phục hồi. Người vợ đã bỏ đi lấy người khác, con đã ly tán cả. Bây giờ về Thư viện quân đội.

Chuẩn bị lấy mấy chục nghìn lương trung tá từ đó đến nay.

Ca vè dân gian:

Ăn rau muống, uống nước ao, nói chuyện tào lao, bay vào vũ trụ.

– Bay vào vũ trụ làm chi

Sao không lo gạo lo mì cho dân

Bạn Yến, cậu D. lấy một nguời vợ hơn tuổi. Gia đình không bằng lòng. Cứ lấy, tưởng sống độc lập được. Bây giờ vợ đẻ, cửa mình có mủ, dạ con có mủ, phải tiêm kháng sinh liều cao, người cứ cứng lại, hết sữa, con gửi về cho bà ngoại trông 17 đ một hộp sữa. Vợ nhớ con khóc mắt sưng húp. D. phờ phạc vì hầu vợ ngày nào cũng phải vào thay rửa cho vợ. Hạnh phúc và điêu tàn.

Báo cáo trong nội bộ:

– Từ đầu năm Hà Nội khoảng 80 vụ các cửa hàng lương thực ăn cắp.

– Phân bón tuồn ra ngoài.

– Nhân dân cán bộ hoang mang, 80% đảng viên không làm công tác đảng là công tác quần chúng. Hà Nội định giảm biên chế 20% không làm nổi.

Một chuyên gia về ngoại thương Liên Xô sang Việt Nam:

– Ở đâu buôn lậu ghê nhất?

– Madagasca?

– Việt Nam buôn lậu khác các nước ra sao?

– Nước nào buôn lậu cũng sợ cảnh sát cả. Riêng Việt Nam buôn lậu không sợ cảnh sát.

Tính kể tôi đã thử buôn thuốc. Nghe nói thuốc cảm đắt lắm, trong kia đồng bạc một viên, ngoài này có một hào. Thế là mua một lọ, hơn trăm bạc. Vào kia, không ai mua cả. Hoá ra lỗ.

Ông Hồ Đắc Di bảo chúng ta đã thực sự tổ chức được một tình trạng vô tổ chức thật toàn vẹn.

Ý Nhi:

– Con tôi 5 tuổi đã biết bảo: Hồi trước sướng, má nhỉ.

Sự kiện Ba Lan cuối tháng 7 đầu tháng 8. Bãi công, đòi những người cầm đầu Đảng & nhà nước phải dần dần từ chức hết, kể cả Bí thư thứ nhất.

Không manh động, nên quân đội Liên xô không dám làm gì. Đưa ra 21 yêu sách thì 20 yêu sách rưỡi phải chấp nhận ngay từ đầu.

Bài của ông Kania, dịch in trên báo Nhân dân ngày 17-9, mở đầu bằng những câu rất hay: Trong suốt cuộc đời theo Đảng của mình chưa bao giờ tôi thấy tình hình đất nước bi đát và phức tạp như thế này.

Kania có một nhận thức rõ ràng, chính xác — dẫu sao, Đảng cũng chỉ là một bộ phận của dân tộc, Đảng không thể thông minh hơn dân tộc được.

Thực ra, toàn bộ tình hình Ba Lan cũng buộc người ta phải đặt vấn đề như vậy. Bản thân hành động tháng 7 vừa rồi, chứng tỏ giai cấp công nhân không chịu nhận Đảng làm giới hạn. Giai cấp công nhân còn thông minh hơn Đảng nhiều.

Giai thoại:

Việt Nam bị Liên hợp quốc đuổi. Nằn nì mãi, nó bắt phải khai lại lý lịch.

Họ và tên: An Nam, tức Việt Nam

– Nghề chuyên môn: đi ăn xin…

– Anh em: Cămpuchia và Lào nhưng đều vô nghề nghiệp

– Sở trường: đánh nhau

– Mức sống: thấp nhất thế giới.

… Nếu ở lại, xin tích cực đóng góp vào việc thảo nghị quyết.

Một tờ báo Pháp:

Nước Việt Nam luôn luôn nói theo chủ nghĩa xã hội nhưng họ lại hành động như chủ nghĩa đế quốc và sống như chủ nghĩa phong kiến.

Sinh ra trong nghèo đói, hiện nay đất nước đó lại đang hấp hối trong nghèo đói.

Ông Tổng thư ký Liên hợp quốc họp báo ở Paris sau chuyến đi Việt Nam:

Ở đây, khi lương người nhân viên bình thường, không mua nổi 2 kg thịt 1 tháng thì không thể bàn về nhân quyền được. Miền Nam đó là một thuộc địa của Mỹ nhưng Hà Nội là một thành phố chuồng chim.

Nghề của tôi là đọc diễn văn và nhiều lúc tôi chán ngấy việc này. Nhưng ở Việt Nam, nhà cầm quyền được tiếng là kiên cường, không hề có việc gì khác, ngoài việc đọc diễn văn. Họ, trong lúc này, không biết lo cho dân họ việc gì cả. Trước đây ít ngày tôi từng phải tham gia một hội nghị chống di tản. Tôi không thích gì việc di tản. Nhưng đến Việt Nam lần này, tôi hiểu tại sao người ta di tản. Đó là cái cách duy nhất giúp cho người ta tồn tại.

Tôi hiểu 25 vạn người Việt Nam đi được nước Mỹ trợ giúp. Tôi muốn người Mỹ làm việc đón tiếp tốt hơn để những người khác có thể tiếp tục di tản.

V.T.N.

Nguồn: FB Nhan Vuong Tri

This entry was posted in Sử Liệu, Vương Trí Nhàn, Xã Hội, XHCN. Bookmark the permalink.