Ngày thứ sáu, 29 tháng 01 năm 2010, giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhận được một cú điện thoại của “người quen”, tức là những người “cùng làm việc” hơn chục ngày vừa rồi. Nội dung: hỏi xem ngày mai “Bác” có thể làm việc không? Cái “ngày mai” nói đến ở đây không phải cái hạng ngày mai thơ mộng kiểu “ngày mai tươi sáng”, “ngày mai thanh xuân của nhân loại”, mà là cái ngày mai cụ thể, Ngày Thứ Bẩy, cái ngày cùng với ngày Chủ Nhật được cả nước đang buộc phải sính tiếng Anh gọi là “Uých-Ken”.
Giáo sư Huệ Chi gọi ngay cho tôi, và nói thêm: “Thật vô cùng khó chịu, huyết áp lại lên đây này!” “Thế ông trả lời sao?” Tôi bảo họ: “Các cậu định khủng bố và bức cung mình đấy à?” “Thế họ trả lời ông ra sao?” “Họ cười: chúng cháu muốn làm với bác cho nhanh cho gọn thôi mà” (!?).
Sẽ còn phải suy nghĩ thêm để đặt một tên gọi chân xác cho những cách làm việc như vậy. Trong lúc chờ đợi, để giúp cho việc đặt tên được thuận tiện, ta thử điểm qua xem cái lề lối làm việc đó gây ra những điều vô cùng khó chịu gì cho các công dân.
Một ông giáo về hưu, từng có chức vụ cao ở một địa phương danh tiếng kia, chuẩn bị đi Hoa Kỳ thăm bạn bè, họ hàng. Đến sân bay, ông bị giữ lại “vì lý do an ninh”. Tấm vé khứ hồi giá cả ngàn đô-la Mỹ thế là tiêu vong. Món tiền thiệt hại đó ai trả?
Một cô giáo sinh năm 1982 có luận án thạc sĩ về thơ Hoàng Cầm chuẩn bị đi du lịch Thái Lan, đồng thời nắm lấy một cơ hội được phỏng vấn để kiếm việc làm. Khi đến sân bay, cô cũng bị giữ lại “vì lý do an ninh”. Khác với ông giáo sư về hưu, cô giáo trẻ tiếc tiền đã hỏi thẳng “Các anh có trả lại tiền vé máy bay cho tôi không?” “Có trả nhưng trừ mười phần trăm”.
Lời đáp lại trâng tráo thế thôi, thực ra thì sau nhiều tháng nền an ninh của đất nước không có gì suy suyển, hai nhà giáo một già một trẻ kia bỗng thấy mình mất toi tiền mua hai tấm vé – có nên coi hai người đó đã hy sinh tiền riêng của mình cho nền an ninh chung?
Chuyện tiếp theo về vị giáo sư về hưu thì do xa xôi cách trở nên tôi không theo dõi được, nên cũng không rõ lắm. Còn chuyện tiếp theo với cô thạc sĩ thì tôi có được biết thêm một vài tình tiết do được cô “báo cáo tường tận” mỗi khi muốn xả nỗi bực dọc vào các buổi cô tới học nghề biên tập để kiếm việc làm trong ngạch biên tập xuất bản.
– Thầy lý giải cho em: tại sao thỉnh thoảng vào mười giờ đêm bọn họ lại gọi điện cho em, rủ em đi uống cà phê? Không gọi một lần đâu, mà gọi đi gọi lại nhiều lần ấy! Gọi đến độ làm em mất ngủ ấy, vì sau đó cứ thấy hốt hoảng, cứ cảm thấy như họ đang đứng ở ngay đầu giường mình!
– Rất nhiều hôm, vào quãng chín mười giờ sáng, bọn họ cũng gọi cho em, họ rủ em đi câu cá cho đỡ căng thẳng. Họ gây căng thẳng cho em, rồi họ gợi ý cho em xả căng thẳng, vậy là thế nào? Mà lại rủ đi câu cá vào cái giờ em phải làm việc để kiếm sống!
– Có buổi “làm việc” về, khi chia tay, bọn họ dặn dò em thế này: “Em cần bất cứ điều gì, cứ gọi cho các anh, đừng ngại, bọn anh có thể giúp em, kể cả những việc thầm kín nhất của em bọn anh cũng đủ sức chiều em, thỏa mãn em thì thôi”.
Quá tam ba bận, kể ra ba thí dụ là tạm đủ, vả chăng tôi thực lòng không muốn làm phiền bà con thêm vì vô số những tình tiết khác nữa được trực tiếp nghe cô giáo kể.
Ta phải đặt ra câu hỏi: vì sao những người ấy lại có cái tâm lý không bị trừng phạt khi hành xử như vậy? Vô cớ lấy vé máy bay và hủy chuyến bay của người ta, không phải đền bù gì cả! Nửa đêm, gọi rủ người con gái chưa chồng, “có khi buổi tối em còn bị hai anh ép hai bên, lôi em ra tận quán cà phê, thầy ạ“, (thói quen quan sát tinh tế nhắc tôi rằng tuy uất ức đấy, song cô giáo vẫn gọi “hai anh”), hành xử không nằm trong quy chế nào cả! Và mới đây nhất, vô cớ đến “mượn” ổ cứng máy tính của người ta mang đi, vô cớ in ra và hạch người ta bằng đủ thứ câu hỏi cùng những bài thuyết giảng đạo đức thật giả lẫn lộn, chẳng ra làm sao cả!
Vâng, xin nhắc lại câu hỏi: do đâu mà bọn họ có cái tâm lý không bị trừng phạt đó? Câu trả lời xin dành cho những ai quan tâm đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền, điều kiện cơ bản để an ninh nước nhà không bị xâm phạm ngay từ bên trong.
Hà Nội, 30-01-2010