Chú Tễu Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn

– Xin bạn chia sẻ với Chú Tễu bachkhoadanang.net

Những chiếc thuyền nhỏ bé vẫn xuất hiện kiêu hùng trên khắp vùng Biển Đông bao la.

Những chiếc thuyền nhỏ bé vẫn xuất hiện kiêu hùng trên khắp vùng Biển Đông bao la.

Tễu mỗ kiên cường đứng trước mũi tầu suốt cuộc hành trình để cảm nhận về những con sóng giữa cái đại ngàn, về những con thuyền đánh cá, nhỏ nhoi, cô đơn, kiêu hùng trên biển bao la mà thiêng liêng của máu thịt Việt Nam, thỉnh thoảng những chú cá chuồn bay như chim cách mặt nước chừng 20 phân như đón chào đoàn của Tễu ra với Lý Sơn, khúc ruột tiền tiêu của biển đảo Việt Nam, mãi rồi hình ảnh đảo Lý Sơn cũng hiện dần ra trước mắt Tễu đầy oai hùng nổi lên kiêu hãnh trên nề xanh thiên thanh, sừng sững như chàng Thánh Gióng trên Biển Đông ở thế kỷ 21.


Chiếc tầu từ từ cập cảng, tội nghiệp cái cầu cảng  bị cơn bão tàn nhẫn đánh bị thương tơi tả, vẫn đón chúng tôi bằng những âm thanh ấp áp tình người, vẫn âm vang nhộn nhịp từ những người dân nơi đây í ới gọi nhau, khi chuyển những món hàng cấp thiết từ những chiếc tầu lên  đảo sau cơn bão. Đoàn công tác của chúng ta lên bờ ổn định đội hình, chờ  các mẹ các chị đưa bớt những hàng rau quả thực phẩm lên bờ, sau đó đoàn ta bắt tay vào việc cùng các bạn thanh niên huyện đảo đưa hàng lên, hối hả chìm dần vào dòng âm thanh nguyên sơ của những cư dân nơi này đã tồn tại từ hàng trăm năm trước.
Trên đảo chỉ có một con đường duy nhất xuyên suốt từ bên này sang bên kia, không có xế hộp, thỉnh thoảng mới có 1,2 cái xe ô tô tải chạy qua, phương tiện chủ yếu là xe máy, điện chỉ có từ 5h chiều đến 11h đêm, đoàn của chúng ta sau khi ăn trưa qua loa là lên đường thực thi nhiệm vụ ngay, không một phút nghỉ ngơi.
Và thế là Tễu mỗ cùng các huynh đệ chia nhau lên 6-7 cái xe máy theo người hướng dẫn của xã đi đến từng gia định gặp nạn để chia sẻ cùng đồng bào, Tễu mỗ thật sự xúc động khi thấy nhiều căn nhà tang hoang, những mất mát khó nói hết bằng lời. Khi đến thăm một điểm mà quá nhiều nhà bị đổ, trong khi phong bì của đoàn ta chỉ còn 1 bì, Quangdn cầm lòng không đặng, đã bỏ thêm tiền túi ra 2 bì nữa để tặng bà con.

Tuy bận rộn chạy đua với thời gian, đoàn công tác cũng dành thời gian thăm mộ gió của người đội trưởng một Hải Đội Hoàng Sa, tưởng nhớ đến công đức của các bậc tiền nhân đi trước, trong việc bảo vệ, giữ gìn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.Chỉ có hai chữ “mộ gió” này thôi, cũng đủ giấy lên trong mỗi chúng ta những con sóng dạt dào cảm xúc, về những chuyến đi không trở lại, về những câu văn tế sống họ trước lúc cầm tấm thẻ tre lên chiếc thuyền con, với những chiếc tay chèo bé nhỏ, mảnh mai như cái lá phi lao vẫn thản nhiên đối diện với phong ba bão táp, để thực thi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.


Hỡi! Các Vị Thánh Nhân Của Hải Đội Hoàng Sa ! Con vẫn chỉ là đứa trẻ ngốc nghếch, bất lực với ngôn từ, văn chương chữ nghĩa của con bỗng chốc rơi vỡ, như những hạt bụi bay rệu raọ từ đôi bàn tay con  trong cơn gió cát ven bờ đại dương, con chẳng biết dùng từ ngữ nào để có thể truyền tải hết sự kính trọng, đang trào lên từ trong sâu thẳm trái tim con như những cơn siêu bão, con không thể nào miêu tả nổi sự ngưỡng mộ, lòng thành kính trước những giá trị chân lý xuyên suốt thời gian, mà các Vị Thánh Nhân Hải Đội Hoàng Sa đã để lại cho chúng con, về ý chí kiên cường, lòng quả cảm và đức hy sinh cao cả, tất cả những giá trị hiển thánh ấy đã được các Vị Thánh Nhân tạo xây trên nền tảng của lòng yêu nước thanh cao, vẫn đang phát sáng những ánh hào quang như được hội tụi từ bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, ánh hào quang đó không chỉ chiếu cho lớp chúng con đã vài trăm năm rồi! mà cho dù có hàng triệu năm sau nữa giá trị chân lý đó vẫn sẽ cháy sáng trong tâm khảm người Việt Nam, đó là thứ ánh sáng tinh khiết nhất của mọi thời đại, của muôn kiếp người Việt Nam, đó sẽ là những sự thật sống động nhất mà không gì có thể lay chuyển được của lịch sử, mà lịch sử về vùng biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa được ghi nhận bằng máu của người Việt Nam, bằng thịt của người Việt Nam, bằng xương của người Việt Nam, lịch sử ấy, chân lý ấy từ lâu đã hoàn toàn của người Việt Nam. Trong quy luật tồn tại trong sáng của tự nhiên như đất, trời, hoa cỏ, chim muông, thì ai giữ gìn được lịch sử, người đó sẽ có tương lai, và chúng con tin tưởng rằng: với lịch sử của vùng biển đảo đó là máu thịt Việt Nam, thì tương lai nó sẽ là cơ thể Việt Nam, như vậy, bọn chiếm đóng chắc chắn sẽ không có tương lai, bởi bản chất lịch sử chân lý ấy đã không thuộc về chúng. Chúng con mãi mãi giữ gìn trang lịch sử đầy hào khí ấy như ngọn lửa trong tim cháy đỏ tinh thần yêu nước, như ngọn đuốc trường tồn soi sáng cho lớp lớp người Việt mai sau đi đến con đường của tương lai tươi đẹp, vẹn toàn cho biển đảo Việt Nam.

Bái biệt vị Thánh Nhân, Tễu mỗ quay về cái cầu cảng tội nghiệp, để lên tầu về lại đất liền, trên con đường về bến cảng, Tễu đi qua những ruộng tỏi nổi tiếng của của huyện đảo Lý Sơn, nếu nói rằng : trồng tỏi ở đất liền gọi là vất vả, thì ở huyện đảo Lý Sơn còn gian khó bội phần. Để tạo nên cái ruộng ấy, người ta phải chở từng túm đất đỏ từ trong đất liền ra, trải một lớp đất đỏ đều hết mặt ruộng, tiếp theo là lớp cát biển trên đảo, rồi lại lớp đất, lại một lớp cát, sau đó người trộn đều lên từng mét vuông một cho đến hết mặt ruộng, hết công đoạn đất mới đến công đoạn giống…chăm bón, đã vậy lại còn phải đối diện với nguồn nước tưới không có đủ vào mùa hè, dường như đất trời cũng đã cảm động trước những nhọc nhằn, và sức sống mãnh liệt của người dân huyện đảo, nên đã ban cho nơi đây một giống tỏi kỳ diệu. Sự kỳ diệu không chỉ là chất tỏi giầu các loại vitamin nhất, bởi nó được tạo thành từ cái nắng gió của biển, từ cái khô cằn của đất, mà còn bởi cái hương vị rất đỗi đặc trưng, thơm nồng mà không cay gắt, nó khác biệt với tất cả các loại tỏi khác trên đất nước ta, thậm chí là cả thế giới, sản lượng tỏi hàng năm nơi đây tăng vùn vụt, nhưng không phải lúc nào cũng đủ cung ứng cho thị trường, đặc biệt là tỏi loại I. Vậy các bạn khi có nhu cầu về tỏi, hãy nhớ giùm Tễu một thương hiệu tỏi Lý Sơn nhé, hay mua tỏi Lý Sơn không chỉ vì chất lượng, mà còn là tấm lòng, là biểu hiện tin thần yêu nước, là những lời động viên thiết thực nhất của chúng ta với đồng bào huyện đảo tiền tiêu yêu dấu của Tổ Quốc.

Ở huyện đảo Lý Sơn, đàn ông thường đi biển, còn những người vợ ở nhà trồng tỏi, chắt chiu làm ăn.

Ở huyện đảo Lý Sơn, đàn ông thường đi biển, còn những người vợ ở nhà trồng tỏi, chắt chiu làm ăn.

Tễu mỗ xuống tầu, tạm biệt nhé cầu cảng thân thương! Ta mong ai đó mau chóng phục hồi cho ngươi nguyên trạng ban đầu, để cho nơi này vang lên tiếng con trẻ gọi mừng người cha trở về trên chiếc tầu đầy ắp cá tôm, cho những người vợ đón chồng sau những chuyến đánh bắt xa bờ, cho những bà mẹ ôm lấy những đứa con trở về sau giông bão, cho những âm thanh tấp nập của bến cảng lại gần với thiên nhiên,  với những câu hò Bá Trạo lắng đọng nơi tiềm thức sâu lắng của chiều thời gian, mà giao thoa cùng tiếng sóng. Bến cảng ơi! Xin hãy giữ lấy những cách hoa ban mai trên bờ biển đảo thiêng liêng này, hãy giữ cho những cách hoa ấy  rộ nở thanh bình cho muôn đời con cháu mai sau.

Tễu mỗ vẫn cương quyết đứng ở mũi tầu suốt cuộc hành trình, cho dù là mệt lả người, Tễu mỗ không muốn mất một giây phút nào của khung cảnh hoàng hôn trên biển đẹp đến mê đắm hồn người, khi mặt trời như tròn trĩnh, đỏ lừ treo vắt vẻo trên mũi tàu, để rơi những dải nắng vàng tươi, làm mặt biển cứ lung linh huyền hoặc. Tễu mỗ giơ tay giữa mêng mông của biển khơi, để chào chiếc tầu đánh bắt xa bờ của đội tàu Lý Sơn đang chạy xa xa phía ngược chiều, người thuyền viên trên tầu của Tễu thấy vậy liền nói: “cái tầu đó vừa đi cả tháng mới về đất liền bán mực, bây chừ họ trên đường về Lý Sơn”, Tễu mỗ cứ nhìn mãi cái hình ảnh một chiếc tầu bé xíu, lênh đênh khắp nơi trên biển đông bao la, họ quả là những anh hùng thật sự, Phải! Họ là những vị anh hùng của thời đại này không chỉ bởi họ là hậu duệ của Hải Đội Hoàng Sa, mà quê hương họ còn là vùng biển đảo Hoàng Sa thiêng liêng.


Họ là những anh hùng không chỉ bởi họ là đội tầu duy nhất tung hoành trên vùng biển đảo Hoàng Sa bất chấp bọn chiếm đóng bắt bớ đánh đập, mà còn bởi họ đang mang trong cơ thể mình bằng chứng AND sống cho những bộ hài cốt của cha ông họ vẫn đang nằm trên đảo Hoàng Sa, họ phải về Hoàng Sa quê hương thiêng liêng của họ, để thắp nén nhang, chăm sóc một phần của cha ông mình, họ không thể bỏ được cha ông họ, bởi họ là con dân nước Viêt.
Vâng nhất định họ phải về miền quê hương thiêng liêng ấy!.

Nụ cười đôn hậu của vị thuyền trưởng tầu QNG 0034.

Nụ cười đôn hậu của vị thuyền trưởng tầu QNG 0034.

Tễu mỗ nhìn vị thuyền trưởng của tàu QNG 0034,nhà ở huyện đảo Lý Sơn, tuy tuổi đã ngoại ngũ tuần, nhưng thân hình vạm vỡ, nắng gió, bão táp đã tôi luyện những khối cơ trên cánh tay ông rắn như thép,  nụ cười đôn hậu, vẫn vững vàng tay lái. Tễu mỗ nhìn quanh khoang lái mà chẳng thấy cái thiết bị gì, bèn hỏi: “Dạ ! Bác định vị thế nào để đi đúng đường trên biển bao la thế này!” ông cười hà… hà..Tôi thuộc đường.. nên chỉ cần nhắm hướng là đến thôi! Rồi ông lại cười, Tễu cũng cười, thì ra Tễu quên rằng : Biển đảo là quê hương ông thì làm sao ông lại không nhớ được !!?, Hi.. hi.., Tễu mỗ quả là ngốc thật!  Cái chân lý sâu sắc thế! Giản đơn thế ! Mà lại không nghĩ ra.. hi hi..Tễu cười một mình, nhìn con tầu từ từ cập bến Sa Kỳ, kết thúc một chuyến đi giầu cảm xúc của đời mình.

Người viết: Chú Tễu bachkhoadanang.net

This entry was posted in Hoàng Sa, Tản Mạn and tagged , , , . Bookmark the permalink.