Trong ngành Từ nguyên học, người ta không chỉ nghiên cứu gốc của một từ, có khi còn nghiên cứu cả gốc của một ngữ. Gốc gác của “hiền như Bụt” hẳn là không khó nhận ra đối với người Việt. Còn “nóng như Trương Phi” hoặc “oan như Thị Kính” (hoặc có khi “oan như Thị Mầu”) hoặc “chết đứng như Từ Hải” … thì phải xem xét đôi ba điển cố mới nhận ra nghĩa gốc.
Hôm nay tôi phải ghi nhanh lại gốc gác của thành ngữ “thật thà như Huệ Chi”, kẻo vài ba trăm năm nữa chẳng ai còn nhớ, việc dùng nghĩa của ngữ đó sẽ hết ý vị. Thực ra, người đời vẫn truyền nhau và nói “thật thà như là Huệ Chi” hoặc nói “thật thà như bà Huệ Chi” đều không sai. Yếu tố “như là” Huệ Chi thì chẳng có gì rắc rối. Còn yếu tố “như bà” Huệ Chi thì chỉ cần vào công cụ tìm kiếm Google sẽ được đọc nguyên si lá thư của Ủy ban Pháp luật một cơ quan cao nhất nào đó là sẽ rõ. Trong bài này, tôi chỉ kẻ lại nội dung của “thật thà như Huệ Chi” thôi. Thế cho gọn.
Trước hết, ta cần quay trở lại buổi tối hôm thứ Tư, 26 thắng 01 năm 2010. Buổi tối đó, Huệ Chi thông báo với vợ và bạn bè – giữa chừng có bị ngắt để thông báo cho con gái và con dâu – rằng “ngày mai sẽ là buổi làm việc cuối cùng”. Huệ Chi kể lại cho mọi người về thái độ của mấy người ở hai phía cùng làm việc với nhau – “mấy cái cậu đó thì khá, tương đối có hiểu biết”.
Bà con mình quen nghe chuyện kể, đén đoạn này hẳn là đoán được ngay là sắp có chuyện: “mấy cậu đó thì…” nghĩa là sẽ có cái gì đó chọi lại với mấy cậu đó.
Đúng thế, đó là ông thủ trưởng của “mấy cậu đó”. Huệ Chi kể lại và người hiền như ông Hán Nôm cũng bắt đầu nổi cáu. “Cái tay này thì khó chịu lắm”… Dĩ nhiên, bà con ta biết rồi, trong một cuộc “làm việc” như thế, sự khó chịu chỉ diễn ra bằng lời. Tôi xin cố gắng ghi lại những lời đối đáp, cố trung thành với lời kể của Huệ Chi, còn thì khó mà “trung thành” được với sự giận dữ của cái người “hiền như bà Huệ Chi” đó.
– … Chúng tôi biết bác là thuộc gia đình có truyền thống yêu nước … Cụ nội của bác mở trường Dục Thanh, có thày giáo Nguyễn Tất Thành … ông nội … thân sinh Nguyễn Đổng Chi … bản thân …
– … [không nói gì]
– Qua các buổi làm việc, ngay từ đầu, chúng tôi công nhận bác có thái độ hợp tác rất tốt. Có điều là, bác vẫn chưa phát biểu ý kiến chủ quan…
– Ý kiến chủ quan?
– Vâng, ý kiến chủ quan…
– Ý kiến chủ quan là cái gì?
– Là … tôi lấy một thí dụ… như Lê Công Định nói được ý kiến chủ quan thì chỉ 5 năm thôi, còn Trần Huỳnh Duy Thức không chịu nói ý kiến chủ quan thì 16 năm …
– [chỉ tay vào mặt người đối thoai] Tôi nói cho anh biết nhé, anh im ngay đi nghe chưa… Sao anh lại dám ví tôi với các ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức? Họ khác tôi, tôi khác họ, anh biết chưa?
– [một cấp dưới can thiệp] … Xin có ý kiến với bác … Ý của thủ trưởng chúng cháu là thế này ạ …
– Còn ý tứ gì nữa? Anh ta vừa đem Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức ra làm gương cho tôi. Định gợi ý cho tôi xin khoan hồng à? Cái cách nói vòng vèo “ý kiến chủ quan” có nghĩa là xin khoan hồng à? Tôi làm gì mà phải xin khoan hồng? Mà nói cho rõ nhé: có tội chăng nữa, thì tôi cũng không chịu xin khoan hồng, nghe rõ chưa?
Phải chăng vì có cuộc xô xát bằng lời đó, mà một đồng chí trẻ tuổi đã phải làm dịu đi bằng cách dặn dò Huệ Chi trong nụ cười: “Thôi bác về, chiều mai một giờ ta gặp nhau, sáng mai bác vui vẻ đi, nhưng vui vẻ ở chỗ nào đó không có bác gái ấy nha … ” (như đã tường thuật trong bài “Trước 9 giờ và sau 9 giờ” của cùng tác giả).
Dẫu sao thì bà con cũng đinh ninh ngày mai thế là xong việc. Riêng tôi, người viết bài này và bài “Trước 9 giờ và sau 9 giờ”, tôi đã nhận định ngay từ trước khi xảy ra vụ việc. Tôi viết, xin trích nguyên văn: “Nhưng xin bạn đọc đừng vội lạc quan: một giờ chiều nay, chưa chắc đã xong xuôi mọi việc với Nguyễn Huệ Chi đâu đấy! Vì cái gốc của vấn đề đã xong đâu? Huệ Chi đại diện cho những người có học và yêu nước muốn đem lại hạnh phúc, phồn vinh và ổn định thực sự cho đất nước. Bắt họ ngừng thở sao được? Mà cũng không tìm đâu ra chứng cứ cho thấy thở là tội phạm… ”
Chẳng có chút thuyết phục gì cả, chẳng có lý do gì hết, ông thủ trưởng bỗng như là ngẫu hứng tùy nghi sử dụng thời giờ và sức khỏe của người khác, ông lại cù cưa yêu cầu Nguyễn Huệ Chi ngồi viết lần nữa bản giải trình về một chuyện cỏn con nào đó. Coi thường người ngồi trước mặt mình đến thế là cùng! Nhưng đến đây mới bộc lộ hết chất thật thà của Huệ Chi. Anh kể lại với mọi người, và chắc là anh không để ý thấy tôi tủm tỉm cười: “Lúc ấy mình buồn đi đái quá, mình đòi đi đái cái đã, sau đó trở lại thì mình đập bàn cái rầm …”
Nếu nhà có con trẻ đang tập nói, các cháu sẽ bảo “buồn tười!”. Về cái tật đó của Huệ Chi thì ngay từ tháng 4-2009 trong bài tường thuật đầu tiên “Thong thả sáng chủ nhật” tôi đã kể rồi. Giáo sư của chúng ta có cái thói quen mỗi ngày uống 5 lít nước, và thải ra cũng ngần ấy. Đó là thói quen có từ thời bạn Khổng Tử, tên là Khâu, tự là Trọng Ni, người nước Lỗ bên Tầu, khác nhau ở chỗ ngày xưa không dùng La Vie như ngày nay, chỉ dùng cái bát ngô vục nước suối hoặc nước mưa mà uống, thế thôi.
Sau đó, sau đó … còn một vài tình tiết gay cấn nổ ra trước khi đi đến quyết định ngừng làm việc hẳn không viết lách gì thêm nữa …
Nhưng xin bạn đọc cho phép tôi, người viết bản tường thuật này, được giữ riêng các chi tiết đó, khi khác sẽ công bố chung với những tình tiết khác nữa.
Bài này dài rồi, không nên lạm dụng tình cảm bà con mình. Vả chẳng có kéo dài nữa thì cũng mất thêm công gõ gõ, để mặc sức cho bà con tưởng tượng có khi mình còn thu lời hơn nhiều. Nói thật đấy!
Hà Nội, ngày 29-01-2010