Chỉ có người trong cuộc mới biết rõ “người trong kẹt”!

Mai Bá Kiếm 

Vụ án Việt Á tuy được xét xử công khai, cơ quan điều tra đã tổ chức thực nghiệm sản xuất và kết luận kit test Việt Á đạt chất lượng, dù rằng công trình nghiên cứu của Học viện Quân y là giả tạo. Nói chung, công nghệ chế tạo kit test của vợ Phan Quốc Việt (PQV) dựa công thức trên mạng và pha chế bằng các chất nhập khẩu vẫn là màn sương mù dày đặc.

Tôi không biết chuyên môn, nên rất cần một chuyên gia chánh hiệu “giải ảo” mới mong thấy được lờ mờ. Thời may, PGS.TS Cao Thị Bảo Vân đã làm “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” bằng một giọng văn dầy thuật ngữ mà thừa dí dỏm. Xin cúi mình một góc 45 độ cám ơn bà đã khai trí cho tui: 

*

Bài của PGS.TS. Cao Thị Bảo Vân:

“Em xin đóng góp thêm chút ý kiến cá nhân từ góc nhìn chuyên môn về vụ Việt Á. 

Các cơ sở chống dịch hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh hồi ấy không mua kit của Việt Á. Vì vậy không thể nói đó là phương tiện duy nhất mà không có nó thì không chống được dịch ở Việt Nam.

Hồi COVID mới nổ ra ở Trung quốc thì WHO và CDC đã gửi ngay protocol xét nghiệm MIỄN PHÍ trên mạng, để các nước kịp làm theo, chống dịch. Nhớ hồi đó WHO lấy công thức của Đức, còn CDC Mỹ thì công thức hơi khác chút. Giờ nói vợ PQV phát minh! Vậy có đăng ký được bản quyền không? 

Muốn làm ra phương pháp xét nghiệm mới thì tiên quyết phải giải mã toàn bộ gen của con virus gây bệnh. Việt Nam khi ấy có vài ba mẫu, bảo quản như vàng, nguồn kiếm kinh phí mà, nội bộ xin còn không nổi. Hồi đó em và Lab Sinh học phân tử chủ chốt của Viện Pasteur, làm đơn xin chỉ 1 mẫu để nghiên cứu, mà đồng chí Viện trưởng hồi đó rất nghiêm, nhất định không cho, nên em làm đơn xin nghỉ việc, ra khỏi Viện vào đầu dịch. Nghĩ lại cũng là may, chắc các cụ phù hộ. 

Kit chẩn đoán gen virus gây Covid-19 (không phải test nhanh) cũng theo nguyên tắc phương pháp Realtime PCR nói chung, thực ra là trộn mấy thành phần chủ chốt cần thiết và bộ mồi dựa trên gen của virus gây bệnh thôi. Cái gì cũng mua mà các cụ.

Nhiều người thắc mắc: nói quy trình có sẵn miễn phí, vậy chả lẽ các hãng nước ngoài họ không làm được để bán? Thế này các cụ ạ. Từ quy trình in house tới cấp phép cho bộ kit thương mại, quy định của quốc tế vô cùng ngặt nghèo. Quá trình kiểm định phải thực hiện trên số lượng mẫu lớn, rồi phải xin được chứng chỉ IVD mới được sử dụng trên người bệnh được. Kit nước ngoài chưa có chứng nhận IVD thì một là Việt Nam không cho nhập, mà nếu may lọt được thì cũng không đấu thầu được. Mà dù có trúng số độc đắc mà đấu thầu được thì lại không có tên trong công văn khuyến cáo của Bộ Y tế (BYT), dù giá rẻ hơn nhiều. 

Việc kiểm định kit ba ngày nói đạt thì không hiểu thế nào. Kiểm định làm trên bao nhiêu mẫu bệnh phẩm của Việt Nam? Độ nhạy, độ đặc hiệu ra sao, v.v. Ti tỉ tiêu chuẩn đánh giá một bộ sinh phẩm áp dụng cho người bệnh, không phải nói “đạt” là xong. Thế mà xong! Lại còn được đưa vào Công văn BYT khuyến cáo các CDC mua, có cả giá tiền! Các CDC làm theo hướng dẫn của BYT thì bị bắt!

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đọc báo cáo kiểm định, chả lẽ không biết là thẩm định kit nào? Hai phương pháp của Học viện quân y và của “vợ PQV” khác nhau một trời một vực mà? Cái này đọc được báo cáo kiểm định thì hiểu ngay. 

Còn nghe PQV tự hào phát minh ra xét nghiệm gộp, tiết kiệm trăm ngàn t cho đất nước (!).Bạn này nổ như bom thế này thì cũng hiểu cách bạn ấy quảng bá các sản phẩm của mình. (Xét nghiệm gộp trong tầm soát dịch tễ thì xưa như cổ tích, chắc chỉ có BYT ít làm thực tế và người ngoài ngành thì mới tưởng cái này mới thôi). 

Sau đó Việt Á nộp đơn xin vào khu Công nghệ cao TP.HCM, xin đất và đầu tư khủng để sản xuất test kit. Tình cờ em lại là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt vụ đó. Hội đồng bao gồm chuyên gia từ các Trường, Viện bên y tế ở TP.HCM. Nhớ mãi câu hai vị phản biện và các thành viên hỏi đại diện Việt Á: “Công nghệ đâu?”. Không có công nghệ gì cả ngoài trộn mấy thành phần đó. Tiêu chuẩn tiên quyết được duyệt vào khu Công nghệ cao là phải có công nghệ mới đột phá, nên Hội đồng nhất trí: Không đạt! Sau đó ít lâu, Việt Á quyết tâm nộp lại hồ sơ lần 2. Lần này hồ sơ cũng dày cả thước, nhưng vẫn bị: Không đạt các cụ ạ. 

Mấy tháng sau thì nghe tin Việt Á bị bắt… Các bác thấy TP.HCM xét duyệt cũng khá công tâm đấy chứ.

Sau khi họp xong, Hội đồng toàn bạn bè nên hay tán gẫu, hôm ấy thì thào với nhau là đề tài làm kit này được 18 t đới … PPP

31.12.2023″

P/S: PGS.TS. Cao Thị Bảo Vân (SN 1962) là người đoạt giải WIPO dành cho nhà sáng chế nữ xuất sắc nhất năm 2007 với công trình: “Nghiên cứu giải mã bộ gen virus cúm gà A/H5N1 lưu hành ở Việt Nam trên mẫu bệnh phẩm người và gia cầm năm 2004-2005.

Năm 1986, bà Cao Thị Bảo Vân tốt nghiệp Đại học Lomonosov (Liên bang Nga) chuyên ngành sinh học phân tử.

Năm 1994, bà hoàn thành luận văn thạc sĩ tại Viện Pasteur Paris, rồi tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Viện này và Trường Đại học Paris XI về cơ chế gen kháng thuốc của các tác nhân nhiễm trùng.

Năm 2002, bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với hạng “tối danh dự”.

M.B.K.

Nguồn: FB Kiem Mai Ba

 

This entry was posted in Kit test Việt Á, Y tế Việt Nam. Bookmark the permalink.