Ngày cuối năm, nghĩ vụn, thành phố này

Lê Huyền Ái Mỹ 

“Thu ngân sách TP.HCM năm 2023 mới đạt 95,07%” là tựa tin trên Tuổi trẻ. Tôi không thích cái chữ “mới” ấy, nó “cũ” một cách bất công với thành phố này khi ngày cuối năm nào cũng hộc tốc cào – cấu cho đủ chỉ tiêu.

1. Những ngày cuối năm, loanh quanh, vội vã. Chẳng phải vì quá bận (bởi bây giờ có thể giải quyết tất cả công việc cùng lúc trên chiếc điện thoại) mà chủ yếu là sợ dính món… kẹt xe vào bất cứ giờ nào, đường nào. Nhưng có khi nhờ vậy mà trong cái thoảng qua, thoáng chốc ấy lại nhìn thấy thành phố đẹp hơn!

Như ngang qua công viên Lê Văn Tám, đã sớm tạo cảnh hoa Tết, thỉnh thoảng người dân, du khách ghé chụp hình. Dừng lại ở cổng chính, một bên nhà giữ xe xập xệ, một bên là bờ tường nham nhở. Đi vào trong, ngay trước khu nhà của đơn vị quản lý công viên, đầy rác.

Lát sau, ra tới công viên Bạch Đằng. Chỉ cần được ở cạnh dòng sông, mọi thứ đều có thể trở nên đẹp và có sức sống hơn. Trước mấy tiểu cảnh hoa, nhiều chị em “rất Hội” bắn tim trong mọi tư thế, bất chấp cái nắng. Nhìn vui mắt hẳn. 

Nhưng dấn thêm bước nữa, ngay dưới những khóm hoa khoe sắc kia, con nước dập dềnh rác. Sao người ta không chịu khó thêm một chút nữa để dọn và dẹp đi những đống xà bần, rào sắt (ở công viên Lê Văn Tám) hay rác quến đặc mấy mép bờ ở ngay dưới chân bến khu vực công viên Bạch Đằng?

Ít nhất trong một khu vực, một công trình công cộng, đã tạo được vẻ khang trang, đẹp đẽ thì cũng cần giữ cho được cái sạch, sạch từ trong ra ngoài thì hẳn mới là đẹp. Như không dưới… nhiều lần, thử ghé cả hai nơi Vincom center và Takashimaya (Sài Gòn Center trước đây) một trong những điểm khác biệt là từ nhà vệ sinh. Taka luôn gọn và sạch hơn rất nhiều.

Như mọi khi, không to tát gì và là việc mà mỗi người, mỗi nhà, mỗi quán xá, đơn vị đều có thể làm mà không phí tổn gì. Hoặc nếu có thì đó là lẽ đương nhiên là mong cho một Sài Gòn ít rác hơn, sạch dần lên và xanh nhiều hơn nữa.

2. “Thu ngân sách TP.HCM năm 2023 mới đạt 95,07%” là tựa tin trên Tuổi trẻ. Tôi không thích cái chữ “mới” ấy, nó “cũ” một cách bất công với thành phố này khi ngày cuối năm nào cũng hộc tốc cào – cấu cho đủ chỉ tiêu. Hồi ấy, bí thư Nguyễn Thiện Nhân còn đếm cả giờ cơ, 6 giờ chiều ngày cuối năm còn hồi hộp con số trung ương giao. Nó không công bằng khi nhìn từ khủng hoảng toàn diện toàn cầu, từ chiến tranh, năng lượng, kinh tế… kéo theo là vùng nguyên liệu, vùng tiêu thụ, tất cả đều ngắc ngứ cho đến “nội thương” sau những cú đột quỵ của chứng khoán, trái phiếu, bất động sản. Chỉ một “quả bom hẹn giờ” SCB thôi cũng đủ tạo sức công phá đến mức nào, chưa kể vùng sang chấn. Dầu thô, xuất nhập khẩu và thu nội địa giảm sâu, giảm từ sớm thì ngày cuối năm không hụt thu mới lạ. Con số ấy đã thấy từ trước thì lấy đâu ra mà “mới”?

Sự hụt hơi của thành phố này cũng chẳng đợi tới ngày hôm nay, cuối năm 2023. Cho nên, cần nhìn cái tỷ lệ 95,07% ấy là một sự cố gắng nhất có thể. 40 năm kể từ ngày câu hiệu “vì cả nước, cùng cả nước” ra đời (nằm trong bài phát biểu của TBT Lê Duẩn tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ III, năm 1983). Nên cũng có lúc cần một lời hồi đáp “cả nước vì thành phố, cùng thành phố”. Vậy nó mới fair play!

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh từng gọi thành phố này giai đoạn 1976-1979 là thời gian “khủng hoảng trưởng thành của thành phố”. Và tôi nghĩ, từ trong đại dịch cho đến những diễn biến gần đây (và có lẽ sắp tới nữa) thì thành phố, về mặt con người, sẽ ít nhiều mang lấy tâm lý của thời “khủng hoảng tuổi trung niên”. Nhưng, như mọi lần, thành phố này sẽ vượt qua bằng chính nội lực (dù đã nội thương qua đại dịch, đại nạn) để nghe qua, nhìn thấy thì “mới”- không-đạt; song lắng lại và nhìn thấu, vẫn luôn có một mạch ngầm sống, một mãi lực thị trường tự thân của Sài Gòn- TP.HCM.

“Đừng tìm cách ban hành những quyết sách này nọ, hãy để cho nó tự thân vận hành, mãi lực kinh tế của thành phố này sẽ luôn tăng trưởng và tăng một cách bền vững” – đó là điều tôi đã nghe từ phát biểu (không chính thức) của lãnh đạo thành phố trong nhiều nhiệm kỳ.

3. Giáo sư Trần Văn Thọ đã viết trong “Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch” rằng: “Trong thời đại mới, truyền thống này (tương thân tương trợ của cộng đồng) trở thành quan trọng trở lại” bên cạnh sự cứu trợ của nhà nước mà theo ông bị hạn chế, mất rất nhiều thì giờ…

Người dân thành phố rất “giàu có” ở khía cạnh này. Chính quyền thành phố cũng nỗ lực để cho bằng vai phải lứa với… dân. Tất nhiên, lắm khi “cách cho” của ông nhà nước cũng khiến “của cho” mất giá, như vụ khen thưởng nhân viên y tế tuyến đầu chẳng hạn. Nhưng, một suy nghĩ rất phải lẽ từ năm nay, thành phố sẽ mua lại hoa bị ế để trang trí đường hoa, trước mắt thí điểm ở Quận 8. Vấn đề nên được đặt ra là phía nhà vườn, lãnh đạo địa phương phải tính toán trước để không tái diễn cảnh đập chậu đạp hoa, nhưng cái cách xử lý tình huống ở thành phố – tiêu thụ như thế là một sự chia sẻ đáng quý.

Cũng giáo sư Thọ: “Để đánh giá một nước văn minh hay không, một trong những tiêu chí quan trọng để phán đoán sẽ là chính sách của chính phủ và thái độ của người dân đối với người yếu thế trong xã hội”.

Thành phố này đã nói và làm được một phần như thế!

L.H.A.M.

Nguồn: FB Lê Huyền Ái Mỹ

 

This entry was posted in Kinh tế xã hội, Sài Gòn. Bookmark the permalink.