Chuyên gia: Việt Nam đứng trước “cơ hội vàng” về chip và bán dẫn, nhưng phải biết thay đổi tư duy

VOA Tiếng Việt 

Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” trở thành một nước phát triển nhờ quan hệ hợp tác sâu rộng hơn với Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip và chất bán dẫn, một chuyên gia kinh tế phát triển nhận định với VOA, nhưng việc này chỉ có thể trở thành hiện thực khi Việt Nam đưa nền kinh tế của mình ra khỏi việc sử dụng lao động ở quy mô thấp như trong dây chuyền lắp ráp hoặc khai thác nguyên liệu thô.

Tư liệu: Chất bán dẫn gắn trên bảng mạch trong bức ảnh minh họa này được chụp vào ngày 17 tháng 2 năm 2023.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một đối tác đầy hứa hẹn có thể góp phần giúp Mỹ đa dạng chuỗi cung ứng của mình lâu nay vốn lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc, với công nghệ cao là lĩnh vực đối đầu chủ chốt của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Khi nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9, Washington và Hà Nội công nhận “tiềm năng hết sức to lớn” của Việt Nam như một nước đóng vai trò chủ yếu trong ngành chất bán dẫn và cam kết hợp tác để cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, với việc chính phủ Mỹ cấp 2 triệu đôla ngân quỹ khởi động những chương trình phát triển nhân lực trong lĩnh vực này ở Việt Nam.

Chuyến thăm của ông Biden đến Việt Nam cũng chứng kiến hàng loạt những thỏa thuận được ký kết giữa các công ty sản xuất chất bán dẫn của Mỹ với các đối tác ở Việt Nam, nơi mà tập đoàn Intel hiện đang vận hành nhà máy đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn lớn nhất thế giới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận định về sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực chip và chất bán dẫn, tiến sĩ Đinh Trường Hinh, một chuyên gia về kinh tế học phát triển từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới nói, Việt Nam có thể chuyển mình về kinh tế nếu tận dụng và phát huy được những lợi ích mà sự hợp tác này sẽ mang lại.

“Tôi cho rằng đây là cơ hội vàng để Việt Nam trở thành nước phát triển dựa trên lợi thế so sánh về nguồn nhân lực, tức là dựa vào ‘chất xám’ của người Việt Nam, vốn rất thông minh và cần cù”, ông nói. “Mỹ đã tạo ra một cơ hội và Việt Nam phải nắm bắt cơ hội này bằng sự quyết tâm, kiên nhẫn, cũng như phải cấp tốc chuẩn bị để đáp ứng những yêu cầu đổi mới. Cần phải có quyết tâm và kiên nhẫn vì phải chuẩn bị mất vài thập niên mới tới bến được”.

Ông nói một nhận thức quan trọng là mức lương lao động ở Việt Nam chỉ có thể tăng lên nếu năng suất tăng lên và như vậy thì các hoạt động kinh tế phải dời đến các ngành nghề có giá trị tăng trưởng cao, dùng nhiều chất xám hơn là lắp ráp như hiện nay.

Cơ chế thị trường tự một mình nó sẽ không giúp một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam vượt qua những trở ngại khó khăn gây nên do sự phân mảnh của hệ thống sản xuất và tiêu dùng qua chuỗi giá trị toàn cầu, ông lý giải. Do đó cần phải có một chương trình trung và dài hạn để tăng cường một cách quy mô giá trị gia tăng hầu có một nền kinh tế dựa trên sự canh tân sáng tạo thay vì dựa vào lao động ở quy mô thấp sử dụng trong dây chuyền lắp ráp, hoặc khai thác nguyên liệu thô, ông nói thêm.

Việt Nam, nước có trữ lượng đất hiếm cao thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc – theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, đang lên kế hoạch đấu giá khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất trong nước ở tỉnh Lai Châu nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng.

Đất hiếm là khoáng sản đặc biệt dành cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao, như các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, chất phát quang để chế tạo điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính, thiết bị cho xe điện…

Với kinh nghiệm hơn 35 năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới và nghiên cứu nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển, tiến sĩ Hinh giải thích rằng khi một quốc gia đã đi vào khai thác khoáng sản thì dễ lâm vào tình trạng ỷ lại vào nguồn thu nhập này và không còn muốn tiến xa hơn nữa trong việc sản xuất để tăng giá trị gia tăng.

“Các công ty đến làm chất bán dẫn là để kiếm lợi nhuận chứ không phải để giúp bất kỳ quốc gia hay người dân nào nâng cao quy mô giá trị gia tăng, bất kể họ yêu thích Việt Nam đến mức nào”, ông nói. “Thực ra, trên thực tế, họ có xu hướng thích Việt Nam tiếp tục cung cấp lao động giá rẻ hầu để họ có thể nhận được lợi nhuận ngày càng cao hơn”.

“Việt Nam không thể dựa vào ai cả mà phải dựa vào chính mình trong việc nâng cao quy mô giá trị gia tăng. Nếu không, Việt Nam sẽ luôn chỉ là nhà cung cấp lao động giá rẻ”, ông nhận định.

Đào tạo một nguồn nhân lực đủ trình độ để làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao cũng là một thách thức lớn mà Việt Nam đang đối mặt. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vào tháng 9 cho biết ngành công nghệ thông tin và công nghệ số trong nước cần 150.000 k sư nhưng số lượng hiện mới đáp ứng khoảng 60%. Riêng ngành chất bán dẫn cần 10.000 kỹ sư nhưng chỉ đáp ứng được dưới 20%.

Tham vọng về vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực chất bán dẫn có thể chỉ là “giấc mơ hão huyền” nếu tình trạng thiếu lao động có tay nghề không được giải quyết thỏa đáng, khiến Việt Nam bị lép vế trước các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Malaysia và Ấn Độ, hãng tin Reuters nhận định.

Tiến sĩ Hinh nói giải quyết vấn đề này cần một sự định hướng lại tư duy về đào tạo nhân lực.

“Mỗi giai đoạn phát triển công nghệ cần có các kỹ năng và khả năng khác nhau. Chẳng hạn ở giai đoạn bắt đầu, Việt Nam chỉ cần các kỹ thuật viên và kỹ sư lành nghề để thực hiện các đổi mới trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất sang năng lực công nghệ”, ông giải thích.

“Nhưng sau đó, chuyển sang phát triển nâng cao đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức kỹ thuật có được ở cấp độ cử nhân hoặc thạc sĩ. Cuối cùng, chuyển từ phát triển khám phá sang nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đòi hỏi nhiều tiến sĩ có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu và phát triển.

“Quan trọng nhất là cần đầu tư vào huấn luyện và giáo dục ngay tại nhà máy của các công ty xuất cảng. Đây là điều người Đài Loan đã làm và từng bước trở thành bậc thầy và độc quyền trong lĩnh vực bán dẫn”.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

This entry was posted in đất hiếm, kinh tế, Sản xuất chất bán dẫn. Bookmark the permalink.