GS. Đặng Hùng Võ: Nên đẩy mạnh thị trường carbon nội địa

Thượng Tùng thực hiện 

Thực tiễn cho thấy các tổ chức trong nước chưa đủ năng lực đánh giá trữ lượng và xác thực tín chỉ carbon trong khi chi phí thuê ngoài dịch vụ này từ những tổ chức quốc tế rất đắt đỏ.

GS. Đặng Hùng Võ – Chuyên gia quản lý tài nguyên, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: CTV

Trao đổi với phóng viên Người Đô Thị bên lề sự kiện ra mắt chương trình truyền hình “Hành trình Net Zero”, GS. Đặng Hùng Võ – Chuyên gia quản lý tài nguyên, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tập trung thảo luận tín chỉ carbon rừng. 

Ông nói:  Chúng ta phải có những nghiên cứu chi tiết cho biết loại cây gì, lớn đến mức độ nào thì có khả năng hấp thụ bao nhiêu carbon. Từ đấy có thể tính ra một cánh rừng tương ứng với bao nhiêu tín chỉ carbon, chủ rừng được hưởng lợi ích thế nào trong thị trường quyền carbon quốc tế vì rừng của ta được hòa chung vào tính toán trên phạm vi toàn cầu.

Rừng là bể chứa carbon hấp thụ được. Chúng ta còn thiếu năng lực kỹ thuật trong việc khảo sát từng kiểu rừng có khả năng hấp thụ carbon là bao nhiêu. Chúng ta cũng chưa đặt thành trọng tâm vào nghiên cứu nhằm xác định chính xác tín chỉ carbon rừng. Còn ở nước ngoài, chuyện này rất đơn giản, người ta đã có những phương tiện khảo sát rừng bằng ảnh vệ tinh, máy quét Lidar từ các thiết bị bay, từ mặt đất gắn với những nghiên cứu cơ bản về trạng thái quang hợp của từng loại cây rừng, rồi từ đó biết được rõ ràng một cánh rừng có chất lượng như thế nào, với các loại cây gì được quy đổi ra bao nhiêu tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu mà nhiều quốc gia trên thế giới đã vượt qua.

Cây tung được cộng đồng internet mệnh danh “thằn lằn sấm” tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Bình Đặng/cattiennationalpark.com.vn

Nhìn lại Việt Nam, cho đến nay Chính phủ mới chỉ cho thiết lập thị trường quyền carbon rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Định chế này bắt đầu chi trả cho các chủ rừng từ năm 2022, nhưng thị trường vẫn đang chỉ vận hành trong giai đoạn thí điểm, vẫn là những bước đi rất “rụt rè”, mặc dù cơ chế thị trường đã rõ, còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật.

Theo ông thì tại sao?

Tôi cũng không giải thích được tại sao những người có thẩm quyền ở Việt Nam lại rụt rè như thế. Chất lượng rừng của chúng ta không cao nhưng độ phủ khá lớn, có năng lực hấp thụ carbon, nhưng chúng ta còn thiếu các giải pháp kỹ thuật để đo lường độ hấp thụ carbon rừng và hiện trạng phát thải carbon trong các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong nước. Gắn mác thử nghiệm có nghĩa là còn nhiều chỉ số kỹ thuật chưa chắc chắn, vậy nên chưa dám mạnh dạn quả quyết.

Chúng ta lưu ý rằng thị trường quyền carbon cũng mới được đề xuất từ 12.12.2015 tại Hội nghị COP21 ở Paris, trong đó hàng hóa giao dịch trên thị trường là “quyền carbon”, tức là hàng hóa phi vật thể. Như vậy, thị trường này vừa mới, vừa đặc biệt, chưa xuất hiện trong bất cứ hiệp định thương mại quốc tế nào.

Hoàn cảnh thị trường như vậy gắn với tính chất giao dịch quyền carbon phải trên phạm vi toàn cầu mới có ý nghĩa. Trên thế giới, thị trường quyền carbon cũng mới chỉ đang vận hành ở một số mô hình thử nghiệm, chưa thể mang tính bắt buộc thông qua một hiệp định thương mại toàn cầu.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng hàng hóa trao đổi thông qua các tín chỉ carbon được xác định bằng quá trình đo đạc, khảo sát nên ngay bây giờ chúng ta có thể hình dung được khả năng xảy ra những rủi ro tham nhũng từ cách xác định các tín chỉ carbon. Nói như vậy để thấy việc vận hành thị trường quyền carbon trên phạm vi toàn cầu còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy mà các bước đi vẫn còn rất chậm chạp. 

Thiết nghĩ, thử nghiệm cũng quy định thời hạn? 

Theo tôi thời hạn thử nghiệm có thể một năm, hai năm… nhưng hết thời hạn thì cần tổng kết, rút kinh nghiệm, mạnh dạn phát triển, mở thị trường quyền carbon rừng trên cả nước. Tây Nguyên còn rừng, vùng núi phía Bắc còn rừng, nhưng chúng ta mới chỉ giới hạn ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế. Ngân hàng Thế giới chi trả cho các chủ rừng, đồng thời đàm phán giao dịch tín chỉ carbon với các trung tâm phát thải quốc tế. Định chế này có năng lực tài chính và vị thế thương lượng trên trường quốc tế. Đây cũng là hai yếu tố mà chúng ta đang thiếu.

Yếu tố tích cực mà thị trường này mang lại là các chủ rừng có thêm năng lực tài chính để tạo động lực cho bảo vệ và phát rừng tốt hơn. Mặt khác, các chính sách, pháp luật để giảm phát thải carbon trong phạm vi quốc gia cũng cần được coi là trọng tâm trong phát triển và thay đổi nề nếp sinh hoạt.

Từ góc độ doanh nghiệp, giảm phát thải ròng đòi hỏi đầu tư đổi mới công nghệ nhưng tài chính xem ra là thách thức lớn, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay. Theo ông, cơ chế khuyến khích nên như thế nào để thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn vào quá trình chuyển đổi xanh? 

Tôi muốn trả lời câu hỏi này dưới góc độ hiện nay thế giới đã bước được những bước tiếp theo của thương mại carbon rừng. Trước đây người ta quan tâm những nước phát thải carbon vào bể chứa khí quyển và những nơi có rừng tự nhiên, trồng rừng hấp thụ được carbon từ khí quyển vào bể chứa đất và nước. Nhiều nước đã tiến sang bước thứ hai là thị trường quyền carbon nội địa.

Thị trường carbon nội địa mang tính bắt buộc tham gia bằng các quy định pháp luật, giúp nhà nước có thể chủ động tính toán các bước đi thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, nếp sinh hoạt từ trạng thái có phát thải sang trạng thái không phát thải, từ “bẩn” sang “sạch”.

Lấy một ví dụ để hình dung về ngành sản xuất ôtô ở một số nước phát triển. Người ta tính rằng một chiếc ôtô sử dụng nhiên liệu hóa thạch bán vào thị trường thì trung bình mỗi năm phát thải bao nhiêu carbon, và một chiếc ôtô sử dụng điện thì không phát thải lượng carbon đó. Vì vậy, mỗi chiếc ôtô chạy nhiên liệu hóa thạch bán vào thị trường phải nộp thuế hoặc phí tương ứng với lượng tín chỉ carbon đã phát thải, và mỗi chiếc ôtô chạy điện được hưởng trợ cấp một số tiền tương ứng với lượng tín chỉ carbon không phát thải. Cách quy định này tạo nên động lực trợ giúp cho phát triển các loại ôtô điện thông qua việc tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Những cơ chế tương tự có thể áp dụng ở Việt Nam như xác định mức thuế hoặc phí đánh vào một viên gạch nung bán ra thị trường và mức trợ giúp tài chính cho một viên gạch không nung bán ra thị trường. Các loại hàng hóa khác cũng có thể áp dụng cơ chế tương tự, và đến một lúc nào đó có thể xác định thuế hoặc phí đánh vào một bát bún riêu nấu bằng than và trợ giúp tài chính cho bát bún riêu không đun bằng than, củi, rơm, rạ…

Thị trường carbon nội địa mang tính bắt buộc tham gia bằng các quy định pháp luật, giúp nhà nước có thể chủ động tính toán các bước đi thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, nếp sinh hoạt từ trạng thái có phát thải sang trạng thái không phát thải, từ “bẩn” sang “sạch”. Rõ ràng, thị trường quyền carbon nội địa dựa vào khung pháp luật là dễ vận hành hơn thị trường quyền carbon toàn cầu chỉ dựa vào sự tự nguyện tham gia các cam kết quốc tế.

Vấn đề cũng được đặt ra mà ai cũng biết rằng phát triển sạch phải được thực hiện để bảo vệ hành tinh trái đất và loài người. Nhưng để chuyển đổi sang “sạch”, kể cả một quy trình sản xuất, dịch vụ hay một nếp sinh hoạt, chúng ta cần khá nhiều tiền. Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp, nhiều quốc gia hô hào rất lớn nhưng hành động cụ thể lại rất chậm chạp.

Vậy câu hỏi được đặt ra là “lấy đâu tiền để chuyển đổi sang sạch?”. 

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần tới những giải pháp chuyển đổi mang tính khả thi thông qua từng bước đi cụ thể. Nhà nước có trách nhiệm đưa ra các chính sách tài chính thông minh nhằm tạo nguồn lực để chuyển đổi. Vận hành thị trường quyền carbon nội địa là một giải pháp khả thi nếu các bước đi là hợp lý. Các nước đang phát triển cũng có thể chờ đợi các khoản vay ưu đãi từ các tổ chức phát triển quốc tế, từ các quốc gia phát triển. Đây là một quá trình rất khó khăn vì thiếu năng lực tài chính. Chính vì vậy mà Ngân hàng Thế giới rất ca ngợi cam kết của Thủ tướng nước ta với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050, và họ coi đây là một lời hứa “đầy tham vọng”.   

Đẩy mạnh thị trường quyền carbon nội địa là một trong những yếu tố quan trọng để chuyển đổi sang “phát triển sạch”. Nhiều nước đã làm rất tốt chính sách này, đặc biệt là các nước G7. Ở Hoa Kỳ, người ta vẫn nói rằng nếu không có cơ chế vận hành thị trường quyền carbon nội địa thì ôtô điện Tesla cũng sẽ “gãy” vì không cạnh tranh giá được với xe chạy xăng.

Khả năng áp đặt chế tài trên thị trường quyền carbon quốc tế mà giáo sư vừa đề cập nhắc nhớ đến đạo luật CBAM mà Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ 1.10.2023 và chính thức áp thuế từ 1.1.2026 với 6 nhóm hàng nhập khẩu vào EU (gồm nhôm, thép, xi măng, phân bón, điện và hydro) từ những quốc gia chưa áp dụng định giá carbon hoặc cơ chế định giá carbon chưa tương đương với định mức, tiêu chuẩn của EU. Rõ ràng, muốn hay không muốn, những quốc gia muốn xuất khẩu vào EU buộc phải chấp nhận luật chơi mà EU áp đặt? 

Đúng vậy! EU luôn coi mình là một quốc gia để tạo năng lực tài chính ngang ngửa với các quốc gia lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc. Mặt khác, EU có một quan niệm khá tiến bộ là họ tạo ra các chính sách không vì quyền lợi của EU mà vì quyền lợi của toàn cầu. Vì vậy, đạo luật CBAM mới đưa ra chính sách áp thuế đối với 6 nhóm hàng chủ yếu có liên quan đến phát thải carbon nhập khẩu từ các quốc gia chưa áp dụng định giá quyền carbon hoặc có định giá nhưng không theo tiêu chuẩn của EU.

Sự thực, nếu không áp thêm thuế này thì giá 6 nhóm hàng này sẽ hạ hơn trên thị trường EU, tức là EU có lợi; nhưng EU vẫn quyết định áp thêm thuế bổ sung này vì lợi ích của phát triển sạch. Các doanh nghiệp của EU phải nhập khẩu từ các quốc gia có định giá quyền carbon theo tiêu chuẩn EU. Thị trường EU là một thị trường rất lớn, đạo luật CBAM có tác động rất tích cực lên khuyến khích phát triển sạch trên phạm vi toàn cầu.

Thảo luận như thế để biết cách hành xử của một vài chính sách có tác động tích cực lên chủ trương chung trên toàn cầu, Việt Nam là một thị trường chưa đủ lớn để có tác động tích cực lên thị trường toàn cầu, chúng ta cần nghĩ tới các giải pháp phù hợp hơn.

Trong bối cảnh bộn bề khó khăn, theo ông, những cơ quan có thẩm quyền nên hành động ưu tiên theo lộ trình như thế nào? 

Tôn trọng những phương thức, yêu cầu phát triển thị trường quyền carbon, phát triển xanh, phát triển sạch, giảm phát thải carbon gây biến đổi khí hậu…, tôi nghĩ việc cần làm đầu tiên là thay đổi tư duy về phát triển sản xuất, kinh doanh và về nếp sinh hoạt để chuyển dần sang các tiêu chí giảm phát thải carbon.

Muốn vậy, hãy đưa những yêu cầu này vào giáo dục từ bậc mầm non để hình thành một lớp người mới có ý thức phát triển sạch. Trong lớp người ấy sau này, sẽ có những cá nhân trở thành người lãnh đạo, có trách nhiệm hình thành các chính sách phù hợp. Khi ấy, ít nhất họ cũng đã có ý tưởng thấm nhuần từ thuở ấu thơ, từ suy nghĩ tới hành động của một người bình thường, và trách nhiệm quản lý đưa họ lên những vị trí phải có nhiều sáng tạo.

Còn đối với những người lớn hiện thời, có lẽ cũng cần quan tâm tới sự tác động của truyền thông làm thay đổi dần nếp suy nghĩ, nhưng cũng không kỳ vọng thay đổi nhiều. Một người mở hàng bún riêu, đun nước lèo bằng bếp than tổ ong, để giá tô bún của mình rẻ hơn cũng khó thay đổi nếp suy nghĩ khi họ tính ngay được lợi ích trong cạnh tranh giá tô bún. Kêu gọi suông người này chuyển sang đun bếp điện nghe chừng rất khó khăn. Vai trò của Chính phủ là ban hành cơ chế khuyến khích, trợ giá để tô bún riêu nấu bằng bếp điện bằng hoặc rẻ hơn tô bún riêu nấu từ bếp than tổ ong, còn tuyên truyền thì khó thay được vì lợi nhuận đếm được bằng tiền, vận động hoài cũng chỉ được dăm ba ngày rồi có khi đâu lại đóng đấy.

Tôi lấy ví dụ này để muốn nói rằng sau đổi mới giáo dục nhằm tạo thế hệ trẻ có tư duy mới và truyền thông bước vào quá trình vận động làm thay đổi tư duy của người lớn phải là các bước đi phù hợp để hình thành các chính sách tài chính dựa trên nguyên tắc vận hành thị trường quyền carbon nhằm động viên bên không gây phát thải và kìm hãm bên gây phát thải đối với cùng loại mặt hàng bán ra trên thị trường. Những chính sách tài chính như vậy có tác động rất lớn nếu chúng ta có giải pháp quản lý chặt quá trình đưa hàng hóa vào thị trường.

Về mặt giải pháp kỹ thuật, chúng ta cần động viên các nghiên cứu khoa học, công nghệ để có cách dễ dàng xác định giá trị quyền carbon đã phát thải, đã hấp thụ. Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật nhưng lại mang tính quyết định trong vận hành thị trường quyền carbon được chính xác.

Việc tiếp theo cần làm là tạo mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác để tạo dựng mặt trận toàn cầu bảo vệ trái đất của cả loài người. Trong quá trình hợp tác quốc tế như vậy, nước ta sẽ nhận được nhiều trợ giúp của các nước phát triển, đồng bộ hành động với toàn cầu và cũng nâng tầm Việt Nam lên vị trí xứng đáng trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Việc cuối cùng cần làm là phải xây dựng cho kỳ được, càng sớm càng tốt, một chương trình khả thi để “giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050″.       

Nguồn: Nguoidothi.net.vn

 

This entry was posted in Bảo vệ môi trường, Bảo vệ rừng, Chứng chỉ carbon. Bookmark the permalink.