Đô thị hóa tại chỗ: từ “làng thôn” đến “làng phố”

Trần Trung Chính 

Ngay sau thảm họa cháy chung cư mini ở phường Khương Đình (Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) nhiều ý kiến đề xuất “phải chăng chỉ cho xây 2-3 tầng”, hoặc buộc “dừng hoạt động các chung cư mini”, thậm chí “dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở”… Nhưng có lẽ các giải pháp đối với loại hình nhà ở đặc biệt này không chỉ nhắm vào mỗi “tội lỗi” của chúng mà nên tiếp cận rộng hơn từ quan điểm/chiến lược đô thị hóa của nước ta, trong đó “đô thị hóa tại chỗ”, dường như bị bỏ trống.

Khi gần một nửa dân số sống ở đô thị cùng rất nhiều cộng đồng, cá nhân tập trung tại đó với những may mắn hay rủi ro, cũng có nghĩa là vận mệnh của chúng ta đang đặt cược vào các cách phát triển đô thị. Vậy thì sự phát triển ấy nên là mối quan tâm của cả xã hội, mọi người cùng lo lắng cho chính mình, không nên chỉ là câu chuyện của giới hành nghề quy hoạch hay quản lý đô thị.

Cánh đồng lúa này đã được “chuyển đổi mục đích sử dụng” để phục vụ quá trình đô thị hóa. Ảnh tư liệu minh họa. Ảnh: Trung Dũng

Những người nghiệp dư tiên phong

Có nhiều cách hiểu về “đô thị hóa tại chỗ” (in situ urbanization) trong các trường hợp khác nhau ở các quốc gia, xin chọn lối hiểu đơn giản, phù hợp với số đông bạn đọc. Chúng ta đang quan sát tựu trung có hai kiểu “đô thị hóa truyền thống” cùng dựa vào kinh tế đất: 

1. Mở rộng lãnh thổ tại những thành phố đã có, bằng cách lấy thêm đất nông thôn, nông nghiệp cận kề.

2. Xây dựng các đô thị/khu đô thị mới trên “những cánh đồng xanh” cũng vốn thuộc đất của khu vực nông thôn vùng ven.

Cả hai cách phát triển đô thị/đô thị hóa đất đai đều dựa vào sự hậu thuẫn rất mạnh của chính quyền, và tất nhiên đều nhằm đáp ứng/thu hút luồng di dân từ nông thôn vào thành thị.

Còn loại thứ ba được gọi là “đô thị hóa tại chỗ” có vẻ ngược lại với hai lối đô thị hóa trên vì nó “là một hiện tượng trong đó các khu định cư nông thôn (làng xã) có thể tự chuyển đổi thành các khu định cư đô thị hoặc bán đô thị mà cư dân không phải di dời nhiều về địa lý”(1). Nghĩa là về cơ bản nó không nhất thiết phải lấy quá nhiều đất đai nông nghiệp mà được xây dựng, chỉnh trang tại chỗ.

Thuộc số những người đầu tiên khởi xướng tư tưởng đô thị hóa tại chỗ, Lewis Mumford (Mỹ, 1895-1990) hay Jane Jacobs (Canada, 1916-2006) đều là nhà văn, sử học, nhà báo, triết học xã hội… chứ họ không sẵn có chuyên môn về quy hoach đô thị. Trong tác phẩm đồ sộ, kinh điển của Mumford The City in history hay The Culture of cities… xuất bản khoảng giữa thế kỷ trước, đã chỉ trích gay gắt sự mở rộng các đô thị một cách thái quá và đề cao mối quan hệ hữu cơ giữa con người với không gian sống (thân thuộc/truyền thống cần gìn giữ cho họ).

Hoặc chuyên luận năm 1961 The death and life of great American cities nổi tiếng của Jane Jacobs, một trong những văn bản có ảnh hưởng nhất ở Mỹ về những thất bại của các thành phố, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà quy hoạch và hoạt động đô thị. Nữ nhà văn đi đầu trong cách tiếp cận quy hoạch đô thị dựa trên địa điểm, lấy cộng đồng làm trung tâm, ủng hộ các phương pháp lập kế hoạch/quy hoạch đô thị mới dựa vào/vì quyền lợi của cộng đồng tại chỗ (chứ không chỉ ý muốn nhà cầm quyền, giới chuyên môn, giới kinh doanh bất động sản).

Bà trình bày những đề xuất có tính bước ngoặt của riêng mình, thách thức ưu thế của cả hệ thống quy hoạch chuyên nghiệp theo chủ nghĩa hiện đại, khẳng định sự khôn ngoan của quan sát thực nghiệm và trực giác của cộng đồng. Đó cũng chính là bước đột phá quan trọng của đường lối/phương pháp “đô thị hóa tại chỗ”.

“Những đứa con” được chọn?

Xin không nói lý thuyết đô thị hóa mà nôm na, vắn tắt rằng việc này trước hết cần được nghiên cứu bài bản. Sở dĩ bắt đầu từ nghiên cứu vì phải tìm trong “biển nông thôn mênh mông” khu vực cụ thể nào có thể đầu tư để đô thị hóa trước. Tựa như nông hộ nghèo đông con không thể cùng lúc lo ăn học đầy đủ cho tất cả, buộc phải “ưu tiên” chọn đứa có tiềm năng nhất với hy vọng nó sẽ nhanh trưởng thành cùng bố mẹ giúp những đứa khác.

Đô thị hóa tại chỗ là thực hiện cách phát triển đô thị ngay tại các khu vực nông thôn (làng, cụm làng) còn gọi là “đô thị hóa từ dưới lên” với vai trò cộng đồng cư dân bản địa được đề cao, khác đô thị hóa từ trên xuống thường do chính quyền quyết định. Nói thế không có nghĩa phủ định quyền lực chính quyền, vì chỉ chính quyền mới có tiền, có quyền nghiên cứu để lập chính sách, làm kế hoạch/quy hoạch, đầu tư ngân sách thực hiện quy hoạch, kêu gọi và cam kết đảm bảo cho vốn xã hội đầu tư vào khu vực nông thôn nào được chọn đô thị hóa trước (miền núi, biên giới, hay hải đảo…, các khu vực an ninh quốc phòng không thuộc nội dung này), biến khu vực nông thôn thành đô thị.

Nhìn chung việc xác định các khu vực nông thôn có tiềm năng/chức năng đô thị thường căn cứ vào vị trí địa lý, địa điểm, như khu vực có khả năng bị/được đô thị hóa về dân số (tăng nhanh người nhập cư) do nằm sát kề thành phố lớn (vùng rìa), bên các khu công nghiệp đang và sẽ hình thành, gần các trục giao thông lớn mới mở… Sau nữa, các yếu tố thuộc về di sản định cư (sẵn có) như dân có nghề truyền thống phi nông nghiệp, mạng giao thông, không gian dịch vụ, không gian sản xuất, các thiết chế cổ truyền… là những nền tảng để có thể dễ thực hiện đô thị hóa thông qua việc phát hiện các đặc điểm của từng khu vực và xây dựng hệ thống đánh giá về sự phù hợp với đô thị hóa nông thôn.

Chúng tôi chưa tìm thấy “một hình ảnh mẫu” nào về đô thị hóa tại chỗ, vả chăng theo cách tiếp cận từ địa điểm của Jane Jacobs thì làm gì có hai địa điểm (quốc gia, địa phương…) hoàn toàn giống nhau mà có mẫu? Nên chỉ nêu những chiến lược, khuyến cáo, đề xuất, hay mô hình hóa… như các ví dụ sau đây giúp chúng ta hình dung về nó.

Một mô hình  làng đô thị tiêu chuẩn châu Âu – Mỹ. Nguồn: planetizen.com

Phương Tây: Việc làm, dân số và không gian. Theo một tài liệu Anh/Mỹ (2) một “làng đô thị hóa” thành công cần thu hút được từ 5.000 đến 10.000 dân và phải tạo ra được 5.000 việc làm (bán và toàn thời gian). Có từ 2.000 đến 4.000 ngôi nhà, mật độ trung bình từ 15 đến 40 cư dân ở trên một mẫu Anh (khoảng hơn 0,4 ha) mức mật độ không yêu cầu xây nhà cao tầng; với 1/3 đất dành cho nhà ở một gia đình lô nhỏ, 1/3 cho loại 2-3 tầng và 1/3 từ 3-6 tầng ghép hộ, và cả làng cùng sử dụng không gian đi bộ rộng 250 đến 350 mẫu Anh; tiêu chuẩn giao thông ưu tiên là đi bộ và xe đạp. 

Tất nhiên  theo quy mô này (diện tích, dân số, việc làm, nhà ở và dịch vụ) thì việc đầu tư các loại hạ tầng mới là bắt buộc và có hiệu quả (điện, nước, thoát thải, cơ sở giáo dục, y tế, thương mại, văn hóa, bãi đỗ xe, công viên…). Tóm lại nó đã gợi ý cho bài toán kinh tế với các doanh nghiệp muốn đầu tư nâng cấp “làng nông thôn thành làng đô thị” trong kinh doanh bất động sản và hạ tầng đô thị.

Trung Quốc: “Doanh nghiệp thị trấn và làng xã” (3). Đô thị hóa tại chỗ ở Trung Quốc do chính phủ lãnh đạo được tổng kết có 3 yếu tố góp phần thành công, gồm:

1. Mật độ dân số và cơ sở hạ tầng: đạt 400 người/km2, tiêu chí chung để xác định lãnh thổ đô thị; giá các phương tiện giao thông tương đối rẻ, mạng lưới đường bộ cải thiện và mở rộng; phát triển hệ thống liên lạc không dây. Các tiện ích này đã làm giảm nhu cầu sống gần thành phố của người dân nông thôn.

2. Điều kiện kinh tế xã hội bên trong và bên ngoài:  Từ tháng 10/1986, chính phủ ban hành chính sách mới hoan nghênh đầu tư nước ngoài, khai thông dòng vốn từ Hoa kiều vào các khu vực nông thôn. Lưu ý: trước cải cách (1970) dân vùng ven biển đã đầu tư vào nhà ở và các nhà xưởng sản xuất của gia đình và dòng họ bằng nguồn tài trợ kiều hối, là tác nhân phát triển kinh tế địa phương và đô thị hóa tại chỗ (một đặc điểm liên kết theo huyết thống và bang hội rất mạnh của người Hoa – NV).

3. Chính sách và thể chế: Hệ thống đăng ký hộ khẩu (đến 1990 mới bãi bỏ), quyền sử dụng đất, hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc cản trở di cư nông thôn – thành thị. Chiến lược quốc gia hạn chế sự phát triển của các thành phố lớn và vừa, gián tiếp thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại chỗ ở khu vực nông thôn.

Từ 1980 chính phủ quyết định phi tập trung trong phát triển kinh tế, trao nhiều quyền hơn cho chính quyền địa phương lập loại hình “doanh nghiệp thị trấn và làng xã”. Quá trình chuyển đổi nông thôn – thành thị tại chỗ đang diễn ra còn chịu tác động của mô hình không gian tương đối phân tán vị trí giữa các thành phố.  

Một làng đô thị ở Trung Quốc. Ảnh: alk3r.wordpress

Kết quả tính từ 1970 nước này đã hình thành khoảng 20.000 đô thị nhỏ (thị trấn) và cung cấp việc làm cho hơn 100 triệu người trong các lĩnh vực phi nông nghiệp, làm giảm đáng kể tình trạng nghèo đói và di cư từ nông thôn ra thành thị, đặc biệt thành công ở khu vực ven biển phía đông nam Trung Quốc thông qua việc phát triển các “doanh nghiệp thị trấn và làng xã”. Tính đến đầu năm 2000 tổng giá trị sản lượng của loại “doanh nghiệp thị trấn và làng” chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc, đóng góp 1/3 tỷ trọng hàng xuất khẩu.

Chính loại “doanh nghiệp thị trấn và làng” đã góp phần tạo ra các khu công nghiệp và khu định cư, làm tăng mật độ dân số do cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng tốt hơn. Nó là động lực của đô thị hóa tại chỗ, mang lại những thay đổi về cơ cấu nhân khẩu, kinh tế và cơ sở hạ tầng cho các khu vực nông thôn.

Sri Lanka: Từ Phật giáo đến “Nguyên tắc nông thôn đầu tiên” (4). Mặc dù các đảng chính trị khác nhau đã cai trị đất nước kể từ thời kỳ hậu thuộc địa, nhưng vẫn nhất quán nhấn mạnh sự phát triển của xã hội nông thôn theo “Nguyên tắc nông thôn đầu tiên”. Nguyên tắc này bắt nguồn từ sự thịnh vượng của đất nước trong thời kỳ tiền thuộc địa, khi lúa gạo là hoạt động kinh tế chính và văn hóa Phật giáo nhấn mạnh mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên, cũng như giữa sản xuất và tiêu dùng.

Những ngôi nhà dành cho cộng đồng công nhân đồn điền thuộc dự án xây dựng hơn 1.600 ngôi nhà tại 5 huyện ở Uva và các tỉnh miền Trung Sri Lanka. Ảnh: redcross.lk

Sự khác biệt giữa các khu vực ở Sri Lanka là rất nhỏ ngoại trừ vị thế của thủ đô. Các khu vực nông thôn ở Sri Lanka được hưởng nhiều lợi ích xã hội và chất lượng cuộc sống tương đối cao, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. “Nguyên tắc nông thôn đầu tiên” với mạng lưới giao thông công cộng được trợ giá, giáo dục và chăm sóc sức khỏe phổ cập, miễn phí, giúp đạt được sự công bằng về không gian giữa nông thôn và thành thị trong cung cấp các dịch vụ công cơ bản và mức sống ( theo Ngân hàng Thế giới, 2015). Tỷ lệ dân số thành thị ở Sri Lanka tăng từ 15,3% năm 1950 lên 18,7% vào năm 2020, trong khi ở Nam Á nói chung, tỷ lệ này từ 16% lên 37% (UN DESA).

Nguyên tắc nông thôn trên hết không có nghĩa nông nghiệp là trên hết. Nguyên tắc này vẫn được duy trì với tỷ trọng sản lượng phi nông nghiệp cao hơn. Sri Lanka gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2019 mà không trải qua tình trạng di cư nông thôn – thành thị đáng kể. Sri Lanka hiện có mức độ y tế và trình độ học vấn cao nhất, tỷ lệ nghèo đói thấp nhất trong số các quốc gia Nam Á. Duy trì các chương trình phúc lợi phổ cập là chìa khóa để đạt được sự phát triển cân bằng giữa nông thôn và đô thị là nguyên tắc nền tảng trong kinh nghiệm phát triển đô thị tại chỗ của Sri Lanka.

*  *  *

Qua ba ví dụ trên, có thể thấy chiến lược đô thị hóa tại chỗ ở mỗi quốc gia đều xuất phát từ những triết lý/quan điểm rõ ràng, họ không coi đô thị hóa tại chỗ chỉ đơn giản là “một cuộc đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào nông thôn” mà đứng trên các trụ cột từ kinh tế việc làm, truyền thống lịch sử, văn hóa xã hội… của mỗi nước, mỗi khu vực.

Còn tiếp…

T.T.C.

Nguồn: Nguoidothi.net.vn

This entry was posted in Phát triển nông thôn, Quy hoạch đô thị. Bookmark the permalink.