Hôm nay, 28 tháng 01 năm 2010, giáo sư Nguyễn Huệ Chi của chúng ta sẽ “làm việc” nốt một buổi cuối cùng, dứt khoát là cuối cùng đấy nhé, vì chiều hôm qua “các anh ấy” đã hẹn rồi, hẹn hò thân tình, lại còn pha trò cho thân tình thêm, để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ cuối cùng sẽ phải thân tình hơn nữa. Một đồng chí dặn dò Huệ Chi trong nụ cười: “Thôi bác về, chiều mai một giờ ta gặp nhau, sáng mai bác vui vẻ đi, nhưng vui vẻ ở chỗ nào đó không có bác gái ấy nha … ”
Các đồng chí A B C bây giờ cũng vui tính thật đấy! Mà tôi đoán định cũng chẳng mấy sai. Cách nay chừng mươi hôm, tôi có bảo Huệ Chi rằng, “trong cái cơ quan to nhất cả nước này, thì bộ phận ấy có học hơn cả, và chắc chắn là nó trong sạch hơn nhiều bộ phận khác”. Huệ Chi liền gân cổ cãi, rất chi là cụ đồ Nho, “thì tôi bao giờ chẳng lịch sự hòa nhã với họ?” Thì vưỡn! Nào tôi có nói gì trách cứ ông!
Chỉ thấy tội nghiệp các đồng chí ấy, cứ phải hoạt động trong cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nhân có câu chuyện thời sự, kể lại một cảnh tiến thoái lưỡng nan mới xảy ra với các đồng chí khác sáng hôm qua 27 tháng 01 năm 2010 đã, thì sẽ hiểu các đồng chí này.
Sáng hôm qua, 9 giờ, mấy “đồng chí khác” hùng hùng hổ hổ kéo tới phá tường rào nhà tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Chủ tịch Phường dám gọi bà Dương Hà, vợ luật gia Hà Vũ là “mày”, “Mày có mở cửa không? Mày có còn muốn làm luật nữa không hả?” Đó là hồi 9 giờ sáng. Liền đó là đập là phá là bầy bẩn tanh bành vào ngôi nhà vốn là của hai nhà thơ cách nay gần thế kỷ vẫn tự ví tình bạn của họ như “con tầu say” của Verlaine và Rimbaud, và làm bẩn có bài bản theo đúng tinh thần một quan lệnh gọi tên là “cưỡng chế”.
Ấy thế rồi, đến tối thì tình hình khác hẳn. Cứ như có phép lạ từ trên trời rơi xuống. Chỉ vì hồi chiều, lại đã có một đoàn công nhân tới “cưỡng chế” ngược: họ khênh đến một cái hàng rào đã hàn sẵn và sơn sẵn để lắp vào chỗ hồi 9 giờ sáng họ mới phá cái tường ngăn. Sau đó họ rút đi, và theo lời kể của Cù Huy Hà Vũ qua điện thoại, “bây giờ sạch sẽ quá đi, chúng nó dọn từng mẩu rác, nhà em có lẽ còn lâu mới phải quét sân quét vườn!”
Những cảnh ngộ dở khóc dở cười như vậy trong một xã hội đều được gọi là hiện tượng tiến thoái lưỡng nan. Có điều là nguyên nhân của hiện tượng đó không dễ gì tìm ra. Nó đem lại vênh vang cho những người thừa hành tầm cỡ củ chuối như ông chủ tịch phường loại Một của thủ đô bằng cái lệnh ban ra trước 9 giờ sáng ngỡ đâu có thể ăn sống nuốt tươi con người cương trực có tên Cù Huy Hà Vũ; và nó đem lại cảnh dở khóc dở cười cũng cho ông chủ tịch phường đó khi lệnh ban ra sau 9 giờ lại biến sân vườn nhà Hà Vũ thành … cái vườn hoa bé bé xinh xinh theo hình ảnh cái vườn hoa to to nào đó (mặc cho nó có thể vắng vẻ … như nhà thờ bà Đanh!).
Chuyện với giáo sư Huệ Chi cũng thế thôi. Cũng một phạm trù, may mà được thực thi bằng những con người kiểu khác. Thế thôi. Công việc ở cái bộ phận những con người “có học hơn cả” của tổng thể ấy, vì nó phải đương đầu với những bộ óc chứ không với những hành vi trong cơn say, mà cái bộ phận đó “chắc chắn là trong sạch hơn cả” cũng trong cái tổng thể ấy, vì nó không phải làm công việc bắn tốc độ hoặc khám những bàn tay bẩn của bọn móc túi ở bến xe. Và để mỗi lần có nổi một ý kiến “tham mưu” với những ai ra lệnh cho họ, thì đó là một lần họ phải vật vã vì những cái lập trường khác nhau như trước và sau thời khắc 9 giờ sáng (giờ Cù Huy Hà Vũ ngày 27 tháng 01 năm 2010).
Nhưng xin bạn đọc đừng vội lạc quan: một giờ chiều nay, chưa chắc đã xong xuôi mọi việc với Nguyễn Huệ Chi đâu đấy! Vì cái gốc của vấn đề đã xong đâu? Huệ Chi đại diện cho những người có học và yêu nước muốn đem lại hạnh phúc, phồn vinh và ổn định thực sự cho đất nước. Bát họ ngừng thở sao được? Mà cũng không tìm đâu ra chứng cứ cho thấy thở là tội phạm. Một phía bên kia, tội nghiệp những con người thông thái và trong sạch, họ phải chịu áp lực của những mệnh lệnh trái chiều, trước và sau 9 giờ đã có thể khác nhau. Huệ Chi có thể thông cảm, nhưng chắc là không thỏa hiệp. Muốn xong xuôi hoàn toàn mọi sự, chỉ có một và một giải pháp, đó là hành xử theo quy chế và đạo đức của xã hội dân sự, đó là hành xử theo những quy định của một quốc gia pháp quyền.
Hãy nhìn quanh mà coi: còn ở nơi đâu như Hoa Kỳ trong cơn lúng túng tưởng chừng như sắp chết trong tiến thoái lưỡng nan như hồi một ông Tổng thống đẹp trai và đầy tài năng bị đem ra luận tội? Ấy thế nhưng, vì người ta có pháp chế đàng hoàng và thành nền nếp, nên việc nào đi việc nấy, Công an thì chỉ có việc tìm chứng cứ tội phạm mà kết tội, Tòa án thì cứ y theo chứng cứ mà xử, và bộ phận thứ Ba còn lại cứ mọi việc hàng ngày mà điều hành.
Sự ổn định của một đất nước không nhờ “bàn tay sắt” mà nhờ sự hoạt động nhịp nhàng của nền dân chủ. Không nơi nào chính phủ bị lật đổ nhiều như ở nước Italia, nước Nhật Bản, nhưng thử xem nhân dân các nước đó có phải ngửa tay hành khất mẩu viện trợ không hoàn lại nào không? Và thử coi một vài quốc gia “ổn định” đến mọc rêu đâu đây, thử coi họ đã khiến cho dân nước họ xứng đáng là cái thân phận gì trong thế giới hiện đại này?
Một xã hội dân sự, một quốc gia pháp quyền sẽ giúp cho con người tránh được cảnh tiến thoái lưỡng nan khi trước 9 giờ sáng và sau 9 giờ sáng là hai chiến lược, là hai đường lối, là hai ý thích … và chẳng có một kẻ nào chịu trách nhiệm hết!
Bài đã dài, tôi phải chấm hết thôi, để còn ra nghe diễn văn đầu năm của ông Obama đây. Và sẽ ngồi nghe thêm cả cái phần ông tổng thống Obama buộc các ông Đảng Cộng Hòa phải trả lời, rõ hay! (Lưu ý, đảng Cộng Hòa Mỹ có biệt danh rất hoành tráng nhé: Đảng GOP, tức Great Old Party, dịch nịnh là Đảng Tuổi tác cao Công tích lớn). Để xem chàng trai Obama vần con voi Cộng Hòa ra sao…