Huy Đức
(Nhân ngày “Truyền thống luật sư 10-10-1945” và “Giải phóng Thủ đô 10-10-1954″, mời đọc lại. Bài dài nhưng có nhiều tư liệu cần được biết)
Cụ Vũ Đình Hòe năm 2011
Trong quá trình hình thành Hiến pháp 1946, trong nội bộ Ban Dự thảo và trên báo chí đã từng có nhiều cuộc tranh luận. Theo Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, Hồ Chí Minh không đánh giá cao mô hình nhà nước theo kiểu tam quyền phân lập. Ông muốn dùng kinh nghiệm xây dựng chính quyền nhân dân trong các căn cứ địa, muốn tập trung cả ba quyền cho cơ quan đại diện của toàn dân. Hồ Chí Minh cho rằng các nhánh quyền không cần giám sát lẫn nhau vì Mặt trận vừa là một cơ quan giám sát vừa là chỗ dựa cho nhà nước [388].
Tòa án bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam với tư cách là một nhánh quyền lực độc lập kể từ khi người Pháp thiết lập quyền cai trị trên các vùng nhượng địa: Nam kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng. Việc xử án, thoạt đầu hoàn toàn do các nhà hành chính người Pháp đảm trách. Kể từ năm 1921, ở Nam kỳ, nhiều vị thẩm phán người Việt đã được bổ nhiệm để xét xử các vụ hình sự đối với các nguyên và bị cáo nói tiếng Việt. Ở các xứ ngoài Nam kỳ, bên cạnh các “tòa Nam án” do các quan tỉnh điều khiển theo tổ chức tư pháp của Triều Nguyễn, có những tòa án Pháp đặt dưới sự điều khiển của các viên công sứ [389].
Trong thời kỳ tiền Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 13, ngày 24-1-1946, quy định: “Tòa án sẽ độc lập với các cơ quan hành chính. Các vị thẩm phán sẽ chỉ xử trong vòng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”. Tư pháp theo thiết kế của Hiến pháp 1946 cũng “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”. Tuy “các viên thẩm phán đều do chính phủ bổ nhiệm” [390] cơ quan tư pháp không thiết lập theo các cấp hành chính như về sau mà thiết lập theo cấp xét xử: toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Tiến trình xét xử phải theo nguyên tắc: “các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp” [391].
Nhưng, chỉ mấy năm sau đó, chính Hồ Chí Minh sẽ từ bỏ dần những nguyên tắc này.
Tại “An toàn khu”, theo Bộ trưởng Lê Văn Hiến: “Vấn đề tư pháp – hành chính lâu nay cứ lủng củng mãi, mỗi bên đều có sự than phiền. Tư pháp trách hành chính lạm quyền và lộng quyền, bất chấp luật lệ, nhân tình thế chiến tranh mà thi hành nhiều thủ đoạn tổn thương đến quyền tự do cá nhân. Hành chính tố cáo tư pháp lợi dụng nguyên tắc độc lập mà đi dần đến chỗ độc lập với chính quyền, có khi lấy luật pháp để bảo vệ những hành vi phản động” [392].
Tháng Giêng 1948, trong một cuộc họp mở rộng, Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã yêu cầu các ngành: “Ra sức trừ bỏ những tệ như: Việt Minh lấn quyền hành chính… Mặt trận và bộ đội xung đột và tị nạnh nhau… Kháng chiến kiêm hành chính và chuyên môn (nhất là tư pháp) xung đột nhau”. Nhưng, khi xung đột tư pháp – hành chính không dừng lại ở cấp huyện, tỉnh thì chính Hồ Chí Minh cũng phản ứng [394].
Ngoài xung đột giữa giới tư pháp với giới hành chính, theo ông Vũ Đình Hòe, khía cạnh sâu sắc hơn còn là xung đột giữa Đảng và các trí thức, giữa Đảng Cộng sản và những người thuộc hai đảng Xã hội và Dân chủ. Từ năm 1950, tuy đảng viên Đảng Dân chủ Vũ Đình Hòe vẫn còn là Bộ trưởng Tư pháp, nhưng quyền lực trên thực tế nằm trong tay Thứ trưởng Trần Công Tường, một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản. Không cần trao đổi với bộ trưởng, ông Tường đã “cùng với chi bộ” của ông chuẩn bị ba dự án sắc lệnh đề cập đến ba vấn đề thay đổi căn bản nền tư pháp.
Hơn một tháng sau khi “cướp chính quyền”, ngày 10-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 90, tạm thời áp dụng các nguyên tắc dân sự ghi trong Dân pháp điển Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Pháp quy giảm yếu 1883 thi hành ở Nam Kỳ. Theo ông Vũ Đình Hòe, trong quá trình soạn thảo Hiến pháp 1946, Hồ Chí Minh cũng đã ra lệnh giữ lại các luật lệ của chế độ cũ không trái với chế độ mới. Nhưng, đến năm 1950, Hồ Chí Minh đã trực tiếp nghe và đồng ý với đề xuất của ông Trần Công Tường, thiết lập ba nguyên tắc cơ bản của dân luật dựa trên ba nguyên tắc tương ứng của bộ Dân luật Nga Xô năm 1922, được soạn thảo dưới sự chủ trì của Le Nin.
Thay vì tuân thủ nguyên tắc “quyền tư hữu được nhà nước bảo hộ” theo Hiến pháp 1946, Sắc lệnh 97 của Hồ Chí Minh quy định rằng: “Các quyền dân sự của công dân chỉ được thực hiện và bảo vệ khi công dân sử dụng các quyền ấy của mình một cách phù hợp với quyền lợi của nhân dân… Công dân chỉ hành xử quyền tư hữu trong phạm vi phù hợp… Tòa án nhân dân có thể hủy bỏ bất kỳ hợp đồng nào ký kết giữa hai công dân, nếu sự chênh lệch quá đáng về tài sản giữa họ đối với nhau” [395].
Ông Trần Công Tường còn đề nghị xóa bỏ chế độ luật sư của Pháp để lại, thay bằng chế độ bào chữa viên nhân dân, để cải tiến triệt để việc xử án. Trong cuộc họp Chính phủ để trình ba dự án sắc lệnh này, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã “bật lên phản đối”, nhưng theo ông Hòe, “sự dàn hòa, điều giải của Hồ Chủ tịch thật tài tình”. Hồ Chí Minh vẫn ký Sắc lệnh 85-SL ngày 22-5-1950, quy định “Chế độ hội thẩm nhân dân” do Thứ trưởng Tư pháp Trần Công Tường đệ trình nhưng vẫn “tán thành ý kiến bổ sung của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe”, không đụng đến Đoàn Luật sư [396].
Trong thời kỳ tiền Hiến pháp 1959, Quốc hội đã ra nghị quyết ngày 29-4-1958, tách hệ thống công tố ra khỏi tòa án để trở thành bốn cơ quan ngang bộ trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Trong giai đoạn 1945 – 1958, cơ quan công tố chưa được tổ chức thành một hệ thống riêng mà hợp cùng với cơ quan xét xử thành tòa án các cấp. Nhiệm vụ của Viện Công tố là điều tra, truy tố những vụ phạm pháp về hình sự, giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra của cơ quan điều tra, trong việc xét xử của tòa án, trong việc tạm giữ và cải tạo ở các trại giam.
Sau Hiến pháp 1959, hệ thống tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân ra đời, thay vì nằm trong hội đồng chính phủ, trở thành những cơ quan trực thuộc Quốc hội, ở cấp tỉnh, thành thì trực thuộc hội đồng nhân dân cùng cấp. Sau Hiến pháp 1959, Bộ Tư pháp bị giải thể. Theo ông Nguyễn Đình Lộc, ngoài lý do sao chép từ mô hình nhà nước liên bang của Liên Xô, sự sửa đổi này còn mục tiêu nhắm tới ông Bộ trưởng Vũ Đình Hòe [397].
Đặc biệt, ngày 17/11/1950, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 158-SL, quyết định việc bổ sung cán bộ công nông vào ngạch thẩm phán và thăng bổ các thẩm phán tòa án nhân dân huyện lên tòa án nhân dân tỉnh. Từ đây,Trường Luật Tam Đảo lập ra theo chủ trương của ông Vũ Đình Hòe nhằm đào tạo các thẩm phán đệ nhị cấp đã bị đóng cửa, vì theo ông Hòe: “Chủ trương đào tạo thẩm phán chuyên môn đương nhiên là bị Đảng đoàn Tư pháp gạt bỏ vì người cộng sản coi chính trị là thống soái, nên chỉ cần đề bạt cán bộ công nông là đủ giải quyết vấn đề cán bộ tư pháp”.
Cũng từ đây, theo ông Vũ Đình Hòe: “các thẩm phán huyện, đa số là đảng viên cộng sản, chỉ qua lớp chính trị và nghiệp vụ”. Quan điểm lựa chọn thẩm phán chủ yếu ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam. Trong giai đoạn 1960 – 1970, khi vai trò của Nhà nước bị lu mờ trước vai trò của Đảng, sự sa sút về chất lượng của đội ngũ thẩm phán và tính thiếu độc lập của tòa án ít được chú ý. Nhưng, từ cuối thập niên 1980s, điều này bắt đầu trở thành một vấn đề lớn.
Theo một báo cáo của Bộ Tư pháp tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa IX: Năm 1981, chỉ có 3% cán bộ tòa án cấp tỉnh, huyện có trình độ đại học. Năm 1991 số thẩm phán có trình độ đại học được nâng lên ở mức 50% nhưng thẩm phán cấp quận huyện cũng chỉ 41% có trình độ đại học, trong đó nhiều người tốt nghiệp hệ tại chức. Cũng trong kỳ họp đó, Đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Nhất, Giám đốc Công an Thanh Hóa, nêu tình trạng thẩm phán, người nhân danh Nhà nước, nhân danh pháp luật, lại không có hiểu biết về luật bằng người bảo vệ các bị cáo: luật sư. Ông Nhất nói: “Có phiên tòa, bị cáo còn thuộc luật hơn cả thẩm phán”. Trình độ thẩm phán càng thấp tòa án càng lệ thuộc lớn vào cấp ủy. Chính báo Nhân Dân cũng phải thừa nhận ở tòa, các thẩm phán thường chỉ đưa ra các bản án đã được cấp ủy xử trước; những người muốn độc lập với cấp ủy thường phải gánh chịu hậu quả, có khi là mất việc [399].
Đầu thập niên 1990, Đảng bắt đầu chấn chỉnh tình trạng cấp ủy can thiệp thô bạo vào các bản án. Nhưng, đối với những bản án có ảnh hưởng lớn, Đảng vẫn cho rằng, “cấp ủy cần tham gia ý kiến về quan điểm xét xử làm cơ sở cho việc quyết định của cơ quan kiểm sát và tòa án” [400] . Chất lượng tòa án cho đến lúc bấy giờ vẫn lệ thuộc vào “tính chất công nông” nằm ở trong số đông của đội ngũ. Ngày 5-12-1997, Đại biểu Hoàng Ngọc Thành, Lào Cai, nói trước Quốc hội: “Tỉnh tôi có bảy thẩm phán thì năm thẩm phán có trình độ từ lớp 2-3”. Đại biểu Đặng Thanh Hương cho biết thêm: “Có chánh án chỉ tốt nghiệp cấp I”.
Chất lượng xét xử, buộc tội thấp đến nỗi, thời gian ấy, tòa án tỉnh phải hủy khoảng 10% án do tòa huyện xử; Tòa tối cao hủy 6,9% án của tòa tỉnh. Cũng trong phiên họp ngày 5-12-1997, ông Vũ Đức Khiển, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho Quốc hội biết: Chỉ có 1/3 tổng số người bị bắt trong mười tháng đầu năm 1997 là bắt theo lệnh có phê chuẩn của Viện Kiểm sát, số còn lại chủ yếu bắt khẩn cấp, bắt quả tang; có tới 18.197 người bị bắt nhưng rồi phải xử lý hành chính, chiếm 30,26%. Tình trạng này vẫn chưa được cải thiện nhiều trong thập niên kế tiếp.
Trích trong Bên Thắng Cuộc, Chương 17, Tam Quyền Không Phân Lập [từ trang 244-250].
—
Các chú thích:
[388] Hồ Chí Minh khi đó đã từng phát biểu: “Cách mạng Pháp đã tạo kiểu tam quyền phân lập nhưng qua hàng trăm năm thực hiện thấy cũng không hay lắm. Cơ quan đại diện cho toàn dân ở ta sẽ nắm toàn quyền, cả ba quyền trong tay. Ta không cóp của ai cả mà chỉ xuất phát từ yêu cầu tự nhiên về dân quyền của toàn dân ta, vả lại ta đã bắt đầu có chút kinh nghiệm của Ta trong việc xây dựng chính quyền nhân dân ở các căn cứ địa giải phóng. Cũng không cần chế độ hai Viện nói là để hai Viện kiềm chế lẫn nhau, ta sẽ có cách kiềm chế sự lộng quyền hoặc kém sáng suốt của cơ quan đại diện bằng sự giám sát của cử tri, dựa trên quyền bãi miễn và quyền phủ quyết. Đặc biệt là ta có kinh nghiệm độc đáo mà chế độ Nhà nước tập quyền Xô Viết không có, không thể có, đó là Mặt trận dân tộc thống nhất, chỗ dựa của Nhà nước đồng thời là cơ quan giám sát thường trực đối với Nhà nước, một cơ quan giám sát có tổ chức cực kỳ rộng rãi của cử tri” (Hồi ký Vũ Đình Hòe, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2004, trang 998).
[389] Các tòa thượng thẩm là những tòa án Pháp: Thượng thẩm viện Hà Nội, với quyền quản hạt bao gồm Ai-lao, Bắc kỳ và miền bắc Trung kỳ cho đến đèo Hải Vân; Thượng thẩm viện Sài Gòn với quyền quản hạt bao gồm miền nam Trung kỳ, Nam kỳ và Cao-miên. Một kháng tố viện cho tất cả xứ Đông Dương đặt tại Sài Gòn. Ngoài ra còn có những “hành chánh pháp viện” để xử các vụ hành chánh. Tham chính viện của Pháp (conseil d’ Etat) là nơi có thẩm quyền tối cao để xét về các vi phạm hành chánh gây ra bởi chính phủ thuộc địa, Đại thẩm viện ở Paris (Cour de Cassation) giữ quyền tài phán tối cao. “Trong thực tế, người Pháp kiểm tra tổ chức tư pháp và sự tham gia của người Việt trong lãnh vực tư pháp là rất ít ỏi”.
[394] Giữa năm 1948, Đặc ủy đoàn Chính phủ, do ông Bộ trưởng Hoàng Minh Giám và cụ Linh mục Phạm Bá Trực dẫn đầu đi thanh tra khu III. Tới tỉnh Thái Bình thì được Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh này đề nghị ân xá cho 19 phạm nhân. Đặc ủy đoàn đồng ý và ký quyết định ân xá. Giám đốc Tư pháp Khu III phản đối vì không được hỏi ý kiến như luật lệ đã quy định và vì có những người trong số được tha là “những tên đảng viên cường hào đã ức hiếp nhân dân nên bị tòa kết án tội, nay thả ra, chúng sẽ báo thù những người đã tố cáo chúng, còn dân thì có thể thắc mắc”. Giám đốc Tư pháp báo cáo lên Bộ và được Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đồng tình. Ủy ban Kháng chiến cũng báo cáo lên Văn phòng Chủ tịch phủ, phê phán sự phản đối của Giám đốc Tư pháp. Hồ Chí Minh, tuy cũng cho rằng, Đặc khu ủy nên thu hồi lệnh ấy, nhưng trong thư gửi “Chú Hòe”, Hồ Chí Minh đã chủ yếu phê phán và yêu cầu Bộ “sửa đổi cách làm việc” của Giám đốc Tư pháp: “Về vấn đề tha cho 19 phạm nhân, thái độ của Giám đốc Tư pháp Khu III có chỗ không đúng: vì sao Giám đốc không trình bày ý kiến với Đặc ủy đoàn? Trong tờ trình lên Bộ, Giám đốc lại dùng những lời quá đáng… Bộ nên ra chỉ thị cho Giám đốc Tư pháp Khu III sửa đổi cách làm việc. Chào thân ái và quyết thắng/ 10-1948 – Hồ Chí Minh” (Sđd, trang 843). Bộ Tư pháp đã “khiển trách nghiêm khắc” Giám đốc Vũ Văn Huyền theo chỉ thị của Hồ Chí Minh. Ông Vũ Văn Huyền coi là bị ức hiếp đã vào vùng của Pháp.
[395] Sắc lệnh số 97/SL, “Sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật”, Hồ Chí Minh ký ngày 22-5-1950.
[396] Sau cuộc họp này, Luật sư Phan Anh ghi nhật ký: “Nghề luật sư vẫn được duy trì. Vẫn để anh Nguyễn Mạnh Tường, anh Đỗ Xuân Sảng, anh Nguyễn Văn Hưởng làm việc bào chữa… Bác quyết định vẫn giữ tổ chức luật sư. Nói chung, Đoàn Luật sư chưa bao giờ bị giải tán. Nhưng nó không phát triển vì hoạt động bị hạn chế. Thay vào đoàn Luật sư, có những đoàn gọi là bào chữa viên (nhân dân) chất lượng tùy tiện”.
[397] Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể, ông Vũ Đình Hòe chuyển về Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp và về hưu năm 1975.
[399] Theo báo Nhân Dân: “Hội đồng xét xử muốn xét xử nghiêm minh nhưng lại vấp phải những tác động từ cấp ủy, chính quyền địa phương, từ cá nhân người lợi dụng chức quyền… Không thể vượt qua được, họ đành xử hữu khuynh, né tránh, xử không đúng pháp luật để được yên thân. Có không ít vụ án đã được xét xử ở một chỗ khác, còn lại, phiên tòa công khai, thẩm phán chỉ đưa bản án có sẵn trong túi ra tuyên, bất chấp thực tế khách quan đã được chứng minh tại phiên tòa. Thực tế cũng cho thấy, một số thẩm phán đã không chịu sự tác động bên ngoài, giữ thái độ độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì chính họ sau đó lại phải gánh chịu những hậu quả tai hại, bị bãi miễn thẩm phán, bị chuyển công tác khác, bị cấp này, ông kia chiếu tướng” (Vũ Thế Lân, Về những vụ án chưa được xử nghiêm, Nhân Dân số ra ngày 18-3-1992).
[400] Ngày 29-11-1991, trong Hội nghị Trung ương “cho ý kiến về Hiến pháp”, Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu: “Đối với hoạt động của ngành kiểm sát và tòa án, các cấp ủy định kỳ nghe báo cáo tình hình và nêu ý kiến về phương hướng chỉ đạo, bảo đảm thực hiện đúng pháp luật và các quy định của Nhà nước, không can thiệp trực tiếp, nhất là vào công tác xét xử; không quyết định tội danh và các mức án. Khi xét xử, tòa án phải theo đúng pháp luật và chỉ tuân theo pháp luật. Đối với những vụ án có ảnh hưởng chính trị rộng, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc liên quan đến những cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, cấp ủy cần tham gia ý kiến.
H.Đ.
Nguồn: FB Trương Huy San