Mạc Văn Trang
Tôi quen cụ già hơn 90 tuổi từng học trường Pháp, sớm theo cách mạng, lại là giáo viên chính trị nên đầu đặc sệt Mác-Lê. Cụ cuồng đến mức ai đụng đến đảng là điên lên. Tôi thường sang thăm gợi chuyện, cụ luôn trong tâm trạng cảm xúc tự hào xen với nuối tiếc hối hận, hối hận vì một thời “hăng quá”. Nay cụ đóng bỉm và đã “quay đầu”. Hỏi cụ nghe đài, tivi có tin gì mới không, cụ rằng: Toàn nói phét. Cụ bảo ông hay viết lách, kiến nghị bỏ quách chế độ phát báo đi, già rồi không đọc được, mà đọc toàn cái tào lao, chi bằng quy ra tiền có lợi đôi đằng. Nghĩ bụng cụ này sắp xuống lỗ rồi mới có góp ý trí tuệ. Thanh Quế * Thời Mác, Ăng-ghen chưa hề biết đến cái điện thoại. Thời Lê-nin thì chắc có điện thoại bàn rồi, nhưng chưa hề biết đến cái Iphone. Vậy sao cứ phải theo nguyên xi tư tưởng của các cụ ấy? Cụ này sợ tự chuyển hoá? Ô hay, ông TBT nhà miềng bắt tay thân thiết ông Biden, đầu sỏ đế quốc thực dân, ký tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, thế thì ai tự chuyển hoá tầm cỡ hàng đầu VN miềng đây? Thi Đào * Thường cái dốt lại rất “kiên trì đường lối”. Và càng kiên trì đường lối thì lại càng dốt. Khổ nỗi lại cứ tưởng mình là “đỉnh cao trí tuệ”. Vinh Nguyen Dinh |
*
Cụ K. – một đảng viên, cán bộ lão thành, chuyên làm công tác tuyên huấn, rồi dạy lý luận Mác – Lê ở trường Đảng của tỉnh cho đến lúc nghỉ hưu. Cụ vừa tổ chức mừng thọ 85 tuổi rất hoành tráng.
Cụ có nguyên tắc bất di bất dịch là: Chỉ đọc báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, nghiên cứu sách kinh điển, xem VTV, không bao giờ xem, nghe tin ngoài luồng… Thú vui của cụ là chăm mấy giò phong lan và lau chùi giá sách đồ sộ đặt ở phòng khách, trên đó uy nghi những bộ Toàn tập Mac – Ăng ghen, 50 cuốn dày cộp, Le Nin Toàn tập, Hồ Chí Minh Toàn tập cũng với khối lượng tương đương. Những tuyển tập của các vị “lãnh đạo tiền bối” đến Tuyển tập Nông Đức Mạnh… cũng được trưng bày trang trọng trên giá.
Cụ chỉ dùng điện thoại bàn, viết tay cho thư ký đánh máy, không thèm học dùng máy tính, điện thoại thông minh của bọn tư bản “phồn vinh giả tạo”… Mặc cho vợ, con, các cháu vận động, cười nhạo… cụ cứ kiên định lập trường, nhất quyết không “tự diễn biến”, không “tự chuyển hóa”…
Những dịp kỷ niệm các sự kiện, đài truyền hình tỉnh đến phỏng vấn, cụ cứ theo trí nhớ mà trả lời lưu loát, hùng hồn những bài văn mẫu đã thuộc lòng; rồi cụ xem lại cuộc phỏng vấn phát trên màn hình, rất tự hào. Thế là thoả mãn, còn cần học gì nữa!
Ngược lại, phu nhân của cụ, tuy U80, nhưng là giáo viên Tiểu học nghỉ hưu, rất ham học cái mới, mê khiêu vũ, sử dụng thành thạo máy tính, iphone, ipad.
Nhân dịp mừng ông Thượng thọ 85, thằng cháu tặng ông chiếc Bphone mới toanh sản xuất tại Việt Nam. Nó rất tâm lý, bảo, cái này là của Việt Nam mình làm ra, ông yên trí học sử dụng đi; chất lượng không thua kém gì điện thoại thông minh hàng đầu thế giới.
Cụ sung sướng, cảm động, Việt Nam mình làm được rồi à? Thế chứ, tự hào lắm chứ! Trí thông minh của người mình đâu có thua kém; không chỉ đuổi kịp, mà cần phải đi tắt đón đầu, vượt lên!
Thế là cụ tự hứa quyết tâm học sử dụng chiếc Bphone để phát huy hiệu quả sản phẩm của Việt Nam mình. Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Tự hào quá đi chứ!…
Con cháu ở riêng, nhà có hai ông bà nên cứ nhờ bà xã dạy cho. Khổ nỗi vợ dạy đi, dạy lại, dùng được rồi lại quên, chốc chốc lại hỏi.
Bà vợ đang làm bếp, cụ chạy vào:
– Này, mình đánh chữ tin nhắn sai thế này thì sửa làm sao nhỉ?
– Khổ quá, dạy mấy lần rồi mà cứ dạy trước quên sau, đơn giản thế này không biết là sao?
– Thì dốt người ta mới phải học hỏi chứ.
– Sao ông bảo Chủ nghĩa Mac – Lê là đỉnh cao trí tuệ của thời đại, ông dạy Mac – Lê thì sao lại dốt được?
– Tôi hỏi bà, Mac, Ăng–ghen, Lê–nin thì đã biết sử dụng cái điện thoại này chưa, nói gì đến tôi?
– Ừ nhỉ… Thôi được, đưa đây tôi dạy cho.
Tác giả gửi BVN