Trật tự mới của BRICS

Tim Sahay*, Kate Mackenzie**

Le nouvel ordre des BRICS“, Le Grand Continent, 5.9.2023.

Phạm Như Hồ dịch

Làm thế nào để áp đặt một trật tự thế giới công bằng hơn? Đối với Tim Sahay và Kate Mackenzie, BRICS không tìm cách làm chệch hướng các cấu trúc cai quản toàn cầu hiện có mà chỉ muốn gây ảnh hưởng để tái cân bằng chúng. Tác động của BRICS sẽ không đến từ sự bành trướng hay quyền lực của chúng mà bằng một cú sốc nhằm khích động sự hợp tác của các nước giàu nhất.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vắc xin 2020-2021(1) đã dọn đường cho cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022(2). Những sự thiếu hụt này không phải là kết quả của ngẫu nhiên mà là sự phản ánh của hệ thống phân cấp tài chính và địa chính trị: những người giàu nhất và quyền lực nhất quyết định giá cả, đẩy các nước đang phát triển ra ngoài lề. Trong cuộc chạy đua về vắc xin, hàng triệu sinh mạng đã bị hy sinh(3). Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng là vấn đề sống còn. Việc tài trợ cho những chiếc máy điều hòa không khí ngốn khí ở châu Âu(4) với hàng tỷ euro đã có hậu quả đẩy hàng triệu người Pakistan và Bangladesh vào đêm tối(5).

Đứng trước những thách thức này, các nước đang phát triển phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của một trật tự thế giới bị chệch hướng đối với họ. Khoảng cách bất bình đẳng toàn cầu đã mở rộng(6). Với nguồn vốn không đủ và khả năng vay vốn hạn chế, họ bị đẩy xuống phía sau(7). Và, trên hết, thay vì cung cấp cho các quốc gia này công nghệ sản xuất vắc xin theo công nghệ mRNA để các nước này sản xuất vắc xin của riêng họ vào thời điểm nguy kịch, Phương Tây lại ưu tiên dự trữ vắc xin hết hạn, để lộ một hệ thống đã kiệt sức(8). Ajay Banga, chủ tịch mới của Ngân hàng Thế giới, đã nói về sự nghi ngờ ngày càng tăng đang khiến Phương Bắc xa cách Phương Nam, khi mà lẽ ra, hơn bao giờ hết, chúng ta phải xích lại gần nhau hơn.

BRICS (Brazil, Russia, India, China, South Africa) 

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức vào ngày 24 tháng 8 tại Johannesburg, hơn 60 nhà lãnh đạo từ các nước đang phát triển lớn nhất đã gặp nhau dưới sự chủ trì của Tổng thống Nam Phi Ramaphosa. Điểm nổi bật của chương trình nghị sự là chủ nghĩa đa phương, cuộc cải cách và sự phát triển bền vững. Lula, Tổng thống Brazil và là người sáng lập nhóm BRICS năm 2009, đã tóm tắt quan điểm chung một cách thẳng thắn: “Chúng ta không thể chấp nhận chủ nghĩa thực dân mới xanh áp đặt các rào cản thương mại và các chính sách bảo hộ với lý do bảo vệ môi trường”. Kết thúc hội nghị, nhóm chào đón 6 thành viên mới: Ethiopia, Ai Cập, Argentina, Iran và Ả Rập Saudi.

Đối với các nước đang phát triển, khủng hoảng năng lượng cũng là vấn đề sống còn.

TIM SAHAY, KATE MACKENZIE

Vị trí của Trung Quốc là đối thủ an ninh của Hoa Kỳ, và vị trí của Nga là một quốc gia bị ruồng bỏ, đã thống trị các phương tiện truyền thông đưa tin về hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, những nỗ lực miêu tả hai thành viên BRICS này là những nhạc trưởng hướng dẫn phần còn lại của thế giới đang phát triển đi theo chương trình nghị sự chống Mỹ, chống G7 là không đáng tin cậy. Trước hết, những cách trình bày này không tính đến “phía cầu” của phương trình này: tại sao lại có nhiều quốc gia đến thế mong muốn gia nhập BRICS?

Các nước đang phát triển không chỉ đơn giản là những nạn nhân thụ động của cuộc đa khủng hoảng; họ  đang tích cực cố gắng giành lại quyền kiểm soát vận mệnh của mình và chiều hưng của trật tự thế giới. BRICS là một trong những đấu trường mà các quốc gia này có thể hành động. Liên Hợp Quốc, nơi nhiều quốc gia trong số này đã bỏ phiếu trắng về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, là một trường hợp khác. Trong bài phát biểu của mình, Lula khẳng định chương trình nghị sự của BRICS nhằm cải cách trật tự kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tại G20 (do Indonesia chủ trì năm ngoái, Ấn Độ năm nay và Brazil năm 2024)(9). Khi các quốc gia tin rằng họ không thể đạt được cải cách có ý nghĩa, họ đe dọa sẽ rời bỏ các tổ chức đa phương thống trị để gia nhập các tổ chức chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hoặc quay sang phía BRICS, do đó ủng hộ các hiệp định song phương đảm bảo khả năng tiếp cận đầu tư, các khoản vay ưu đãi và các nguyên liệu thô(10).

Như bất kỳ nhà đàm phán nào cũng biết, mối đe dọa rút lui khỏi một tổ chức cung cấp quyền lực. Một năm sau tiểu luận của chúng tôi về chính sách không liên kết mới, các nước tiếp tục sử dụng mối quan hệ của họ, với Phương Tây hoặc với khối mới Trung Quốc-Nga, như một phương tiện gây áp lực để đạt được lợi ích và mục tiêu của họ bao gồm:

• Các công nghệ chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai;

• Thiết bị quân sự tiên tiến để tăng cường an ninh;

• Một thế thượng phong trong các cuộc đàm phán thương mại với châu Âu, Hoa Kỳ và khối mới Nga-Trung;

• Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng, kim loại và phân bón từ khối mới Nga-Trung;

• Điều kiện tốt hơn để cơ cấu lại nợ với các chủ nợ Phương Tây và Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng nợ bằng USD đe dọa chủ quyền của các nước này.

Các nước lớn đang phát triển, như Ấn Độ, đã chứng tỏ rằng họ chỉ được hướng dẫn bởi lợi ích riêng của mình(11). Kể từ khi Ukraine bị xâm chiếm, chính phủ của đảng BJP đã mua dầu của Nga với giá thấp(12). Vào tháng 5, Thủ tướng Narendra Modi đã tới Hiroshima để tham dự Nhóm Bộ tứ, củng cố một liên minh không chính thức với Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản để chống lại Trung Quốc. Vào tháng 6, ông tới Washington để được đảm bảo việc chuyển giao công nghệ, từ động cơ máy bay đến chất bán dẫn; vào tháng 7, ông đã đến Pháp để hoàn tất các thỏa thuận về lò phản ứng hạt nhân và quốc phòng với Tổng thống Emmanuel Macron(13).

Các nước lớn đang phát triển, như Ấn Độ, đã chứng tỏ rằng họ chỉ được hướng dẫn bởi lợi ích riêng của mình.

TIM SAHAY, KATE MACKENZIE

Bất chấp những vấn đề căng thẳng rõ ràng giữa các thành viên BRICS, bao gồm cả kỳ vọng của họ đối với chính tổ chức này, nhiều yếu tố trong chương trình nghị sự đã nhận được sự ủng hộ chung: thúc đẩy châu Phi, thanh toán bằng đồng nội tệ và cải cách các thể chế Bretton Woods cũng như các thể chế WTO dựa trên G20.

Những chiến lược khác nhau

Phương tiện truyền thông Phương Tây đưa tin một cách khá trịch thượng đối với BRICS trước khi cuộc họp tháng 8 này dieexn ra(14). Rất ít nhà quan sát từ các nước G7 trông chờ rằng BRICS sẽ xác nhận thêm thành viên mới(15). Các phân tích đã miêu tả BRICS là một tổ chức không đạt được thành tựu gì trong nhiều năm, với nền kinh tế trì trệ và mục đích duy nhất của tổ chức này là công khai chống Mỹ(16).

Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn giữa các nhà bình luận phương Tây và các nhà hoạch định chính sách phương Tây. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, đã vận động Quốc hội cấp thêm kinh phí để mở rộng sứ mệnh của Ngân hàng Thế giới và IMF, xem chúng là “cần thiết về mặt chiến lược”. Chương trình nghị sự ngoại giao của ông, đã đưa ông đến Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập trong những tháng gần đây, nêu bật sự cuồng nhiệt của các cuộc đàm phán cạnh tranh với các cường quốc không liên kết. Ba quốc gia cuối cùng được đề cập, cùng với Iran, Argentina và Ethiopia vừa được công bố là thành viên mới của BRICS.

Sự khác biệt chiến lược tồn tại giữa các thành viên BRICS về mục tiêu của tổ chức. Trung Quốc muốn thành lập các liên minh để hất cẳng Phương Tây và đã nhận được một sự ủng hộ nhất định từ Brazil trong vấn đề này. Song song, Ấn Độ lựa chọn việc cải cách các cơ cấu hiện có(17), như được thể hiện qua bài phát biểu của ông Modi tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, nhấn mạnh những thay đổi cụ thể trong sự cai quản của IMF, Ngân hàng Thế giới, tại WTO và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ấn Độ muốn thuyết phục các quốc gia khác ở Phương Nam Toàn cầu chống lại chương trình nghị sự mang tính địa chính trị của Trung Quốc.

Rất ít nhà quan sát từ các nước G7 trông chờ rằng BRICS sẽ xác nhận thêm thành viên mới.

TIM SAHAY, KATE MACKENZIE

Những khác biệt này khiến cho BRICS chủ yếu vẫn là một diễn đàn phối hợp chứ không phải một khối an ninh. Ấn Độ và Trung Quốc không phải là thành viên BRICS duy nhất có tranh chấp quân sự và lãnh thổ. Ai Cập và Ethiopia đụng độ vì Đập Lớn ở đầu nguồn sông Nile(18). Iran và Ả Rập Saudi chỉ mới ký kết một thỏa thuận ngừng bắn kết thúc cuộc chiến tranh lạnh kéo dài 44 năm(19). Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi là những đối tác an ninh thân thiết của Hoa Kỳ; hai nước sau tiếp đón các căn cứ quân sự của Mỹ và đã bắn phá không thương tiếc Yemen bằng hỏa lực do viện trợ quân sự của châu Âu và Mỹ cung cấp(20).

Không bị đe dọa bởi sự xâm lược có thể xảy ra của Trung Quốc, Brazil của Lula đang tiến gần Bắc Kinh. Trong khi Ấn Độ ngăn cản nhà sản xuất xe điện chính của Trung Quốc (và lớn nhất thế giới), BYD, được xây dựng trên lãnh thổ của mình(21), Lula đã đến Bắc Kinh và thuyết phục công ty này đầu tư vào một nhà máy ở Bahia(22). Đây sẽ là trung tâm sản xuất xe điện đầu tiên của họ bên ngoài châu Á và dự kiến sẽ sản xuất 150.000 xe mỗi năm. Minh họa hoàn hảo cho sự thay đổi này, nhà máy BYD mới sẽ thay thế cơ sở của General Motors.

Mục tiêu của Lula là sự chuyển đổi sang tiến trình công nghiệp hóa xanh và nền nông nghiệp có giá trị gia tăng sau nhiều thập kỷ xuất khẩu các mặt hàng sơ cấp như đậu nành, quặng sắt và dầu mỏ(23). Ông đã đạt được nhiều chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc cho các dự án với năng lượng gió ngoài khỏi và hydro xanh, đồng thời đưa Brazil trở thành quốc gia đang phát triển hàng đầu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo, với các dự án trị giá 115 tỷ USD(24). Nạn phá rừng ở Amazon đã giảm 34% kể từ khi Lula nhậm chức vào năm nay.

Châu Phi

Hệ thống do Phương Tây lãnh đạo cung cấp nhiều nguồn lực kinh tế, công nghệ và quân sự khác nhau cho các quốc gia đang phát triển, nhưng có nhược điểm đi kèm là sự chậm trễ và nhiều điều kiện tiên quyết(25). Các hệ thống cung cấp nguồn lực nhanh chóng và có ít điều kiện được các giới tinh hoa phát triển ở các nước không thuộc G7 đánh giá là hấp dẫn hơn(26).

Các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho lục địa châu Phi đã tăng mạnh trong những năm 2010, với các khoản vay dành cho cơ sở hạ tầng của các Con Đường Tơ Lụa Mới bổ sung cho các khoản vay của Ngân hàng Thế giới cho các dự án y tế và giáo dục. Ngày nay, các nước châu Phi đang chuyển sang BRICS. Với sự kết nạp của Ai Cập và Ethiopia vào tuần trước, ba trong số 11 thành viên BRICS là ở châu Phi(27).

Và những lời hứa đã được giữ. Ethiopia đã được hoãn trả nợ Trung Quốc trong một năm theo khuôn khổ chung của G20. Ông Modi cũng đang thúc đẩy việc Liên minh châu Phi trở thành thành viên chính thức của cuộc họp G20 ở Delhi vào tuần tới.

Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi về quá trình chuyển đổi năng lượng của Nam Phi. Vào cuối năm 2021, “JET-P” hay Chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng đầu tiên đã được công bố linh đình. Trong điều có thể là sự minh chứng rõ ràng nhất về việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng từ Phương Bắc vào Phương Nam, các nước giàu nhất đã cam kết hỗ trợ trực tiếp Nam Phi để thay thế hệ thống năng lượng của nước này dựa trên than đá bằng năng lượng tái tạo(28). Các khoản vay ưu đãi trị giá 8,5 tỷ USD đã được hứa hẹn, nhưng toàn bộ thỏa thuận này đang bị trói buộc vào diễn biến chính trị trong nước: áp lực lên công ty điện lực quốc gia Eskom đã đạt đến đỉnh điểm(29).

Mục tiêu của Lula là chuyển đổi sang tiến trình công nghiệp hóa xanh và nền nông nghiệp có giá trị gia tăng sau nhiều thập kỷ xuất khẩu các mặt hàng sơ cấp như đậu nành, quặng sắt và dầu mỏ.

TIM SAHAY, KATE MACKENZIE

Trung Quốc không thể tới và giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, trước tình trạng người dân bị cắt điện hàng ngày, nhu cầu về các tấm pin mặt trời quang điện của Trung Quốc đã bùng nổ, tăng gấp bốn lần trên các mái nhà ở Nam Phi chỉ trong một năm. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập, Tổng thống Ramaphosa đã tuyên bố một sự “tăng cường” đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng mặt trời, sản xuất và truyền tải điện. Những người theo chủ nghĩa bảo hộ trong nước nhấn mạnh vào sản xuất địa phương; cho đến gần đây, chính phủ đã cấm nhập khẩu các tấm pin mặt trời sản xuất tại Trung Quốc. Ngành công nghiệp địa phương lo ngại rằng các công ty Trung Quốc sẽ giành được hợp đồng cho sự nâng cấp mạng lưới tốn kém(30).

Sự tài trợ cho phát triển là cần thiết đối với nhiều nước châu Phi đang gặp khó khăn về tài chính. Sau gần hai năm điều tra, báo cáo của các chuyên gia và vận động hành lang, Hoa Kỳ cuối cùng cũng ủng hộ những thay đổi nhằm tăng cường các khoan cho vay của Ngân hàng Thế giới. Hoa Kỳ cũng đề xuất tăng khoản đóng góp của chính họ thêm 3,3 tỷ USD, theo ước tính, số tiền này sẽ cho phép các khoản vay mới khoảng 50 tỷ USD, hoặc tổng cộng là 200 tỷ USD nếu các đồng minh của Hoa Kỳ có sự tham gia tương ứng(31). Tuy nhiên, yêu cầu cấp vốn bổ sung của Biden đã bị chặn tại Quốc hội, nơi cuối cùng nắm giữ quyền quyết định chi tiêu, nơi tầm nhìn tổng bằng không của Đảng Cộng hòa quyết định số phận của Ukraine và thế giới đang phát triển.

Điều được coi là ưu tiên chính trị của chính quyền Biden là một lời nhắc nhở khắc nghiệt về sự chênh lệch trong trật tự toàn cầu. Úc và Canada đã được hưởng lợi từ các khoản đầu tư hàng tỷ USD vào việc khai thác mỏ nhờ Đạo luật Sản xuất Quốc phòng của Mỹ(32). Mặt khác, Cộng Hòa Dân Chủ Congo và Zambia có một biên bản ghi nhớ mơ hồ với Hoa Kỳ về các khoáng sản chuyển tiếp. Viện trợ của Liên Minh châu Âu, quỹ Global Gateway, bị cản trở bởi một quy trình bị phân đoạn(33). Trong khi đó, các nước châu Phi sẽ phải gánh chịu cái giá phải trả bị áp đặt khi các biện pháp trừng phạt của Cơ chế điều chỉnh carbon ở biên giới (CBAM) của Liên Minh châu Âu đối với sự nhập khẩu các hàng hóa công nghiệp nặng dần có hiệu lực trong thập kỷ tới.

Một khối tài chính

BRICS không thật sự tìm cách thay thế các cấu trúc đa phương như IMF hay Ngân hàng Thế giới, bằng chứng là quy mô nhỏ hơn của chính những cơ chế của mình. Ngân hàng BRICS, Ngân hàng Phát triển Mới, đã cho vay 33 tỷ USD trong 8 năm hoạt động, một phần nhỏ so với 78 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới chỉ riêng trong năm 2022 – chưa kể gần nửa tỷ USD mà Trung Quốc đã cho vay thông qua các ngân hàng phát triển của chính họ.

BRICS không thật sự tìm cách thay thế các cấu trúc đa phương như IMF hay Ngân hàng Thế giới, bằng chứng là quy mô nhỏ hơn của chính những cơ chế của mình.

TIM SAHAY, KATE MACKENZIE

BRICS cũng có tổ chức tương đương với IMF của riêng mình để tập hợp dự trữ và cung cấp thanh khoản khẩn cấp cho các quốc gia đang gặp nguy kịch về tài chính – Quỹ Tiền Tệ Dự trữ Khẩn cấp (Contingent Reserve Arrangement – CRA). Quỹ này không tránh được những căng thẳng liên quan đến tỷ lệ đóng góp khiến cho việc quản lý IMF và Ngân hàng Thế giới trở nên khó chịu đối với các nước đang phát triển. Trung Quốc, với tư cách là nước đóng góp chính cho DRC, nắm giữ gần 40% quyền biểu quyết trong cơ chế này. “Nhìn từ bên ngoài, người ta có thể cho rằng điều đó dễ dàng hoặc dễ dàng hơn khi chỉ có 5 quốc gia quanh bàn đàm phán. Nhưng điều này hoàn toàn không phải vậy”, Paulo Nogueira Batista Jr nói về việc thành lập Ngân Hàng Phát Triển Mới (New Development Bank/NDB) và Quỹ Tiền Tệ Dự trữ Khẩn cấp (Contigent Reserve Arrangement/CRA)(34).

Cấu trúc tài chính toàn cầu là một trong những nguyên nhân chính gây bất mãn cho các nước đang phát triển(35). Trong số những thứ khác, nó tạo thành một trở ngại lớn cho hoạt động vì khí hậu(36). Ưu thế của đồng đô la trong các giao dịch xuyên biên giới có nghĩa là chính sách tiền tệ được trin khai ở Hoa Kỳ có tác động lan tỏa trên toàn cầu, đặc biệt là những nước vay bằng đô la. Một loại tiền tệ BRICS mới đã không được đề cập trong thông cáo hội nghị thượng đỉnh vì ý tưởng này là không thể chấp nhận được, cũng như ý tưởng rằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ thay thế đồng đô la khi mà Trung Quốc vẫn gắn bó với chính sách kiểm soát vốn. Mục tiêu tiền tệ thực sự là tiến hành nhiều vụ giao dịch thương mại và đầu tư hơn bằng đồng nội tệ, được các ngân hàng trung ương tạo điều kiện thuận lợi, và có thể là chuyển dự trữ sang các loại ngoại tệ khác(37).

Một sự canh tranh sinh lợi

BRICS tham gia vào một chương trình cải cách một trật tự đa phương bất công đã lỗi thời. “Cơ cấu cai quản toàn cầu hiện nay phản ánh thế giới của ngày hôm qua”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, đồng thời nói thêm rằng các thể chế này “phải được cải cách để phản ánh thực tế kinh tế và các logic kinh tế đương đại về quyền lực”.

Không có con đường nào dẫn đến hòa bình, thịnh vượng hay ổn định toàn cầu mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Martin Wolf gần đây lập luận rằng chúng ta đang bị cuốn vào sự “cạnh tranh mang tính hệ thống”(38). Các nước đang tìm cách tự bảo vệ mình trước sự xấu đi hơn nữa trong quan hệ giữa Phương Tây và Trung Quốc. Các chuyến thăm gần đây của các thành viên nội các Hoa Kỳ – Ngoại trưởng Anthony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo – đã đảm bảo với Bắc Kinh rằng việc tách rời các nền kinh tế liên kết chặt chẽ của họ sẽ là “thảm họa” cho cả hai bên. (Yellen còn nhấn mạnh rằng điều này thậm chí không thể thực hiện được).

Tác động đáng kể nhất của BRICS chắc là không nằm ở việc tạo ra các thể chế mới ngoạn mục hay vào sự gia tăng nhanh chóng số lượng thành viên, mà đúng hơn, nếu họ có thể thực hiện được điều này, ở điều họ có khả năng kích thích sự hợp tác có ý nghĩa hơn của các quốc gia giàu có nhất.

TIM SAHAY, KATE MACKENZIE

Tuy nhiên, mối quan hệ có thể xấu đi khi lệnh cấm vận chất bán dẫn của Mỹ vẫn được áp dụng, cùng với các lệnh cấm đầu tư mới được (Hoa Kỳ) công bố trong tháng này. Hội nghị thượng đỉnh BRICS trùng hợp với một thỏa thuận ba bên mang tính lịch sử giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, củng cố liên minh quân sự nhằm ngăn chặn mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Các căn cứ mới của Mỹ sẽ được xây dựng ở Philippines và Papua New Guinea củng cố nhận thức của Bắc Kinh rằng Mỹ có kế hoạch bao vây nước này và cản trở sự phát triển trong tương lai của nước này.

Tác động đáng kể nhất của BRICS chắc là không nằm ở việc tạo ra các thể chế mới ngoạn mục hay vào sự gia tăng nhanh chóng số lượng thành viên, mà đúng hơn, nếu họ có thể thực hiện được điều này, ở điều họ có khả năng kích thích sự hợp tác có ý nghĩa hơn của các quốc gia giàu có nhất. Điều ít rõ ràng hơn là khả năng tăng cường hợp tác Nam-Nam vượt ra ngoài các thỏa thuận được mô phỏng theo kết luận của các hội nghị thượng đỉnh. Các quốc gia như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cần đi đầu trong việc giảm lượng khí thải carbon, điều này đòi hỏi họ phải tìm ra lý do của riêng họ cho lợi ích của mình – tăng trưởng công nghiệp xanh, giảm hóa đơn nhập khẩu năng lượng, nguy cơ gắn với an ninh, nguồn cung cấp và tính dễ bị tổn thương về mặt sinh thái, giống như những gì Trung Quốc đã làm(39).

T.S. & K.M

VỀ TÁC GIẢ


* Tim Sahay công tác tại trung tâm châu Âu của Atlantic Council và là chuyên gia nghiên cứu chính trị của Green New Deal Network, một liên minh các tổ chức nghiệp đoàn, khí hậu và công lý môi trường phát triển một phong trào vận động áp dụng những chính sách xanh ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Trong thập k qua, ông làm việc trong các lĩnh vực vật lý học, các công nghệ sạch, thích nghi với sự biến đổi khí hậu và tư vấn. Ông đã tư vấn những dự án từ sự ô nhiễm ở Ấn Độ đến chuyển đổi năng lượng ở Trung Quốc. Ông cũng tư vấn cho các văn phòng của Quốc hội Mỹ để thiết kế các chính sách đầu tư, thương mại, cung cấp nguồn lực và chính sách công nghiệp nhằm tạo ra những việc làm tốt đồng thời giảm thiểu sự ô nhiễm của khí hậu, của những bất bình đẳng chủng tộc và kinh tế. Các nghiên cứu của ông tập trung vào chính sách công nghiệp và chính sách năng lượng.


** Kate Mackenzie là nhà báo của Bloomber Green, nơi bà công bố mỗi hai tuần một bài có nội dung nằm giữa sự giao thoa của các chủ đề biến đổi khí hậu, tài chính và kinh tế. Bà cũng tư vấn cho nhiều tổ chức theo đuổi các mục tiêu của Thoả thuận Paris, như European Climate Foundation. Bà là thành viên của Center for Policy Development.

Trong 10 năm bà từng là nhà báo của Financial Times. Lúc bấy giờ bà chuyên về chủ đề năng lượng và là phóng viên ở châu Á. Bà cũng từng phụ trách tài chính của Climate Institute và giám đốc các thước đo về tài chính và ra quyết định của Climate-KIC Australia. 

Kate Mackenzie tốt nghiệp cử nhân báo chí và quan hệ công nghiệp của Đại học Griffith.


TÀI LIỆU THAM KHẢO 

(1) Guan, Y., Yan, J., Shan, Y. et al. Burden of the global energy price crisis on householdsNat Energy 8, 304–316 (2023).

(2) Bajaj SS, Maki L, Stanford FC. Vaccine apartheid: global cooperation and equityLancet.2022 Apr 16;399(10334):1452-1453.

(3) Ledford H. COVID vaccine hoarding might have cost more than a million livesNature. 2022 Nov 2.

(4) Jeff D. Colgan, Alexander S. Gard-Murray, and Miriam Hinthorn, Letting Europe’s Energy Crisis Go to Waste: The Ukraine War’s Massive Fossil Fuel Costs Fail to Accelerate Renewables, Climate Solutions Lab, août 2023.

(5) Tim Sahay, Kate Mackenzie, “Debt and Power in Pakistan“, The Polycrisis, 23 février 2023

(6) Larry Elliott, “Top economists call for action on runaway global inequality“, The Guardian, 17 juillet 2023.

(7) Tim Sahay, Kate Mackenzie, “The Gigantic Austerity Drive Underway“, The Polycrisis, 20 avril 2023

(8) Kohler J, Wong A, Tailor L. Improving Access to COVID-19 Vaccines: An Analysis of TRIPS Waiver Discourse among WTO Members, Civil Society Organizations, and Pharmaceutical Industry Stakeholders. Health Hum Rights. 2022 Dec;24(2):159-175.

(9) Peter S. Goodman, “How Geopolitics Is Complicating the Move to Clean Energy“, The New York Times, 18 août 2023

(10) Jared Cohen, “The rise of geopolitical swing states“, Goldman Sachs, 15 mai 2023

(11) Patrick Porter, “Why Russia is still in business“, The Critic, mai 2023.

(12) Syed Fazl-e-Haider, “India Losing Its Steep Discount on Russian Crude Oil“, Eurasia Daily Monitor, Volume: 20 Issue: 132

(13) Kate Mackenzie, Tim Sahay, “Washington-Paris-London Calling“, The Polycrisis, 20 juillet 2023

(14) Hugo Dixon, “The BRICS are better off disbanding than expanding“, Reuters, 31 juillet 2023.

(15) Steven Erlanger, David Pierson, Lynsey Chutel, “Iran, Saudi Arabia and Egypt Invited to Join Emerging Nations Group“, New York Times, 24 août 2023.

(16) Lord Jim O’Neill, “Does an expanded BRICS mean anything?“, Chatham House, 27 août 2023

(17) Hung Tran, “China and India are at odds over BRICS expansion“, New Atlanticist, 8août 2023.

(18) Peter Fabricius, “GERD is a fait accompli, so it’s time to get real“, Institute for Security Studies, 28 avril 2023

(19) Isaac Chotiner, “What the Saudi-Iran Deal Means to the Middle East“, The New Yorker, 14 mars 2023.

(20) “Made in Europe, bombed in Yemen: How the ICC could tackle the responsibility of arms exporters and government officials“, ECCHR Report, février 2020.

(21) Ayush Singh, “Centre declines $1 billion proposal put forth by BYD Motors and Megha Engineering to EVs in India“, Business Outreach, 22 juillet 2023.

(22) Leonardo Lara, “BYD Picks Brazil for Its First Electric-Vehicle Hub Outside Asia“, Bloomberg, 4 juillet 2023.

(23) Kate Mackenzie, Tim Sahay, “Domestic Politics & Planetary Change“, The Polycrisis, 3 novembre 2022.

(24) Catherine Osborn, “Brazil Courts China to Boost Tech Ties“, Foreign Policy, 21 avril 2023.

(25) Barbara Moens, Stuart Lau, “West plays a tired, old tune on matching China’s Belt and Road“, Politico, 15 novembre 2022

(26) Tim Sahay, Lee Harris, “Don’t Say “Scramble for Africa”“, The Polycrisis, 26 janvier 2023.

(27) Eric Olander, Cobus van Staden, “Africa’s prominent role in the new “BRICS”“, The China in Africa Podcast, 25 août 2023.

(28) Bruce Baigrie, “Eskom, Unbundling, and Decarbonization, Phenomenal World, 14 février 2023

(29) Adam Tooze, “From Feast To Famine: Apartheid’s Power Bonanza And The Genesis Of South Africa’s Electricity Crisis.”, Carbon Notes, 4.

(30) Peter Fabricius, “Chinese President Xi Jinping makes rare trip abroad to touch many bases in South Africa“, Daily Maverick, 21 août 2023.

(31) “The BRICS bloc is riven with tensions“, The Economist, 17 août 2023.

(32) Kate Mackenzie, Tim Sahay, “Friends With (Metal) Benefits“, The Polycrisis, 1er juin 2023.

(33) Alberto Rizzi, Arturo Varvelli, “Opening the Global Gateway: Why the EU should invest more in the southern neighbourhood“, ECFR, 14 mars 2023.

(34) “Evaluating the BRICS Financing Mechanisms: Q&A with Paulo Nogueira Batista Jr“, BU Global Development Policy Center, 26 octobre 2021.

(35) Mona Ali, “Reforming the IMF“, Phenomenal World, 13 mai 2023.

(36) Kate Mackenzie, “Uneven Channels“, Phenomenal World, 30 octobre 2021.

(37) Hung Tran, “Understanding the growing use of local currencies in cross-border payments“, Atlantic Council, 25 août 2023.

(38) Martin Wolf, “The West Must Recognise its Hypocrisy“, Financial Times, 11 juillet 2023.

(39) Jianquiang Liu, “Analysis: Nine key moments that changed China’s mind about climate change“, CarbonBrief, 25 octobre 2021. 

Nguồn: Phân tích Kinh tế

 






This entry was posted in BRICS, Quan hệ quốc tế. Bookmark the permalink.