CHANGE và án trốn thuế (Kỳ 1 và Kỳ 2)

Kỳ 1: TỔ CHỨC PHI LỢI NHUẬN HAY DOANH NGHIỆP?

Luật Việt Nam không có khái niệm tổ chức phi lợi nhuận như các nước khác.

Thuỷ Tùng

27/9/2023

Từ một nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo NGO được báo đài nhà nước trọng vọng, Hoàng Thị Minh Hồng và Trung tâm CHANGE của cô bỗng dưng dính án “trốn thuế”. [1]

Luật Khoa tạp chí sẽ đăng tải một chuyên đề về pháp nhân phi lợi nhuận để lý giải căn cứ pháp lý và đạo lý của việc nhà nước Việt Nam có thể kết án bà Hoàng Thị Minh Hồng – Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (tên viết tắt là CHANGE) về tội trốn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp

*

Khi xét đến nghĩa vụ thuế của một tổ chức, ta phải xét đến hai yếu tố:

tổ chức đó hoạt động vì lợi nhuận (for-profit) hay phi lợi nhuận (non-profit);

các hoạt động của tổ chức đó thuộc nhóm ngành nghề phải đóng thuế hay được miễn thuế.

Hệ thống pháp luật Việt Nam không có khái niệm tổ chức phi lợi nhuận mà có một số khái niệm tương đương trong nhiều quy định khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ đề cập đến một số khái niệm gần với mô hình hoạt động và tính chất phi lợi nhuận của Trung tâm CHANGE mà không đề cập đến tất cả các mô hình phi lợi nhuận khác.

Tổ chức khoa học – công nghệ

Đầu tiên, phải nói đến tư cách pháp lý chính thức trên giấy tờ của Trung tâm CHANGE: một tổ chức khoa học – công nghệ ngoài công lập, được thành lập dựa trên Luật Khoa học và Công nghệ. [2] 

Theo bản kết luận điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án Hoàng Thị Minh Hồng, CHANGE được thành lập theo quyết định số 78/QĐ-LHHVN ngày 28/1/2013 của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số A-1094 cho CHANGE lần đầu ngày 13/3/2013, lần thứ hai ngày 8/12/2016 và lần thứ ba ngày 3/1/2020.

Quyết định thành lập và giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho thấy, CHANGE hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ; thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ; hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Giấy phép này không thể hiện CHANGE là một tổ chức phi lợi nhuận hay không. Nói cách khác, một tổ chức khoa học – công nghệ ngoài công lập có thể vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận.

Pháp nhân phi thương mại

Tiếp theo, cần kể đến khái niệm pháp nhân phi thương mại được quy định tại Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015. [3] Theo đó, pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

Điều luật này quy định khá rộng về các pháp nhân phi thương mại, bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội, và các tổ chức phi thương mại khác.

Theo quy định này, người viết cho rằng CHANGE cùng một số tổ chức khác có thủ tục thành lập và cách vận hành tương tự (như MEC, LPSD, GreenID) là một tổ chức xã hội hoặc là một tổ chức phi thương mại khác.

Cụ thể, Báo cáo thường niên năm 2020 của CHANGE ghi nhận 92% nguồn thu của tổ chức năm 2020 đến từ các khoản tài trợ của các chính phủ, Liên Hiệp Quốc, và các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế. [4]

Các khoản tài trợ này có nguồn gốc từ tiền thuế và tiền từ thiện của người dân các nước hay còn gọi là tiền tài trợ của người dân các nước giàu cho người dân các nước nghèo. CHANGE tiếp nhận các khoản tiền tài trợ này để thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, và bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam. Bên cạnh đó, một phần nhỏ ngân sách của CHANGE do người Việt Nam và người nước ngoài tài trợ trực tiếp với danh nghĩa từ thiện, nhân đạo.

Vấn đề là ở chỗ này: CHANGE phải cam kết hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thì mới được nhận những khoản tài trợ kể trên.

Đây là biểu hiện rõ nét cho thấy tính chất phi lợi nhuận của CHANGE.

Bên cạnh đó, trong một bài phóng sự và một bài phỏng vấn của báo Người Lao động năm 2018 và báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh năm 2019, bà Hoàng Thị Minh Hồng tự nhận CHANGE là một tổ chức phi lợi nhuận. [5] [6] Báo cáo thường niên năm 2020 của CHANGE cũng thừa nhận họ là một NGO (non-governmental organization), tức là tổ chức phi chính phủ – một khái niệm thường được hiểu là đồng nghĩa với tổ chức phi lợi nhuận.

*

Tới đây, chúng ta có thể thấy sự không rõ ràng về mặt pháp luật liên quan đến tính chất phi lợi nhuận của CHANGE. Nếu theo quy định của Bộ luật Dân sự, CHANGE là một tổ chức xã hội hoặc là một tổ chức phi thương mại không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuậnTuy nhiên, Luật Khoa học và Công nghệ và giấy chứng nhận hoạt động không thể hiện rõ ràng tính chất phi lợi nhuận của CHANGE.

Do đó, các cơ quan chức năng có thể ứng xử với CHANGE và bà Hoàng Thị Minh Hồng theo cách khác nhau, tùy thuộc vào việc họ coi CHANGE là tổ chức vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, các hoạt động có thuộc diện được miễn thuế hay không.

Họ sẽ dựa trên việc áp dụng các quy định pháp luật khác nhau cũng như số liệu cụ thể về các khoản tài trợ, các hợp đồng cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ và các khoản chi tiêu cho các hoạt động cộng đồng do CHANGE thực hiện. Họ có thể sử dụng các quy định đối với một pháp nhân thương mại có mục đích tìm kiếm lợi nhuận để khép bà Hồng tội trốn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Họ cũng có thể ứng xử với CHANGE như một pháp nhân phi thương mại và phi lợi nhuận để có bản án nhân văn hơn đối với bà Hồng.

Về mặt đạo lý, chính quyền Việt Nam không thể viện dẫn bất kỳ lý do gì để đánh thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ này. Người đóng thuế và người làm từ thiện ở các nước và ở Việt Nam cũng không thể chấp nhận trả thuế cho các khoản tài trợ mà CHANGE và các tổ chức phi lợi nhuận khác đã tiếp nhận.

Trên thực tế, kết luận điều tra và cáo trạng vụ án đều khẳng định CHANGE hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và phải chịu thuế như một doanh nghiệp bình thường.

*

Chú thích: 

1. https://www.luatkhoa.com/2023/09/luat-khoa-360-hoang-thi-minh-hong/.

2. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Luat-khoa-hoc-va-cong-nghe-nam-2013-197387.aspx?ref=luatkhoa.com.

3. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Bo-luat-dan-su-2015-296215.aspx?ref=luatkhoa.com.

4. https://drive.google.com/file/d/1S778t8elb_3MYgleJJ-cpTaE0Qf-kRAH/view?ref=luatkhoa.com.

5. https://nld.com.vn/thoi-su/nu-anh-hung-khi-hau-20181013212655145.htm?ref=luatkhoa.com.

6. https://www.phunuonline.com.vn/phu-nu-co-suc-manh-lam-cho-the-gioi-tot-dep-hon-a122383.html.

Kỳ tới: Bà Hoàng Thị Minh Hồng có thể bị kết án tù vì tội trốn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản tài trợ và hợph đồng dịch vụ cho hoạt động của CHANGE theo căn cứ pháp lý nào?

***

Kỳ 2: CHANGE CÓ TRỐN THUẾ KHÔNG?

Nhà tài trợ không chấp nhận trả thuế cho tiền viện trợ.

 kỳ trước, chúng ta đã thấy hệ thống pháp luật Việt Nam không có khái niệm tổ chức phi lợi nhuận mà chỉ có khái niệm pháp nhân phi thương mại, và tôi đã chứng minh CHANGE thuộc nhóm pháp nhân này. [1]

Tuy nhiên, pháp luật không có các quy định toàn diện, rõ ràng và dễ áp dụng về chế độ kế toán và miễn thuế đối với pháp nhân phi thương mại.

Cơ chế thuế nào cho CHANGE?

Luật kế toán năm 2015 và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, chế độ kế toán cho hoạt động xã hội, từ thiện và chế độ kế toán doanh nghiệp. [2][3][4][5]

Khoảng trống pháp lý này dẫn đến một cách hiểu rằng các tổ chức xã hội và tổ chức khoa học – công nghệ ngoài công lập không có trách nhiệm lập báo cáo thuế (còn gọi là báo cáo tài chính) vì không phát sinh lợi nhuận.

Quả vậy, CHANGE không phải là cơ quan nhà nước hay tổ chức nhận ngân sách nhà nước để áp dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Chế độ kế toán này phức tạp và chủ yếu áp dụng cho các khoản tài trợ thông qua hệ thống kho bạc nhà nước, tức là thuộc ngân sách nhà nước.

CHANGE cũng không phải quỹ xã hội hay quỹ từ thiện để áp dụng chế độ kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện. Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng chỉ ban hành hướng dẫn về chế độ kế toán đối với các hoạt động xã hội, từ thiện vào ngày 5/7/2022. [6]

CHANGE không phải là pháp nhân thương mại thành lập theo Luật Doanh nghiệp để áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp.

CHANGE là tổ chức phi lợi nhuận thành lập theo Luật Khoa học và công nghệ. Quyết định thành lập tổ chức do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cấp, giấy phép hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, và báo cáo thường niên về nguồn thu lẫn chi tiêu của CHANGE thể hiện điều này, như đã chứng minh ở kỳ trước.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận rằng chính họ đã chậm ban hành các văn bản quy định chế độ báo cáo thống kê đối với các khoản tài trợ nước ngoài không thuộc ngân sách nhà nước. [7] Bộ Tài chính cũng chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ quản lý tài chính đối với các khoản tài trợ này để CHANGE và các tổ chức có cùng mô hình hoạt động áp dụng.

Do đó, việc kết luận điều tra và cáo trạng cho rằng CHANGE hoạt động theo mô hình doanh nghiệp là khiên cưỡng. Từ đó, dẫn đến câu hỏi mang tính đạo lý khi kết luận CHANGE trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các khoản tài trợ kể từ khi thành lập vào năm 2013.

Đánh thuế tiền viện trợ cho tổ chức phi lợi nhuận

Theo thông lệ về cơ chế giải ngân tiền tài trợ, các đại sứ quán, các tổ chức của Liên Hợp Quốc hay các tổ chức phi chính phủ không chấp nhận trả thuế GTGT cho các thỏa thuận tài trợ giúp chính quyền và người dân Việt Nam.

Điều này có thể được hiểu là áp dụng cho cả CHANGE.

Họ cũng sẽ không cho phép CHANGE tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản tài trợ do người dân các nước đóng góp thông qua trả thuế và quyên góp từ thiện. Một số nhà tài trợ chỉ ký thỏa thuận tài trợ khi báo cáo kiểm toán độc lập thể hiện CHANGE (hay bất kỳ tổ chức nhận tài trợ nào khác) không có lợi nhuận và nếu có thì không phân chia cho các thành viên. [8][9]

Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2022, CHANGE đã nhận số tiền tài trợ gần 68 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động ở Việt Nam. CHANGE đã ký các thỏa thuận hợp tác và hợp đồng dịch vụ với các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài để nhận số tiền này. Trong đó, có ít nhất 52,6 tỷ đồng nhận từ các tổ chức nước ngoài.

Bản kết luận điều tra không tách rõ số tiền theo thỏa thuận hợp tác, theo hợp đồng cung cấp dịch vụ hay số tiền do các cá nhân trong và ngoài nước đóng góp. Tuy nhiên, theo thông lệ, các đối tác của CHANGE chỉ chấp nhận trả thuế GTGT cho các hợp đồng cung cấp dịch vụ. Họ không chấp nhận trả bất kỳ loại thuế nào cho các thoả thuận hợp tác, ngoại trừ thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, tiền công do CHANGE trả cho người lao động và chuyên gia tư vấn.

Nhà tài trợ không chấp nhận cho CHANGE trả thuế thì CHANGE lấy tiền đâu ra để có thể trả thuế?

Tới đây, có thể khẳng định CHANGE không có khả năng tài chính để tự trả thuế GTGT và TNDN cho số tiền phát sinh theo các thoả thuận hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài. Bà Hồng cũng không thể bỏ túi riêng số tiền được cơ quan chức năng kết luận là trốn thuế vì CHANGE là tổ chức phi lợi nhuận.

Và về mặt đạo lý, một lần nữa có thể khẳng định nhà nước Việt Nam không thể đánh thuế GTGT và thuế TNDN trên các thỏa thuận hợp tác giữa CHANGE và các nhà tài trợ nước ngoài vì mục đích nhân đạo đối với người dân Việt Nam. Họ cũng không thể đánh thuế trên số tiền các cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp cho hoạt động cộng đồng của CHANGE.

Vậy, cơ quan chức năng sử dụng căn cứ pháp lý nào để kết tội bà Hoàng Thị Minh Hồng trốn thuế GTGT và thuế TNDN?

*

Chú thích

1. https://www.luatkhoa.com/2023/09/change-va-an-tron-thue-ky-1-to-chuc-phi-loi-nhuan-hay-doanh-nghiep/.

2. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Ke-toan-Kiem-toan/Luat-ke-toan-2015-298369.aspx?ref=luatkhoa.com.

3. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Ke-toan-Kiem-toan/Thong-tu-107-2017-TT-BTC-huong-dan-Che-do-ke-toan-hanh-chinh-su-nghiep-333131.aspx?ref=luatkhoa.com.

4. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Ke-toan-Kiem-toan/Thong-tu-41-2022-TT-BTC-huong-dan-che-do-ke-toan-hoat-dong-xa-hoi-tu-thien-499976.aspx?ref=luatkhoa.com.

5. Thông tư số 200/2014/TT-BTC áp dụng với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Thông tư số 133/2016/TT-BTC áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư số 132/2018/TT-BTC áp dụng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ.

6. Thông tư số 41/2022/TT-BTC được thông qua sau khi có tranh luận trên truyền thông chính thống và mạng xã hội liên quan đến ca sĩ Thuỷ Tiên quyên góp và hỗ trợ người dân vùng lũ lụt ở miền Trung vào năm 2020.

7. https://www.luatkhoa.com/2023/09/ky-2-change-co-tron-thue-khong/.

8. Bản kết luận điều tra cho biết, từ năm 2016 đến 2022, CHANGE được Công ty TNHH PKF Việt Nam-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm toán.

9. Liên minh Châu Âu yêu cầu các tổ chức phi lợi nhuận phải nộp báo cáo kiểm toán tổ chức trong quá trình xây dựng đề xuất dự án và ký kết thỏa thuận tài trợ.

*

Ở những bài sau, Luật Khoa tạp chí sẽ lý giải tại sao là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì lợi ích cộng đồng như CHANGE bị đánh thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp lên tiền viện trợ.

T.T.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

 

 

 

This entry was posted in Bảo vệ môi trường, Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.