Vụ chuyển hơn 600 ha rừng để làm dự án hồ thủy lợi: Dự án hồ chứa nước Ka Pét và bài toán được – mất

Tô Văn Trường

Thứ sáu, 08/09/2023

Đã tham khảo các thông tin, dữ liệu về Dự án hồ chứa nước Ka Pét (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), lắng nghe nội dung buổi họp báo của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận (chiều ngày 7.9) vừa qua, tôi thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được làm rõ để thuyết phục công luận và người dân.

Nước và rừng có mối liên hệ hữu cơ gắn bó hai chiều không thể tách rời, chúng đều là các tài nguyên tái tạo, nhưng nước có tính chất “động – chuyển tải” cao hơn, là nguồn sống của muôn loài động và thực vật. Rừng là bộ phận kết cấu hạ tầng sinh thái của đất nước. Lời nguyền tài nguyên có câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” ngẫm suy thật chuẩn xác vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ hại với môi trường sinh thái tự nhiên.

Phối cảnh hồ thủy lợi Ka Pét

Cơ sở pháp lý

Dự án hồ chứa nước Ka Pét thuộc danh mục dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội khóa XIV quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 do có phát sinh tiêu chí chuyển đổi rừng đặc dụng; Dự án được điều chỉnh một số nội dung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết của Quốc hội khóa XV số 101/2023/QH15 ngày 24.6.2023.

Nhiệm vụ của hồ chứa nước  Ka Pét là cung cấp nước tưới cho 7.762 ha đất nông nghiệp, cấp nước thô 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp và cấp nước thô cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha; trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,62 ha, bao gồm: 137,95 ha rừng đặc dụng, 0,51 ha rừng phòng hộ; 440,4 ha rừng sản xuất; 40,72 ha rừng nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng, đất không có rừng là 60,14 ha và diện tích sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Việc xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét là phù hợp với quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Thời gian thực hiện dự án: từ 2019-2025.

Nhìn sơ đồ thấy vị trí hồ Ka Pet rất xa khu hưởng lợi, nước sẽ xả xuống sông Ba Bích để chảy xuống đập dâng dưới hạ lưu.

Nguyên lý của bài toán “được và mất”

Do dân số ngày càng tăng, bắt buộc con người phải khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội. Ngay các nước tiên tiến, họ cũng luôn thấm nhuần nguyên lý của bài toán “trade-off” – đánh đổi giữa hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường, làm sao để cái được là lớn nhất, cái mất là ít nhất và có các biện pháp giảm thiểu các tác hại đến môi trường sinh thái.

Rừng tự nhiên có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, đa dạng sinh học, kiểm soát khí hậu, lọc không khí, giá trị về kinh tế và liên quan đến văn hoá của cộng đồng bản địa.

Chúng ta có thể hiểu mọi thứ đều có giá của nó, con người phải đối mặt với sự đánh đổi liên quan đến lợi ích và tổn thất, vì vậy trong quá trình ra quyết định, ta thường so sánh giữa chi phí và lợi ích của các cách hành động khác nhau. Cái khó ở đây là trong nhiều trường hợp, chi phí của một số hành động không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ nhận diện như khi mới quan sát bề ngoài.

Rừng tự nhiên trong khu vực xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét. Nguồn: Báo Tiền phong

Các câu hỏi cần làm rõ

Thực tế đã chứng minh hệ thống công trình thuỷ lợi ở nước ta là giải pháp hữu hiệu nhất góp phần to lớn trong việc trị thuỷ, phòng tránh thiên tai và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Ở Ninh Thuận và Bình Thuận, nhờ có các hồ thủy lợi như Sông Sắt, Sông Than, Tân Giang, Cà Giây… mà các vùng đất này đã thay đổi cơ bản về cảnh quan và môi trường.

Tuy nhiên, cũng có những bài học đắt giá, một số hồ chứa nước xây dựng theo cách tiếp cận truyền thống, chưa quan tâm đúng mức đến cách tiếp cận lợi ích tổng hợp cho nên hiệu quả thấp, như hồ chứa nước Ia Mơr ở Gia Lai và Đắc Lắc[1], hồ chứa Bản Mồng ở Nghệ An[2]v.v.

Việc khảo sát, đánh giá tài nguyên rừng tự nhiên mất đi ở Ka Pet đã chính xác chưa?

Cần làm rõ hệ thực vật ở lòng hồ dự kiến, các loại cây ở đó giá trị như thế nào? Không gì bằng những minh chứng thực tế và cơ quan nào có trách nhiệm kiểm chứng. Bởi dù là có giải pháp trồng bù rừng dự kiến gấp ba lần diện tích mất rừng hiện tại, nhưng rừng trồng không thể so sánh về hiệu ích với rừng tự nhiên.

Khi cho khai thác rừng ở lòng hồ Ka Pét thì quy định đấu thầu công khai, minh bạch và hậu kiểm như thế nào để nguồn lợi thực sự vào ngân sách của Nhà nước?

Xin lưu ý Quốc hội và lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cần biết rằng diện tích lưu vực sông Cà Ty chưa đầy 800 km2 cho nên nguồn nước cho phát triển trong tương lai cần chuyển nước về từ hồ La Ngà 3 (350 triệu m3, đang được Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị đầu tư), vì thế khi nghiên cứu dự án hồ chứa nước Ka Pét phải kể đến sự có mặt của hồ La Ngà 3. Hồ La Ngà 3 có nhiệm vụ chính là tạo nguồn, để chuyển nước qua lưu vực của sông Cà Ty về hồ Ka Pét.

Khu vực dự kiến chặn dòng tại sông Bà Bích để tích trữ nước. Ảnh: Người Lao Động

Hồ Ka Pét làm nhiệm vụ bổ sung nước cho các khu vực hưởng lợi của các hệ thống hồ đã xây dựng, như hồ sông Móng, Ba Bàu… cho nên việc quan trọng là phải rà soát lại thực tế vận hành sử dụng nước hiện nay và tương lai của các hệ thống này. Ngày nay, sản xuất đã thay đổi theo hướng thích nghi (không tưới lúa nhiều như ban đầu) đồng thời các công nghệ tưới tiết kiệm đã làm giảm nhu cầu dùng nước. Một khi xác định được chính xác lượng nước cần bổ sung thì mới xét đến các giải pháp bổ sung nước.

Nếu nhu cầu bổ sung nước là chính xác thì cần cân nhắc giữa việc xây dựng hồ Ka Pét hay sử dụng dung tích của hồ La Ngà 3 (vẫn còn kịp điều chỉnh dự án này), khi đó chỉ cần tuyến ống vài chục km là có thể chuyển nước hồ La Ngà 3 sang đầu nguồn sông Bà Bích mà không cần hồ trung gian.

Nếu cương quyết làm hồ Ka Pét coi như chủ trương đã rồi, thì có thể chia các giai đoạn để đầu tư. Nếu sau này khi có hồ La Ngà 3 tiếp nước sang hồ Ka Pét hoặc có giải pháp công trình tưới trực tiếp cho khu tưới hồ Ka Pét thì có thể giảm quy mô hồ để ảnh hưởng ít nhất đến môi trường do phá rừng tự nhiên. Hội đồng đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là rất quan trọng khi thẩm định hiệu ích của công trình này.

Lời kết

Cuộc sống của người dân Nam Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận đa phần là dân nghèo, đất đai chịu khô hạn thường xuyên, rất cần nguồn nước. Vấn đề là khi làm công trình tạo nguồn nước làm sao phải cân đối hài hoà giữa đảm bảo lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (của dự án hồ chứa nước Ka Pét) cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt sớm. Nếu công tâm thì phải mời nhóm chuyên gia độc lập có trình độ chuyên môn, am hiểu thực tế và bản lĩnh tham gia cùng Hội đồng hoặc mời họ phản biện rà soát đánh giá lại về việc xây dựng hồ Ka Pét coi như đối chứng để yên lòng dân.

Theo tôi, những vấn đề cần rà soát cụ thể, gồm:

- Nhu cầu dùng nước thực tế cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cấp nước sinh hoạt; 

- Các giải pháp phi công trình, chuyển đổi theo hướng thích nghi tối đa có thể, để tránh việc phá rừng tự nhiên.

- Các giải pháp cấp nước, trong đó có phương án xây dựng hồ Ka Pét.

- Phân tích lựa chọn giải pháp tốt nhất; việc phân tích cần khách quan và tường minh trong kiểm đếm các “lợi ích” và “tác động”.

T.V.T.

____________

[1] https://tuoitre.vn/ho-thuy-loi-3-000-ti-khong-co-vung-tuoi-20210415083040855.htm; https://laodong.vn/ban-doc/nghich-ly-hang-ngan-ho-dan-thieu-nuoc-tuoi-ben-ho-thuy-loi-cho-vung-tuoi-1036089.ldo.

[2] https://baonghean.vn/ban-mong-dai-du-an-chua-hen-ngay-ve-dich-post262255.html; https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=56385

Nguồn: Người Đô thị

 

This entry was posted in Bảo vệ môi trường, Bảo vệ rừng, Phá rừng, Tô Văn Trường. Bookmark the permalink.