Việt Nam và Mỹ trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện

Nguyễn Quang Dy

Không có bạn thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn (Lord Palmerston)

Xét về cả kinh tế và chiến lược, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác chủ chốt trong bàn cờ nước lớn mà Việt Nam phải cân bằng. Tuy Việt Nam xích lại gần Mỹ “nhưng không quá gần”, và xích ra xa Trung Quốc “nhưng không quá xa”. Đó chính là bản chất “Ngoại giao Cây tre”, để giữ cân bằng trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và đấu tranh nội bộ.  

Hôm nay, Tổng thống Joe Biden đến thăm Hà Nội theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là một chuyến thăm đặc biệt, đánh dấu quan hệ Việt-Mỹ bước sang một giai đoạn phát triển mới khi hai nước cựu thù trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Đó là quá trình phát triển tuy khó khăn nhưng là tất yếu và có lợi cho cả hai bên.

Quá trình đó đã bị trì hoãn quá lâu như một bi kịch kéo dài chủ yếu vì “yếu tố Trung Quốc”. Nhưng đã đến lúc hai bên phải xúc tiến “ngay lúc này hoặc không bao giờ”. Trước bối cảnh mới, nếu tiếp tục trì hoãn sẽ để mất cơ hội lần nữa. Nói cách khác, Việt Nam và Mỹ đang “trở về tương lai” khi hai nước có đoạn kết vui vẻ (happy ending).

 Nhìn lại lịch sử

Mười năm trước, khi Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Mỹ (23-26/7/2013) để thiết lập Đối tác Toàn diện, ông đã chuyển cho Tổng thống Barack Obama 11 bức thư và điện mà Chủ tịch H Chí Minh đã gửi Tổng thống Harry Truman và Ngoại trưởng James Byrnes năm 1945-1946. Nếu được đáp ứng tích cực, có lẽ lịch sử đã rẽ theo lối khác.

Trên báo Washington Post ngày 25/7/2013, Chủ tịch Trương Tấn Sang nói “Hôm nay, khi tôi tới thăm đất nước và người dân Mỹ, chúng ta hãy cùng chia sẻ niềm vui khi mong ước của Chủ tịch Hồ Chi Minh về quan hệ hợp tác đầy đủ giữa Viêt Nam và Mỹ bảy thập kỷ trước đã trở thành hiện thực”. Đó cũng là mong ước của ông Phạm Xuân Ẩn.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho Mặt trận Dân tộc được lập năm 1941 là “Viêt Minh” (Viêt Nam Độc lập Đồng minh). Việt Minh cộng tác với phe Đồng minh để chống phát xít Nhật. Tháng 3/1945, Hồ Chí Minh đã tới Côn Minh để liên lạc với Charles Fenn (GBT) và tướng Clare Chenault (Tư lệnh không đoàn 14 “Cọp bay”). (Ho Chi Minh: A Biographical Introduction, Charles Fenn, Studio Vesta, 1973).

Sau đó, Hồ Chí Minh đã gặp và cộng tác với Archimedes Parti (OSS). Tháng 7/1945, OSS đã điều nhóm “Con Nai” của Allison Thomas tới Viêt Bắc để huấn luyện bộ đội Việt Minh. Họ đã huấn luyện trung đội đầu tiên do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy để chống Nhật ở Thái Nguyên. Trung đội đó được cụ Hồ đặt tên là “bộ đội Việt-Mỹ” (8/1945).

Viêt Nam và Mỹ lẽ ra đã trở thành đối tác chiến lược từ lâu. Nhưng bối cảnh lúc đó đã xô đẩy hai nước vào “một cuộc chiến tranh sai lầm, vào một thời điểm sai lầm, tại một địa điểm sai lầm, chống một kẻ thù sai” (tướng Omar Bradley, 1951). Sau cuộc Chiến tranh Việt Nam đầy bi kịch, hai nước đã để lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ (1977-1978).

Sau đó, Việt Nam bị xô đẩy vào “Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba” hay Brother Enemy (Nayan Chanda, 1986). Quan hệ Việt-Mỹ đã trải qua một chặng đường dài, nhưng còn “quá chậm và quá ít” so với cơ hội đã mất và lợi ích chiến lược hiện nay. Vì vậy, chuyến thăm lịch sử của TBT Nguyễn Phú Trọng (6-10/7/2015) đánh dấu “một bước ngoặt”. (TBT Trọng đi Mỹ: Chuyến đi mở cục diện mới, Alexander Vuving, BBC, 5/7/2015).

Trở về tương lai

Năm nay, ngoài đoàn Quốc hội Mỹ và đoàn doanh nghiệp Mỹ gồm 50 công ty lớn do USAB tổ chức, nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã tới thăm Việt Nam, như Đại diện Thương mại Catherine Tai, Giám đốc CDC Rochelle Walensky, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power, Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas Vilsack, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Sau chuyến thăm của của Ngoại trưởng Antony Blinken (14-16/4/2023), Trưởng ban Đối Ngoại Lê Hoài Trung đã sang thăm Mỹ (28/6-2/7/2023). Sau đó, ông Kurt Campbell (Phụ trách Indo-Pacific tại NSC) đã lặng lẽ tới thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 7/2023 để chuẩn bị cho chuyến thăm của của Tổng thống Biden (10-11/9/2023).

Trong cuộc điện đàm với TBT Nguyễn Phú Trọng (29/3), Tổng thống Biden khẳng định “Việt Nam là một đối tác quan trọng và Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập, và thịnh vượng”. Khi TBT Nguyễn Phú Trọng gặp Ngoại trưởng Antony Blinken tại Hà Nội, ông nói “quan hệ song phương cần được nâng lên mức cao hơn”.

Ngoại trưởng Antony Blinken nói tại Hà Nội (15/4) “quan hệ sẽ được nâng lên trong những tuần hay tháng tới”. Nói cách khác, Việt Nam và Mỹ sẵn sàng “trở về tương lai” sau nhiều năm trì hoãn vì “lý do nhạy cảm”. Nay “yếu tố Trung Quốc” được hóa giải một phần sau chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng (31/10-1/11/2022).

Khi tới bang New Mexico để tranh cử, Tổng thống Biden nói (8/8) “Tôi sẽ sớm đi thăm Việt Nam, vì Việt Nam muốn thay đổi quan hệ với chúng ta như một đối tác chủ chốt”. Trước đó (28/7), Tổng thống Biden nói “người đứng đầu Việt Nam rất muốn gặp tôi” để trao đổi về việc “nâng cấp quan hệ lên mức cao hơn như Nga và Trung Quốc”.

Tuy báo chí trong nước không đưa tin về động thái này vì “lý do nhạy cảm”, nhưng báo chí quốc tế đã đưa tin Tổng thống Biden sẽ tới New Delhi để dự họp Cấp cao G-20 (9-10/9/2023), sau đó sẽ sang thăm Việt Nam (10-11/9/2023). Có lẽ đó là lý do Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đi Jakarta để dự cuộc họp Cấp cao ASEAN (5-7/9/2023).

Bước ngoặt mới

Theo Kurt Campbell, Việt Nam là “một quốc gia đảo chiều tại Indo-Pacific, vì có vị trí chiến lược, có vai trò ngày càng lớn về địa chính trị và địa kinh tế, phản đối mạnh mẽ thái độ quyết đoán trên biển của Trung Quốc”. Vì vậy, Phó Tổng thống Kamala Harris đến thăm Việt Nam (24-25/8/2021) đã đề xuất đối tác chiến lược (Vietnam’s Relations with the United States: Time For an Upgrade, Phan Xuan Dung, Fulcrum, 12 January, 2023).

Vấn đề nhân quyền nay phải nhường bước cho lợi ích chiến lược được hai bên chia sẻ. Hậu quả chiến tranh nay đang được phía Mỹ tích cực giải quyết. Hai nước nay đang cộng tác chặt chẽ về kinh tế và khai thác tài nguyên (như “đất hiếm”). Tuy nhiên, những người có đầu óc bảo thủ ở Việt Nam vẫn còn lo ngại về khả năng “diễn biến hòa bình”.

Họ lo ngại Mỹ vẫn âm mưu “diễn biến hòa bình” và ủng hộ nhân quyền, nên việc nâng cấp quan hệ lên mức cao hơn có thể mở cửa cho Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Đó cũng chính là điều mà Bắc Kinh muốn tuyên truyền vì muốn gạt Mỹ ra khỏi khu vực để họ có thể kiểm soát Biển Đông và giữ Việt Nam trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Sẽ là hợp lý khi Việt Nam muốn trở thành đối tác chiến lược với cả năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm Mỹ. Nhưng là nghịch lý khi Việt Nam và Mỹ có quan hệ đối tác vào loại thấp nhất so với các nước khác. Đối tác chiến lược với Mỹ phù hợp với chủ trương của Hà Nội là “độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa”.

Những người bảo thủ rất nhạy cảm với phản ứng của Trung Quốc dùng lá bài “diễn biến hòa bình” để gạt Mỹ khỏi khu vực, nên họ dễ mắc bẫy trung Quốc. Lo ngại này vẫn còn, nhưng đã giảm thiểu sau khi TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc. Đối tác chiến lược với Mỹ không chỉ trượng trưng mà còn là thực chất của “ngoại giao cây tre”.

Việt Nam vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và theo đuổi chủ trương “bốn không”, nên Trung Quốc có thể tin Việt Nam trung lập và chấp nhận Việt Nam có thể hợp tác quân sự với một số nước khác, kể cả Mỹ. Vì vậy, Mỹ đã cam kết tôn trọng hệ thống chính trị của Hà Nội, và ủng hộ nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng”.

Xoay trục lần nữa

Không phải bây giờ Mỹ mới xoay trục. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Kurt Campbell đã đề xướng “xoay trục sang Châu Á” (Asia Pivot), sau đó gọi là “tái cân bằng” (rebalance). Đáng tiếc là Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi TPP ngay sau khi cầm quyền. Đó là một sai lầm lớn làm Trung Quốc chiếm ưu thế ở khu vực.

Nay với vai trò phụ trách khu vực rộng lớn hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chắc ông Kurt Campbell sẽ rút kinh nghiệm. Muốn xoay trục hiệu quả và bền vững, Mỹ phải giúp các nước đối tác ở khu vực lớn mạnh về cả kinh tế lẫn an ninh để đối phó với Trung Quốc. Về lâu dài, Mỹ không thể làm mãi vai trò sen đầm trong khu vực.

Nay Mỹ ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam trong khu vực. Tổng thống Biden quyết định đến thăm Việt Nam mà không đến dự họp Cấp cao ASEAN là một minh chứng rõ ràng. Nâng cấp quan hệ Viêt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện còn có hàm ý Mỹ sẽ giúp Viêt Nam phát triển công nghệ cao, đặc biệt là chất bán dẫn (semiconductor).

Lãnh đạo hai nước sẽ tìm cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, tập trung vào công nghệ cao và đổi mới nhằm giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và tham gia vào kế hoạch của Mỹ để “chuyển sản xuất đến các nước bạn bè” (friendshoring) nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực.

Theo giới quan sát, việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện là một nước cờ khá bất ngờ của Việt Nam lâu nay rất thận trọng. Nâng cấp “nhảy cóc” quan hệ lên hai bậc có thể làm Trung Quốc phản ứng. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn là vũ khí răn đe hiệu quả nhất nhằm gây sức ép để Việt Nam không xích lại quá gần Mỹ.

Nói cách khác, “yếu tố Trung Quốc” vừa thúc đẩy vừa kìm hãm việc tăng cường quan hệ với Mỹ. Gần đây, những hành động đáng lo ngại của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Việt Nam và các nước khu vực tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ. Trong khi đó, Mỹ cam kết ủng hộ một nước Việt Nam “mạnh mẽ, thịnh vượng, kiên cường và độc lập”.

Đối tác chiến lược toàn diện

Nay chính quyền Biden “sẵn sàng hợp tác với các nước có chế độ chuyên chế tuy không có thể chế dân chủ nhưng ủng hộ một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”. Việt Nam là một nước như vậy. Washington muốn giảm thiểu khác biệt với Hà Nội để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược. Vì vậy, Việt Nam đang có cơ hội rất tốt để hợp tác với Mỹ.

Ngày 28/8, Nhà trắng thông báo rằng Tổng thống Biden sẽ đi thăm Việt Nam vào ngày 10/9 (Statement by Press Secretary Karine Jean-Pierre on President Biden’s Travel to Vietnam, the White House, August 28, 2023). Ngày 29/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng thông báo như vậy, tuy tránh nhắc đến nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.

Theo Lê Hồng Hiệp (ISEAS), Việt Nam và Mỹ có lợi ích chiến lược khi nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, nhưng “điều đó không phải điều chỉnh lớn về chính sách đối ngoại của Hà Nội”. Việt Nam sẵn sàng đón Chủ tịch Tập Cận Bình vào dịp này, chứng tỏ “Hà Nội có chính sách đối ngoại độc lập để cân bằng với các nước lớn”.

Vì vậy, “ít có khả năng Trung Quốc sẽ trừng phạt mạnh Việt Nam” vì nâng cấp quan hệ với Mỹ “chỉ là tuyên bố chính trị chứ không phải là liên minh quân sự”. Bắc Kinh hiểu rằng “phản ứng mạnh quá sẽ xô đẩy Hà Nội gần hơn với Washington”. Lợi ích của đối tác chiến lược với Mỹ sẽ “có lợi nhiều hơn là có hại” (Why Hanoi May Agree to a Vietnam-US Comprehensive Strategic Partnership, Le Hong Hiep, Fulcrum, 28 August 2023).

Xét về cả kinh tế và chiến lược, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác chủ chốt trong bàn cờ nước lớn mà Việt Nam phải cân bằng. Tuy Việt Nam xích lại gần Mỹ “nhưng không quá gần”, và xích ra xa Trung Quốc “nhưng không quá xa”. Đó chính là bản chất “Ngoại giao Cây tre”, để giữ cân bằng trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và đấu tranh nội bộ.

Quan hệ Việt-Mỹ đã trải qua một chặng đường dài, từ thù địch trở thành bạn, và tiếp theo là đối tác chiến lược, tuy bị trì hoãn vì “yếu tố Trung Quốc”. Derek Grossman (RAND) lập luận rằng Kamala Harris “đã mở đường cho Joe Biden triển khai đối tác chiến lược”. Alexander Vuving (APCSS) cho rằng “ngoại giao cây tre đang được thử thách”.

Lời cuối

Việt Nam và Mỹ đang trở thành đối tác chiến lược toàn diện như “trở về tương lai”. Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là cơ hội tốt không chỉ để Việt Nam tăng cường liên kết ngoại giao và kinh tế mà còn để mở rộng hợp tác an ninh và quốc phòng với Mỹ và các nước khác, vì lợi ích song phương cũng như vì an ninh và ổn định của khu vực.

Theo AFP (10/8/2023) Tổng thống Joe Biden nhận xét tại Salt Lake city (bang Utah) “Trung Quốc là quả bom nổ chậm” (timed bomb), còn ngân hàng Well Fargo cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể “hạ cánh cứng” (hard landing). Theo quy luật, Trung Quốc suy yếu là cơ hội để các nước khu vực điều chỉnh quan hệ và tìm cách “thoát Trung”.

Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ thúc đẩy Việt Nam nâng cấp quan hệ với Úc và Singapore lên đối tác chiến lược toàn diện. Theo Lê Hồng Hiệp, đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ còn hàm ý là Mỹ thừa nhận vai trò lãnh đạo của ĐCSVN ở Việt Nam, và thực sự tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam. Điều đó giúp hai nước xây dựng lòng tin.

Tám năm trước tại Washington, trong tiệc chiêu đãi TBT Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Joe Biden lẩy Kiều: “Trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Tám năm sau tại Hà Nội, trong tiệc chiêu đãi Tổng thống Joe Biden, TBT Nguyễn Phú Trọng có thể “lẩy Kiều” như một điềm lành cho đối tác chiến lược toàn diện.

Tham khảo thêm

1. Biden to sign strategic partnership deal with Vietnam in latest bid to counter China in the region, Phelim Kine, Politico, August18, 2023

2. Statement by Press Secretary Karine Jean-Pierre on President Biden’s Travel to Vietnam, the White House, August 28, 2023

3. Why Hanoi May Agree to a Vietnam-US Comprehensive Strategic Partnership, Le Hong Hiep, Fulcrum, 28 August 2023

4. Biden to visit Vietnam next month as Washington seeks closer ties, Reuters, August 29, 2023

5. Bidens Trip to Vietnam Highlights Two-Way Partnership, Andrew Wells-Dang, Ph.D., US Institute of Peace, September 7, 2023

6. Chinas Road to Ruin: The Real Toll of Beijing’s Belt and Road, Michael Bennon and Francis Fukuyama, Foreign Affairs, September/October 2023

N.Q.D.

10/9/2023

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ. Bookmark the permalink.