Văn hoá là gì?

Khuất Thu Hồng

Rất hoan nghênh việc đầu tư cho chấn hưng văn hoá và xây dựng con người …

Nhưng tôi sẽ phản đối đến cùng nếu đem số tiền đó để xây những tượng đài vô duyên hay bảo tàng nhem nhuốc hoặc tổ chức các lễ hội sặc mùi thương mại và hoàn toàn thiếu văn hoá như hiện nay. 

Đầu tư cho văn hoá là đầu tư xây dựng chương trình gíáo dục, dạy trẻ con “học ăn, học nói, học gói, học mở”, biết cách ứng xử văn minh, lịch sự, khiêm nhường mà không khúm núm, tự tin mà không tự mãn… Đầu tư dạy cho thầy cô giáo hành xử chuyên nghiệp, nói năng đúng mực, thái độ thân thiện với học sinh…

Đầu tư dạy cho người lớn đừng chen hàng khi lên máy bay hay vào thang máy, không nhổ bậy hay xả rác, không cười nói oang oang ở chốn đông người… 

Đầu tư cho các chương trình truyền hình, các bộ phim dạy người ta những bài học làm người tử tế theo cách thấm thía, sâu xa chứ không phải là những hình tượng bố chồng nhu nhược, hèn kém hay gia trưởng, tiểu nhân, không phải là mẹ chồng tai quái, càn rỡ hay con dâu cong cớn, vô hạnh, những cậu choai mất dạy, mở miệng là chửi thề… 

Đầu tư để dạy cho các quan ông biết ngồi đúng chỗ, đi đúng hàng, biết tìm dầu gội đầu chống gầu để gầu không rụng trắng vai áo comple, biết giữ vệ sinh răng miệng để khách quốc tế không phải ngoảnh đi hoặc cúi xuống vì không dám nhìn vào khuôn miệng với hàm răng khấp khểnh đen kịt của ông. Đầu tư dạy các quan bà biết cách chọn lễ phục sang trọng nhưng nền nã chứ không phải là áo dài hàng t bạc thêu đặc kim tuyến lóng lánh nhưng trông thì hết sức rẻ tiền… 

Đầu tư dạy cho công chức biết cách ứng xử đúng mực, chuyên nghiệp với người dân chứ không ăn nói chỏng lỏn, xách mé, cụt lủn… Dạy cho cả bảo vệ cơ quan công quyền biết cách chào hỏi, hướng dẫn khách đến làm việc chứ không hất hàm hoạnh hoẹ và hỏi trống không… 

Dạy cả công nhân dọn vệ sinh chọn giờ quét đường và thu rác vào những giờ vắng người và khi quét đường thì đừng văng chổi một cách đầy căm hờn vào người đi đường khiến cho sự trân trọng đối với người lao công vất vả chợt cũng rơi rụng theo làn bụi đang văng ra. 

Đầu tư để ai cũng biết phận sự, trách nhiệm của mình như một bộ phận hữu cơ trong xã hội và hành xử phù hợp. Đầu tư để những người bán hàng không bắt chẹt khách nước ngoài hoặc khách từ nơi khác đến, không nói thách và đốt vía, chửi đổng khi khách ra giá không như mong muốn… 

Văn hoá phải bắt đầu từ những thứ nhỏ bé như vậy. Nhỏ bé nhưng là cốt lõi của cốt cách con người. Con người thiếu văn hoá không làm nên văn hoá. 

Để có con người văn hoá như vậy nếu đầu tư 3,5 triệu tỷ đồng tôi cũng tán thành. Nhưng nếu đầu tư để làm bánh chưng bánh dầy nặng hàng tấn hay xây những tượng đài to oành mà xấu xí thì một đồng tôi cũng phản đối.

K.T.H.

Nguồn: FB Khuat Thu Hong

Đọc thêm: 

Cần giáo dục và luật pháp, chứ không phải 350 ngàn t

Thái Vũ

Đọc bài viết của TS Khuất Thu Hồng về đề xuất đầu tư 350.000 t đồng để chấn hưng phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt. Có những đoạn thực và chi tiết đến mức tôi bật cười thành tiếng.

 Do không quen với thủ tục giấy tờ hoặc do cản trở ngôn ngữ nên nhiều bà con thường nhờ tôi giúp họ tới các nơi mà theo lẽ thường, ta sẽ nghĩ là rất dễ có sự quan liêu hách dịch hay tỏ ra uy quyền. Vì đó là những nơi tạm nói là ta tới “xin” và mong họ “ban phát”, một cơ chế “xin-cho”. 

Ví dụ Sở An sinh Xã hội (SSA), Di trú và Nhập tịch (USCIS), các nơi enrollment duyệt trợ cấp thực phẩm, nhà cửa, điện nước, bảo hiểm y tế, ADRC – cơ quan xét duyệt để chu cấp tài chính và các dịch vụ cho việc chăm sóc và trợ giúp người già, người khuyết tật…

Nhưng không, không hề có một cái gì là quan liêu hay hách dịch cả. Mà chỉ có sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, lịch sự hoặc thân thiện dù máy móc hay chân thành. Đi xin mà cứ được cảm ơn, xin lỗi, xin phép liên tục từ người cho.

Mới đầu, thì tôi phục lăn vì nghĩ rằng, đó là văn hóa, là cung cách đối xử nhân văn, tử tế của một xã hội nề nếp, có giáo dục về lòng nhân ái từ bé.

Nhưng sau này thì tôi nghiệm ra, đó chỉ là một vế. Còn một vế nữa là pháp luật. Có những đạo luật, quy định, buộc họ phải luôn hành xử tôn trọng tất cả mọi người dân như vậy.

Các lợi ích an sinh xã hội không phải là sự ban phát từ thiện hay ai cho ai. Đó là quyền lợi người dân được quyền đòi hỏi và thụ hưởng nếu hợp lệ đủ tư cách, tiêu chuẩn (eligibility).

Tới đây, tôi xin viết lại, không phải là “cơ chế xin cho” mà là một quy trình “Yêu cầu – Chấp thuận” (Apply – Approval).

Bị từ chối bất kỳ cái gì, người dân có quyền được biết lý do. Và nếu họ không thỏa mãn với lý do đó, không bằng lòng với quyết định gì của các cơ quan nói trên, hay cảm thấy bị đối xử không đúng, bị phân biệt… thì họ có quyền tố cáo (report) hoặc khiếu nại (appeal) ra tòa. Có nhiều dạng tòa như thế, ví dụ Fair Hearings hay các hội đồng, phòng ban xem xét khiếu nại.

Số tiền 350.000 t nghe nói là để xây dựng nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, trung tâm nghệ thuật, tượng đài (lại tượng đài) … nghe sao thấy hão huyền và lãng nhách.

Giáo dục và luật pháp. That’s all.

09.09.2023

(Tựa bài do Thụy My đặt)

This entry was posted in Giáo dục, văn hoá. Bookmark the permalink.