Trường Sơn
08.09.2023
Để sản xuất nhôm oxit (alumina) từ quặng bauxite cần tiêu hao không ít nước sạch – một tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt ở Tây Nguyên.
“Bình Thuận có 3 chữ kh đó là “khô, khó và khổ”. Do vậy nước là vấn đề lớn trong sự phát triển của tỉnh Bình Thuận”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, nhiệt tình ủng hộ dự án hồ thủy lợi Ka Pét. Ông nói: “Tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên xảy ra, với mức độ hạn hán, khô hạn ngày càng khốc liệt, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cũng như là sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Như nhận xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi nói về Bình Thuận có 3 chữ kh đó là “khô, khó và khổ”. Do vậy nước là vấn đề lớn trong sự phát triển của tỉnh Bình Thuận”.
Khi thay mặt Chính phủ đề nghị lại Quốc hội tăng vốn cho dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận ngày 30-5-2023 đã chậm tiến độ 3 năm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã viện dẫn đến cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
“Tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí Đỗ Mười rằng Ninh Thuận có 3 vấn đề, đó là nước, nước và nước”, ông thuyết phục Quốc hội nâng vốn cho dự án Ka Pét đã được thông qua năm 2019 nhưng chậm tiến độ vì mấy năm dịch bệnh ở tỉnh Bình Thuận, nơi cũng gặp tình trạng hạn hán quanh năm như tỉnh lân cận Ninh Thuận, địa phương ông từng giữ chức Bí thư.
An ninh nguồn nước
“Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất để giảm thất thoát, lãng phí; tăng cường thực hiện các biện pháp sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả.
Triển khai các giải pháp công nghệ lọc nước biển, bổ sung nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp tại các vùng khan hiếm nước, xâm nhập mặn” – trích Kết luận số 36-KL/TW ngày 23-6-2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước đó, tại văn bản số 167/2007 ngày 1-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến 2025”, ghi rõ: Từ nay tới năm 2015, Tây Nguyên sẽ xây dựng 6 nhà máy Alumina để sản xuất 6 đến 8,5 triệu tấn alumina, 1 nhà máy điện phân nhôm, 1 đường sắt khổ đơn dài 270 km nối Đắk Nông với Bình Thuận và một cảng biển chuyên dụng công suất 10 đến 15 triệu tấn cũng tại Bình Thuận.
Về lý thuyết, để luyện nhôm oxit (alumina) cần tiêu hao không ít nước sạch – một tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt ở Tây Nguyên.
Về lý thuyết quản trị trong ngành luyện kim, thì để đi tới quyết định có sản xuất nhôm hay không, cần đáp ứng thỏa đáng những điều kiện sau đây – xếp theo thứ tự quan trọng của các yếu tố: Có nguồn điện dồi dào – Có nguồn nước dồi dào – Nơi khai thác có vị trí và địa thế hoang vắng thuận lợi cho giải quyết thỏa đáng vấn đề bảo vệ môi trường (nước thải và bùn đỏ) – Có khả năng giảm xuống mức thấp nhất chi phí vận tải – Có trữ lượng bauxite dồi dào với hàm lượng cho phép đạt 4/2/1 (4 tấn quặng làm ra 2 tấn alumina rồi từ đó ra 1 tấn nhôm, nếu không giá thành sẽ quá đắt) – Có nguồn lao động rẻ.
Như vậy lợi thế của Tây Nguyên cho chuyện bauxite chỉ là “trữ lượng” và “lao động rẻ”.
Nếu Đảng thật sự quan tâm đến an ninh nguồn nước như nêu ở Kết luận số 36-KL/TW, thì cần tiến đến thu hẹp và đóng cửa các nhà máy luyện kim đang tiêu tốn quá nhiều nước ngọt – như nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về khát khao “nước – nước – nước”; và “khô, khó và khổ” như chia sẻ về 3 ‘kh’ của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.
Trong một diễn biến khác, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản đóng dấu “Hỏa tốc” đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng “xem xét – xử lý” về việc báo chí đã đăng ý kiến trái chiều về dự án hồ thủy lợi này của tỉnh Bình Thuận.
T.S.
VNTB gửi BVN