Ngày Độc lập

Huy Đức 

Tôi có đọc một bài viết trên trang Bauxite VN mấy năm trước của một Đại tá về hưu. Ông kể rằng, ông là Đại uý chỉ huy đội cận vệ cho phái đoàn Trần Huy Liệu vào Huế để nhận thoái vị từ vua Bảo Đại và từ nhiệm của Chính phủ Trần Trọng Kim. Trong cuộc đàm luận, cụ Trần Trọng Kim hỏi Trần Huy Liệu: Thật ra thì vì sao các anh cứ khăng khăng đòi hỏi giành chính quyền? Các anh có thật sự giành được độc lập cho dân tộc lúc này hay chỉ gây thêm chiến tranh khổ ải? Sẽ có bao nhiêu xương máu nhân dân phải đổ ra vì tranh giành quyền lực?

Cụ Trần Huy Liệu im lặng, nhưng viên Đại tá chính ủy của đoàn đã trả lời: Bao nhiêu xương máu cũng được miễn là chúng tôi giành được chính quyền!

Michael Hung

Bằng chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền vừa giữ được các thành tựu của nhạc phụ, Hào trưởng Dương Đình Nghệ, vừa chấm dứt “Nghìn Năm Bắc Thuộc”. 

Nền độc lập của Việt Nam, với tư cách là một nhà nước mang tính liên tục, bắt đầu từ Triều Ngô, năm 938 [hoặc 939]. Người Việt sau đó còn phải giành lại độc lập từ tay nhà Minh [Lê Lợi, thành công năm 1428], từ tay người Pháp [thành công năm 1954], dù năm 1945, có ít nhất hai lần tuyên bố độc lập. 

Ảnh: Một góc Lăng Ngô Quyền

Khác với những dịp 2-9 trước, năm nay, MXH thảo luận rất nhiều về Chiếu Thoái Vị ngày 25-8-1945 của Hoàng đế Bảo Đại. Nhân đấy, chúng ta biết thêm một Tuyên cáo Độc lập khác được Bảo Đại đọc vào ngày 11-3-1945, tuyên bố chấm dứt chế độ bảo hộ của Pháp trước Đại Nam.

Cũng như Tuyên ngôn 2-9, Tuyên cáo 11-3-1945, chỉ mới mang lại cho người Việt nền độc lập trên giấy [và trong hào khí của những người kháng chiến]. 

Rất ít người biết, trong khoảng từ 11-3 đến 30-8-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim đã làm rất nhiều việc để khẳng định nền độc lập. Một trong những thành tựu ấy là giáo dục, bộ sách giáo khoa mà chúng ta sử dụng liên tục suốt 78 năm qua, cho dù sau biết bao lần cải cách, vẫn chủ yếu trên nền tảng bộ sách giáo khoa của cụ Hoàng Xuân Hãn.

Rồi nhiều người Việt cũng sẽ tìm hiểu thêm, mãi tới 12-1946, “Toàn Quốc” mới kháng chiến [Nam Bộ kháng chiến từ 23-9-1945], trong khoảng thời gian từ tháng 8-1945 cho tới khi thực sự chiến tranh chống Pháp, vũ lực ở miền Bắc, chủ yếu, vẫn dùng cho xung đột đảng phái [giữa người Việt và người Việt].

Tại sao, mùng 2-9 năm nay, MXH lại nói nhiều hơn về “Chiếu Thoái Vị”? Sự thật là một khối đa diện. Như nguyên tắc của con lắc đơn, nếu cứ kéo về một bên, chỉ cần buông tay, “lực hấp dẫn” tích lũy càng cao để nó dao động đạt cực đại ở chiều ngược lại. Nếu nhà trường chỉ dạy một mặt, khi muốn “biết sử ta”, “dân ta” sẽ tự bổ sung sự hiểu biết của mình cho những phần còn lại.

H.Đ.

Nguồn: FB Trương Huy San

 

This entry was posted in Ngày Độc lập, Quốc khánh. Bookmark the permalink.