Xin đừng bắn sau lưng

Trần Trung Đạo

(Ảnh của tổ chức Human Rights Watch)

Chiếc cầu dùng để nối hai bờ, thường là sông, nhưng cùng lúc nói lên sự xa cách giữa hai bờ đang cần được nối. 

Trong thơ và nhạc, chiếc cầu nói lên những cách ngăn tình cảm nhưng nhiều khi cũng là một nơi hò hẹn của hai người.

Nhà thơ Hoài Khanh viết một bài thơ trong đó có hai câu thơ mà giới sinh viên miền Nam trước 1975 ai cũng ngâm nga khi nhớ về một ánh mắt, một nụ cười, một bàn tay ấm: “Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng, nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”. Tương tự, nhạc sĩ Phạm Duy khi sáng tác Hẹn hò cũng than trách “Số kiếp hay sao, không cho bắc cầu, thì xin sông nước sẽ cho gần nhau …”.

Trong ý nghĩa tích cực, hoài nghi là cần thiết. Hoài nghi thường được áp dụng trong các lãnh vực khoa học, chính trị học, luật pháp, v.v. như “Lợi ích của sự nghi ngờ” (Benefit of doubt) hay “Không tìm thấy một nghi ngờ hợp lý nào trước khi phán quyết một tội trạng” (Beyond a Reasonable Doubt). 

Trong bài này chỉ bàn về ý nghĩa tiêu cực của sự nghi ngờ.

Khác với trong thơ và nhạc, phong trào dân chủ Việt Nam nhiều năm nay đang bước trên chiếc cầu có cái tên thật buồn và thật dài: cầu hoài nghi.

Đối với một số anh chị em từng chịu đựng lao tù, đày ải nhiều năm trong nước và khi ra nước ngoài họ bước trên chiếc cầu hoài nghi mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: xa cách và xa lạ.

Người cựu tù không chỉ xa cách quê hương, thân thuộc mà khi vừa đặt chân lên xứ người họ còn cảm thấy xa lạ với cả những người yêu mến mình trước đó không lâu.

Người đấu tranh đang sống trong nước cũng vậy.

Họ không chỉ đấu tranh chống độc tài đảng trị bằng khả năng giới hạn và điều kiện chật hẹp của mình mà còn phải sống, phải thở không khí hoài nghi chung quanh những người cùng chiến tuyến. Viết với một văn phong nhẹ nhàng họ sẽ bị kết án “thỏa hiệp” hay “đội lốt dân chủ”, và viết với một văn phong quyết liệt họ sẽ bị kết án “viết thế mà không bị tù mới thật đáng nghi ngờ”.

Chiếc cầu hoài nghi từ đâu mà có?

Muốn biết chuyện CSVN, chắc phải đọc chuyện CSTQ trước.

Xây cầu hoài nghi là một trong những nhiệm vụ chính của bộ máy tuyên truyền CS vốn đã có từ thời Lenin.

Các lãnh đạo Trung Cộng từ Mao đến Tập đã từng bước hiện đại hóa việc xây cầu phù hợp với các tiến bộ kỹ thuật. Tập Cận Bình, gốc là một cán bộ tuyên truyền, chi ra một ngân sách lớn để lèo lái cộng đồng Hoa Kiều qua trung gian của đội quân dư luận viên có mặt tại Mỹ.

Như người viết đã phân tích trong bài “Đảng 50 Xu tại Trung Cộng”, hai trong số các nhiệm vụ chính của một dư luận viên Trung Cộng không phải tranh luận hơn thua mà (1) hướng dẫn dư luận phù hợp với chủ trương của đảng vào đúng thời điểm và (2) đáp ứng nhanh về một tin đồn để lèo lái nhận thức của người đọc, người nghe vào ý định của đảng trước khi người đọc hay người nghe có quan điểm riêng.

Theo tiến trình hình thành của cộng đồng người Hoa tại Mỹ, sau 1949 các cộng đồng người Mỹ gốc Hoa đều ủng hộ chính phủ Đài Loan. Tuy nhiên, dần dần bị đồng tiền mua chuộc và tuyên truyền lôi kéo, họ dần dần chuyển hướng sang ủng hộ Trung Cộng.

Về vật chất, trong một phóng sự điều tra của Bethany Allen-Ebrahimian đăng trên Foreign Affairs ngày 7 tháng 3, 2018, các sinh viên Trung Quốc tham dự các buổi đón tiếp Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm Mỹ của ông ta năm 2015 được trả tiền.

Về lý luận, các tòa đại sứ Trung Cộng tại Mỹ theo dõi chặt chẽ sinh viên gốc Hoa cũng như người Mỹ gốc Hoa không chỉ trong sinh hoạt đời sống mà cả nhận thức chính trị qua các dư luận viên làm việc dưới nhiều dạng tại Mỹ.

CSVN thì sao?

Dù quan hệ về mặt nhà nước và bang giao quốc tế giữa CSVN và CSTQ có khi ấm khi lạnh nhưng về mặt đảng thì không.

Dưới đây là nguyên văn báo cáo của Đoàn Hưng, thành viên thuộc phái đoàn Ban Tuyên Giáo Trung Ương CSVN sau chuyến viếng thăm và làm việc với Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17 tháng 12, 2018 và được đăng trên tạp chí Tuyên giáo:

“Tại các cuộc trao đổi và làm việc, hai bên đã chia sẻ nhận thức chung, trao đổi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu lý luận, học tập nghị quyết, công tác quản lý Đảng; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng, ý thức hệ của Đảng; phòng chống diễn biến hòa bình, cách mạng màu; kinh nghiệm thống nhất định hướng công tác báo chí truyền thông, phát triển các loại hình báo chí truyền thông mới, tăng cường tuyên truyền, thông tin, dư luận tích cực trên Internet, mạng xã hội”.

Hai cái miệng CSVN và CSTQ có lúc chửi nhau nhưng mạch máu đảng (quản lý), trái tim đảng (tổ chức), bộ não đảng (tư tưởng) vẫn giống nhau như những năm đầu thập niên 1930 khi Mao còn ở Diên An và đảng CSVN vừa thành lập.

Chưa có tài liệu chính thức nào về việc CSVN vận dụng người Việt hải ngoại, trả lương cho họ bằng cách nào hay số lượng dư luận viên của đảng đang hoạt động tại hải ngoại đông bao nhiêu. Tuy nhiên, chính sách tuyên truyền của CSVN vốn là cái khuôn thu nhỏ của bộ máy tuyên truyền Trung Cộng nên chắc chắn cách tổ chức không khác gì nhiều.

Nhưng không phải ai tung tin tiêu cực cũng là dư luận viên của đảng. Bịnh hoài nghi là bịnh của con người. Y học có một ngành riêng cho bịnh hoài nghi gọi là Obsessive-compulsive disorder (OCD).

Đừng nghĩ mình không bị bịnh. Người Việt ra đi hay ở lại đều vẫn còn mang trên lưng cả cuộc chiến với bao đau thương và ngộ nhận nên bịnh hoài nghi là một căn bịnh rất phổ biến của người Việt thời hậu chiến.

Bộ máy tuyên truyền CS chỉ xát muối vào vết thương tình cảm, đào sâu tính nghi kỵ sẵn có trong bịnh nhân. Căn bịnh hiểm nghèo sẽ trầm trọng thêm và nhanh chóng lây sang người khác, lây sang thế hệ khác.

Rất khó chữa trị tận gốc căn bịnh hoài nghi. Ngay cả chữa được thì thời gian chữa hết còn tùy thuộc vào trình độ văn hóa và nhận thức chính trị của mỗi bịnh nhân.

Tuy nhiên, trong giới hạn của phong trào dân chủ, có hai cách chung, đơn giản và căn bản mà ai cũng có thể làm được là (1) đừng vội tin vào các tin đồn mà (2) hãy tự tìm hiểu, học hỏi, phân tích, so sánh giữa các nguồn tin để từ đó rút ra một quan điểm độc lập cho mình.

Dù bao nhiêu điều tiêu cực đang diễn ra và trong cơn bão độc tài áp bức kéo dài mấy chục năm qua, những ngọn lau vẫn cố vươn mình lên.

Năm 2019 là một trong những năm phong trào dân chủ Việt Nam bị đàn áp khốc liệt nhất. 
Theo bản tin của trang mạng “Người Bảo vệ Nhân quyền” (
vietnamhumanrightsdefenders.net) chỉ “tuần thứ 48 từ ngày 25/11 đến 01/12/2019, Việt Nam kết án 9 người hoạt động với tổng mức án 48 năm tù”.

Hiện nay có ít nhất 240 người bị kết án nặng nề và một số khác chưa có thông tin.

CSVN tàn bạo hơn bao giờ hết nhưng không phải vì thế mà cuộc đấu tranh dừng lại.

Nhiều khuôn mặt trẻ bằng nhiều cách, đang cố đánh thức thế hệ họ, đồng bào họ đang chìm trong cơn mê dài. Những bản án dài hạn không làm họ chồn chân. Bởi vì, không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của dân tộc và không có bản án nào dài hơn sự chịu đựng của trên 90 triệu người dân suốt 48 năm qua.

Khát vọng tự do là khát vọng của con người.

Thật vậy. Một số lớn trong bốn triệu người dân Miến Điện tham gia cuộc biểu tình chống chế độ độc tài Ne Win ngày 8 tháng 8, 1988 chắc không biết và dù có biết cũng không quan tâm ông tổng thống Mỹ là ai, tên gì và thuộc đảng nào.

Những ngày đầu đẫm máu chưa có sự tham gia của bà Aung San Suu Kyi khoảng mười ngàn người biểu tình bị giết. Nhưng họ không chết trong cô đơn. Họ chết vì dân tộc Miến Điện và vì tương lai của Miến Điện. Họ chết để những cành Padauk vàng, quốc hoa của Miến, mãi mãi đẹp tươi trong mỗi độ xuân về.

Những Phạm Chí Dũng, Phạm Văn Điệp, Nguyễn Chí Vững, Trần Thanh Giang, hai anh em ruột Huỳnh Minh Tâm và Huỳnh Thị Tố Nga, Đoàn Viết Hoan, Võ Thường Trung, Ngô Xuân Thành, Nguyễn Đình Khuê hẳn không quá quan tâm đến những gì đang xảy ra trên thế giới. Họ là người Việt Nam và lo cho thân phận Việt Nam.

Ngoài Phạm Chí Dũng, có lẽ không bao nhiêu người Việt biết nhiều về chín người còn lại.

Vì thế, nếu không tiếp tay, không yểm trợ được những người bị bắt, bị tù thì cũng không nên vô tình phụ với bộ máy tuyên truyền của đảng CS để đánh gục những người tranh đấu khi họ vừa quỵ xuống.

Một ngọn lửa, một cục than, một bó củi nhỏ đều cần thiết.

Cách mạng dân chủ cho Việt Nam chỉ diễn ra ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế của Việt Nam chứ không diễn ra ở một nơi nào khác bên ngoài Việt Nam.

Khi trả lời một câu hỏi trong buổi giới thiệu Chính Luận ở Nam California đầu năm 2015, người viết có thưa:

“Cách mạng Việt Nam chỉ xảy ra tại Việt Nam chứ không phải xảy ra tại Little Sài Gòn này. Và nếu chúng ta làm được những gì để tạo chất xúc tác cho cuộc cách mạng dân chủ xảy ra tại Sài Gòn hãy cố gắng hết sức mà làm. Còn những người đang đấu tranh chống lại đảng CS là ai, chắc chúng ta không biết. Bây giờ nếu hỏi một anh đang đấu tranh trong nước, anh ta là ai, cha mẹ anh ta là ai, lý lịch của anh ta như thế nào, cuộc đời của anh ta ra sao, và nếu chúng ta cứ ngồi đó mà hỏi thì dòng nước vẫn trôi và đảng CS sẽ tiếp tục cai trị. Cách duy nhất chúng ta có thể làm được là yểm trợ cho các phong trào có khả năng bào mòn chế độ CS, có khả năng đập đổ chế độ CS. Họ thật hay giả, lịch sử sẽ trả lời. Không ai thoát khỏi ánh sáng mặt trời. Hành trình cứu nước là một hành trình hết sức gian nan thử thách, và thử thách đầu tiên là thử thách nơi bản thân mình. Ngày nào chúng ta không tin tưởng nơi bản thân mình ngày đó khó có thể tin tưởng nơi người khác”.

Viên đạn của kẻ thù bắn ngay trước ngực không đau bằng viên đạn của đồng bào bắn từ phía sau lưng. Xin đừng bắn sau lưng.

T.T.Đ.

Nguồn: FB Trần Trung Đạo

 

This entry was posted in Phản biện xã hội, Phong trào đấu tranh dân chủ. Bookmark the permalink.