Vì sao nhân sĩ, trí thức đòi hủy bỏ ngay một nghị quyết của Quốc hội VN về ‘tách- nhập’ các địa phương?

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London

2023.08.14

Các tòa nhà cao tầng ở trung tâm TPHCM nhìn từ bên kia sông Sài Gòn (ảnh minh họa)AFP

Một thư ngỏ tập thể yêu cầu bãi bỏ một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam và các văn bản Nhà nước liên quan chủ trương nhập, tách các đơn vị hành chính gây tranh cãi và bị cho là ‘gây đảo lộn xã hội’ và ‘lãng phí’ công sức và tiền bạc của người dân, đồng thời có thể ‘để lại những hậu quả tiêu cực’ lâu dài tại Việt Nam được một nhóm nhân sĩ, trí thức và quần chúng ký tên và công bố trên mạng hôm 13/8/2023. 

Văn kiện có chữ ký của bảy tổ chức xã hội dân sự độc lập gồm ‘Lập Quyền Dân’ đại diện bởi ông Nguyễn Khắc Mai, Diễn đàn Xã hội Dân sự, đại diện bởi Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Ban vận động Văn đoàn Độc lập, Đại diện bởi PGS Tiến sĩ Hoàng Dũng, Bauxite Việt Nam, Đại diện bởi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, Đại diện bởi Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại diện bởi Giáo sư Nguyễn Đình Cống và Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Đại diện bởi ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, cùng nhiều nhân sĩ, trí thức và thành viên công chúng. Thư ngỏ đặt vấn đề rằng kể từ sau 1975 đến nay Nhà nước cộng sản Việt Nam đã có 10 đợt sáp nhập, chia tách các tỉnh, thành; tới thời điểm hiện tại cả nước có 63 tỉnh thành.

Nay theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết 35/2023/UBTVQH 15 ngày 17/2/2023, sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số cao, khó khăn về quỹ đất. Việc sáp nhập tỉnh sẽ được tiến hành từ năm 2026. Dự luật gây ra rất nhiều băn khoăn trong dân chúng. Văn kiện ngỏ này có đoạn:

“Có những vụ nhập – tách không biết để làm gì, như quận Thủ Đức tách thành thành phố Thủ Đức trong thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Trước 1975, thành phố Sài Gòn (tiền thân của TPHCM) có quận Chín và quận Thủ Đức, sau 1975 nhập quận 9 vào quận Thủ Đức, sau đó tách quận Thủ Đức thành ba quận Thủ Đức, quận 2, quận 9. Gần đây nhập ba quận này lại thành thành phố Thủ Đức!!! Vụ sáp nhập tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Vĩnh Phúc vào Hà Nội cũng không biết để làm gì, dường như chỉ có mục đích Thủ đô phải lớn, GDP phải lớn, về hình thức phải đứng đầu cả nước, trong khi đó thủ đô của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới lại nhỏ hơn Hà Nội cũ rất nhiều. Thậm chí đã có những nghi ngờ về tác động của các “nhóm lợi ích đất đai” đến việc biểu quyết của Quốc hội về việc sáp nhập này”.

Dư luận càng hoang mang khi với Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH 15 thì tới đây, quận Hoàn Kiếm, một quận cổ ở Thủ đô Hà Nội cũng có thể nằm trong diện sáp nhập vì diện tích nhỏ. Việc này liên quan đến nguy cơ xóa bỏ một địa danh mang tính lịch sử gắn với truyền thống ngàn năm chống xâm lược phương Bắc giành và giữ vững nền độc lập, chủ quyền quốc gia. TPHCM cũng sẽ xóa sổ sáu quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận. Việc này liệu có tác động xấu tới kinh tế xã hội chính trị một thành phố lớn đã đóng góp 82% giá trị tổng sản lượng cho ngân sách quốc gia?”.

Rạp Chuông Vàng ở khu phố cổ Hà Nội (ảnh minh họa). AFP

Và văn kiện ngỏ này đưa ra bốn điểm kết luận, mà theo đó, thứ nhất, yêu cầu hủy bỏ nghị quyết 35/2023/UBTVQH 15 ngày 17/2/2023 và các văn bản nhà nước liên quan; thứ hai, để giảm biên chế, cách tốt nhất là định biên cán bộ theo quy mô dân số, kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông liên lạc với mức tinh giản tối đa bộ máy hành chính; thứ ba, giảm thiểu cán bộ các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc. Các đoàn thể chủ yếu hoạt động theo tinh thần tự nguyện, ngoài biên chế, không ăn lương Nhà nước; và thứ tư, nâng cao năng lực thực tế của cán bộ các cấp bằng chế độ tự do ứng cử, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp để chọn người có đức, có tài được nhân dân tín nhiệm.

Hôm thứ hai, 14/8, từ Hà Nội, một trong những người ký tên vào yêu cầu này, vừa trên tư cách đại diện một tổ chức xã hội dân sự độc lập vừa trên tư cách cá nhân, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể), nói với Đài Á Châu Tự Do về động thái văn kiện ngỏ này:

“Một trong những lý do mà họ nói là để tinh giản biên chế, giảm bớt chi phí cho ngân sách về bộ máy chẳng hạn, tôi nghĩ đây là một trong những điều mà chí ít những kinh nghiệm lịch sử trong mấy chục năm qua hoàn toàn phủ nhận lập luận hay lý do như vậy. Bởi vì càng nhập lại bộ máy càng ngày càng phình to. Vấn đề biên chế hay bộ máy không ăn nhập hay không liên quan gì lắm với chuyện sáp nhập hay không sáp nhập mà vấn đề ở đây cũng lại là vấn đề quản trị”.

Ngoài ra, vẫn theo ông Nguyễn Quang A, một quyết định sáp nhập đơn vị hành chính cũng liên quan đến vấn đề tự quản của địa phương như một cơ sở của việc ra quyết định chính sách, và ông nói với RFA Tiếng Việt:

“Chính quyền địa phương phải là chính quyền tự quản, tức là ngoài những điều của nhà nước và trung ương ra, chính quyền ở địa phương của tình nào là do người dân ở địa phương ấy phải bầu ra, họ phải được tự quản trong phạm vi của tỉnh họ. Như thế những chuyện tôi nói thí dụ như hoạt động về dân sự của địa phương đó, ngay cả chuyện có sáp nhập một xã ở trong tỉnh chẳng hạn, phải để cho quyền của trong tỉnh ấy quyết định. Nếu cần có giám sát của trung ương, thì chỉ cần một sự chấp thuận nếu việc ấy đụng đến chẳng hạn quốc phòng, vì xã ấy là xã sát biên giới chẳng hạn, nhưng chuyện thuộc quyền tự quản của địa phương, phải để cho địa phương tự quản làm”.

Trong một chia sẻ riêng, hoàn toàn độc lập với nhóm nhân sĩ, trí thức và không liên quan thư ngỏ ở trên, trên quan điểm cá nhân và từ góc độ một nhà quan sát độc lập từ trong nước, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), cùng ngày nói với RFA Tiếng Việt:

“Xét về góc độ ngân sách và về hiệu quả, tôi nghĩ rằng nhập một số đơn vị hành chính với nhau cũng có một số mặt tích cực, nhưng xét về một số mặt như văn hóa, lịch sử, về thói quen sinh hoạt, làm việc của người dân, nhiều khi nhập hay tách lại có vấn đề. Ví dụ như địa phương có truyền thống lịch sử, một khu vực đã có lịch sử lâu dài, nó cũng sẽ để lại những tâm tư và cũng có những điều làm cho bản sắc của khu vực đó có thể bị phai nhạt.

Tôi nghĩ những lo lắng của người dân hay của một số người có thể liên quan vấn đề đó hoặc là nhập một địa phương, một tỉnh, một huyện hay một xã nào đó mà vốn đã có bản sắc riêng, vào một địa phương khác, thì cũng có thể làm mất đi bản sắc của địa phương đó, làm mất đi tính lịch sử, làm nhạt nhòa những nét văn hóa, chẳng hạn, thì đó cũng là những vấn đề làm cho nhiều người quan ngại”.

Cuối cùng, vẫn theo nhà nghiên cứu xã hội học và phát triển xã hội này, đối với một số đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, vấn đề sáp nhập với diện tích lớn các địa phương, các đơn vị hành chính vào, cũng có thể gây ra vấn đề mà bà gọi là ‘siêu đô’, và gây ra một số vấn đề quá tải đô thị, các hệ quả khác như ô nhiễm môi trường, rủi ro ngập lụt, giao thông tắc nghẽn, dân số quá tải, đồng thời cũng có thể làm mất cân bằng với các vùng miền khác, khi tập trung quá nhiều nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, hạ tầng và kể cả nhân lực, trong đó có vấn đề di dân đô thị, là vài trong số nhiều vấn đề mà các đô thị ‘siêu lớn’ trên thế giới như Mexico City ở Mexico, hay ngay tại Đông Nam Á như Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines) hay Jakarta (Indonesia) đã phải rút ra những bài học mà đến tận nay nhiều vấn đề còn chưa giải quyết hết, riêng về khía cạnh này.

Q.P.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

*

Yêu cầu bãi bỏ nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 17/2/2023 của y ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản Nhà nước liên quan

Kể từ sau 1975 đến nay Nhà nước đã nhiều lần nhập, tách các đơn vị hành chính gây đảo lộn xã hội và lãng phí biết bao công sức và tiền bạc của nhân dân, để lại những hậu quả tiêu cực lâu dài. 

Tính từ năm 1975 đến nay đã có 10 đợt sáp nhập, chia tách các tỉnh, thành; tới thời điểm hiện tại cả nước có 63 tỉnh thành. Nay theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 17/2/2023, sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số cao, khó khăn về quỹ đất. Việc sáp nhập tỉnh sẽ được tiến hành từ năm 2026. Dự luật gây ra rất nhiều băn khoăn trong dân chúng. Có những vụ nhập – tách không biết để làm gì, như quận Thủ Đức tách thành thành phố Thủ Đức trong thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Trước 1975, thành phố Sài Gòn (tiền thân của TPHCM) có quận 9 và quận Thủ Đức, sau 1975 nhập quận 9 vào quận Thủ Đức, sau đó tách quận Thủ Đức thành ba quận Thủ Đức, quận 2, quận 9. Gần đây nhập ba quận này lại thành thành phố Thủ Đức!!! Vụ sáp nhập tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Vĩnh Phúc vào Hà Nội cũng không biết để làm gì, dường như chỉ có mục đích Thủ đô phải lớn, GDP phải lớn, về hình thức phải đứng đầu cả nước, trong khi đó thủ đô của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới lại nhỏ hơn Hà Nội cũ rất nhiều. Thậm chí đã có những nghi ngờ về tác động của các “nhóm lợi ích đất đai” đến việc biểu quyết của Quốc hội về việc sáp nhập này.

Dư luận càng hoang mang khi với Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 thì tới đây, quận Hoàn Kiếm, một quận cổ ở Thủ đô Hà Nội cũng có thể nằm trong diện sáp nhập vì diện tích nhỏ. Việc này liên quan đến nguy cơ xoá bỏ một địa danh mang tính lịch sử gắn với truyền thống ngàn năm chống xâm lược phương Bắc giành và giữ vững nền độc lập, chủ quyền quốc gia. TPHCM cũng sẽ xóa sổ sáu quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận. Việc này liệu có tác động xấu tới kinh tế xã hội chính trị một thành phố lớn đã đóng góp 82% giá trị tổng sản lượng cho ngân sách quốc gia? 

PHẢN BIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/2023/UBTVQH15 

1. Chỉ dựa vào qui mô diện tích, dân số để xác định tỉnh, thành, quận, huyện, phường, xã là không thuyết phục. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới, điển hình là Hoa Kỳ, không áp dụng tiêu chí này. 

2. Theo giải trình của những người có trách nhiệm thì việc sáp nhập lần này có mục đích là giảm bớt biên chế hành chính. Thực tế việc sáp nhập thời gian qua không hề làm giảm biên chế hành chính mà chỉ làm phình thêm, tạo ra bao nhiều hệ lụy không sao kể xiết: Toàn bộ giấy tờ phải thay đổi, con dấu thay đổi, gây khó khăn cho quản lý cũng như cho dân, một số cơ sở hạ tầng trực tiếp với dân như bệnh xá, văn phòng ủy ban… phải thay đổi, người dân phải đi xa hơn khi có công việc liên quan đến chính quyền. Sự thay đổi hành chính gây ra khoản chi phí quá lớn. 

3. Mỗi một địa danh đều gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hóa, đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Việc sáp nhập tạo nguy cơ xoá bỏ những địa danh thiêng liêng ấy. 

4. Số lượng và qui mô các tỉnh thành quận huyện phường xã hiện nay có những bất hợp lý, nhưng đã ổn định thời gian khá dài. Nghị quyết 35/2023/UBTVQH ngày 17/2/2023 khi triển khai sẽ dẫn đến xâm phạm và mất mát về đời sống tinh thần, xáo trộn về đời sống vật chất của nhân dân, gây rất nhiều khó khăn và hệ luỵ, tiền bạc công sức đổ ra vô cùng lớn, rõ ràng là lợi bất cập hại.

CHỈNH SỬA BỘ MÁY HÀNH CHÍNH CỒNG KỀNH KHÔNG HIỆU QUẢ

Việc bộ máy hành chính hoạt động cồng kềnh không hiệu quả có nhiều nguyên nhân sâu xa từ thể chế, cấu trúc bộ máy, cần có sự cải cách quyết liệt. Trước mắt cần làm ngay những việc cấp thiết như: 

1. Bãi bỏ chính sách lựa chọn người đưa vào bộ máy theo kiểu “hôn nhân cận huyết”, chỉ chọn “người của ta” (người của Đảng nhưng thực chất là của các nhóm lợi ích), người không bằng cấp làm “cán bộ nguồn”, sau đó đưa đi đào tạo. Hậu quả là hầu hết người trong bộ máy là những người có học lực bổ túc văn hóa và bằng tại chức, ngành tốt nghiệp chủ yếu là khoa học xã hội.

Thay vào đó, hãy công khai minh bạch tuyển chọn người có năng lực thực sự trong xã hội, không phân biệt lý lịch, trong hay ngoài Đảng. 

2. Tinh giản bộ máy bằng việc xem xét nhiệm vụ chức năng từng quận, huyện, phường, xã cụ thể; kiên quyết loại bỏ những chức danh không cần thiết. Mỗi cấp hành chính vừa chịu sự chỉ đạo của trung ương về các vấn đề lớn của quốc gia vừa có tính tự chủ tự quản của địa phương những vấn đề thuộc nội bộ địa phương.

KẾT LUẬN

1. Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 17/2/2023 và các văn bản nhà nước liên quan;

2. Để giảm biên chế, cách tốt nhất là định biên cán bộ theo quy mô dân số, kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông liên lạc với mức tinh giản tối đa bộ máy hành chính;

3. Giảm thiểu cán bộ các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc. Các đoàn thể chủ yếu hoạt động theo tinh thần tự nguyện, ngoài biên chế, không ăn lương Nhà nước;

4. Nâng cao năng lực thực tế của cán bộ các cấp bằng chế độ tự do ứng cử, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp để chọn người có đức, có tài được nhân dân tín nhiệm. 

Ngày 13 tháng 8 năm 2023

Các tổ chức và các cá nhân ký tên tham dự xin vui lòng gởi về paracelle19011974@gmail.com và xin ghi rõ tên họ tỉnh thành cư trú, chức danh nghề nghiệp (nếu có).

DANH SÁCH KÝ TÊN

A. CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ:

1. Lập Quyền Dân. Đại diện: Ông Nguyễn Khắc Mai

2. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự. Đại diện: Tiến sĩ Nguyễn Quang A

3. Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập. Đại diện: PGS Tiến sĩ Hoàng Dũng 

4. Bauxite VN. Đại diện: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi 

5. Câu Lạc Bộ Phan Tây Hồ. Đại diện: Tiến sĩ Hà Sĩ Phu 

6. Câu Lạc Bộ Nguyễn Trọng Vĩnh. Đại diện: Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống

7. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM

B. CÁC CÁ NHÂN:

1. Ông Nguyễn Khắc Mai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Minh Triết, Hà Nội

2. Ông Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Tin học, Hà Nội

3. Ông Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Ngữ Văn, Hà Nội

4. Lê Thân, nguyên Tổng giám đốc Công ty Riverside, CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

5. Nguyễn Đình Cống, Giáo sư Xây dựng, CLB Nguyễn Trọng Vĩnh, Hà Nội

6. Hà Sĩ Phu, Tiến sĩ Sinh Hóa, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt, Lâm Đồng

7. Nguyễn Viện, Nhà văn, Sài Gòn

8. Nguyễn Lương Thịnh, Công chức hưu trí, Thủ Đức, Sài Gòn

9. Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, CLB Nguyễn Trọng Vĩnh, Hà Nội

10. Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

11. Mạc Văn Trang, PGS Tiến sĩ Tâm lý học, CLB Nguyễn Trọng Vĩnh, TP HCM

12. Vũ Trọng Khải, PGS Tiến sĩ Chính sách Nông nghiệp, TP HCM

13. Hoàng Hưng, Nhà thơ, TP HCM

14. Bùi Nghệ, Kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

15. Daniel Thiều Thị Tân, CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

16. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo SGGP, CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

17. Trần Thế Việt, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Lâm Đồng, Đà Lạt

18. Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

19. André Menras Hồ Cương Quyết, Nhà giáo Pháp Việt, CLB Lê Hiếu Đằng, Paris, Pháp

20. Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM , CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

21. Bùi Minh Quốc, Nhà báo, Nhà thơ, Đà Lạt

22. Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ Hán Nôm, Hà Nội

Nguồn: Văn Việt

This entry was posted in Quản trị nhà nước, Quy hoạch đô thị. Bookmark the permalink.