Đọc vị lòng dạ của nhà độc tài? Chuyện không tưởng

Keren Yarhi-Milo  Laura Resnick Samotin

 Đinh Tỵ biên dịch 

Một người lính trước ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hồng Kông, tháng 6 năm 2019. Tyrone Siu / Reuters

Cho đến tận tuần lễ trước diễn biến, hầu hết mọi người đều gạt phắt chuyện Nga sẽ tấn công Ukraine. Mặc cho nội các Biden nhiều lần lên tiếng cảnh báo cùng nhiều bằng chứng rành rành cho thấy quân đội Nga tập trung đông đảo dọc biên giới Ukraine, không dễ nuốt trôi ý nghĩ tổng thống Nga Vladimir Putin quyết chinh phạt cho bằng được quốc gia lớn nhất Châu Âu này. “Ông ấy sẽ không đẩy căng thẳng dâng cao”, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố chắc nịch vào ngày 8 tháng 3 – chỉ trước cuộc xâm lược vỏn vẹn 16 ngày. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng không mấy tin vào sự thật này, với nhận định, vào cuối tháng Giêng, tổng thống Biden tuyên bố nếu sắp tới cuộc xâm lược diễn ra đơn giản sẽ là “thảm họa” cho Nga. Chính phủ Đức cũng đánh giá, Nga xua quân tấn công là điều không tưởng, đến nỗi trưởng cơ quan tình báo Đức bị kẹt tại Kyiv vào thời điểm Nga tràn quân sang Ukraine và phải nhờ nhân viên an ninh hộ tống di tản để thoát khỏi chảo lửa chiến tranh. 

Ngoài cuộc xâm lăng Ukraine ra, đây không phải là lần đầu các chuyên gia có những đánh giá sai lầm tai hại rằng một quốc gia sẽ không tấn công phủ đầu láng giềng mình. Năm 1973, các nhà hoạch định chính sách của Israel đã bác bỏ các báo cáo cho biết tổng thống Ai Cập Anwar Sadat trù tính tấn công bán đảo Sinai, với biện giải, lực lượng không quân Ai Cập không thế xuất kích vì nó được bố trí đằng sau chiến tuyến khá sâu. Năm 1979, tổng thống Jimmy Carter cười nhạo cảnh báo của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc có thể xâm lược Việt Nam bởi vì phát biểu của Đặng không phù hợp với thế giới quan của Carter. Và cho đến tận năm 1991 khi cuộc xâm lăng Kuwait của Iraq thật sự diễn ra, Hoa Kỳ tin tổng thống Saddam Hussein sẽ không làm thế, thậm chí các diễn biến trên thực địa cho thấy điều ngược lại.   

Có một lý do các chuyên gia đã không tiên đoán đúng các rủi ro bên ngoài. Một cách tiêu biểu, các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích quen dùng “mô hình tác nhân lý trí” trong việc thực hiện các dự báo và đúng như tên gọi của nó, mô hình này quả quyết như đinh đóng cột rằng giới hoạch định chính sách sẽ hành động theo lý tính. Mô hình này dự phóng các lãnh đạo sẽ theo đuổi các mục tiêu được xác định từ trước sau khi rà soát kỹ lưỡng mọi thông tin có sẵn và cân nhắc thiệt hơn giữa cái giá phải trả với việc lựa chọn phương án khác. Tuy nhiên, con người thường có khuynh hướng mắc sai lầm và vì thế mô hình rất kém hữu dụng trong tiên đoán những hành động của các chính phủ. Nó chứng tỏ sai bét nhè khi dự liệu hành vi các nhà độc tài, kẻ dù có thể theo đuổi các ý tưởng phi lý như thế nào thì dư luận trong nước cũng im thin thít.    

Thấu triệt chân lý này có ý nghĩa hệ trọng khi Mỹ và các quốc gia dân chủ suy tính phương kế bày binh bố trận trước đối thủ. Khi xem xét trù tính hành động của Bắc Kinh đối với Đài Loan thì giới hoạch định chính sách phải thuộc lòng bài học này. Trung Quốc chưa đủ khả năng quân sự cần thiết để chiếm đảo, vì để mang lại thành công đòi hỏi sẽ phải thực hiện một cuộc đổ bộ quy mô nhất trong lịch sử. Hệ quả là, hầu hết các nhà phân tích nghiêng về giả thiết một cuộc xâm lược sẽ không xảy ra trong đầu hôm sớm mai. Tuyến phân tích này giả định rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình biết rõ không thể nào chiếm giữ Đài Loan mà không phải trả một cái giá cực đắt. Nói cách khác, mô hình này đưa ra lời đoán già đoán non ông Tập là một người lý trí, nhưng trên thực tế, lại khác xa.  

Thay vào đó, vây quanh bởi những kẻ nịnh thần, Tập có thể tự nhủ, cuộc chiến với Đài Loan cần tăng tốc hơn nữa. Ông có thể tin, hệt như Putin đối với Ukraine, rằng quân đội Trung Quốc sẽ được dân chúng Đài Loan trải thảm đỏ nghênh đón. Ông có thể quả quyết chắc nịch, chẳng Hoa Kỳ hoặc đồng minh nào sẽ ra tay cứu giúp dân đảo.  Những giả định đó rõ ràng là sai lầm, nhưng Tập không phải là lãnh đạo đầu tiên đưa ra quyết định dựa theo các giả định quá phi lý đó. Washington, ngay từ bây giờ, phải luôn trong tâm thế sẵn sàng cho cuộc tấn công Trung Quốc với Đài Loan – thậm chí đề xuất này đi ngược lý lẽ thông thường.

Lý tính và thực tiễn

Ta dễ dàng chứng kiến tại sao các phân tích đó được rút ra từ mô hình tác nhân lý tính. Những gì nhà nước này hành xử với nhà nước khác có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho hàng triệu sinh linh. Sự lựa chọn của mỗi lãnh đạo cũng có thể tái định hình toàn bộ diện mạo hệ thống quốc tế. Chiếu theo các mối quan hệ nhân quả đó, trước khi đưa ra các quyết định trong đại các lãnh đạo sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái giá phải trả và lợi ích đạt được.

Tuy nhiên trong một thế giới mà các quyết định được đưa ra bởi mỗi cá nhân, lý tính có hạn chế của nó. Các nhà lãnh đạo, chẳng hạn như, thông thường không thấu triệt mọi gai góc trong một quyết định họ đưa ra. Họ cố xây dựng các công thức cần thiết để xem xét các chi phí và lợi ích của tất cả các lựa chọn khả dĩ. Và các yếu tố nào nằm trong mối tương quan trong bất kỳ hoàn cảnh cụ thể nào là điều không ai sờ nắm được.    

Mô hình tác nhân lý trí cũng khẳng định có một tiêu chí phổ quát, mục tiêu đạt được mà các nhà hoạch định chính sách vận dụng để đưa ra lựa chọn; trên thực tế, điều này sai hoàn toàn. Mối ưu tiên của các lãnh đạo khác hẳn nhau và họ cũng chú trọng đến các kiểu dữ liệu khác nhau. Chúng ta hãy xét qua cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Như nhà khoa học chính trị Jonathan Renshon phát hiện ra, các nhà hoạch định chính sách không dự báo được quyết định của Liên Xô trong việc triển khai các loại vũ khí hạt nhân tại Cuba bởi vì họ không đặt mình vào vị trí của Chủ tịch Liên Xô Nikita Khrushchev. Thay vì hiểu thấu các lợi ích mà Liên Xô có thể đạt được – cụ thể là, các lợi thế về quân sự và tâm lý khi các tên lửa được bố trí ngay cạnh rìa vùng cán xoong bờ biển Florida – thay vào đó, giới hoạch định chính sách Hoa Kỳ chỉ dành tâm trí đến cái giá phải trả hết sức đắt đỏ và mức độ rủi ro cực cao, cứ như thể Khrushchev đánh giá tình hình hệt như mình.

Cuộc xâm lược của Iraq vào đất Kuwait bổ sung một trường hợp khác. Mùa hè năm 1989, một quan chức thuộc cơ quan Đánh giá Tình báo Quốc gia Mỹ đưa ra nhận định, mặc dù Saddam khoe khoang sức mạnh quân sự, lãnh đạo Iraq sẽ không tấn công Kuwait bởi vì ông sẽ dồn lực tái thiết quân đội sau cuộc chiến Iraq-Iran. Cơ quan trên lập luận, Saddam sẽ dành mọi nguồn lực để thanh toán khoản nợ khổng lồ sau khi gây chiến với Iran, thay vì đốt tiền cho cuộc xung đột. Nhưng, dưới nhãn quan của Saddam, việc tiếm chiếm nguồn tài nguyên dầu hỏa béo bở ở Kuwait là phương kế duy nhất để ông trả nợ đồng thời bảo toàn chế độ. Và sự kiện ông vừa mới đánh bại Iran – cuộc chiến mà toàn thể thế giới Hồi giáo đứng sau ông, khiến cho Saddam càng thêm chắc mẩm sẽ làm gỏi Kuwait mà không bị cộng đồng thế giới quở trách nặng nề gì.

Để hiểu thấu đáo thế giới quan của đối phương, các nhà khoa học chính trị đã tạo nên các mô hình hành vi, nghĩa là cố tính toán các ngoại bang sẽ nhận thức thế giới ra làm sao. Trong quá trình đó, các nhà nghiên cứu đã ngộ ra (chẳng bất ng gì) rằng xu hướng và cảm xúc của mỗi cá nhân tác động đến quá trình ra quyết định qua vô số cách. Chẳng hạn như, cơ chế tự giám sát – khả năng dò tìm và điều tiết các cảm thức và hành vi của một người – biến một số lãnh đạo quốc gia này có khả năng cao hơn các lãnh đạo quốc gia kia trong việc đạt được một khát khao tìm ra giải pháp. Các lãnh đạo có xu hướng tránh lâm vào thế phòng vệ, đặc trưng hóa qua nổ lực tránh né hoặc bác bỏ thông tin khiến mình thêm lo âu và hoang mang, thường phớt lờ thông tin bất lợi (chẳng hạn như tin tức về cuộc xâm lược gần kề). Các cảm nhận cũng có thể nhào nặn các lãnh đạo sẽ diễn dịch các mối đe dọa ra sao và khi nào họ bắt tay hành động. Trong một cuộc khủng hoảng, t dụ như, các xúc cảm có thể biến các lãnh đạo hoặc liều lĩnh hơn hoặc bảo thủ hơn một mô hình tác nhân lý tính có thể dự phóng.

Việc phân tích về cảm thức có thể giúp ích các nhà phân tích trong việc tiên đoán tương lai. Phương thức tiếp cận như thế, chẳng hạn như có thể giúp tiên báo chính xác hơn về các ý đồ của Khrushchev trong diễn biến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba hoặc động cơ của Saddam qua các chuỗi hành động xâm lược Kuwait. Nhưng kể cả khi các nhà phân tích cố vắt óc điều nghiên quan điểm của đối phương, họ cũng có thể đưa ra các dự báo tệ hại. Rất khó khẳng định các cảm xúc sẽ tác động đến quyết định đến nhà lãnh đạo ra sao – và liệu họ sẽ lôi kéo các lãnh đạo khác đi theo hướng hung hăng hay hiền hòa. Chẳng hạn như, nỗi sợ có thể thôi thúc một lãnh đạo lẫn tránh khỏi tình cảnh nguy cấp trong khi có thể lôi lãnh đạo khác lao vào trực chiến. Cảm thức tương tự, thậm chí, có thể mang các hiệu ứng khác biệt với chính cá nhân đó tại mỗi thời điểm khác biệt. Trên thực tế, vậy thì, chẳng có hình mẫu nào – tuy phức tạp – có thể tiên đoán đúng cách hành xử của lãnh đạo đó.  

Để dự báo hành vi của các kiểu lãnh đạo thì mọi mô hình đều tỏ ra bất lực. Nhưng trong việc tiên đoán hành vi của các chế độ chuyên chế, chúng còn thể hiện tệ hơn nữa. Không như các thể chế dân chủ, nơi tiến trình chính trị được biểu hiện qua phương thức kiểm soát và đối trọng vốn có thể chặn đứng các quyết định tai ác, tiến trình chính trị ở các chế độ chuyên quyền rất hạn hẹp, nếu có chút gì, chỉ là các động tác kiểm soát hành vi của các lãnh đạo đó mà thôi. Thông thường, các nhà độc tài tự rúc mình trong một không gian chật hẹp, che chắn họ khỏi phải nghe các sự thật mất lòng. Trong trường hợp của Putin, xem ra chỉ có nhúm nhỏ các quan chức chóp bu biết trước trù tính xâm lược Ukrine của ông, tất cả bọn họ cùng chia sẻ niềm tin và thiên kiến về các cơ hội của nước Nga. Trên thực tế, Putin và các tướng lĩnh tin tưởng tuyệt đối về một chiến thắng chóng vánh và các binh sĩ được yêu cầu mang theo đồng phục cho lễ diễn binh có thể diễn ra tại Kyiv.  

Hiệu ứng và phi hiệu ứng

May thay, để biện giải cho sự chông chênh đó, các quan chức phụ trách chính sách đối ngoại viện dẫn vô vàn lý do. Đầu tiên, lường trước mọi khả năng mà địch thủ tung ra, cân nhắc hàng loạt các tính toán sai tiềm tàng và khi ấy lên mọi kịch bản ứng phó là điều bất khả thi. Chẳng hạn như, để đánh giá liệu Nga có tấn công một quốc gia NATO hay không, các nhà phân tích có thể vạch ra cặn kẽ mọi cách thức mà Putin có thể mở rộng cuộc chiến vượt ngoài lãnh thổ Ukraine. Khi đó, họ có thể trưng ra mọi tính toán khả dĩ và cân nhắc các nước cờ sai lầm gì sẽ dẫn đến việc Putin thực thi kế hoạch đó. Cuối cùng, các nhà phân tích có thể đề ra một loạt các đáp trả khả dĩ của phương Tây.   

Dĩ nhiên, thậm chí việc vận dụng các cấu trúc hoàn hảo nhất là điều bất định, các nhà phân tích không nhận định chính xác khi nào các đối phủ sẽ hành động sai lầm. Hệ quả là, các chính khách cần trông cậy vào cộng đồng tình báo để theo dõi cẩn mật mọi hành vi vượt ra mọi tiên đoán. Để giải quyết bài toán này, không ai giỏi hơn cộng đồng tình báo; các nhà phân tích tình báo chuyên nhìn vào những dữ kiện mà một nhà độc tài sắp phạm sai lầm, chẳng hạn như các trật tự quân đội tương phản với các dự đoán hoặc các chỉ dấu cho thấy đối thủ đang động binh thậm chí những diễn biến thực tế diễn ra khác hẳn. Trí thông minh nhân loại và các tín hiệu về các nhà lãnh đạo chuyên chế, do đó có thể đóng vai trò như là một kiểu hệ thống cảnh báo sớm, cho phép các nhà hoạch định chính sách tiên đoán các cuộc tấn công liều lĩnh.

Cộng đồng tình báo Mỹ làm theo bài vở này trong những năm 2021 và 2022, các báo cáo mỗi ngày là kế hoạch xâm lược của Nga sẽ sớm chết yểu. Trong những năm sắp tới, điều tương tự sẽ lặp lại về Bán đảo Đài Loan. Giới hoạch định chính sách có thể cho rằng Tập sẽ tránh chiến tranh bằng mọi giá bởi các tác động kinh thiên động địa của nó đối với người dân Trung Quốc, huống hồ gì toàn bộ khu vực. Nhưng họ cần khắc cốt ghi tâm, phụ thuộc vào tâm khí và các đánh giá khi ấy, suy nghĩ của Tập về hòn đảo có thể khác xa với phần còn lại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tất nhiên nó có thể sai biệt lớn về những gì mà phương Tây nghĩ đó là một kế hoạch dựa trên lý trí.   

Để đọc được lòng dạ Tập, các nhà phân tích phải theo dõi sát sao nhất cử nhất động lực lượng vũ trang và các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc. Chẳng hạn như, động thái tăng cường xây dựng quân lực và khơi mào các quan điểm hiếu chiến, sẽ là tín hiệu hiển nhiên cho thấy Tập đang cân nhắc phát động một cuộc tấn công Đài Loan. Cũng như thế, Trung Quốc sẽ tăng cường nguồn dự trữ dầu hỏa và tích trữ lương thực cực lớn. Và các nhà phân tích phải thường xuyên theo dõi các chỉ dấu về tâm lý, qua các bài phát biểu của Tập nhằm có thể đọc vị các nhận thức của ông, xem ông nghĩ gì. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ và các đồng minh khối các nước dân chủ phải chú trọng các phát hiện như thế để không lâm vào thế bị động. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây cần điều nghiên sâu các tính toán sai tiềm tàng vào các phân tích của họ và cam kết bằng tinh thần cởi mở, thậm chí điều này đi ngược với thế giới quan của họ.    

Sau cuối, các chuyên gia phải thuộc nằm lòng rằng khi tiên báo hành vi của các nhà độc tài, chẳng có gì chắc chắn cả. Các lãnh đạo thường gạt đi các khuyên nhủ hoặc cường điệu hóa năng lực của họ và tính toán sau các rủi ro. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo sẽ không luôn được dẫn dắt bởi chủ nghĩa duy lý trầm tĩnh, người ngoài nghĩ gì mặc kệ. Nếu các nhà phân tích tình báo và hoạch định chính sách nghĩ rằng họ sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo nghe theo lời họ thì họ đã lầm to.  

K.Y.M. và L.R.S.

Keren Yarhi-Milo là hiệu trưởng trường Quan hệ công chúng và Quốc tế thuộc Đại học Columbia, giáo sư Quan hệ quốc tế Adlai E. Stevenson và là tác giả cuốn Who Fights for Reputation? The Psychology of Leaders in International Conflict (Đấu tranh vì thanh danh cho ai? Tâm lý lãnh đạo trong cuộc xung đột quốc tế).  

Laura Resnich Samotin là trợ lý giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Columbia, thành viên cấp cao không thường trực tại Trung tâm Stimson và là  thành viên cấp cao không thường trực tại Viện Nhà nước và Chính sách toàn cầu thuộc USC Schwarzenegger. 

Theo: https://www.foreignaffairs.com/china/unpredictable-dictators

Nguồn bản dịch: Nghiencuulichsu.com

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.