Nếu như nói rằng người tốt không còn đất sống ở cái XH kim tiền hôm nay thì không biết có hơi quá không… Rất kính trọng và cảm phục cô giáo. Mong cô luôn mạnh khoẻ! Thật là một bằng chứng sống động: người từ tế không có chỗ đứng trong mọi hệ thống của thể chế này! Môi trường giáo dục tưởng yên lành, vậy mà 25.000 giáo viên trường công lập đã bỏ đi trong hai năm qua. Thật là thảm họa cho dân tộc này! Thì một cô giáo ở Hòa Bình đã nói rất thật, rất đúng: Tất cả họ gù một mình thẳng là khuyết tật. Những ai phải lâm vào cảnh cô Dung (và cả chính tôi) mới thấy lo cho đạo đức XH này. Cũng đúng thôi, XH độc tài thì không thể có pháp luật công bằng, nghiêm minh. Khi cái công bằng không có, bất công quá lâu thì con người phải thích nghi sống dối trá, cơ hội, hèn hạ để tồn tại. Đa số phải thích nghi còn số ít không thích nghi được như con cá trong cái ao nước đen mà nó vẫn giữ màu trắng thì luôn bị đói hoặc bị giết. Cô Dung là con cá vẫn giữ màu bạc trong khi nước trong cái ao đã đen ngòm… |
Chiều qua cô giáo Lê Thị Dung cùng con trai ghé chơi Tào Sơn. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp và trò chuyện cùng cô, sau câu chuyện dài bi thương từ một bản án mà có lẽ tất cả chúng ta đều đã biết.
Chúng tôi không ngồi cùng nhau được lâu, vì trời chiều sắp tối và đường về thì xa. Khoảng 1 giờ đồng hồ, cảm xúc lẫn lộn, buồn vui… Trong câu chuyện của chúng tôi có Nguyễn Văn Chưởng, có những cô Lịch, cô Tuất, cô Giang…
Tôi hỏi cô những băn khoăn mà lâu nay vẫn giữ trong lòng.
– Cô có hận những kẻ đã gây nên oan khốc cho mình không?
– Không. Nhưng vẫn tiếp tục kêu oan.
Sau những đày đọa, phẫn nộ, đau xót, uất ức của một trận “sóng gió bất kỳ”, giờ ngồi trước mặt tôi là một cô giáo nhẹ nhõm, nhìn những gì đã qua như nhìn một tai nạn trong cuộc đời. Cái tai nạn mà cô gọi là “trong họa có phúc”.
Tôi nói, nhìn thấy cô trên những trang FB của bạn bè sau khi cô được trở về nhà, tấm hình nào cũng đẫm nước mắt. Cô nói, không, cô chỉ khóc với những người thân yêu, chưa từng khóc trước công an, tòa án.
Trong hoàn cảnh tù đày, “người ta” đề nghị với cô rằng “nhận đi, rồi sẽ được về”, gia đình cũng vì thương, sợ và tin vào “lời hứa” mà khuyên cô nhượng bộ. Cô nói, “Thuê luật sư cho mẹ. Cái mẹ cần là danh dự. Mẹ có thể chết ở đây, chứ không thể đánh mất danh dự”.
Cô tâm sự rằng, trước khi sự ác đổ sập xuống đầu mình, cô là một người “vô cùng Mác-xít”, là một người “rất bôn-sê-vích”. Cô lý tưởng và tin một cách trong sáng vào những điều tốt đẹp. Cô đã tận tâm và giữ mình trong sạch, ngay thẳng, một lòng với giáo dục, với tổ chức và các đồng chí của mình. Sự việc xảy ra khiến cô không giải thích được, rằng tại sao bỗng chốc tất cả đều trở nên xa lạ và méo mó đến không thể nhận ra được nữa. Tất cả mọi thứ bỗng sụp đổ ngay trước mắt, từ một tòa lâu đài nguy nga đêm trước, đến đống gạch vụn ngổn ngang sáng hôm sau.
Bị giam cầm khắc nghiệt hơn 15 tháng, cái “phúc” của cô là khỏi bệnh, không còn đau đầu, bệnh dạ dày cũng biến mất. Cô nói, khi còn công tác, vừa lao tâm khổ tứ với công việc lại vừa phải đương đầu triền miên với đơn tố cáo, với áp lực thanh tra nhũng nhiễu, thường xuyên phải “làm việc” và chống chọi với đủ ban ngành, cấp bậc; rồi ròng rã đi đòi sự thật, công lý và danh dự. Cô như kiệt sức và sinh ra đủ thứ bệnh trên thân.
Niềm tin sụp đổ, cũng như người gánh nặng đường xa bỗng một ngày phát hiện ra một sự thật cay đắng rằng trên vai là đá chứ không phải bạc vàng. Trút bỏ, buồn đau ngơ ngác đấy, nhưng là buông xuống, thân tâm bỗng trở nên nhẹ nhàng, rồi cũng hồi sinh…
Chia tay, tôi cứ nghĩ mãi. Một người như cô giáo Dung, là một đảng viên ngay thật, tận tụy, coi danh dự trọng hơn sự sống, nhưng cuối cùng đã “bị loại”, là vì sao. Và rồi còn ai ở lại?
Nghĩ đến 25 nghìn giáo viên khối công lập đã bỏ việc trong 2 năm qua, rồi lại nghĩ đến bạn bè tôi – hàng chục đồng nghiệp giỏi giang và có phẩm cách nhà giáo tử tế – họ cũng đã rời bỏ bục giảng trong giằng xé ngậm ngùi, vì không chịu đựng được nữa những nhiêu khê, đè nén, bất công.
Tự hỏi, tương lai nào cho xã hội khi người tốt cứ mãi “bị loại” nốc-ao như thế?
T.H.
Tác giả gửi BVN