Hàng giả, có từ xa xưa, gắn liền với đời sống loài người, không bao giờ hết. Sự khác biệt là ở chỗ, thời minh trị với pháp luật nghiêm minh, thì hàng giả ít; thời loạn trị với pháp luật rối ren, thì hàng giả nhiều. Nhìn vào sự phát triển của hàng giả, biết xã hội của thời minh trị hay loạn trị.
Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện hàng giả rất đa dạng. Nhưng sâu xa đều từ ba chữ ‘lợi, quyền, danh’. Môi trường dưỡng sinh hàng giả có nhiều nhân tố. Phạm vi và cường độ phát triển hàng giả phụ thuộc phần lớn vào pháp luật. Động lực đẩy của hàng giả là lòng tham.
Tác hại do hàng giả gây ra biểu hiện qua muôn hình vạn trạng. Có loại hàng giả cướp đi mạng sống, ví như chữa bệnh mà dùng phải thuốc giả. Có loại hàng giả làm băng hoại đạo đức xã hội, vì lừa gạt mà làm suy giảm lòng tin, gây mâu thuẫn trong gia đình, cơ quan, nhà trường, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Có loại hàng giả gây ra tai hoạ trên diện rộng, như vật liệu giả làm vỡ đập hồ chứa nước, gãy cầu, đổ tàu. Có loại hàng giả có thể làm sụp đổ cả quốc gia, như vũ khí giả huỷ hoại năng lực quốc phòng.
Bởi vậy, từ ngàn xưa loài người không ngừng đấu tranh chống lại hàng giả. Biện pháp chủ đạo là hình phạt. Phạt không chỉ vào ba thứ ‘lợi, quyền, danh’ mà còn là cầm tù và xử tử. Nhưng hàng giả vẫn không hết, là vì chưa nhìn thấu căn nguyên. Muốn khống chế hàng giả, không chỉ bằng hình phạt, mà quan trọng hơn nữa là tiêu diệt căn nguyên.
Liên hệ đến vụ án 27.300 cuốn sách giáo khoa giả hiện đang xét xử, theo pháp luật áp dụng hình phạt cho tội in lậu, tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ chỉ là một mặt. Mặt khác, quan trọng hơn, là Bộ GD&ĐT phải nhìn thấy nguyên nhân xuất hiện sách giáo khoa giả, để đề ra các giải pháp mới nhằm hạn chế nạn sách giả. Các giải pháp này, không chỉ thuộc quyền hạn Bộ GD&ĐT mà còn thuộc quyền hạn Chính phủ và Quốc hội quyết định. Nạn sách giáo khoa giả có từ lâu. Nhưng vụ án 27.300 sách giáo khoa giả đang xét xử có thể dẫn đến một quyết định bước ngoặt trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa, tuỳ thuộc vào sự sáng suốt và công tâm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Khác với các loại hàng giả khác, 27.300 cuốn sách giáo khoa giả trong vụ án đang xét xử, có nguyên nhân xuất hiện từ ‘lợi’. Mục đích duy nhất của những người in lậu sách là kiếm lời. Tại sao những người in lậu sách lại có thể kiếm lời? Là vì chi phí cho sách giáo khoa in lậu thấp hơn nhiều so với giá bán sách giáo khoa mà các phụ huynh và học sinh đang mua từ các đơn vị được phép Bộ GD&ĐT xuất bản sách giáo khoa.
Sách giáo khoa là vấn đề lớn và nóng của toàn xã hội. Nóng nhưng đã dai dẳng nhiều chục năm chưa được giải quyết. Nhiều giải pháp theo nhau được đề xuất, nhưng đều chưa thoả đáng, có nhiều hệ luỵ tiêu cực, chưa được xã hội đồng thuận. Vì tính chất rộng lớn và phức tạp của sách giáo khoa, nên ở đây chỉ nói đến giá thành sách giáo khoa mà không đề cập đến các nội dung khác.
Sách giáo khoa do các đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép xuất bản có giá rất cao. Giá sách giáo khoa cao, không chỉ mang đến thiệt thòi cho phụ huynh học sinh, những người mua sách, mà còn kéo theo lãng phí cho toàn xã hội. Giá sách giáo khoa bán ra, cấu thành cơ bản từ 2 thành tố: a/ Chí phí xuất bản, b/ Lợi nhuận. Đến lượt mình, chí phí xuất bản lại bao gồm 4 thành tố con: chi phí viết sách, chi phí in sách, chi phí lưu thông, thuế. Không bàn về thuế vì theo quy của nhà nước, chỉ đề cập sơ qua 3 thành tố chi phí viết sách, chi phí in sách, chi phí lưu thông như dưới đây.
Chi phí viết sách là thành tố đương nhiên. Vấn đề phải bàn là liệu các quy định trả thù lao cho người viết đã hợp lý chưa? Bao gồm quy định về số tiết trả thù lao cho các môn và đơn giá thù lao cho mỗi tiết? Không đi sâu vào chi tiết, nhưng được biết, theo mức lương thu nhập chung của người Việt Nam, thì giá thù lao cho mỗi cuốn sách giáo khoa hiện nay được trả không thấp. Tuỳ từng môn, nhưng dao động trong khoảng 200 triệu đồng cho đến 1 tỷ đồng. Nếu lấy mức lương giáo sư trung bình là 13 triệu đồng/tháng thì đó là khoản tiền khoảng từ 15 tháng lương cho đến 75 tháng lương giáo sư. Nếu so với thời viết sách giáo khoa của nước VNDCCH mà cố GS Hoàng Tuỵ đã tham gia, thì đó là một khoản tiền rất lớn, lớn về tài chính, lớn về thời gian làm việc. Nói nôm na là phải trả lương cho một giáo sư trong khoảng từ 1 năm 3 tháng cho đến 6 năm 3 tháng mà chỉ để viết một cuốn sách giáo khoa cho bậc tiểu học!
Nhưng trả lương cao cho người viết, dẫn đến giá thành sách giáo khoa cao, dù sao cũng chấp nhận được, vì đấy là trọng dụng trí tuệ của người viết. Điều đáng lo là những chi phí phụ. Đó là phí chi cho các hội đồng xét duyệt, thẩm định. Đây là khoản chi phí không hề nhỏ trong xã hội hiện nay. Chưa nói đến được viết sách, được vào hội đồng cũng không đơn giản, có thể không miễn phí. Tất cả các loại phí này đã đưa giá thành sách giáo khoa tăng lên.
Cấu thành thứ hai làm tăng giá thành xuất bản sách giáo khoa chính là chi phí in sách. Xem qua một số kết luận gần đây của Thanh tra Chính phủ về Nhà xuất bản Giáo dục thì thấy, chưa tính đến các sai phạm, thì chỉ riêng việc quản lý chưa tốt, dẫn đến phải mua vật liệu cao, lãng phí, kéo theo giá in sách cao.
Thành tố thứ ba làm giá sách cao là chi phí lưu thông. Quản lý lưu thông sách không tối ưu. Chẳng hạn như việc in ở các nhà in, rồi thu gom lại, sau đó lại chuyển đến các cơ sở mua sách, làm cho chi phí lưu thông gia tăng. Cộng thêm vào nữa là quá nhiều khâu trung gian và còn nữa là chi phí chiết khấu cao (25%).
Một nhân tố khác, là viết sách giáo khoa với nội dung dàn trải lê thê làm cho sách dày từ 100 – 200 trang với nhiều tập. Tưởng là để tăng hấp dẫn, nhưng thực ra là phí phạm thời gian và trí tuệ của học sinh. Với nội dung đó, chỉ cần thể hiện ở vài chục trang. Hậu quả, với các cuốn sách dày cộm, không khác gì tuyển tập của một số chính khách, in màu, giấy dày đẹp, không chỉ làm giá thành cao ngất, mà còn buộc các trò nhỏ phải “còng lưng gùi sách giáo khoa”.
Và cuối cùng là lợi nhuận. Dù không phải một, mà là ba nhà xuất bản, dù 3 hay 5 bộ sách giáo khoa, thì cũng thấy được sự dễ dàng đồng thuận áp dụng một mặt bằng giá gần nhau, để đưa về lợi ích nhiều nhất. Tiếng là xã hội hoá mà thực chất vẫn tập trung. Hình thức không phải một, nhưng bản chất là độc quyền. Tất cả gộp lại, đã làm cho giá sách rất cao. Dù giá sách là mặt hàng được quản lý giá, dù các nhà xuất bản kêu lỗ, dù người viết sách kêu thù lao thấp, thì trên thực tế, giá sách giáo khoa vẫn đắt hơn mấy lần cái giá mà nó đáng ra phải có.
Nêu ra các nhân tố trên, để chứng minh giá sách giáo khoa đang ở mức rất cao, là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nạn in lậu sách. Những người in lậu sách, không mất những chi phí phải trả cho người viết, cho các hội đồng, lại trực tiếp phân phối, quản lý lưu thông tối ưu, nên sẽ có một lợi nhuận lớn. Khi có lãi suất lớn, như Marx nói đại ý “lời 300% thì không còn tội ác nào không phạm, dẫu nguy cơ bị treo cổ”.
Từ những điều nêu trên, đề xuất hai biện pháp sau đây để góp phần làm giảm nạn sách giáo khoa giả do in lậu.
1. Hạ giá thành sách giáo khoa về giá trị thực.
2. Không phải mua sách giáo khoa. Cho học sinh mượn sách giáo khoa.
Chỉ trong vòng 2 tháng, từ 20/ 4 đến 20/6/ 1945, trong tư cách Bộ trưởng Giáo dục – Mỹ thuật GS Hoàng Xuân Hãn đã soạn xong chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ cho trường học và ban hành trên toàn quốc. Đồng thời áp dụng học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong công văn chính thức. Như vậy, GS Hoàng Xuân Hãn đã soạn toàn bộ chương trình giáo dục quốc gia chỉ bằng 2 tháng lương. Tương phản một trời một vực với chương trình giáo dục quốc gia hiện tại – ngốn không biết bao nhiêu ngàn tỷ đồng. Viết sách giáo khoa trả bằng lương, sẽ giảm giá thành sách giáo khoa về giá trị thực. Hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ làm việc ở hàng trăm trường đại học và viện nghiên cứu há chẳng thừa năng lực để thực hiện nhiệm vụ viết sách giáo khoa ư? Không như thời GS Hoàng Xuân Hãn, thì cũng có thực tế thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên làm gương. Giá thành sách giáo khoa bị đẩy lên là do các nhóm lợi ích. Không hạ được giá thành sách giáo khoa xuống, cũng là do lợi ích nhóm.
Đã có rất nhiều nước trên thế giới thực hiện chính sách cho học sinh mượn sách giáo khoa. Cho học sinh mượn sách là lời giải chìa khoá chống nạn in lậu sách. Nhưng đó chưa phải là lợi thế quan trọng nhất. Lợi thế quan trọng nhất của việc cho tất cả các học sinh được mượn sách giáo khoa là năm tiếp năm tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ của toàn xã hội để đầu từ vào những lợi ích khác. Phụ huynh học sinh không phải chi trả tiền sách giáo khoa, không những thoải mái về tinh thần, mà giảm được gánh nặng kinh phí, góp phần đưa “ham muốn tột bậc”, “ai cũng được học hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến toàn dân. Đó cũng là minh chứng tính ưu việt của xã hội định hướng Xã hội Chủ nghĩa.