Campuchia: Một nền Dân chủ “Cha truyền con nối”

Chi Phương

Trong cuộc chuyển giao quyền lực đầu tiên kể từ khi chế độ Khmer Đỏ kết thúc, chuyên gia Astrid Norén-Nilsson cho rằng thế hệ lãnh đạo mới này sẽ tìm cách “bảo vệ di sản của cha mẹ mình”, hơn là “tỏ ra cởi mở với xã hội dân sự”.

clip_image002

Ảnh ghép Thủ tướng Campuchia Hun Sen (P) và con trai cả Hun Manet (T). REUTERS – CINDY LIU

Một kết quả không làm nhiều người bất ngờ: Đảng của Hun Sen tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 23/07/2023. Hun Sen đã loại bỏ tất cả các đối thủ lớn nhờ vào bộ máy tư pháp của ông và chuẩn bị “nhường ngôi” cho con trai Hun Manet, duy trì vị trí lãnh đạo Campuchia của gia tộc họ Hun từ 38 năm qua.

Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố chiến thắng áp đảo, giành được gần như toàn bộ 125 ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật. Theo Reuters, khoảng 20 đảng đã tham gia tranh cử, nhưng đa số chỉ là những đảng nhỏ, như những con đom đóm, xuất hiện rồi biến mất ngay sau đó.

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) lần đầu lên nắm quyền vào năm 1979, theo le Figaro, sau khi một nhóm những người chống Khmer Đỏ, bao gồm cả Hun Sen, trở về Phnôm Penh cùng với quân đội Việt Nam, lật đổ chế độ diệt chủng. Sau khi nắm giữ chức Ngoại trưởng, Hun Sen được bổ nhiệm làm Thủ tướng lần đầu vào năm 1985 lúc chỉ mới 33 tuổi, và trở thành một trong những người đứng đầu Chính phủ lâu nhất thế giới, bất chấp những hành động vi phạm các nguyên tắc dân chủ được thiết lập bởi Hiệp định hoà bình Paris năm 1991.

Sau 38 năm thống trị đất nước 16 triệu dân, Hun Sen hiện được cho là sức khoẻ suy yếu, chuẩn bị rời khỏi vị trí lãnh đạo. Thế nhưng, triều đại của họ Hun vẫn tiếp diễn, bởi vì con trai cả Hun Manet đã được định sẵn là người kế vị. Vào cuối năm 2021, Đảng Nhân dân Campuchia do Hun Sen lãnh đạo đã chỉ định Hun Manet là “ứng cử viên tương lai của đảng cho chức vụ Thủ tướng”. Mặc dù Hun Sen đã từng nói rằng Hun Manet sẽ không đảm nhận vị trí tối cao cho đến trước năm 2029 hoặc 2023. Tuy nhiên, nhiều dấu hiện gần đây cho thấy Campuchia đang thúc đẩy Hun Manet tiến đến vị trí quyền lực.

Theo AP, vào giữa tháng 03/2023, Hun Sen đã hàm ý sẽ từ chức và thành lập một Chính phủ mới. Một tháng sau đó, vào tháng Tư, Hun Manet đã được thăng chức Đại tướng, được thăng quân hàm ở mức cao nhất, được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia. Hun Manet cũng nhiều lần xuất hiện trước công chúng, gặp gỡ các nguyên thủ hoặc thành viên Chính phủ của các nước trong khu vực. Trong hai năm qua, ông đã gặp ít nhất với 10 lãnh đạo như cựu Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Cuộc đàn áp các phe đối lập

Trên thực tế, thắng lợi của Đảng Nhân dân Campuchia hôm Chủ Nhật được cho là nhờ vào công cuộc “dọn đường”, đàn áp phe đối lập của Hun Sen từ nhiều năm qua. Đảng Ánh Nến, đối thủ đáng gờm duy nhất của đảng Nhân dân Campuchia trong cuộc bầu cử cuối tuần qua, đã bị loại vào tháng 05/2023, vì lỗi kỹ thuật trong khâu đăng ký. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) coi lỗi này trên thực tế là có “động cơ chính trị”.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, nhiều người ủng hộ phe đối lập đã bị bắt, bị cáo buộc về tội phá hỏng các lá phiếu để phản đối cuộc bầu cử này. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng được lệnh chặn truy cập vào các trang web của một số trang tin tức độc lập. Theo trang Deutsch Welle (DW), từ đầu năm 2023, chính quyền Campuchia đã đóng cửa nhiều tờ báo độc lập, bỏ tù nhiều nhà hoạt động chính trị, đồng thời tiến hành nhiều cuộc kiểm tra lòng trung thành. Hơn 6000 thành viên của các đảng đối lập đã rời khỏi Campuchia, do sợ hãi hoặc do muốn được sống yên thân.

Đây là lần thứ hai liên tiếp đảng của Hun Sen giành chiến thắng áp đảo tại Quốc hội vì đã “dọn đường”, đàn áp các phe đối lập trước đó. Theo nhận xét của NPR (Nation Public Raddio của Hoa Kỳ), Hun Sen là một chính trị gia khôn ngoan, nhưng đôi khi tàn nhẫn, khi dùng quyền lực như một nhà độc tài trong một khuôn khổ một nền dân chủ trên danh nghĩa. Trong cuộc bầu cử năm 2013, Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đã giành được 44 % phiếu bầu, sít sao với đảng của Hun Sen, giành được 48 %. Trước nguy cơ ghế Thủ tướng bị lung lay, Hun Sen sau đó đã truy bức các lãnh đạo của đảng đối lập thông qua hệ thống tư pháp của ông. Đảng Cứu nguy Dân tộc đã bị giải thể vào cuối năm 2017, bị cáo buộc có âm mưu đảo chính do Mỹ hậu thuẫn. Chủ tịch đảng Kem Sokha bị bỏ tù, nhiều nhà đối lập phải sống lưu vong.

Hun Manet kế vị, bảo vệ “vương triều họ Hun” (!)

Theo Le Figaro, đối với nhà độc tài 70 tuổi, sức khoẻ đã suy yếu, đưa con trai vào vị trí lãnh đạo của Chính phủ là cách tốt nhất để bảo vệ sức ảnh hưởng từ các liên minh kinh tế – chính trị mà Hun Sen đã tạo dựng, cũng như bảo vệ khối tài sản của ông ước tính lên đến 200 triệu đôla. Astrid Norén-Nilsson, chuyên gia về Campuchia tại Đại học Lund, Thụy Điển, cho rằng: “Sự kế vị này sẽ không làm mất ổn định các nguyên tắc cơ bản của chế độ hiện nay, một chế độ dựa vào lòng trung thành của các cá nhân với gia tộc Hun”.

Nhật báo Thiên hữu của Pháp khẳng định, trong bối cảnh chuyển giao quyền lực nhạy cảm, chế độ không thể chấp nhận bất cứ rủi ro chính trị nào. Con trai cả của Hun Sen sẽ phải tìm ra điểm cân bằng giữa một bên là theo đuổi mô hình do cha mình lập ra và bên kia là đáp ứng nhu cầu cấp thiết về hiện đại mà lớp trẻ đang mong chờ. Mặc dù sự phát triển đạt được từ 20 năm qua đã giúp Campuchia giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo, Hun Manet sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: hạ tầng giao thông thiếu trầm trọng cũng như nạn tham nhũng ăn mòn đất nước từ bên trong.

Chuyên gia Astrid cho rằng “Hun Manet sẽ phải thuyết phục người Campuchia: một là chấp nhận cảnh cha truyền con nối, hai là hành động”. Hiện tại, Hun Manet tìm cách trấn an, trong bài phát biểu, ông ca ngợi “hoà bình”, “ổn định”, hay “sự phát triển” của Campuchia, những câu thần chú của đảng cầm quyền, và di sản chính trị của cha ông, đã chấm dứt cuộc nội chiến cách nay hơn bốn chục năm.

Theo DW, có khả năng vào tháng 8, Hun Sen sẽ cải tổ bộ máy lãnh đạo, thay thế bằng các quan chức trẻ hơn. Một số chuyên gia cho rằng, cuộc chuyển giao quyền lực cha truyền con nối giữa Hun Sen và Hun Manet có thể sẽ diễn ra cùng lúc.

Cấp bộ trưởng cũng "cha truyền con nối"

Trong Chính phủ mới, phần lớn đều có bằng Tiến sĩ hoặc thạc sĩ, chủ yếu là con cái hoặc người thân của các Bộ trưởng, các lãnh đạo trong đảng cầm quyền. Theo Le Figaro, những tháng vừa qua, những “cậu ấm cô chiêu” của nhiều Bộ trưởng đã được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Vào tháng 4/2023, hai con trai của Bộ trưởng Kế hoạch hoá đô thị và du lịch Phara Mongkol và Thong Rathasak đã được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh tại bộ mà cha họ lãnh đạo. Con gái của Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia Chea Serey cũng được bổ nhiệm làm Phó thống đốc. Các vị trí quan trọng khác như Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ có thể sẽ được thay thế bằng con trai của các lãnh đạo hiện nay.

Trong cuộc chuyển giao quyền lực đầu tiên kể từ khi chế độ Khmer Đỏ kết thúc, chuyên gia Astrid Norén-Nilsson cho rằng thế hệ lãnh đạo mới này sẽ tìm cách “bảo vệ di sản của cha mẹ mình”, hơn là “tỏ ra cởi mở với xã hội dân sự”.

C.P.

Nguồn: FB Lan Pham

This entry was posted in Campuchia, Ngôi vị và thể chế. Bookmark the permalink.