1.
Vào năm 2023, xem clip hàng ngàn phụ huynh đi thâu đêm xếp hàng để dành cho con một suất lên lớp 10, lại nhớ đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói năm 1946.
Sau tổng tuyển cử Quốc hội khoá I, nhận chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trả lời phỏng vấn đăng trên báo ‘Cứu Quốc’ ngày 21/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu:
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Ngay sau đó, chiến dịch ‘bình dân học vụ’ đã được tiến hành rầm rộ để xoá “nạn mù chữ”. “Nạn mù chữ” của năm 1946 là không biết đọc, không biết viết.
Nhưng “nạn mù chữ” thay đổi theo thước đo của tiến bộ xã hội. “Nạn mù chữ” năm 2023 là không tốt nghiệp THPT. Năm học 2023-2024, chỉ riêng Hà Nội đã có hơn 104 000 học sinh thi vào lớp 10 trường công, nhưng sau khi công bố điểm chuẩn, có hơn 33 000 học sinh phải tìm nơi học ở các trường công tự chủ tài chính và các trường tư – phải đóng học phí cao hơn. Nghĩa là hơn 33 000 học sinh này có nguy cơ không được học hết THPT, không thoát nạn mù chữ theo tiêu chuẩn của thời hiện đại.
Sau hơn 77 năm, “ham muốn tột bậc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ai cũng được học hành”, hiểu theo nghĩa tiến bộ xã hội, vẫn còn là một ước muốn chưa thành hiện thực.
2.
Tại sao vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 rồi mà ước muốn đơn giản của các bậc phụ huynh cho con mình được vào lớp 10, được học hết THPT vẫn không thể thực hiện được?
Đối với Hà Nội, khó khăn gì mà không xây đủ trường THPT để đón trọn 105 000 học sinh kết thúc THCS? Đó có phải là bài toán không có lời giải? Không, đó là bài toán giải được.
Nói về đất đai, Hà Nội có đủ đất để xây dựng thêm trường học đáp ứng được nhu cầu dân số gia tăng.
Đối với nội thành, để giải quyết bài toán giáo dục, y tế, giao thông, phải chấm dứt việc di chuyển dân số cơ học vào nội thành. Những khu đất mới giải phóng nhờ di chuyển cơ quan ra khỏi trung tâm, hãy dành để xây dựng trường học, bệnh viện, chứ không dành để xây chung cư. Đối với các khu đô thị mới quy hoạch, cần dành đủ đất cho trường học, bệnh viện với độ an toàn tối thiểu 120%. Với các huyện ngoại thành, vấn đề đất cho trường học là bài toán đơn giản.
Về tài chính, cũng không phải là vấn đề khó đối với Hà Nội. Thử làm một phép tính ước lượng thô.
Để phục vụ cho 33 000 học sinh lớp 10, cần xây trường đủ chỗ 100 000 học sinh bao gồm 3 khối 10,11,12. Nếu mỗi trường có 2000 học sinh thì phải xây mới thêm 50 trường THPT. Theo quy định, mỗi học sinh cần 1,5 m2, thì mỗi trường phải có tối thiểu 3000 m2 xây dựng dành cho phòng học. Tính dự phòng 50% nữa cho các phòng ban, khu vực phụ trợ thì mỗi trường cần 4 500 m2 xây dựng. Giá xây dựng 10 triệu đồng /m2 (cho nhà 3 tầng) thì mỗi trường cần 45 tỷ đồng. Dự báo một cách rộng rãi cho cả trang thiết bị, 100 tỷ đồng là đủ để xây dựng một trường học cho 2000 học sinh.
Như vậy, không tính tiền đất, để xây dựng thêm 50 trường mới cho 100 000 học sinh, cần nguồn kinh phí không quá 5000 tỷ đồng. Nhìn Hà Nội tiêu tiền qua dịp Covid, cũng như điểm qua các con số thất thoát trong các dự án, thì tìm 5000 tỷ đồng cho 50 trường học không phải là quá khó.
Sẽ có người phê phán ước lượng thô này. Nhưng để cho tư nhân đầu tư, 100 tỷ đồng chắc chắn đủ để xây dựng một trường học (nhà 3 tầng) khang trang cho 2000 học sinh, có cả bể bơi lẫn các phòng tập thể thao đa năng và chuyên dụng. Còn nếu ai đó đầu tư hơn 100 tỷ đồng, thì đơn giản là vì họ dư thừa tài chính.
Giải quyết vấn đề không đủ chỗ vào lớp 10 trường công chỉ là một phía. Phía khác là giải bài toán xoá bỏ áp lực chọn trường vì phân biệt đẳng cấp, và xoá bỏ gánh nặng thi cử. Đây là một bài toán không dễ, vì còn liên quan đến tư duy của phụ huynh và học sinh hình thành do hệ quả của nền giáo dục nặng thi cử, nặng hình thức, thiếu thực tiễn trong suốt mấy chục năm qua. Muốn giải bài toán này thì phải đổi mới nội dung giáo dục, đổi mới thi cử.
Muốn đổi mới thi cử, thì trước hết phải đổi mới nội dung giáo dục. Đã dai dẳng nhiều chục năm, học sinh chúng ta phải học nhiều điều vô ích, tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức. Đã đến lúc phải có cuộc cách mạng về học. Nếu không thay đổi sẽ không có chỗ đứng trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.
Đã đến lúc phải:
Học điều cần thiết cho cuộc sống, cho công việc, cho sự nghiệp; Học điều đam mê yêu thích;
Học điều khuyến khích toả sáng năng khiếu cá nhân.
Con đường của 3 điều học vừa nêu là lựa chọn chuyên môn theo năng khiếu, là lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích, đào tạo và thực hành, càng sớm càng có lợi thế. Khi đi theo con đường này, thì trường nào cũng là trường chuyên. Sự lựa chọn trường sẽ bớt dần gay gắt.
Việt Nam đang quá chậm trễ trên con đường chuyên môn hoá. Không chuyên môn hoá cao, không thể tiến xa trong thế giới cạnh tranh cay nghiệt ngày nay.
Internet, trí tuệ nhân tạo, tiến bộ công nghệ cung cấp cho học sinh phổ thông ngày nay một không gian tri thức rộng lớn ngoài sức tưởng tượng. Tốt nghiệp THPT là điều sơ đẳng đối với bất cứ học sinh nào khi kiểm tra thi thức đúng theo sở thích năng khiếu, chứ không phải những đề thi giáo điều, đã hành hạ và hạn chế sự sáng tạo cá nhân trong suốt mấy chục năm qua.
Kiểm tra và đánh giá định kỳ hàng năm là nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường. Nhưng dứt khoát phải xoá bỏ các kỳ thi giữa các cấp.
3.
Không riêng Hà Nội, mà TP HCM và các tỉnh thành khác cũng đối mặt với các vấn đề tương tự. TP HCM cũng có số lượng học sinh kết thúc THCS tương đương với Hà Nội. Và TP HCM cũng có hơn 30 000 học sinh không có chỗ vào lớp 10 trường công.
Nhưng có lẽ TP HCM sẽ giải quyết bài toán “ai cũng được học hành” hết THPT sớm hơn Hà Nội?
4.
Nhiều nước TBCN không đặt mục tiêu tiến lên CNXH, nhưng lại đặt mục tiêu đầu tư lớn cho phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế. Ở các nước đó miễn phí giáo dục đến hết bậc THPT cho học sinh.
Chúng ta nói xây dựng CNXH, nhưng chưa từng thấy vị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nào có chương trình xoá “nạn mù chữ” hết THPT; cũng chưa từng nghe Tổng bí thư hay Thủ tướng đặt mục tiêu ‘miễn phí giáo dục phổ thông’?
CNXH là những điều cụ thể, định hướng XHCN cũng là những điều cụ thể, chứ không phải những điều viển vông mờ mịt.
Việt Nam có kịp miễn phí giáo dục phổ thông trong thập niên này?
N.N.C.
Tác giả gửi BVN