Ai sẽ giám sát quá trình chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch của VN?

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

4 tháng 7 2023

“Việt Nam nên thực hiện các đánh giá của toàn bộ quá trình chuyển đổi này trước, trong và sau khi triển khai, làm rõ cho các công dân biết một cách chính xác khoản tiền này được tiêu như thế nào và tiêu vào đâu. Các bên liên quan có thể theo dõi xem JETP được thực hiện thế nào, khung thời gian thực hiện ra sao vào ai có thể được hưởng lợi trực tiếp từ quỹ này”, bà Hummer nói.

Chụp lại hình ảnh: (Từ trái qua) Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Hoàng Minh Hồng – những nhà hoạt động môi trường hàng đầu bị chính phủ Việt Nam bỏ tù. Trong số này chỉ có bà Khanh mới được trả tự do 

Trong các bản kế hoạch trên giấy tờ, Việt Nam được đánh giá là đang đi đúng hướng trên lộ trình loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2050.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi và minh bạch của quá trình này, nhất là khi Việt Nam cho bỏ tù các nhà hoạt động môi trường hàng đầu – những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc thực hiện cam kết đầy tham vọng này.

Ngoài bà Ngụy Thị Khanh mới được trả tự do sau 16 tháng tù, bốn nhà hoạt động môi trường khác đang ngồi tù là Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, Đặng Đình Bách, và Hoàng Minh Hồng.

Họ đều là những người lên tiếng mạnh mẽ phản đối điện than và vận động Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch.

“Không ai có thể thực sự thay thế các nhà bảo vệ môi trường và khí hậu – những người đã bị bịt miệng – nếu không có điều gì đó lớn hơn được thay đổi”, bà Lucy Hummer, nhà nghiên cứu của Global Energy Monitor nói với BBC từ Washington.

“Bất cứ hành động đàn áp nào đối với sự chỉ trích, phản đối, truyền thông độc lập, và hơn thế nữa, cần phải chấm dứt để sự chuyển đổi sang năng lượng sạch được thành công”.

Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ 

Theo các số liệu mới nhất mà Global Energy Monitor (GEM) cung cấp cho BBC, công suất điện than đề xuất của Việt Nam đã giảm 92% kể từ năm 2015 và Kế hoạch Điện 8 mới được thông qua phản ánh tiến bộ đáng kể.

Dù vậy, do nhu cầu về điện tăng cao, Việt Nam có kế hoạch tiếp tục tăng công suất điện than lên 30 gigawatt (GW) vào 2030 để đạt trần phát thải, trước khi có thể giảm vào 2040.

Do đó, để phù hợp với các cam kết giảm điện than mà Việt Nam đã ký kết trong Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng sạch (JETP) tháng 12/2022 với các nước G7 để nhận 15,5 tỷ USD tài trợ, tất cả các nhà máy nhiệt điện than đã đề xuất phải bị hủy bỏ, theo chuyên gia của GEM.

Các nhà máy này gồm:

            – An Khánh – Bắc Giang

            – Na Dương II

            – Sông Hậu I

            – Nam Định I

Với tổng cộng 4 GW.

Bên cạnh đó, ai sẽ giám sát việc Việt Nam chi 15,5 tỷ USD tài trợ vào đâu và như thế nào cũng là câu hỏi lớn được đặt ra.

 

Ngoài ra, các dự án đang xây dựng nên được xem xét kỹ lưỡng và nếu gặp bất kỳ “khó khăn nào trong triển khai” thì nên hủy bỏ để thay thế bằng năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu rủi ro do tài sản bị mắc kẹt.

Vụ Đặng Đình Bách: ‘Luật thuế VN mù mờ khiến nhiều tổ chức, cá nhân gặp họa’

Công văn Cục thuế TPHCM hé lộ điều gì quanh chuyện thuế của bà Minh Hồng?

Việt Nam cũng cần tăng tốc kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện than đang hoạt động, dù chúng có tuổi đời non trẻ, muộn nhất vào năm 2040, theo chuyên gia của GEM.

 

Hiện Việt Nam đang có kế hoạch vận hành ít hơn 6 GW công suất điện than, tương đương với 6,1 GW từ 6 nhà máy điện than đang được xây dựng là: Na Dương II, An Khánh – Bắc Giang, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, Vân Phong I, và Long Phú I.

Theo chuyên gia của GEM, để có thể thực hiện đúng thỏa thuận JETP, Việt Nam cần hủy bỏ toàn bộ việc vận hành các nhà máy này.

 

 

Bên cạnh đó, Kế hoạch Điện 8 mới được chính phủ Việt Nam chính thức phê duyệt hồi tháng Năm (PDP8) tuyên bố rằng các nhà máy điện than nên ngừng hoạt động sau 40 năm và lưu ý rằng nhiều nhà máy than sẽ được chuyển đổi để chạy bằng sinh khối và amoniac. Nhưng chuyên gia GEM cho rằng kế hoạch này không ổn vì nhiều lý do.

Trong đó có việc Việt Nam có các nhà máy điện than trẻ, với gần 80% các dự án được đưa lên mạng trong vòng mười năm qua, và kế hoạch chuyển đổi sử dụng cái gọi là nhiên liệu “sạch” như sinh khối và amoniac không thực sự là năng lượng sạch không carbon. Việc đốt amoniac giải phóng hạt mịn khí thải, và sản xuất amoniac để đốt cháy năng lượng đòi hỏi carbon dioxide do các hạn chế của công nghệ hiện tại.

Quan trọng nữa là, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch yêu cầu phải có sự tham gia giám sát của nhiều bên, trong đó xã hội dân sự đóng một vai trò quan trọng. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải trả tự do cho các nhà hoạt động khí hậu đang bị giam cầm. 

Khi xã hội dân sự bị ‘bóp nghẹt’

Việc bắt giữ các nhà hoạt động nói trên đã bị Liên Hiệp Quốc lên án.

Đại diện Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Marta Hurtado, nói rằng hành động của chính phủ Việt Nam đã tác động mạnh tới xã hội dân sự nước này, bóp nghẹt các cuộc tranh luận dân chủ về các vấn đề quan trọng đối với toàn xã hội.

Lucy Hummer từ GEM nói với BBC rằng Việt Nam đã ký thỏa thuận nhận hàng tỷ USD từ quốc tế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một phần với điều kiện rằng các nhà hoạt động môi trường sẽ được tham gia vào tiến trình này, “nhưng chính phủ Việt Nam có vẻ như đã không thực sự nghiêm túc với điều kiện này”.

“Cộng đồng quốc tế cần đảm bảo rằng Việt Nam tôn trọng các quyền cơ bản của các nhà bảo vệ môi trường và khí hậu. Nói cách khác, khả năng các công dân và tổ chức được tham gia một cách an toàn và cởi mở vào tiến trình chuyển đổi năng lượng của đất nước cần phải được xem là một thước đo của sự tiến bộ trong quá trình chính thức thực hiện JETP”, bà Hummer bình luận.

Chỉ ra rằng xã hội dân sự đã bị ‘bóp nghẹt’ tại Việt Nam kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền, ông Ben Swanton, đồng giám đốc tổ chức Project 88 nói với BBC rằng “với việc bà Hoàng Minh Hồng bị giam giữ, không còn xã hội dân sự nào để đảm bảo rằng chính quyền sẽ chuyển đổi khỏi nhiệt than và nhiên liệu hóa thạch như họ đã hứa”.

TS Swanton cho rằng các quốc gia đang tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam (Liên minh Châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Ý, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy) nên đưa ra các tuyên bố công khai ngay lập tức yêu cầu trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường.

Họ cũng nên cho chính phủ Việt Nam biết rằng sẽ không có một đồng đô la nào trong số 15,5 tỷ USD được chuyển dưới gói tài trợ JETP cho đến khi các nhà hoạt động này được trả tự do khỏi việc giam giữ tùy tiện, theo ông Swanton.

“Nó chứng tỏ rằng, trái với luận điệu tuyên truyền của mình, chính phủ Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và không muốn xã hội dân sự tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước. Thay vào đó, chính quyền muốn chính sách do nhà nước và đảng quyết định, với rất ít sự tham gia của người dân – những người bị xem là khán giả”, đại diện Project 88 nói.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á (HRW) cũng cho rằng các nước Hoa Kỳ, EU và các chính phủ khác ‘đang xếp hàng để cung cấp nguồn lực cho các chương trình biến đổi khí hậu của Việt Nam’ ‘nên lấy làm quan ngại’ về diễn biến này.

“Nếu không có sự tham gia của người dân vào chính sách môi trường được huy động thông qua nỗ lực của Hồng và các tổ chức xã hội dân sự khác, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam sẽ bị thiếu hụt và thất bại”.

Riêng đối với việc giám sát khoản tài trợ 15,5 tỷ USD, bà Lucy Hummer nói với BBC rằng việc này nhất định phải được thực hiện với sự tham gia của xã hội dân sự, theo đúng thỏa thuận.

“Việt Nam nên thực hiện các đánh giá của toàn bộ quá trình chuyển đổi này trước, trong và sau khi triển khai, làm rõ cho các công dân biết một cách chính xác khoản tiền này được tiêu như thế nào và tiêu vào đâu. Các bên liên quan có thể theo dõi xem JETP được thực hiện thế nào, khung thời gian thực hiện ra sao vào ai có thể được hưởng lợi trực tiếp từ quỹ này”, bà Hummer nói.

M.H. 

* Mời các bạn đọc bài tiếp theo của BBC phỏng vấn bà Lucy Hummer từ Global Energy Monitor về việc giám sát quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

 

This entry was posted in Điện than, Môi Trường, Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.