15-6-2023
Cô giáo Phạm Cầm Thu vừa viết trên trang cá nhân: “Hôm nay, tôi đã dành thời gian nghe trọn toàn bộ sáu file ghi âm lời bào chữa của sáu vị luật sư cho thân chủ của mình là cô giáo Lê Thị Dung, tại phiên toà Phúc thẩm. Sáu file đầy đủ từ đầu đến cuối.
Cảm giác thật bàng hoàng! Hơn cả sự oan khuất của Cô giáo Lê Thị Dung, đó là một cái gì đó khủng khiếp mà tôi không đủ ngôn từ để diễn tả. Tôi khóc, cũng như nhiều thầy cô giáo khác (Thầy Yến, Thầy Tuấn, Cô Thảo) đã khóc ngay tại phòng xử án.
Qua lời bào chữa của sáu vị luật sư, kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, bộc lộ một điều gì đó rất nghiêm trọng, không phải chỉ riêng cho vụ án Cô giáo Dung, mà cho cả một nền Tư pháp ở một địa phương, một huyện, một tỉnh, hay rộng hơn, cho một Quốc gia. Nghiêm trọng trong những vấn đề pháp luật liên quan đến số phận một con người“. (Hết trích).
Đây cũng là nhìn nhận và tâm trạng của tôi khi nghe những gì các luật sư đã vạch ra: Thực sự kinh hoàng, như lời luật sư Trần Hồng Phúc đã nói: “Coi sinh mệnh con người như cỏ rác“. Tôi tin, không một người có lương tri nào có thể kìm được nước mắt vì sự phẫn nộ, đau xót, bất lực của mình khi nghe những gì cả một bộ máy đã làm với một người vô tội.
Cách đây 4 giờ, luật sư Phúc viết trên Facebook: “Chúng tôi sẽ dành thời gian thích hợp lần lượt đăng tải các quan điểm bào chữa của luật sư cho Nhà giáo Lê Thị Dung tại phiên tòa, nhằm rộng đường dư luận để thấy án oan là có thật, vi phạm pháp luật là đặc biệt nghiêm trọng; không có lý do gì để hát mãi điệp khúc ‘vi phạm không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án’”.
Đây cũng là điều mà tôi mong muốn nhất lúc này: Các luật sư sẽ bạch hóa tất cả sai phạm của các cơ quan tố tụng trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung, để kẻ cố tình thao túng pháp luật nhằm hãm hại con người sẽ phải đền tội, và qua đó giúp người dân nhìn rõ hơn khuôn mặt của ngành tư pháp, cũng như các bên đã bắt tay với nó, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp họ ý thức sâu sắc hơn hoàn cảnh xã hội bất công mà họ đang sống, từ đó thúc đẩy trách nhiệm công dân ở mỗi người.
Tôi như đang nhìn thấy thân phận của bạn, của tôi trong số phận cô giáo Lê Thị Dung: Bất trắc và đầy hiểm nạn, mỗi ngày.
T.H.
Tác giả gửi BVN
Đọc thêm:
1. Thấy gì từ vụ án cô Dung?!
LS Lê Ngọc Luân
Tôi đã quan sát thật kỹ và cố gắng chắt lọc các thông tin để nhận thấy rằng phán quyết của TAND tỉnh Nghệ An tuyên giảm từ 5 năm tù xuống 15 tháng tù nó hiện rõ mồn một bức tranh nền tư pháp Việt Nam hiện nay. Vì sao? Xin đặt ra các giả thiết để các bạn tự cho mình nhận định vậy!
1) Giả sử nếu sau khi toà sơ thẩm tuyên 5 năm tù và dư luận, báo chí truyền thông không lên tiếng kịch liệt thì có khả năng xảy ra bản án phúc thẩm giảm sâu như vậy không?
2) Sau khi toà sơ thẩm tuyên, trước áp lực dư luận, Chánh án toà Hưng Nguyên cho rằng chúng tôi cũng trăn trở, đã tuyên thấp nhất của khung hình phạt (5 năm tù) do cô Dung không có các tình tiết giảm nhẹ đủ theo Điều 51 và 54 BLHS nên không thể tuyên thấp hơn. Vậy câu hỏi đặt ra tại sao phiên toà phúc thẩm cô Dung vẫn kêu oan nhưng toà cấp phúc thẩm vẫn chuyển khung và giảm sâu mức án, chỉ còn mấy ngày nữa ra tù?
3) Nếu cô Dung có tội (đầy đủ chứng cứ căn cứ pháp lý thuyết phục) chúng ta có tin rằng toà phúc thẩm sẽ tuyên án 15 tháng tù (khung hình phạt cao nhất là 10 năm)? Và giả sử nếu như cô Dung không bị bắt giam thì toà có tuyên miễn hình phạt như cô Hương (do không bị giam ngày nào)? Có phải do cô Dung bị bắt giam nên tuyên gần bằng mức tạm giam để phù hợp hay đó là mức án hợp tình hợp lý? Dư luận có đặt câu hỏi tuyên án gần bằng mức tạm giam để tránh bồi thường oan sai như bà Lê Thị Thu Ba – Phó trưởng ban chỉ đạo cải cách Tư pháp từng phát biểu mang tính thời sự rằng “có trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử, phải tuyên phạt cho tương xứng”?
4) Trong vụ việc này, toà Hưng Nguyên hoặc toà tỉnh Nghệ An một trong hai toà có toà sai, chắc chắn! Vậy nếu sai thì trách nhiệm của những người thẩm phán xét xử sẽ thế nào? Tiếng kêu thấu trời xanh của thân phận con người đối với những người cầm chiếc búa có đặt trái tim của mình vào đó trước khi giáng xuống số phận đồng loại không?
5) VKS tỉnh Nghệ An kháng nghị (ai đọc cũng hiểu là điều tra để làm rõ số tiền lớn hơn, nếu vậy cô Dung sẽ chịu án nặng hơn 5 năm). Tuy nhiên, toà bác kháng nghị, vậy VKS kháng nghị đúng không? Nếu đúng thì có đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm để tránh bỏ lọt tội phạm không? Nếu sai thì VKS có ý kiến hay trách nhiệm gì với yêu cầu kháng nghị sai của mình?
6) Sẽ có bao nhiêu vụ án như cô Dung? Và có bao nhiêu thân phận con người trên đất nước này vướng lao lý có được “may mắn” dư luận lên tiếng? Vậy những thân phận không may mắn ấy giờ sẽ phải thế nào?
P/S: Bài viết này, không chỉ chia sẻ riêng với những người đọc trên Facebook mà tôi còn mong muốn lớn hơn những người đứng đầu Quốc Gia hãy nhìn xuống phía nhân dân để thấu hiểu rằng – còn có rất nhiều tiếng kêu ai oán!
Cô Dung là một hạt cát bé nhỏ có “chút may mắn” trong hàng tỷ hạt cát “không may mắn” giữa đại dương mênh mông này.
Cuối cùng, tôi gửi lời chúc mừng đến các đồng nghiệp của mình đã nỗ lực, tận hiến bảo vệ tốt nhất cho Thân chủ!
Sài Gòn, 14/6/2023
L.N.L.
Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Luân
2. BẤT NGỜ: Toà tỉnh Nghệ An ra thông cáo báo chí
LS Nguyễn Ngọc Luân
Lần đầu tiên trong [những] năm tháng hành nghề luật sư của mình, tôi gặp trường hợp sau phiên xử toà án lại phát lên truyền thông của cái gọi là “thông cáo báo chí”. Trong đó nhận định về việc vi phạm tố tụng toà cho rằng “có vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”. Trước đó khi xét xử sơ thẩm xong, Chánh án toà Hưng Nguyên trả lời báo chí “chúng tôi cũng trăn trở lắm, do cô Dung không nhận tội, không nộp tiền khắc phục nên không thể chuyển khung, phải tuyên mức 5 năm tù là thấp nhất…”. Ông Chánh án toà Hưng Nguyên không là thành viên xét xử sơ thẩm vụ cô Dung nhưng lại phân trần với báo chí xử này xử kia. Cớ là làm sao?
Câu hỏi đặt ra, BLTTHS quy định rất rõ và then chốt “thẩm phán, HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Vậy trên thực tế có án bỏ túi, có việc thẩm phán thỉnh thị án với chánh án không? Có việc xin ý kiến tham khảo của toà cấp trên trước khi xử không? Sự việc rành rành không thể chối cãi được.
Khi những người luật sư biện hộ cho các thân phận lao lý và những con người bị vướng họ sẽ nhận thấy rõ mọi điều. Vì vậy, những lúc ấy nếu luật sư hay thân phận con người gặp được những người công an, kiểm sát viên, thẩm phán có tâm đức thì không quá khi nói rằng mình thật may mắn có được “phước báu”.
Việc cần thay đổi phải từ gốc, chứ không phải phần ngọn.
Khi viết những dòng này trong tôi lại gợi nhớ đến Vụ án chàng trai ở Quảng Ngãi kêu oan hơn 10 năm tội “Hi. Ếp d@m và giao c@u trẻ em”, chàng trai đã từng bị kết án 12 năm tù sau đó cả 2 bản án bị huỷ bỏ (vụ này là cả một câu chuyện ly kỳ tâm linh đằng sau đó). Và khi điều tra lại thì huỷ tội “Hi@p d@m” nhưng vẫn tuyên tội giao c@u bằng mức tạm giam 3 năm 6 tháng 9 ngày trả tự do tại toà.
Phiên toà mà cả HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 cũng nhận định “có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”. Trong đó chi tiết quan hệ 30 lần và nạo phá thai nhưng kỳ lạ có 1-0-2 trên thế giới “màng trinh không rách”. Thế nhưng, toà án vẫn kết tội. Chúng tôi chờ đợi lá đơn kêu oan của chàng trai đã gửi đến Chánh án và Viện trưởng VKS Cấp cao tại Đà Nẵng và cả tối cao xem sẽ trả lời như thế nào về vụ việc “vô tiền khoáng hậu” đã, đang xảy ra tại Quảng Ngãi.
P/S: Liệu rằng lịch sử ngành tư pháp Việt Nam có thể xảy ra trường hợp tuyên một con người phạm tội “giao c@u” nhưng bị hại thì “màng trinh không rách dù đã quan hệ vài chục lần và nạo phá thai”!?
Sài Gòn, 14/6/2023
N.N.L.
Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Luân