Nguyễn Quang Dy
Mùa hè đến, Việt Nam lại nóng lên với hai câu chuyện: Một là Trung Quốc lại cho tàu vào Biển Đông quấy rối, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam; hai là EVN lại tăng giá điện và cắt điện, làm người dân và doanh nghiệp khốn khổ. Mùa hè này có vẻ nóng hơn các mùa hè trước, nhưng không nóng bằng hai câu chuyện đó. Nhiều năm nay, dư luận bức xúc về vấn đề “điên nặng” của ngành này, nhưng tại sao EVN vẫn an toàn và không thay đổi?
Cái lô cốt độc quyền
Trước đổi mới, trong nền kinh tế tập trung bao cấp, hầu hết các tập đoàn nhà nước nắm các ngành then chốt đều độc quyền. Sau đổi mới, khi nền kinh tế chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, các tập đoàn nhà nước là “những quả đấm thép” đã bị thua lỗ nặng và mất dần độc quyền. Một số đã “diễn biến” thành các “nhóm lợi ích” để tiếp tục thao túng thị trường và chính sách, với “chủ nghĩa xã hội thân hữu”.
Trong khi đó, một số tập đoàn tư nhân lợi dụng kinh tế thị trường đã trỗi dậy và lấn sân. Một số đã phát triển thành các “nhóm lợi ích” để thao túng thị trường và chính sách, theo mô hình “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Về bản chất, “chủ nghĩa tư bản (CNTB) thân hữu” (crony capitalism) hay “chủ nghĩa xã hội thân hữu” đều giống nhau vì đều là “nhóm lợi ích”. Việc xuất thân khác nhau do “định hướng XHCN” chỉ là hình thức và không còn ý nghĩa.
EVN là một ví dụ điển hình về “chủ nghĩa xã hội thân hữu” như cái lô cốt độc quyền. Trong thời chiến, cơ chế độc quyền của một số ngành là cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, nhưng trong thời bình, cơ chế độc quyền không còn lý do tồn tại, thậm chí phản tác dụng. Tuy các ngành then chốt như hàng không và viễn thông đã mất độc quyền, nhưng ngành năng lượng gồm tập đoàn dầu khí (PVN) và điện lực (EVN) vẫn duy trì độc quyền.
Điều đó không phải vì lý do an ninh quốc gia mà vì “lợi ích nhóm”. Vốn đầu tư vào các dự án về dầu khí, thủy điện và nhiệt điện rất lớn, thường là đầu tư công nên phải duy trì độc quyền. Nay cơ chế đó đã bộc lộ quá nhiều bất cập, do tư duy và trình độ quản trị kém, dễ bị “nhóm lợi ích” thao túng, biến của công thành của tư. Trong khi PVN đã bị lên thớt, ngay cả cựu chủ tịch Đinh La Thăng cũng phải vào tù, nhưng EVN vẫn chưa lên thớt.
PVN với 4 đời chủ tịch vào tù vì tham nhũng, đã cùng EVN thao túng chính sách. Họ đã soạn thảo ra “Cơ Chế Đặc Thù” để trình Thủ tướng và Quốc hội. Theo đó, EVN sẽ được mua điện của PVN với giá 9.6 cent/kWh, cao hơn giá hiện tại 4.8 cent/kWh. Năm 2007, PVN đã lập luận chứng khả thi để đầu tư vào thủy điện Luang Prabang, nhằm bán điện cho Thái Lan hay Việt Nam. Dự án đã được lặng lẽ triển khai mà không cần khởi công.
Không chỉ có EVN mà cả PVN đã liên kết thành nhóm lợi ích năng lượng rất mạnh, được chống lưng không chỉ bởi Bộ Công thương mà cả cựu thủ tướng. Vì vậy, EVN vẫn an toàn cho đến mùa hè năm nay. Song những bất cập và khuất tất nhằm thao túng thị trường và lũng đoạn chính sách đã vượt qua “lằn ranh đỏ”, với những hệ lụy càng nghiêm trọng, đang làm người dân cả nước bất bình, các doanh nghiệp bức xúc, và Quốc hội nóng lên.
Trong khi nguồn cung điện chỉ có 11% là của EVN, còn 89% là ngoài EVN, tại sao EVN vẫn lỗ? Nếu EVN vẫn lỗ thì tại sao các công ty con của EVN vẫn lãi và vẫn gửi tiết kiệm hàng vạn tỷ đồng? Trong khi EVN kêu “thiếu điện”, phải “cắt điện luân phiên”, tại sao EVN vẫn không hòa mạng nguồn điện tái tạo, làm lãng phí 4.600 MW điện gió và điện mặt trời? Trong khi đó EVN vẫn tiếp tục mua điện của Trung Quốc và Lào với giá cao.
Tại sao lại độc quyền?
EVN độc quyền nên họ muốn cắt điện lúc nào cũng được. EVN độc quyền nên họ muốn tăng giá điện thế nào cũng được. “Người dân bị móc túi một cách hợp pháp”. Khách hàng không phải là thượng đế, mà là nạn nhân, nên “thua toàn diện”. Khi Nhà nước chủ trương bỏ độc quyền cung cấp điện thì ngành điện đã “giãy như đỉa phải vôi”. Điệp khúc thiếu điện và giải pháp “cắt điện luân phiên” là câu chuyện nhàm chán nhất hàng chục năm qua.
EVN độc quyền vì dân không mua điện của EVN thì chẳng mua được ở đâu. Các dự án điện gió và điện mặt trời không bán điện cho EVN thì chẳng bán được cho ai. Nói cách khác, EVN độc quyền nên ăn đủ cả hai phía. Phía có điện bán thì EVN dìm giá để bắt chẹt. Phía mua điện thì EVN tha hồ nâng giá. Như một nghịch lý, “EVN đang kéo xã hội về thời bao cấp”. Nói cách khác, EVN đã lừa dối nhà nước và nhân dân để che dấu khuất tất.
Tại sao EVN báo lỗ triền miên? Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân hỏi: “Tại sao tập đoàn EVN báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên vẫn lãi?”. Liệu cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá và thao túng thị trường điện? Hàng loạt nhà máy trong khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh phải tạm ngưng sản xuất vì không có điện. Khi du khách nước ngoài đến nghỉ tại các khách sạn ở Hạ Long thì bị cắt điện khi thời tiết nắng nóng.
Theo nhà báo Huy Đức: “Lý do chủ yếu là quản lý kém, là lỗi của EVN và bộ công thương. Họ không thực sự hiểu kinh tế thị trường mà nắm kinh tế thị trường. Họ không có tư duy chính sách mà say sưa làm chính sách”. Quy hoạch điện VII và VIII cho xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện công suất lớn. 4.600 MW từ 85 dự án điện gió và điện mặt trời không được hòa mạng đưa vào sử dụng, trong khi vẫn nhập điện của Trung Quốc và Lào.
Luật Đầu tư 2014 là một trong những luật mẹ đẻ ra “trận đồ bát quái” về thủ tục. Đặc biệt, Luật Quy hoạch 2017 là một ví dụ điển hình về tư duy quản trị lỗi thời. EVN lấy đủ thứ lý do để hành doanh nghiệp vì “chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Bộ Công thương, gây sức ép để bắt doanh nghiệp chi tiền. Nhà nước phải coi việc EVN chậm tháo gỡ những thủ tục để mua điện là tham nhũng, là tiêu cực, mà không cần bất cứ bằng chứng gì”.
Theo TS Nguyễn Đình Cung (nguyên viện trưởng CIEM): “Thực tế đã thay đổi sao không viết lại quy hoạch? Sao lại tự mình vẽ ra quy hoạch rồi tự buộc mình?”. Ông nói “phải để thị trường ban hành”, và “phải thay đổi cách thức làm chính sách, phải để các nhà đầu tư đưa ra quyết định, đừng bàn nữa, đừng chỉ thị nữa”. Theo ông Cung, “Thiếu điện là cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư. Thay vì ngồi xét duyệt hồ sơ thì chỉ cần dùng giá mua điện”.
EVN không xây dựng được một chiến lược về điện để giúp xã hội ổn định, kinh tế phát triển bền vững. Họ đã bày ra một “ma trận điện” để thu lợi nhuận cho “nhóm lợi ích”, thông qua các “xí nghiệp con”. Nhìn vào “ma trận điện” người ngoài không thể kết luận rằng EVN “dĩ công vi tư”. Tuy cách “dĩ công vi tư” giống nhau, nhưng mức độ và hoàn cảnh khác nhau. Dù kết quả thanh tra thế nào, thì EVN và các xí nghiệp con đều giống Việt Á.
Ngày 6/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công thương thanh tra về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Quốc hội yêu cầu làm rõ các bất cập của EVN hiện nay. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Thủ tướng chỉ đạo thanh tra EVN rất kịp thời, nhưng nên để Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, hoặc để thanh tra liên ngành điều tra EVN, để tránh tình trạng “đóng cửa bảo nhau”.
Lợi ích nhóm và thân hữu
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó Ban Tuyên giáo), Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 khóa XI của Đảng CSVN về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đã xác định nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”. Đó là nguyên nhân trực tiếp và hàng đầu làm kìm hãm sự phát triển của đất nước. Vì “nhóm lợi ích”, nguồn lực quốc gia bị phân bổ và sử dụng không vì lợi ích chung của đất nước mà chỉ nhằm phục vụ “lợi ích nhóm”.
Lợi ích nhóm đã lan rộng, phổ biến và nghiêm trọng đến mức báo động. “Sau mấy chục năm công nghiệp hóa, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp nhất khu vực. Hiệu quả đầu tư rất kém, nợ nhiều mà chưa rõ trả bằng cách nào. Sản phẩm công nghiệp để xuất khẩu hầu như không có. Các chương trình nội địa hóa không thành công, chủ yếu làm thuê và cho thuê mặt bằng. Kinh tế Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”.
Thực chất nhóm lợi ích là đồng tiền chi phối quyền lực. “Quyền lực không còn là của dân và chệch khỏi mục tiêu XHCN chân chính. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều”. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.
CNTB thân hữu thực chất là sự bành trướng, biến tướng và thoái hóa của nhóm lợi ích, xuất phát từ nguyên nhân gốc rễ của lợi ích nhóm hay “tham nhũng có tổ chức”. Lợi ích nhóm chính là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất là tham nhũng chính sách. “Suy thoái đạo đức của cán bộ có chức có quyền, nhưng không có cơ chế kiểm soát quyền lực, để quyền lực tha hóa. Nước nào rơi vào CNTB thân hữu sẽ không ngóc đầu lên được”.
Theo nhà toán học Nguyễn Ngọc Chu: “Độc quyền của EVN trong ngành điện là sản phẩm tất yếu của sự tập trung quyền lực vào trung ương. Để tìm lời giải tối ưu cho bài toán lớn phức tạp, cách tiếp cận phổ quát là phân bài toán lớn làm nhiều bài toán nhỏ. Không nên để tập trung cho Bộ Công thương quyết định mà nên san sẻ trách nhiệm cho các địa phương tham gia quyết định. Một bộ óc suy nghĩ không bằng nhiều bộ óc cùng suy nghĩ”.
Theo đuổi một hệ thống điện lực kế hoạch hoá tập trung là đi ngược với quy luật kinh tế thị trường, vì vậy phải “phi tập trung” (decentralization) trong quy hoạch điện mới. Nhưng đáng tiếc là Quy hoạch điện giai đoạn 2021-2030 của Điện VIII, vẫn cho phép xây dựng 11 nhà máy nhiệt điện than. Thế giới đã từ bỏ nhiệt điện than, tại sao Việt Nam lại đi ngược dòng với thế giới. Hay đó là thói quen “một mình một chợ” của Việt Nam?
Lời cuối
Đã đến lúc phải chấm dứt độc quyền, không chỉ của EVN mà của hệ thống đã tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thân hữu thao túng chính sách và lũng đoạn nhà nước. Đó là những nút thắt đang cản trở đất nước tiếp tục đổi mới và phát triển, để vượt qua những thách thức mới khó lường sau đại dịch. Các vụ đại án gần đây như “Việt Á”, “chuyến bay giải cứu” và “AIC”, là tiếng chuông cảnh tỉnh để cải cách thể chế và kiểm soát quyền lực.
Tham khảo
1. Lợi ích nhóm và Chủ nghĩa tư bản thân hữu, Vũ Ngọc Hoàng, Tạp chí Cộng sản, 2/6/2015
2. Lỗi của EVN và Bộ Công thương, Huy Đức, Tiếng Dân, 5/6/2023; Quy hoạch đưa đất nước quay lại thời quan liêu bao cấp, Huy Đức, Tiếng Dân, 10/6/2023
3. Thanh tra EVN: Câu chuyện về thế độc quyền ngành điện, BBC, 10/6/2023
4. Phân rã quyền lực để giải bài toán năng lượng quốc gia, Nguyễn Ngọc Chu, BVN, 11/6/2023
15/6/2023
N.Q.D.
Tác giả gửi BVN