Hai điểm quan trọng nổi bật mà quan hệ Mỹ – Việt đạt được qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London

2023.04.18

Hai điểm quan trọng nổi bật mà quan hệ Mỹ - Việt đạt được qua chuyến thăm của Ngoại trưởng BlinkenNgoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ở Hà Nội hôm 15/4/2023. AFP

Có hai điểm quan trọng mà quan hệ bang giao Mỹ – Việt đạt được qua chuyến thăm tới Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (14-16/3/2023), theo một nhà nghiên cứu về chính trị và bang giao Mỹ – Việt từ Đại học Leiden, Hà Lan.

“Thứ nhất là nó nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối với Việt Nam và Mỹ cho dài hạn. Và điều này chúng ta thấy rất rõ là Mỹ đang thực hiện quá trình xây dựng một Tòa Đại sứ quán mà sẽ có hơn nghìn người Mỹ làm ở đó. Điều đó phản ánh một mối quan hệ toàn diện và đa lĩnh vực, điều đó rất là rõ” – Phó Giáo sư, Tiến sỹ Jonathan London, học giả người Mỹ nêu nhận định hôm 18/4/2023.

“Thứ hai là mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đối với vấn đề ở Biển Đông cũng rất là rõ nét. Đó là Mỹ và Việt Nam có một điều rất thú vị là chưa có hai đất nước nào mà có vấn đề cụ thể về an ninh trong khu vực Đông Nam Á gần hơn với Mỹ và Việt Nam. Bởi vì lãnh đạo của cả hai nước này đều nhấn mạnh phải có một trật tự trong khu vực mà tuân theo luật pháp quốc tế về biển.”

Điều này theo ông Jonathan London đã đáp ứng yêu cầu của một mối quan hệ song phương lâu dài và củng cố tình hình an ninh và trật tự trên Biển Đông, một vấn đề có tầm quan trọng cho hai bên.

Theo học giả người Mỹ này, việc Ngoại trưởng Mỹ tiếp xúc với hai trong số bốn nhà lãnh đạo quan trọng nằm trong “tứ trụ” của Việt Nam, mà trong đó có gặp người lãnh đạo Đảng Cộng sản bên cạnh người đứng đầu Chính phủ, cho thấy một mô hình bình thường hóa quan hệ được định hình trong tiếp xúc, trao đổi cấp cao song phương.

Ông Jonathan London nói: “Việc Antony Blinken không chỉ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, mà cũng gặp ông Nguyễn Phú Trọng nói đến quá trình bình thường hóa việc chính khách cấp cao của Mỹ gặp trực tiếp Tổng Bí thư đảng Cộng sản. Như ai cũng đều biết là trước thời của Tổng thống Obama, một người trong Chính phủ Mỹ mà gặp trực tiếp người trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều gần như không có.”

Còn hiện nay, vẫn theo nhà nghiên cứu này, điều này đã trở thành một yếu tố “rất là bình thường”, trong khi các quan chức của Mỹ sang Việt Nam có thể qua đó trao đổi rất thẳng thắn với phía chủ nhà, và đây là điểm đáng lưu ý qua chuyến thăm.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người trong giới quan sát chính trị và bang giao song phương Mỹ – Việt, với những ý kiến, góc nhìn, đánh giá khác nhau, một trong các ý kiến trong dịp này mà chúng tôi tiếp cận được, là của Tiến sỹ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc.

Từ New York, Hoa Kỳ, nhà quan sát này nêu quan điểm cá nhân của ông về quan hệ Mỹ – Việt nói chung, và đưa ra một số lưu ý với Việt Nam, trong bối cảnh chính trị quốc tế và khu vực khá phức tạp hiện nay, trong đó có tính tới các vấn đề như quan hệ với Trung Quốc, tình hình Đài Loan, v.v… để các bên quan tâm có thể tham khảo:

“Về ngoại giao với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện (Comprehensive Strategic Partnership) là ‘chuyện bình thường ở huyện’, và nên làm, vì làm thế cũng chỉ nâng Mỹ lên ngang hàng Ấn Độ, TQ, Nga… mà thôi. Nhất là khi cả khối ASEAN đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp này từ tháng 11 năm ngoái rồi, tại sao Việt Nam lại để chậm thế?

“Mỹ luôn nhắm vào Việt Nam để đẩy vào “rọ” gần như đồng minh, nhưng không phải đồng minh vì không có treaty (hiệp ước) để được đối xử như thành viên của NATO.”

“Về Đài Loan, còn tệ hơn thế vì Mỹ đã tuyên bố trước đây coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Có lẽ Trung Quốc áp lực kinh tế và quân sự để dọa già Đài Loan, chứ động binh chiếm thì họ phải nghĩ rất kỹ vì họ sẽ phải hy sinh rất nhiều. Chắc họ sẽ không như Mỹ sẵn sàng đem binh đi khắp nơi, áp đặt "dân chủ" và "giá trị Mỹ", không xong thì bỏ chạy.”

Vẫn ý kiến của Tiến sỹ Vũ Quang Việt, trên quan điểm cá nhân của ông, lưu ý:

“Nên để ý là GDP năm 2022 của Trung Quốc đã là 18 nghìn tỷ USD, so với Mỹ là 23 nghìn tỷ USD và họ đã vượt khối EU. Cho nên không thể bỏ qua sức mạnh kinh tế và quân sự của họ nhất là ở trong khu vực Đông Nam Á.”

000_33D93CX.jpgNgoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 15/4/2023. AFP

“Chưa là đồng minh, nhưng có niềm hy vọng chung”

Đưa ra bình luận gián tiếp về quan điểm này, Phó Giáo sư Jonathan London nói:

“Thực ra, theo tôi hiểu Việt Nam không muốn có mối quan hệ gọi là đồng minh, Việt Nam rất là rõ ràng trong điều này và việc Việt Nam muốn giữ một vị trí độc lập, thì điều này tôi nghĩ là có thể hiểu được.”

“Còn đối với kinh tế của Trung Quốc, thì nền kinh tế này đến nay đã là nền kinh tế lớn hàng bậc nhất rồi, nhưng hiện nay Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, và không chỉ về vấn đề thương mại và an ninh, mà còn những chuyện khác, thì Việt Nam có rất nhiều lý do để ‘nuôi’ mối quan hệ này.”

“Nên tôi không chờ đợi ngày Việt Nam và Mỹ sẽ thành hai nước đồng minh, vì những điều kiện cụ thể của Việt Nam chưa cho phép, hơn nữa, trong những năm gần đây, tôi thấy nhịp độ, tiến độ của Việt Nam đối vấn đề mà dần dần trở thành một đất nước mà thực sự phản ánh những nguyện vọng dân chủ của người Việt Nam.”

Ông Jonathan London nói ông không đề cập vấn đề thể chế một đảng hay đa đảng ở Việt Nam, mà muốn nhấn mạnh về một môi trường mà theo ông là thực sự xứng đáng với tinh thần của người Việt Nam, như ông giải thích thêm về tinh thần này:

“Đó là một đất nước mà có pháp quyền, một đất nước mà tiếng nói của con người trong các bộ phận đều được tôn trọng v.v…, thì điều đó rõ ràng là chưa có, nên tôi thấy nhiều người cả ở Mỹ và ở Việt Nam hy vọng là trong một tương lai không xa, hai đất nước này, hai xã hội này dần dần có điều kiện để mối quan hệ phát triển sâu hơn nữa.:

“Và khá là rõ rằng điều kiện ở Việt Nam hiện nay chưa cho phép hoàn toàn để có những thay đổi như thế.”

“Chuyện làm quân cờ của ai, và tầm nhìn về một cơ hội vàng”

Vẫn trong dịp này, Tiến sỹ Vũ Quang Việt từ New York đưa ra quan điểm riêng về việc Việt Nam cần quan tâm điều gì khi hợp tác với Mỹ, ông lưu ý:

“Về mặt khoa học kỹ thuật, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới và còn lâu mới có nước thay thế. Mỹ hơn hẳn Trung Quốc về thu hút chất xám vì xã hội họ mở và tiếng Anh là tiếng quốc tế.

“Việt Nam cần hợp tác với Mỹ để học hỏi và du nhập chất xám của Mỹ, và do đó không nên gây thù oán với họ, nhưng cũng không nên làm con cờ để Mỹ dùng chống Trung Quốc.”

Bình luận về quan điểm trên, Phó Giáo sư Jonathan London nói:

Tôi thấy rằng không có một khoảng cách xa giữa quan điểm vừa mới nói trên với lập trường từ phía Việt Nam, trong đó nói rằng ‘Việt Nam phải hết sức cẩn thận trong vấn đề (quan hệ) này, bởi vì Mỹ làm gì, thì Mỹ cũng vẫn xa, Trung Quốc thì luôn luôn bên cạnh, nên Việt Nam phải hết sức cẩn thận".

Nhưng tôi nghĩ từ trước đến giờ, dù sao, tôi đánh giá rất là cao những gì Việt Nam đã làm để tiếp tục mối quan hệ (Việt – Mỹ) này, bởi vì nếu mà nhìn lại lịch sử phát triển thực sự của Việt Nam trong 30 hay 40 năm gần đây, tôi biết là người Việt Nam rất thích (nói về) một cơ hội vàng.

“Mà thực sự Việt Nam đã có một giai đoạn cửa sổ, một thời điểm không phải là dài quá, có thể là 10 năm, hoặc có thể là 20 năm tới, để nắm được một cơ hội cực lớn trên toàn khu vực Đông Á, đó là gì? Đó là mô hình của Trung Quốc sau một thời gian, chẳng ai còn thấy thực sự là hấp dẫn nữa, và những điều kiện đầu tư, chi phí đầu tư ở Trung Quốc cũng làm khó khăn cho nhiều công ty quốc tế ở Trung Quốc.

“Nên Việt Nam phải cố gắng hết sức mình để thực sự trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với thế giới để đầu tư một cách lâu dài.”

Những thách thức của Việt Nam và khả năng giúp đỡ của Mỹ

Phó Giáo sư Jonathan London chia sẻ thêm rằng cũng như nhiều nhà quan sát khác, ông nhận thấy trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có một số trục trặc, tắc nghẽn như là tắc cổ chai (bottlenecks), mà Việt Nam cần cố gắng tháo gỡ, giải quyết sớm, coi đây như những thách thức, cũng như kỳ vọng, và ông nói thêm:

“Cho nên, bên cạnh chiến dịch chống tham nhũng mà đã có một số tiến bộ nhất định, hơn nữa phải có những cải cách về hành chính và luật pháp thực sự toàn diện và hiệu quả, thì hơn bao giờ hết Việt Nam cũng phải sớm giải quyết những trục trặc trong nền kinh tế, để Việt Nam đóng một vai trò, bởi vì tôi không nói phóng đại, nhưng có thể nói rằng thế giới đang chờ xem liệu Việt Nam có thể giải quyết những hạn chế của nền kinh tế trong nước hay không.”

“Rồi liệu Việt Nam có thể giải quyết được những vấn đề về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, có thể nâng cấp hệ thống điện (năng lượng) chẳng hạn, có thể nâng cao hơn nữa khối lượng lao động có kỹ năng cao ở Việt Nam hay là không?”

“Đây là những vấn đề mà Việt Nam phải đề cập và phải giải quyết cho được trong một thời gian trong vòng mười năm.”

“Còn nếu không, tôi thấy là Việt Nam sẽ mất một cơ hội để thực hiện được tiềm năng, trong đó vai trò của Mỹ gần như là chìa khóa để giúp đỡ Việt Nam về đầu tư vào khoa học công nghệ, về hợp tác giáo dục, về tiếp cận thị trường. Đây là những vấn đề mà Mỹ khá là duy nhất trong lĩnh vực này.”

Trên khía cạnh hợp tác an ninh, từ New York, Tiến sỹ Vũ Quang Việt nêu thêm góc nhìn của mình:

“Quan điểm của Việt Nam hiện nay tôi nghĩ là đúng, đó là có chính sách thân thiện, hợp tác và hòa bình với mọi nước, và nếu được, đóng góp vào vai trò hòa giải các tranh chấp trên thế giới. Nó không phải là cây tre. Nó có thể có nhận định sai trái về các vấn đề, nhưng không đứng vào phe này chống phe kia.”

“Với Trung Quốc, tôi vẫn luôn nghĩ là Việt Nam nên kêu gọi các nước, đặc biệt là các nước khu vực, thiết lập một cơ chế quốc tế đặc biệt nhằm bảo vệ hòa bình và quyền tự do đi lại ở Biển Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc.”

Bình luận gián tiếp thêm về ý kiến này, Phó Giáo sư Jonathan London nói:

Thực ra chính quyền Việt Nam cũng đã nói rằng họ không muốn có một quan hệ để sử dụng nó cho một nước khác, lập trường đó thì khá là rõ.”

“Nhưng mà tôi thấy rằng không thể nói về một tổ chức nào, hoặc là một nỗ lực đối với vấn đề an ninh, trật tự trên Biển Đông, mà trong đó có một đất nước mà nhất quyết không chấp nhận tuân theo luật pháp quốc tế.”

“Và nếu Trung Quốc là nước đó, thì bằng chứng là những gì mà họ đã thể hiện, coi thường và không có ý định tuân theo những nguyên tắc về luật pháp quốc tế, thì tôi thấy họ không có một vai trò có tính xây dựng nào.”

“Chính vì thế, dù Việt Nam chưa phải là một đồng minh của Mỹ và có thể là sẽ khác so với mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, với Philippines, với Nhật Bản, Hàn Quốc v.v…, và không chỉ về vấn đề thể chế, về nhân quyền và những chuyện khác nữa, mà bởi vì vị trí của Việt Nam là như thế.”

“Nên tôi thấy Việt Nam sẽ giữ được một vị trí đặc biệt mà nó nói lên đặc điểm của Việt Nam ở trong khu vực và điều đó sẽ cho phép Việt Nam làm những gì cần làm để bảo vệ chủ quyền ở trên biển, mà trong khi vẫn nhìn rõ vấn đề mối quan hệ với Trung Quốc thì phải quản lý thế nào,” ông Jonathan London chia sẻ từ Đại học London, Hà Lan hôm 18/4/2023.

Xung quanh chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Antony Blinken vào trung tuần tháng tư mới đây, báo chí và truyền thông chính thống của Nhà nước Việt Nam đã có nhiều bài vở nêu kỳ vọng hoặc có đánh giá được cho là “tích cực”.

Trong số đó, báo Quốc tế, cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, có một bài nhận định mang tựa đề “Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken thể hiện sự coi trọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ”, trong đó nhận định:

“Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho thấy thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam.”

Một báo khác, tờ Dân trí dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Ngoại trưởng Blinken tại Hà Nội, nói “Việt-Mỹ sát cánh trong giai đoạn cần hỗ trợ nhau nhất.”

Còn trên RFA Tiếng Việt hôm 17/4, một bài báo mà tác giả gửi đến từ California, Hoa Kỳ, gợi ý rằng đã có thể có một số đột phá trong chuyến thăm của ông Blinken, mà theo đó có thể thấy như sau:

“Những biến cố và sự kiện được cho là đột phá trong chuyến công du Hà Nội đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken có thể là: i) Lễ động thổ Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội trị giá 1,2 tỷ USD; ii) Tuyên bố của Tổng bí thư ĐCSVN, Thủ tướng Chính phủ VN và Ngoại trưởng Mỹ về thời điểm được cho là chín muồi đối với việc nâng cấp quan hệ song phương Việt – Mỹ; và iii) Tái cam kết về các cuộc đàm phán IPEF (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) do Mỹ dẫn đầu.”

Q.P.

Nguồn: rfa.org

This entry was posted in Quan hệ Mỹ - Việt. Bookmark the permalink.