Cảnh báo thiếu hụt điện nhưng lại từ chối điện do tư nhân sản xuất

Hàn Lam

23.03.2023

(VNTB) – Hàng năm đã có hơn 5,58 tỷ kWh từ điện gió và điện mặt trời đã bị lãng phí.

clip_image002

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng sản lượng điện vào năm 2025 có thể thiếu hụt lên đến 27,7 tỷ kWh.

“Kêu gào” trên của EVN cho thấy là một nghịch lý, khi điện năng lượng gió và mặt trời do tư nhân đầu tư sản xuất cũng đang kêu gào, vì họ làm ra không bán được, dù giá bán bằng giá mà EVN mua từ nước ngoài. Thậm chí, điện năng lượng mặt trời áp mái, cũng bị dừng cấp phép.

Một dẫn chứng cho nhận xét trên. Trong ngày cuối cùng của tháng 8 và đầu tháng 9/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) liên tiếp có văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công thương và EVN đề nghị tiếp tục huy động phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.

Nguyên do là ngày 31/8/2022, Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN đã phát thông báo dừng huy động công suất phát 172 MW trong dự án 450 MW này từ ngày 1/9/2022 bởi chưa có giá. Không phải chỉ có Trungnam Group, mà các nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 của Tập đoàn T&T cũng nhận được thông báo tương tự.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên các nhà máy điện mặt trời được hoàn thành trong năm 2020 nhưng nằm ngoài phạm vi 2.000 MW được hưởng mức giá 9,35 UScents/kWh tại tỉnh Ninh Thuận nhận được thông báo dừng huy động. Nhưng trên thực tế, việc huy động vẫn tiếp tục dù việc thanh toán tiền điện chưa diễn ra bởi không có giá.

Tuy nhiên, lần này, mọi chuyện đã khác. Ngay sau thông báo ngày 31/8/2022, kể từ ngày 1/9/2022, việc dừng huy động các phần công suất chưa có giá điện tại Nhà máy Trung Nam Thuận Nam 450 MW và Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 đã được thực hiện.

Một đại diện từ EVN tuyên bố với báo chí rằng làm như vậy để cảnh báo doanh nghiệp làm đúng trong huy động với các dự án điện chưa có giá (?!).

Trước đó, ngày 14/1/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 17/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành có liên quan đến câu chuyện trên. Theo đó, về giá điện với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu áp dụng giá điện tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu/ đấu giá công khai minh bạch.

Đối với việc vận hành phần phát điện phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận mà hiện chưa có giá điện, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành điện; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất này theo chỉ đạo nêu trên.

Việc không có các chính sách nối tiếp cho các dự án năng lượng tái tạo dở dang như điện mặt trời tại Ninh Thuận vượt ngoài công suất 2.000 MW nhưng đầu tư xong trong năm 2020, các dự án điện mặt trời khác từ tháng 1/2021, dự án điện gió từ tháng 11/2021 nói riêng, hay chính sách tổng thể để phát triển hệ thống điện nói chung hiện nay cho thấy sự bất cập, lúng túng đầy khó hiểu từ phía các cơ quan chức năng.

Ở thời điểm khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, nhiều dự án nhiệt điện dùng than nhập khẩu tại Việt Nam có giá lên tới xấp xỉ 4.000 đồng/kWh. Như vậy, dù điện mặt trời và điện gió không thể chạy với thời gian ổn định và dài như điện than, nhưng mức giá khoảng 2.500 – 2.800 đồng/kWh hiện nay của điện mặt trời vẫn rẻ hơn và góp phần tiếp sức cho hệ thống điện đang phải đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định.

Hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận cùng 36 doanh nghiệp đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp ở nhiều địa phương đã đồng loạt ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về những vướng mắc liên quan đầu ra cho điện thương phẩm.

“Hiện vẫn còn 2.090 MW công suất năng lượng tái tạo, gồm 1.638 MW điện gió và 452 MW điện mặt trời đã hoàn thành chưa được khai thác. Chỉ cần tính với hiệu suất khai thác trung bình ở mức 25-32% công suất lắp đặt, hàng năm đã có hơn 5,58 tỷ kWh sản lượng năng lượng tái tạo (gồm hơn 4,59 tỷ kWh điện gió và 989 triệu kWh điện mặt trời) đã bị bỏ đi một cách lãng phí.

Căn cứ theo định mức giá điện từ cơ chế mới đã được Bộ Công thương công bố gần đây, với mức sản lượng này các doanh nghiệp đầu tư điện sạch đang bị lãng phí hơn hơn 23 tỷ đồng mỗi ngày. Và với việc cơ chế quy định giá điện mới chậm trễ hơn 1 năm như vừa qua thì con số lỗ của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện gió, điện mặt trời là một con số rất lớn.

Điều này cho thấy khung chính sách quản lý vĩ mô đã gây ra hậu quả nghiêm trọng tới vốn đầu tư xã hội, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng” – một chuyên gia tư vấn phát triển năng lượng tái tạo nhận xét.

H.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Điện. Bookmark the permalink.