Trung – Nhật “song đấu” trên mặt trận ngoại giao

Hiếu Chân

21 tháng 3, 2023

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (trái) là nhà lãnh đạo cuối cùng của nhóm G-7 đến Kyiv và gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 21/03/2023. Ảnh Roman Pilipey/Getty Images

Như tin đã đưa, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bất ngờ đến thăm Ukraine đúng lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga. Chuyến công du của ông Tập thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đồng minh của ông Vladimir Putin trong khi chuyến thăm của ông Kishida cho thấy điều ngược lại: Ủng hộ cuộc chiến đấu của người dân Ukraine.

Và như thế, vô tình hay cố ý, dưới mắt các nhà quan sát, hành động của hai nhà lãnh đạo Trung – Nhật cho thấy một cuộc đấu ngoại giao tay đôi của hai cường quốc nổi bật nhất châu Á.

Hai chuyến viếng thăm, ở hai thủ đô cách nhau 500 dặm (800 km), cho thấy cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu lan ra khỏi vụ tranh chấp quần đảo Senkaku (hiện do Nhật kiểm soát mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của họ với tên gọi Điếu Ngư), lan sang cả châu Âu khi cả Bắc Kinh và Tokyo đều đang cố mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Tập Cận Bình và Vladimir Putin sau khi ký tuyên bố chung Nga-Trung hôm 21/03/2021 tại Moscow. Ảnh Xie Huanchi/Xinhua via Getty Images

Không như dự đoán của giới quan sát, trong hai ngày đầu chuyến thăm ở Moscow, ông Tập và ông Putin không bàn nhiều tới kế hoạch hòa bình 12 điểm mà Trung Quốc đưa ra cuối tháng trước và bị cả Ukraine và Phương Tây coi là “vô lý”. Tuyên bố chung của hai ông Tập – Putin chỉ coi đề nghị của Trung Quốc là “căn bản” để đàm phán sau này khi “Ukraine và Phương Tây đã sẵn sàng”, như lời ông Putin.

Trọng tâm chuyến thăm của ông Tập lại là củng cố mối quan hệ “không giới hạn” giữa hai nước Nga-Trung, đưa nó vào một “kỷ nguyên mới” như lời ông Tập hoặc lên “đỉnh cao của một sự phát triển lịch sử”, như lời ông Putin.

Cốt lõi của trọng tâm này là hợp tác kinh tế giữa hai nước, trong đó Trung Quốc thay thế châu Âu để làm khách hàng chính tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt và than đá xuất cảng của Nga, đồng thời các công ty Trung Quốc sẽ đổ vào Nga, thay thế các tập đoàn đa quốc gia Phương Tây đã rời đi vì cuộc chiến Ukraine. Sự hợp tác mới này không chỉ phục vụ cho các mục tiêu lợi ích của Trung Quốc mà còn giúp Nga chống đỡ các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của Phương Tây.

Và trên hết, việc củng cố thêm nữa quan hệ Nga-Trung đã giúp hình thành một “liên minh chuyên chế”, có thêm Iran và Bắc Hàn, quy tụ các thể chế độc tài có chung một mục đích là chống lại Hoa Kỳ và cái trật tự thế giới hiện tồn, trong đó các thể chế dân chủ tự do có vai trò chi phối.

Cuộc đấu tranh chống Mỹ của liên minh chuyên chế đang được mở rộng ra khắp thế giới nhưng cô đọng nhất trong cuộc chiến tranh ở Ukraine và căng thẳng ở đảo Đài Loan. Khi Nga có dấu hiệu đuối sức, Trung Quốc đang xuất hiện như một kẻ thống soái cả hai mặt trận.

Tại Moscow, ông Tập khẳng định Trung Quốc là một nhà môi giới trung lập ở Ukraine. “Chúng tôi tuân thủ quan điểm khách quan và nguyên tắc về cuộc khủng hoảng Ukraine dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc… Chúng tôi tích cực khuyến khích hòa bình và nối lại các cuộc đàm phán,” ông Tập nói với ông Putin. Nhưng đồng thời trong tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải “tôn trọng các mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia”, lặp lại luận điệu của Moscow rằng họ đưa quân vào Ukraine đến để ngăn Mỹ và các đồng minh NATO biến nước này thành một bức tường thành chống đối và đe dọa an ninh của Nga. Ông Tập thậm chí không gọi vụ xâm lược Ukraine là một cuộc chiến tranh mà coi đó chỉ là một vụ “khủng hoảng”!

Vòng hoa của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đặt hôm 21/03/2023 tại Bức Tường Tưởng Niệm những người đã hy sinh bảo vệ thủ đô Kyiv trong cuộc chiến Nga – Ukraine. Ảnh STR/NurPhoto via Getty Images

Trong lúc ông Tập nâng ly chúc tụng ông Putin trong bữa đại yến xa hoa ở Cung điện Đa diện 600 năm tuổi lộng lẫy giữa Điện Cẩm Linh thì ở cách đó 800 cây số, Thủ tướng Nhật Kishida viếng thăm thị trấn Bucha ở ngoại ô Kyiv, nơi bốn trăm thường dân Ukraine đã bị tàn sát dã man trong mấy tháng quân Nga chiếm đóng hồi đầu cuộc chiến.

Ông Kishida đã đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân tại một nhà thờ ở Bucha và xúc động phát biểu: “Trong chuyến thăm Bucha này, tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ trước sự tàn ác. Tôi xin đại diện cho người dân Nhật Bản bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới những người đã mất người thân, bị thương vì hành động tàn ác này.” Sau đó, ông Kishida gọi cuộc xâm lược của Nga là “sự ô nhục làm suy yếu nền tảng của trật tự pháp lý quốc tế” và cam kết “tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi hòa bình trở lại trên vùng đất Ukraine xinh đẹp”.

Cho đến nay, Nhật là một trong số các đồng minh của Hoa Kỳ lên án cuộc xâm lược của Nga, tham gia cấm vận kinh tế Nga và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Ukraine. Nhưng do quy định của bản Hiến pháp hòa bình, Nhật chỉ có thể viện trợ cho Ukraine những hàng hóa nhân đạo và thiết bị không sát thương, với giá trị khoảng $7 tỷ.

Ông Kishida sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh bảy nước công nghiệp phát triển nhất (G-7) được tổ chức vào Tháng Năm sắp tới để vận động hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine.

“Ông Kishida đứng về phía tự do, trong khi ông Tập đứng cùng một tên tội phạm chiến tranh”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel nhận xét trên Twitter, hàm ý ông Putin vừa bị Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ bốn ngày trước vì hành vi tội phạm chiến tranh.

Con đường của hai cường quốc châu Á đang cách xa nhau và xung đột Trung-Nhật có xảy ra hay không là điều chưa biết trước được. Nhưng với những diễn biến đang diễn ra thì khu vực Đông Á có thể là điểm nóng kế tiếp trong cuộc đối đầu giữa liên minh chuyên chế Nga-Trung với khối dân chủ tự do do Hoa Kỳ dẫn dắt.

H.C.

Nguồn: Sài Gòn Nhỏ

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Quan hệ Trung - Nhật - Nga. Bookmark the permalink.