Bùi Phú Châu
Năm 2018, sau thời gian ngắn làm việc tại một hãng luật, tôi nộp đơn thi vào một ngân hàng nằm trong nhóm lớn nhất Việt Nam.
Vượt qua mấy vòng thi viết, tôi đến vòng phỏng vấn trực tiếp với giám đốc ban. Mọi câu hỏi về chuyên môn, kỹ năng pháp luật, kinh tế, xã hội tôi đều trả lời tương đối trôi chảy. Phần cuối cuộc phỏng vấn mới là một "bài học mới" cho tôi.
– "Nếu quan điểm của em và cấp trên khác nhau, em làm thế nào"?
– "Em sẽ trình bày quan điểm của mình để thuyết phục lãnh đạo đến cùng".
– Nếu lãnh đạo vẫn không nghe?
– Em giữ quan điểm của mình, nhưng là nhân viên, em sẽ tuân thủ chỉ đạo của cấp trên.
– Nhưng nếu em thấy rõ quan điểm đó không đúng?
– Như em đã nói, là nhân viên em phải tuân thủ chỉ đạo của cấp trên và thực hiện.
Và anh giám đốc ban mỉm cười, câu trả lời phù hợp cho câu hỏi nói trên mà anh giảng giải cho tôi là "Em phải xin nghỉ việc. Xin nghỉ việc không phải là vì trái quan điểm với lãnh đạo, xin nghỉ việc là vì, khi em cho rằng một việc là không đúng thì không ai được quyền bắt em phải làm. Xin nghỉ việc là để bảo vệ mình, có thể là thuyết phục lãnh đạo và để cảnh báo cho tổ chức".
Những điều nhắc nhở của anh, mặc dù chưa bao giờ phải sử dụng, đã trở thành nguyên tắc làm việc theo tôi từ đó.
Hôm qua, tại phiên bào chữa cho cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ trong đại án AIC, luật sư của ông này nói rằng: "Mọi người hãy đặt cương vị là giám đốc bệnh viện, khi nhận được yêu cầu của bí thư tỉnh uỷ, liệu có dám chống lại không? Tôi tin chắc rằng không ai dám". Luật sư còn khẳng định ông Vũ dù có "gan trời" cũng không dám yêu cầu AIC chi tiền khi đấu thầu.
Lời bào chữa này liên quan đến cáo buộc ông Vũ nhận hối lộ 14,8 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp Công ty AIC thông thầu các dự án ở Bệnh viện Đồng Nai. Luật sư của ông Vũ cho rằng, ông Vũ "chịu nhiều áp lực" vì "hiểu rằng AIC là chỗ quen biết của người đứng đầu Tỉnh uỷ Đồng Nai".
Luật sư làm tất cả, đưa ra mọi lý lẽ có thể để bảo vệ thân chủ, tôi không định chê trách gì.
Nhưng xã hội này sẽ không thể chấp nhận lựa chọn đó như một điều bình thường. Không chỉ đại án AIC, trong rất nhiều vụ án khác từng được đưa ra xét xử thời gian qua, có không ít trường hợp nhân viên cấp thấp, làm theo chỉ đạo của cấp trên và vướng vào vòng lao lý, dù thực tế, họ không nhận được lợi ích vật chất gì đáng kể.
Nếu biết trước cái giá phải trả đó, họ hẳn đều sẽ lựa chọn thà nghỉ việc còn hơn đi tù. Nhưng xin nghỉ trong khi mọi thứ dường như đang rất bình thường, dưới quyền lực chuyên môn, quyền lực quản lý của người lãnh đạo, trong những ngành nghề đặc thù, rõ ràng không phải là một quyết định dễ dàng.
Nhưng trên tất cả, lựa chọn trong những trường hợp này vẫn là "gan mình" chứ không phải "gan trời".
Một đồng nghiệp từng kể cho tôi câu chuyện của anh, lý giải tại sao anh đã bỏ công việc nhiều năm tại một tổ chức tài chính lớn, để ra ngoài làm một luật sư độc lập và phải trả giá bằng khoảng thời gian bươn chải khó khăn.
"Hôm đấy, anh đứng dậy và nộp đơn xin nghỉ việc, những người ngồi lại phòng họp, về sau, có vài người phải đi tù", anh nói. Anh đã dũng cảm, chọn bước ra khỏi cánh cửa phòng họp, bước ra khỏi lợi lộc thu được từ cách làm sai trái trước mắt, chọn khó khăn nhưng phù hợp với điều anh tin là lẽ phải. Trong khi kể lại chuyện của mình, anh vẫn không khỏi tiếc nuối cho những đồng nghiệp tài năng trong phòng họp hôm đó.
Có sự khác nhau bản chất giữa người quyết định không làm điều sai trái và người nhắm mắt làm sai, rồi chấp nhận ăn chia lợi lộc sau đó.
Tôi tin là không chỉ tôi, đồng nghiệp của tôi mà trong xã hội này còn rất nhiều người dám đứng dậy từ chối làm điều sai trái, những người dám tin "gan mình" còn lớn hơn "gan trời".
B.P.C.
Nhân viên ngân hàng
Nguồn: VNExpress