Nga đang trên đường thảm bại tại Ukraine

Trịnh Khải Nguyên-Chương

clip_image002

Đại pháo Nga bị phá hủy tại chiến trường vùng Kharkiv, Ukraine, tháng 9, 2022.

Từ năm 1999, từ lúc lên nắm quyền cai trị nước Nga cho đến nay, Putin đã đưa quốc gia này vào bốn cuộc chiến tranh. Sau Chechnya, Georgia, Syria, nay là Ukraine. Trước Ukraine, các cuộc chiến kia chỉ là những cuộc chiến nhỏ, đối thủ yếu, không có sự hỗ trợ của thế giới bên ngoài, và Putin chiến thắng dễ dàng. Khi xua đại quân sang xâm lăng Ukraine vào hôm 24/2/2022, Putin cũng tin tưởng là chỉ trong vài tuần, hoặc nhiều lắm là ba bốn tháng, Kyiv sẽ đầu hàng vô điều kiện. Nhưng sự thật ngày nay, trên chiến trường cũng như mặt trận chính trị, kinh tế, cho thấy Putin đang thua và thua đậm.

Putin đã tính nước cờ sai, đã quá tự tin khi bật đèn xanh cho quân đội cùng xe tăng, đại pháo vượt biên thùy Ukraine. Cho đến thời điểm đó, Putin thấy chiến thắng nằm trong tầm tay với. Suốt năm trời, Nga tập trung quân lực dọc theo biên giới, chỉ riêng việc đó thôi đã khiến kinh tế Ukraine lâm vào tình trạng suy thoái. Thế rồi, lãnh tụ các quốc gia Tây Âu, hết người này đến người kia, nối đuôi nhau sang Moskva năn nỉ Putin đừng gây chiến. Điều này càng làm Putin thêm tự phụ, tin tưởng vào chiến thắng nhanh chóng. Tây Âu sợ mình thế kia, chắc chắn chẳng dám can thiệp đâu. Cứ thẳng tay mà làm. Ắt hẳn Putin đã nghĩ như thế.

Thêm nữa, trong suy nghĩ của Putin, Ukraine không phải một quốc gia thật sự, dân tộc Ukraine không có tinh thần ái quốc, và Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ là một tên “nghiện xì-ke” như Putin nhiều lần nhạo báng nhà lãnh tụ quốc gia láng giềng. Với một suy nghĩ như thế, Putin nhất quyết đánh Ukraine cho bằng được.

Xung quanh Putin không có tiếng nói đối lập, vì bất cứ ai lên tiếng nói khác ông ta liền bị ông ta cho vào tù và dùng độc dược ám hại. Còn các cố vấn, những kẻ ngồi cùng bàn với Putin thì sao? Họ có đưa ra quan điểm hoặc ý kiến gì khác không? Sự thật là gần như tất cả bọn họ đều là những quân xu phụ, làm giàu nhờ dựa vào thế lực của Putin, và quan trọng hơn, họ sợ làm trái ý Putin. Từ lâu chính Putin đã xây dựng một chế độ mà nền móng là những kẻ chỉ biết nghe lời và không dám nói sự thật. Với toàn những “cố vấn” kiểu ấy, Putin chỉ nghe những gì ông ta muốn nghe chứ không phải những điều cần nghe. Đó là nhận định của các quan sát viên quốc tế về con người Putin. Bởi thế, tuy tình báo Nga thuộc hàng tinh vi và hữu hiệu nhất nhì thế giới, nhưng Putin vẫn không nắm vững được tình hình chung. Điều này có lẽ không nguy hiểm nếu không có một biến cố trọng đại như chiến tranh xảy ra. Nga là một quốc gia rộng lớn, dân đông, việc quản trị đất nước nói chung nằm trong tay nhân viên các cấp, và có nhiều người tài giỏi, không cần nhất nhất cái gì cũng chờ lệnh từ lãnh đạo bên trên đưa xuống. Nhưng có những thông tin về tình báo cơ mật mà nếu người lãnh đạo không nắm rõ, vì nhân viên cấp dưới lo ngại con đường tiến thân chính trị của mình bị ảnh hưởng, không dám tường trình lên, thì hậu quả là khôn lường, một tai họa lớn cho quốc gia một khi những xung đột địa chính trị nghiêm trọng bùng nổ.

Đó là những lý do vì sao Putin đang thảm bại. Và hiện nay chiến lược của Putin là kéo dài chiến tranh. Kéo dài với hy vọng phương Tây mỏi mệt, phải buông rơi Ukraine như buông rơi Afghanistan năm ngoái. Đó là hy vọng cuối cùng của Putin.

Quân đội Ukraine, với sự hỗ trợ khí giới hiện đại và tiền bạc từ NATO, càng ngày càng chứng tỏ là một đội quân với tiềm năng chiến đấu hữu hiệu của thế kỷ XXI, trong khi Nga thì suy yếu trầm trọng đến độ phải ném binh lính chưa được huấn luyện thuần thục kỹ thuật tác chiến ra mặt trận và phải mua vũ khí, đạn dược của Iran và Bắc Triều Tiên. Nhận định một cách khách quan thì Nga vẫn có một kỹ nghệ chiến tranh hùng hậu làm hậu thuẫn và có khả năng kéo dài cuộc chiến, nhưng để thực hiện những trận đánh quy mô nhằm đẩy lui quân lực Ukraine, chiếm đất, thì Nga đã mất thế chủ động, và trong thời gian trước mắt sẽ không thể thực hiện nổi.

Quân lực Nga ngày nay đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Yevgeny Prigozhin. Ông này chủ trương tung vào chiến trường lính đánh thuê thuộc binh đoàn Wagner và các tù nhân tình nguyện ra trận để đổi lấy tự do. Họ thí quân không thương tiếc, mỗi ngày có hàng trăm lính tử trận và bị thương. Đây là bằng chứng cho thấy Nga đang sa lầy, đang cố vùng vẫy trong tuyệt vọng. Để bù vào quân số bị thiệt hại trên chiến trường, Putin chỉ lấy quân trừ bị chứ không dám ban hành lệnh tổng động viên, vì lệnh tổng động viên sẽ đem lại phản ứng bất lợi về mặt chính trị cho Putin. Ông ta hy vọng vào mùa Xuân 2023, Nga sẽ có thêm chừng 150 ngàn lính để ném vào chiến trường.

Cuộc chiến liệu có thể kết thúc vào năm 2023 không, và kết thúc như thế nào?

Hiện Putin đang kêu gọi đàm phán, nhưng Ukraine không thèm nghe vì họ đang trên đà thắng lợi, họ chỉ chịu ngồi vào bàn nói chuyện khi nào họ cảm thấy các điều kiện thuận lợi ngả về phía họ. Ai cũng làm như thế thôi, chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Không ai có thể tiên đoán được chiến tranh. Chiến tranh là con thú điên cuồng, người ta chỉ biết rõ cục diện sau khi nó kết thúc. Nhưng dựa vào những diễn biến trên chiến trường giới quan sát theo dõi suốt gần năm qua, người ta thấy Nga đã không có một chiến lược hiệu quả, tổ chức quân đội thì lỏng lẻo, thiếu phối hợp giữa các binh chủng cần thiết cho một quân đội được trang bị bằng những vũ khí tối tân thời hiện đại. Thêm vào đó, hệ thống chính trị đằng sau cũng không biết học bài học để điều chỉnh kịp thời những sai lầm. Căn cứ vào những điều đó, các quan sát viên quốc tế khẳng định là Nga sẽ bại trận, nhưng bại trận như thế nào là chuyện khác, và không dễ có câu trả lời đúng đắn.

Theo chính các quan sát viên này thì có ba, bốn con đường Nga bại trận và mỗi con đường sẽ để lại những hậu quả khác nhau.

Con đường thứ nhất – con đường ít có khả năng xảy ra nhất – là Nga đầu hàng bằng cách chấp nhận hòa bình với những điều kiện thuận lợi cho Ukraine. Cục diện sẽ phải thay đổi nhiều để khả năng này có thể xảy ra vì mọi niềm tin giữa Nga và Ukraine nói riêng, giữa Nga và Tây phương nói chung, đã tan thành mây khói. Ukraine không tha thứ cho Nga sau những đổ nát thảm khốc, kể cả tội ác chiến tranh, Nga gây ra cho dân tộc họ, để họ chấp nhận một giải pháp ngoại giao. Họ chỉ chấp nhận một nước Nga bại trận trong nhục nhã và phải bồi thường chiến tranh cho họ. Đó chính là điểm khúc mắc vì vấn đề danh dự cho nước Nga.

Giải pháp có khả năng xảy ra hơn là, Putin hoặc một chính quyền Nga khác lên thay thế Putin, vẫn chiếm giữ Crimea nhưng phải trả lại tất cả các phần đất khác Nga chiếm đóng từ ngày 24/2/2022. Để trấn an dư luận bất mãn trong nội địa từ nhóm diều hâu hiếu chiến, điện Kremlin sẽ phải đưa ra sách lược đối phó dài hạn với Ukraine, mở ngỏ cho những cuộc phiêu lưu khác trong tương lai. Họ sẽ đổ lỗi cho NATO, vì NATO can thiệp nên Nga không chiến thắng ở Ukraine.

Nga có thể chọn con đường leo thang và kéo dài cuộc chiến vô hạn định. Putin có thể ra lệnh sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật, hoặc vũ khí sinh học, hóa học. (Putin nổi tiếng xưa nay là người khó tiên đoán được ông ta nghĩ gì, làm gì, và điều đáng sợ là không có gì ông ta không dám làm). Nếu trường hợp này xảy ra, NATO sẽ phải nhảy vào cuộc chiến, và sự thảm bại quân sự chắc chắn sẽ xảy ra cho Nga.

Chiến tranh Ukraine có thể kết thúc không phải tại chiến trường Ukraine mà tại điện Kremlin hoặc đường phố Moskva. Putin tập trung quyền lực trong tay mình, nhưng sự cứng rắn (và cứng đầu) của ông ta kiên trì theo đuổi một cuộc chiến đang thua có thể sẽ là xúc tác cho một vụ đảo chính, và nội chiến. Đừng quên lịch sử Nga, cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917 và cuộc nội chiến đẫm máu sau đó là hệ quả của cuộc chiến Nga-Nhật, trong đó Nga bị Nhật đánh bại trong nhục nhã. Chiến tranh Ukraine sẽ chấm dứt ngay sau khi Putin bị hạ bệ, một khả thể không phải hoàn toàn hoang tưởng, không thể xảy ra theo nhận định của nhiều người có thẩm quyền.

Chiến tranh kết thúc là điều mong đợi của mọi người, không riêng gì dân tộc Ukraine, vốn đang trải qua những thiệt hại và thảm cảnh kinh hoàng do cuộc chiến đem lại. Chiến tranh kết thúc với sự nhân nhượng của Nga cũng là cơ hội cho các quốc gia phiên thuộc như Belarus, Georgia, và Moldova mở rộng cánh cổng phía Tây để tiếp nhận làn gió mới từ Liên Minh châu Âu, hoặc rất có thể NATO. Từ năm 2008, dưới bàn tay hắc ám của Putin, Nga đã gây xáo trộn không ít cho thế giới bằng cách giành đất vẽ lại biên giới, can thiệp trắng trợn vào các cuộc bầu cử dân chủ, đem bom đạn giết chóc những người dân vô tội hòng giữ vững các thể chế độc tài thân Nga như ở Syria, v.v. Đã đến lúc nước Nga phải thay đổi để vãn hồi hòa bình thế giới.

Một chiến thắng sau cùng về phía Ukraine sẽ khẳng định nguyên tắc quốc gia tự quyết là đúng cho bất kỳ quốc gia nào trong khối cộng đồng chung thế giới, sẽ thúc đẩy châu Âu mạnh hơn trên đường đoàn kết hội nhập, sẽ giúp người dân sát cánh với nhau hơn để đương đầu với những thách đố có tính cách toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu. Ngược lại, nếu Nga thắng thì hậu quả sẽ khốc hại khôn lường. Nga sẽ áp dụng chính sách diệt chủng ở Ukraine, sẽ khống chế toàn thể châu Âu, không riêng gì Tây Âu, và bất cứ một viễn tượng tốt đẹp nào về một Liên minh Châu Âu cũng đều tan vỡ. Nếu kiểm soát được Ukraine, Nga sẽ tiếp tục “blackmail” thế giới bằng cách phong tỏa Hắc Hải, không cho xuất cảng lúa mì, ngũ cốc sang các quốc gia vùng Á-Phi. Nga chiến thắng sẽ tạo thêm sức mạnh cho các chế độ Phát-xít, độc tài toàn trị trên thế giới hiện thời, những chế độ xem chính trị chẳng qua là khán trường thiết dựng bởi những thành phần quả đầu chế tài phiệt giàu sụ với mục tiêu duy nhất là đánh lạc hướng người dân để tập trung quyền lực trong tay, và phá hủy mọi ích lợi chung thiết yếu cho cuộc sống cộng đồng. Nói cách khác, cuộc chiến ở Ukraine không hẳn chỉ là cuộc chiến sinh tử bảo vệ tổ quốc của quân dân Ukraine, mà còn là cuộc chiến định đoạt nền tảng cho những nguyên tắc sống còn ở thế kỷ XXI. Nó quyết định cho những khả thể về một nền dân chủ tương lai.

T.K.N.C.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.