(Trích hồi kí Lách qua luật ngầm)
Tạ Duy Anh
KỲ 5 – LUẬN TỘI
Lần này thì ngay cả nhìn vào đâu cũng là lựa chọn khó khăn cho Hữu Thỉnh và những người dự họp. Mất một lúc lâu Khuất Quang Thụy mới phá vỡ bế tắc bằng lời phát biểu. Nghe đồn ông nhà văn này nổi tiếng khôn ngoan, nên mọi người rất tò mò chờ ý kiến của ông, với tư cách là “quan thanh tra”. Ra mặt phê phán Nhà xuất bản trong đó có tới những bốn đồng nghiệp đang làm việc từng là đồng môn, chắc chắn không phải là lựa chọn thức thời. Nhưng ông phải thể hiện thái độ vì ông là đảng viên, là trưởng ban Kiểm tra của Hội, là cấp dưới thân cận của Hữu Thỉnh. Cuối cùng, phải công nhận là lời đồn về Khuất Quang Thụy không sai, khi ông bảo rằng, ông biết đến cuốn Trại súc vật từ hồi đi thăm và dự trại sáng tác văn học tại Liên Xô.
– Mọi người khen lắm. Khen hết lời luôn. Các thầy giáo dạy tôi cũng rất khen. Có thể nói cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt khắp nơi.
Khuất Quang Thụy dừng lại. Mọi người thở phào, coi như có thêm một phiếu ủng hộ cho phe “làm loạn”.
– Nhưng – Khuất Quang Thụy nói tiếp – hồi đó ở Liên Xô đang diễn ra cuộc cải tổ, tâm lý chung của dân chúng là ghét Cộng sản, ghét ghê gớm. Đâu đâu cũng muốn vạch tội Cộng sản. Có thể vì thế mà người ta rất thích Trại súc vật.
Thế là mọi người muốn hiểu thế nào cũng được. Một cuốn sách được nhiều người thích, chắc phải là cuốn sách hay. Nhưng cái đám thích ấy là những kẻ đang muốn bài trừ Cộng sản, chắc cuốn sách phải có tư tưởng, giá trị phù hợp với họ. Ông không nói cuốn sách chống Cộng, nhưng cũng khó để hiểu là nó không chống Cộng. Người nào hiểu thế nào, sẽ phải chịu trách nhiệm về cách hiểu của mình.
Đúng là Khuất Quang Thụy! Không bao giờ ông tự đẩy mình vào chỗ nguy hiểm.
Theo đúng thủ tục, Nguyễn Hoa cũng phải có vài lời. Ông nhà thơ này vốn hiền lành, lại từng tai biến nên nói năng nhỏ nhẹ, ba phải, ề à, chung chung chẳng chết ai nhưng cũng chẳng cứu ai. Chỉ cứ thấy “dưng mà, dưng mà, mới lại”…Đại ý Nhà Xuất bản cần rút kinh nghiệm và nên lắng nghe ý kiến lãnh đạo.
Giờ là giây phút đáng chờ đợi nhất: Hữu Thỉnh phát biểu. Ông sẽ phân tích, mổ xẻ, đưa ra quan điểm và kết luận về mức độ sai phạm của Nhà xuất bản và từng cá nhân liên quan, từ đó có hình thức kỉ luật thích đáng.
Thoạt đầu ông nhìn mọi người, cười cười nhưng là lối cười nhạt, cười hàm ý biết hết bụng dạ người khác, không giấu chút lạnh nhạt, rất đặc trưng Hữu Thỉnh khi cần phải mỉa mai ai đó. Bất ngờ ông nhìn thẳng vào tôi nói bằng thứ giọng nhẹ nhàng nhưng có gang có thép:
– Hôm nay tôi sang đây không phải để nghe ông Tạ Duy Anh kể công. Ai chả biết ông Tạ Duy Anh biên tập nhiều cuốn sách được giải – giọng ông không giấu sự giễu cợt.
Ông còn nói những gì nữa, vẫn bằng thứ giọng như vậy, nhưng tôi không để tâm. Sau đó ông quay sang vấn đề chính là cuốn Trại súc vật. Ông nói về tầm mức cực kì nghiêm trọng của việc để lọt lưới một tác phẩm chống Cộng vô cùng khốn nạn. Ông nhắc đi nhắc lại cụm từ cực kì nghiêm trọng. Ông tường thuật lại những lần lên làm việc với lãnh đạo Bộ Chính trị, nghe lãnh đạo đánh giá, nhận định, có đối chiếu với thông tin chứ không nói suông. Ông truyền đạt lại ý kiến của các chuyên gia, của các thành viên trong Hội đồng Lý luận Trung ương, của Ban chấp hành Hội nhà văn, của công an văn hóa…Tất cả đều thống nhất là vụ việc cực kì nghiêm trọng.
– Bảy mươi năm đảng ta canh chừng cẩn thận từng giây từng phút, vậy mà chỉ sơ sểnh hở ra mấy tích tắc là kẻ thù mang ngay được quả bom bẩn đặt vào tận móng nhà, với chủ định đánh sập – Miệng Hữu Thỉnh uốn lượn, mở ra, khép vào, bĩu môi sang trái sang phải, lên xuống theo cảm xúc của ông – Phải nhận ngay đây là một tội trạng lớn, một việc làm nhục nhã, không thể tha thứ – ông nhấn mạnh và khẳng định gay gắt. Không lý lẽ nào bao biện được rằng đây không phải là cuốn sách chống Cộng số một, một quả bom nguyên tử đánh vào hệ tư tưởng, một quả bom bẩn về văn hóa nhằm vào tim của chế độ với ý đồ rõ ràng là bôi nhọ rồi đánh sập. Đánh sập, đánh sập… tôi nhắc lại, không phải chuyện nhỏ đâu.
Tôi nghe hết ý kiến của nhà văn Tạ Duy Anh – Hữu Thỉnh không nhìn tôi mà quay sang những người khác – tôi nghe hết, hơ hơ… – ông Chủ tịch Hội cười nhưng mặt lạnh tanh – ông Tạ Duy Anh không ngây thơ thế đâu. Ông ấy bảo không có một từ Cộng sản nào trong cuốn sách thì sao bảo nó chống Cộng. Tôi nói luôn nhé: Nếu có một từ Cộng sản, ông Tạ Duy Anh sẽ chửi cái thằng nhà văn kia là kém, quá kém, không cao tay và ông ấy sẽ không kí biên tập để cho in. Chỉ cần một từ Cộng sản thôi, ông Tạ Duy Anh sẽ không kí cho in.
Ông nhìn lướt mọi người, trừ tôi, có lẽ vì ông không muốn thấy tôi đang cười thầm.
– Nhưng – Hữu Thỉnh tỏ thái độ là ông đi guốc vào bụng tôi – vì không nhắc gì đến Cộng sản, thì giá trị chống Cộng của nó mới cao, nó mới đáng để ông Tạ Duy Anh tìm mọi cách cho in ra. Tôi nói với các anh các chị, không đơn giản chỉ là việc in ra cuốn sách đen ấy, mang vào nhà quả bom bẩn ấy, mà ở đây là cả một kế hoạch, một âm mưu thâm độc, cực kì thâm độc, được cả một tổ chức ém sẵn, nằm im phục kích suốt nửa thế kỷ qua, chính xác là bảy mươi năm qua, lên kịch bản chi tiết, chuẩn bị ròng rã ngày này sang tháng khác để đưa bằng được quả bom bẩn ấy vào cửa nhà chúng ta. Tại sao lại in rất nhanh và nộp lưu chiểu vào sát Tết? Vì thời điểm ấy mọi người đều thiếu tập trung trong công việc? Quá kinh khủng! Quá thâm độc… Những câu hỏi này không dễ trả lời đâu. Một sự tính toán cực kì kĩ, chi tiết, có chỉ đạo, rất kiên nhẫn mai phục.
Bỗng Hữu Thỉnh gần như kêu lên đau đớn, toàn bộ cơ mặt của ông co lại thành từng nếp xô lệch (kẻ nào không tin ông đau đớn thật thì quá là vô cảm!):
– Tôi đau đớn lắm các đồng chí ạ! Tôi đau đớn lắm – có cảm giác tim ông sắp nổ tung – Chó, lợn, gà, ngựa… chúng nó gọi nhau là đồng chí – giọng ông nghẹn lại như sắp khóc – làm sao lại không đau đớn cho được. Chó, lợn cũng xưng hô là đồng chí, giời ôi là giời, còn gì để nói nữa, còn trời đất nào nữa.
(Khi Hữu Thỉnh kêu lên thảm thiết như vậy, tôi nghĩ nhanh trong đầu: Còn có nhiều đứa dưới mức súc vật nó vẫn xoen xoét gọi nhau là đồng chí đấy thôi, bác biết thừa).
Hữu Thỉnh bỗng quát lên, mắt long lanh quét một lượt:
– Chúng nó định làm nhục ai?
Tất nhiên là không ai trả lời ông. Nếu không cố kìm, tôi có thể đã phá lên cười. Có thể hầu hết những người dự họp nghĩ là Hữu Thỉnh đau đớn thật, thành tâm thấy có lỗi với cấp trên, muốn trừng trị thói ngang tàng coi trời bằng vung của tôi và lãnh đạo nhà xuất bản. Nhưng tôi thì biết rõ, cả lần này, Hữu Thỉnh cũng đang vờ diễn. Ông chả coi việc cuốn sách ra đời là cái gì ghê gớm. Nó in đầy ra kia, dưới mọi hình thức, ai muốn đọc lúc nào mà chả có. Vào Google gõ một phát ra cả đống, tải về bao nhiêu chả được! Tất nhiên in ở những chỗ khác và in ở Nhà xuất bản Hội nhà văn là hai hiệu ứng khác nhau và ông có dự phần trách nhiệm. Nhưng nó rất vừa phải thôi. Đừng nghĩ là ông đang bóc mẽ tôi để trừng phạt. Ông biết là tôi chả coi danh vọng, bổng lộc, thưởng … là thứ gì ghê gớm. Vả lại trừng phạt tôi không dễ, trong khi đó tiếng xấu sẽ để đời.
Với lại, phải nói thật là Hữu Thỉnh không có tâm địa hại tôi. Ông bắt buộc phải làm thế, trước hết và quan trọng nhất, để vừa lòng những người tin tưởng ông, đồng thời một công đôi việc, tiện thể dằn mặt cái “ổ nhóm” cứng đầu luôn gây cho ông những cơn nhức đầu. Chỉ có điều, rõ ràng là vì hoảng sợ, vì giận quá hóa mất khôn hay vì lý do nào khác, ông đã mất kiểm soát về ngôn từ trong việc lên lớp, chấn chỉnh cấp dưới.
Những gì ông nói về tôi vượt qua cả ý muốn tố giác tội phạm và chỉ có thể gọi là vu cáo trắng trợn, điều chắc chắn sẽ khiến ông hối hận. Nhưng nói thật là tôi không mảy may để bụng, không mảy may trách móc Hữu Thỉnh. Thậm chí tôi thấy có phần thương ông. Có khi nào tôi thấy Hữu Thỉnh bày ra tất cả sự thảm hại, thì chính là lúc ông “bán đứng” tôi. Nó cũng cho thấy ông rất yếu đuối, yếm thế với cấp trên. Người yếu đuối nào cũng đáng thương hơn là đáng trách.
Sau khi chỉ ra chiến thuật “giả ngố” của tôi, để khẳng định một lần nữa sự thành khẩn của mình trong việc nhận sai sót do buông lỏng quản lý, kiên quyết nghiêm trị cấp dưới, Hữu Thỉnh nhấn thêm:
– Nhà xuất bản phải thành thật nhận ra tội lỗi nghiêm trọng của mình – Và ông kết luận – Không thẩm định, xem xét gì nữa. Rành rành ra rồi. Quả bom bẩn rành rành ra rồi. Đánh phá chế độ rành rành ra rồi. Mọi lời nói của các anh các chị đều là bao biện hết. Phải nhận thấy tội của mình. Tội rất nghiêm trọng. Dứt khoát phải như vậy – lần này thì ông liếc nhìn tôi, hạ giọng – Việc kỉ luật ai, hình thức thế nào chưa bàn ở đây, ông Tạ Duy Anh ạ. Hôm nay chúng tôi mới sang nghe và xem các anh thành khẩn đến đâu, chứ chưa có quyết định cụ thể. Chưa.
Ông nuốt khan, dằn và kéo dài giọng, tay chém mạnh xuống:
– Chưa!… Nhưng nhất định phải kỉ luật.
T.D.A.
Nguồn: FB Lao Ta
KỲ 6 – ĐƠN GIẢN NHƯ SỰ THẬT
Chẳng có nhóm chống phá nào rình rập tận 70 năm.
Chẳng có bất cứ tổ chức nào đứng ra thuê mướn rồi chống lưng cho việc xuất bản Trại súc vật.
Chẳng có âm mưu thâm độc nào cả.
Chẳng có ai là kẻ chủ mưu.
Chỉ có BA THẰNG chúng tôi tham gia vụ “tày trời” này: Hai ông Nhã Nam và tôi.
Hai ông Nhã Nam là các nhà tư bản, vì thế, mục đích chính của họ là kinh doanh, nói thẳng ra là tiền.
Còn với tôi là quyền được ra đời của một cuốn sách văn học, quyền của độc giả được đọc một cuốn sách văn học, nhất là khi nó lại có giá trị lớn về tư tưởng.
Mọi bí mật về xuất bản cuốn sách, từ khâu đầu đến lúc có quyết định phát hành, được cả ba giữ kín tuyệt đối cho đến phút chót. Và chúng tôi đã thành công.
Sự thật chỉ đơn giản vậy thôi. Nhưng vì nó quá đơn giản, vì thế nó thường khó tin và khó nuốt.
Và nó đây:
Vào một hôm, Nhã Nam chuyển cho tôi bản thảo có tên Trại súc vật. Cầm bản thảo, đầu tiên tôi nhớ ngay đến bài báo mình đọc cách nay đã hơn hai mươi năm. Vì nó khá mỏng nên tôi quyết định thỏa trí tò mò ngay. Tôi mang về nhà, đọc đúng một đêm thì xong. Đọc xong, tôi bắt đầu đọc lời giới thiệu, của một nhà văn Rumani hay Anbani, hay của nước nào đó thuộc Đông Âu, để biết về lai lịch cuốn sách và vì sao nó bị cấm triệt để trong toàn khối xã hội chủ nghĩa.
Cảm nhận đầu tiên và khá dai dẳng của tôi về cuốn sách là vô cùng thích thú. Mặc dù các nhân vật đều là những con vật, nhưng chúng lại xưng hô với nhau là đồng chí, với lời nói, thái độ, tâm trạng hoàn toàn là con người, những kẻ mà tôi biết đã tạo ra bóng tối cho trái đất này và trùm lên cả đất nước mình suốt bao nhiêu năm. Nỗi ấm ức của kẻ bị lừa dối suốt thời tuổi trẻ khiến tôi vừa buồn cười vừa đau đớn. Sao mà cái thế giới lợn, chó, ngựa… kia lại giống với những gì tôi thấy ở thế giới con người đến thế. Nói chung nó khiến tôi cứ xuýt xoa reo lên: Tuyệt quá! Đúng quá! Bọn chó chết gây thảm họa là đây chứ đâu.
Thành thật mà nói thì tôi ít thấy sự ám chỉ mang tính chống Cộng, như người ta tố cáo, của cuốn sách, hơn là chế nhạo một bộ máy quyền lực thối nát đến tận xương tủy, chung cho mọi chế độ độc tài. Tức là nó có thể là bất cứ chính quyền độc tài nào chứ chẳng riêng gì Hitler hay Stalin.
Tôi thực sự bái phục cô bé dịch giả, khi cô mới chỉ ngoài ba mươi mà dám dịch một cuốn sách khổng lồ về tầm vóc và khó vô cùng về hành ngôn như Trại súc vật. Tôi không biết khi đọc nguyên bản bằng tiếng Anh nó hay đến đâu, nhưng cứ như bản dịch đã thấy quá tuyệt vời. Tôi cứ cười thành tiếng một mình khi đọc bài thơ đã chuyển ngữ của nhân vật tên là Út Em:
“Đồng chí Nã Phá Luân ôi!
Người là hạnh phúc trên đời chẳng sai
Người là bạn kẻ mồ côi
Người là cám bã ở nơi máng thùng
Hồn tôi thiêu đốt bừng bừng
Khi tôi nhìn sững vào trong mắt người
Uy nghiêm mà vẫn thảnh thơi
Như vầng dương đỏ trên trời bao la!
Người là đấng vẫn ban quà
Mà súc sinh cứ mãi là mong thôi:
Ngày ăn hai bữa rốn lồi
Đi nằm thì có rơm tươi rúc vào
Trẻ già lớn bé thế nào
Vào chuồng yên ấm chiêm bao giấc nồng
Nã Phá Luân chẳng mơ mòng
Đồng chí thao thức giắng trông muôn loài
Con tôi lợn sữa thơ ngây
Còn bú chán mới đến ngày bằng ai
Dẫu còn nhỏ tựa cái chai
Hay chày lăn bột quẳng nơi xó nhà
Với Người con học thật thà
Một lòng tin tưởng bao giờ cho nguôi!
Tiếng đầu con éc trên môi:
“Nã Phá Luân” chính tên người chứ ai”.
Tôi không thể không liên tưởng tới bài thơ Ca ngợi Stalin của Tố Hữu, đặc biệt là cái câu cuối cùng của bài thơ trong cuốn sách.
“Tiếng đầu con éc trên môi:
“Nã Phá Luân” chính tên người chứ ai”.
Chữ “ÉC” không thể tuyệt vời và thâm thúy hơn.
Ý nghĩ trong đầu tôi lúc đọc xong cuốn sách là phải in ra bằng được, với bất cứ giá nào. Phải cho những kẻ nào đó, nhiều nhan nhản, thấy nhục nhã khi đọc xong cuốn sách. Phải khiến họ không yên khi tiếp tục làm những việc nhơ nhuốc với lịch sử. Hơn nữa, không thể có chuyện vô lý khi hầu hết người dân thế giới được đọc, trong khi người Việt thì không.
Hôm sau tôi nhắn cho người của Nhã Nam đến gặp tôi ở Nhà xuất bản. Người của Nhã Nam hỏi ngay là liệu có qua nổi không. Tôi bảo nhất định phải in bằng được, với điều kiện đổi tên tiểu thuyết. George Orwell có thể lọt lưới, chứ Trại súc vật thì e khó. Vì nó quá lộ. Thứ hai, phải bỏ đi bài giới thiệu ở đầu sách. Đó chỉ là quan điểm của một nhà văn nước ngoài thôi. Hãy để cho bạn đọc hiểu theo cách của mình.
Thực ra là tôi nói dối. Bỏ bài giới thiệu đi thì không có bằng chứng bảo là tôi đã biết cuốn sách chống Staline. Cứ cãi nhau sòng phẳng dựa trên văn bản thì quá lắm chỉ hòa cả làng.
Người của Nhã Nam cầm bản thảo về, trong lòng có vẻ khá tâm trạng. Mãi lâu sau mới thấy cậu ta trở lại, với bản thảo đã đổi thành tên Chuyện ở nông trại và cắt đi lời giới thiệu, đúng như tôi yêu cầu. Cái tên Chuyện ở nông trại là do Nhã Nam đặt chứ không phải tôi như nhiều người có nhã ý ngợi ca tôi thông minh. Lúc bấy giờ có nhiều bản dịch Trại súc vật nhưng Nhã Nam chọn bản dịch của An Lý. Tôi không tiện hỏi lý do. Sau này có người bảo tiếc là không chọn bản dịch của một dịch giả nổi tiếng hơn ở Vũng Tầu. Có thể đó là sự thật nhưng tôi thì coi đó là số phận của một cuốn sách. Được vậy cũng là tốt rồi.
Không ngờ nhất là cái tên Chuyện ở nông trại, với tác giả George Orwell, lại dễ dàng lọt qua bộ máy canh gác nhiều tầng, vốn vươn ăng ten đánh hơi “phản động” suốt ngày đêm và giăng ra ở khắp nơi. Đó là chưa kể mạng lưới an ninh văn hóa dày đặc, cắm chân tại những cơ sở có dính dáng đến xuất bản, in ấn. Lại còn cả mạng lưới cộng tác viên nữa, cũng nhiều nhan nhản. Nhưng tất cả đều “mất cảnh giác” để lọt lưới cuốn sách mà họ canh chừng gắt gao nhất. Thế mới biết, để lưu tên tuổi vào trí nhớ bạn đọc khó biết là chừng nào. George Orwell, nhà văn được gán cho tội chống Xô Viết số một, bị Staline tử hình vắng mặt (nghe nói vậy) lại chẳng hề được biết đến ở những cơ quan chuyên đánh dấu tên các tác giả để đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Ngay lập tức tôi làm một bản thẩm định tác phẩm khá kỹ lưỡng. Nội dung của thẩm định đó đại thể như sau (Tôi không thể nhớ nguyên văn):
“Cuốn sách lấy bối cảnh nước Anh đầu thế kỉ 20, với các nhân vật, địa điểm, sự kiện, kể cả bài hát quốc ca đem ra chế nhạo cũng đều của nước Anh, vào thời kì chủ nghĩa tư bản thối nát nhất, từ đó xây dựng nên một câu chuyện ngụ ngôn thú vị, nhằm chế giễu sự chuyên quyền, đạo đức giả của giới chủ tư bản. Tác phẩm có giá trị phê phán và đề cao công bằng, vạch trần thói giả dối của những kẻ nắm trong tay sức mạnh tiền bạc, cấu kết với giới chính trị nhằm chà đạp nhân phẩm của người nghèo.
Đề nghị duyệt in”.
Tôi đem cả bản thảo và tờ thẩm định sang cho ông Trần Quang Quý. Ông Quý đọc qua lời thẩm định, nhìn bản thảo thấy nó có vẻ mỏng manh, lại của tác giả nước ngoài, hỏi tôi như thông lệ:
– Có vấn đề gì không?
– Chả có vấn đề gì, chuyện ngụ ngôn Anh Quốc ấy mà.
Ông Quý lật qua vài trang, nhìn vào những cái tên và địa danh phiên âm từ tiếng Anh, rồi đặt bút kí.
Tôi chuyển lại toàn bộ bản thảo và hồ sơ cho Nhã Nam để lấy giấy phép.
Đó là thời gian tôi sống với nhiều cảm xúc nhất mỗi khi đọc bản thảo nào đó. Tôi biết là mình vừa làm xong một việc tày trời, có thể lên giàn hỏa thiêu, nhưng đáng để một biên tập có lương tâm phải làm.
Bẵng đi thời gian dài, khi gặp lại người của Nhã Nam, tôi hỏi thăm xem Trại súc vật ra chưa, sao để lâu thế. Tôi bảo cậu ta thời cơ ngàn năm có một đấy, không có hai nữa đâu, thì cậu ta trả lời là bọn em còn cân nhắc, cũng thấy hơi ghê ghê. Nhìn thái độ của cậu ta thể hiện sự nghiêm trọng, tôi hoàn toàn thông cảm. Vì Nhã Nam là doanh nghiệp tư nhân. Vị thế của doanh nghiệp tư nhân, lại làm công việc kinh doanh có điều kiện, luôn bị theo dõi sít sao, thường là rất thấp. Vì thế, tôi đắn đo khá lâu mới nói khích:
– Chịu trách nhiệm pháp lý là Nhà xuất bản, là anh, thì không sợ, còn nơi chỉ biết in ra như các chú thì lại sợ. Tùy các chú thôi nhưng anh nhắc lại là không còn có cơ hội thứ hai đâu nhé.
Chẳng biết người của Nhã Nam nghĩ gì nhưng sau đó mọi việc vẫn im thin thít.
Lần ấy có hai ông Nhã Nam cùng đi viếng người thân của một cán bộ cơ quan. Trong khi chờ làm lễ truy điệu, chúng tôi lôi nhau ra một chỗ khuất, thảo luận về Trại súc vật. Hai ông Nhã Nam vẫn chần chừ chưa dám đưa in, vì sợ những hệ lụy không lường hết. Tôi bèn nói lại với cả hai là thời cơ chỉ đến một lần thôi. Tôi nói bằng thứ giọng khá gay gắt, lộ rõ sự trách móc. Thật lòng tôi nghĩ, giả sử có quan chức nào đó, do hiếu kì, đọc Trại súc vật, mà họ lại chưa mất hết liêm sỉ, thì họ sẽ xấu hổ, sẽ ngẫm nghĩ và biết đâu mọi sự thay đổi từ đó. Nhưng những ý nghĩ như vậy chỉ thoảng qua thôi. Cái chính với tôi là việc thưởng thức cuốn sách thuộc về di sản văn hóa thế giới, là quyền không thể trì hoãn của bạn đọc Việt và tôi tự thấy có nghĩa vụ đạo đức phải đưa đến cho họ.
Nghe tôi nói, cả hai ông Nhã Nam đều cảm thấy được khích lệ. Bỗng cả ba chúng tôi cùng đặt tay vào nhau rồi nâng lên cao, hô to: “Quyết in! Quyết in!” Tôi thì nhanh miệng bảo thêm: “Đéo sợ!”
Thế là không bàn cãi lăn tăn gì nữa. Ba chúng tôi cứ như là vừa làm nghi lễ thề bồi cảm tử trước trận đánh lớn.
Khoảng vài tuần sau thì sách ra khỏi nhà in. Khi đó là cuối năm, gần tết âm lịch, tôi bảo Nhã Nam chờ nộp lưu chiểu. Đó là thời điểm ở các cơ quan nhà nước không ai còn có tâm trạng nào để làm việc. Mọi người chỉ chờ để liên hoan, bàn chuyện mua sắm và quan trọng nhất là nhận phong bì quà Tết. To nhận to, bé nhận bé, ngay cả bảo vệ quét dọn cũng có quà. Mọi người đều dỏng tai hướng ra ngoài, chờ được mời gọi đi nhận quà. Bất cứ ai từng làm việc trong cơ quan nhà nước sẽ thấy mô tả của tôi vào loại khá tồi. Thực tế cuộc sống sinh động và hấp dẫn hơn nhiều lần. Không khí tiền bạc, lộc lá, biếu xén… khiến mọi người đều háo hức, hỉ hả, rộng lượng, hàm ơn, cảm động, tự hào vì mình may mắn hơn người. Nói chung là không còn tâm trí đâu nghĩ đến công việc, nếu không phải kẻ nào đó dở hơi, ấm đầu hoặc chơi cùn! Sách vở, tài liệu cứ tạm xếp vào kho, chờ ra Tết giải quyết. Có chết ai đâu. Ra Giêng ngày rộng tháng dài, giải quyết cũng chưa muộn. Và cứ phải qua rằm tháng Giêng mới thực sự làm việc trở lại.
Đó cũng là quãng thời gian lưu chiểu vừa đủ theo luật Xuất bản, để có thể phát hành một cách hợp pháp.
Tất cả đều được thực hiện hoàn hảo như kế hoạch CHỈ DO MỘT MÌNH tôi vạch ra.
Tận lúc Trại súc vật gây dư luận ầm ỹ, nhiều người trong cơ quan tôi mới biết nó được Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép.
(Còn tiếp)
T.D.A.
Nguồn: FB Lao Ta